Saturday, September 12, 2015

Tùy Bút: TUỔI THƠ NGÀY ẤY - Tôn Thất Hùng



Có rất nhiều người vẫn hay thắc mắc rằng tôi viết lời văn không giống như những bạn cùng thế hệ, rằng đọc lên nghe "xưa" quá. Biết sao bây giờ, vì từ những ngày 5-6 tuổi, mặc dù phải học những chương trình của chính quyền "cách mạng", nhưng thằng bé trong tôi đã tự tẩy chay những bài dạy con nít bắn súng, tiêu diệt Mỹ - Ngụy trong nhà trường rồi. Chẳng ai dạy tôi phải tẩy chay cả, nhưng tự tôi thấy nó quá dở nên không thèm xem, không thèm đọc. Tôi mang nhiều ảnh hưởng và chỉ thích những gì thuộc về văn hóa trước 1975, tức là nền văn hóa bị gãy ngang trước khi tôi có thể đánh vần Việt Ngữ. Thời ấy, những năm 77-78, tôi ốm tong teo, gia đình cho tiền ăn sáng, tôi đều bỏ heo, nhịn đói để dành tiền đi thuê sách truyện Tuổi Hoa về xem.

Những cuốn sách Tuổi Hoa này một thời là những món quà chữ nghĩa của thế hệ các anh chị lớn hơn tôi. Sau 1975, nó là thứ sách "phản động", Trong phường khóm luôn có những đợt đi “kiểm kê” từng nhà để tịch thu sách vở, băng đĩa xưa đem chất đống để đốt bỏ. Cứ sau những “phong trào kiểm kê” rầm rộ thì tình hình có vẻ lắng dịu lại, người ta lại buôn bán, cho thuê lén lút bên lề đường, ngoài vỉa hè, trong các con hẻm sâu. Tôi vẫn nhớ ngày ấy, lâu lâu lại chạy về nhà, leo lên lầu, tìm chiếc kẹp tăm của mẹ để moi con heo đất tôi nuôi. Moi được vài đồng là chạy qua bên kia đường xin thuê một cuốn truyện Tuổi Hoa đem về đọc ngấu nghiến. Nếu cuốn nào tôi thích quá thì lại gặp cô bán sách thưa:
- "Cô ơi, con bỏ tiền thế chân, con mua luôn cuốn truyện đó nghen Cô".



Khi nào Cô cũng dùng tay đỡ vành nón lá rách, ngước nhìn tôi cười nhân hậu
 - "Ừ, thì Cô bán và cho thuê sách luôn mà con, coi như con mua cuốn truyện đó luôn vậy".

Đó là cách tôi sưu tầm sách xưa. Cô bán hàng luôn ngồi dưới cột đèn, sụp nón lá, vừa bán vừa đọc sách, có khi cô còn chép lại những trang sách của một cuốn nào đó bị rách. Biết tôi thích đọc và sưu tầm truyện Tuổi Hoa và cả những sách của các nhà văn tên tuổi khác...cô luôn để dành cho tôi. Tuy nhiên cô cũng dặn tôi rằng có rất nhiều cuốn tôi nên cất để dành, sau này lớn coi, chứ nhỏ tuổi quá, đọc không hiểu gì đâu. Khi hai cô cháu đã biết nhau nhiều, cô có cho tôi biết, ngày xưa cô từng là cô giáo, nhưng cô bị đuổi dạy vì lý lịch quá xấu. Không được đi dạy chữ thì cô ra vỉa hè ngồi buôn chữ nghĩa, cái chữ Việt kiêu kỳ, quý phái của một thời.... Thằng Bèo ở xóm sau có lần nói với tôi rằng hãy đi bộ ra lồng chợ Phú Nhuận, chỗ bán gia vị, đồ khô, cũng có một ông ngồi cho thuê và bán sách cũ. Thời đó ông ấy cũng khoảng 60 tuổi rồi. Các bà bán trong chợ Phú Nhuận đều gọi là "Ông Thầy", vì nghe đâu ông cũng là một thầy giáo dạy Triết trước 75. Cũng như Cô kia, ông cụ cũng trôi dạt ra chợ đời ngồi bán sách xưa vì ông bị cấm dạy. So với sách của Cô gần nhà, sách của ông cụ trong chợ có vẻ dành người lớn hơn. Nhiều sách thuộc loại tham khảo với các tên tuổi lớn như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Nhã Ca, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Mạnh Côn, Trần Dạ Từ, Tạ Tỵ.... Ngày ấy tôi chưa được 10 tuổi, cho nên những cuốn sách tiểu thuyết, sách thuộc loại tham khảo của ông đối với tôi khó hiểu quá.

Tuy vậy nếu có dư tiền thì tôi cũng mua về cho các anh chị trong nhà đọc, bởi tôi tự biết đó là các cuốn sách rất quý. Trong khi tôi thường xuyên ra thăm cô bán sách gần nhà thì tôi lại ít ra chợ Phú Nhuận mua sách của ông cụ hơn. Một phần vì ông ít có sách Tuổi Hoa, một phần vì lần nào đi ngang khu chợ cá và chợ rau về, áo quần tôi cũng bị dính đầy sình, "đôi dép nhựt" làm bằng nhựa tái sinh mà Mẹ mua cho tôi, mang ra chợ nó cứ làm sình văng ngược dính đầy ống quần, lưng áo và có khi văng cả lên đầu của tôi. Có lần tôi thắc mắc rằng tại sao ngày nào Mẹ cũng đi chợ mà quần áo Mẹ không dính sình như tôi. Mẹ cười, bảo: "tại Me đi guốc, còn con đi dép"

Một ngày kia, sau Tết, tôi được nhiều tiền lì xì. Tôi chạy đi tìm thằng Bèo ở xóm sau nhà, rủ nó ra chợ Phú Nhuận với tôi để mua sách cũ. Nó nói: "Ổng bị ban quản lý chợ bắt rồi mày ơi, chính tao thấy hai thằng cha đuổi chợ vừa kéo, vừa khiêng ổng đi, còn có con mẹ kia mặt dữ như quỷ đi sau, xách cái bao cát đựng sách. Bị lôi đi nhưng ổng cứ rị lại rồi la to: tôi có tội tình gì mà các anh, các chị bắt tôi, giời ơi !!!!"

Nghe thằng Bèo nói vậy, tôi đã buồn cả ngày hôm đó. Tôi biết ông chẳng có tội gì, nhưng ông bị bắt vì những người bắt ông họ không biết đọc chữ. Cái này thì tôi rành lắm chứ không hề cường điệu, bởi vì tôi đã tận mắt thấy các vị trong ủy ban phường, công an phường ngày ấy ngồi học trong lớp bổ túc văn hóa lớp 2, lớp 3 buổi tối. Và ban ngày họ làm công việc cầm cân, nảy mực cho một xã hội...!!!!

 TÔN THẤT HÙNG

No comments:

Post a Comment