Friday, September 30, 2016

Thơ: HEO QUAY LÀM ĐƠN GIẢN - Chi Nguyễn



Thơ: CHÁI BẾP THÂN THƯƠNG - Tý Cô Nương


Thơ: AI CÓ THẤU - Chi Nguyễn


Thơ: THỊ MẦU THỜI NAY - Tống Ngọc Nga


Bút Ký: NHỮNG THÁNG NGÀY XƯA CŨ - Hồng Sang




Vào những thập niên 1960's ...cuộc sống nơi ruộng
đồng gợi lên cho tôi bao nỗi nhớ ,
Hôm nay tình cờ thấy mớ tép ruộng ...dĩ vãng xưa cũ bổng hiện về ....

Muốn có được những con tép ruộng xanh tươi ,thì phải đợi con nước lớn dâng lên , chừng đó thì 2 ông cháu vác tù lu xuống ruộng , để đặt rồi quay về nhà ...đợi buổi chiều nước rút xuống ...cá , tôm cũng theo dòng nước rút theo , chừng đến cái tù lu thì chúng bị kẹt lại bên trong ...3 cái tù lu mà ông Ngoại đặt ...lộn xộn tép , cá con ...những con cá con thì được ở lại nhà , và sẽ biến thành ơ cá kho tiêu thơm lừng ...
Bà Ngoại của tui tay thì bưng rổ tép đi thật nhanh miệng thì rao :
- ai ăn tép tháo hôn ....
Còn tui thì chạy u ra vườn tuốt mắm lá chuối khô và cầm theo cái chén theo chân Ngoại và hỏi :
- tép tháo là sao hở quại ?
- ờ ...thì ...tép được tháo nước từ trong ruộng ra .

Chòm xóm người thì mua 1 chén , người thì mua 2 chén ...v v ...khi mà rổ tép vơi dần ...tui cứ dzái thầm trong bụng là đừng ai mua nữa ...
Bà Ngoại tui ghé nhà Mẹ tui cho Mẹ vài chén ...tui xót ruột kêu lên :
- thui ...đừng bán nữa nha quại ...mình đem dìa rêm để dành ăn nghen quại .
Ngoại tui gật đầu và bảo :
- con cầm tiền chạy u lên quán mua nửa ký đường dìa ngoại rêm để dành ăn .

Vừa dìa tới nhà thì Cậu tui đã đào 1 củ khoai ngọt và đã gọt sẵn , quại bóc nhúm tép rửa xong cho vào cối giã dập dập để nấu canh khoai mỡ .
Cơm gạo mới thơm lừng .
Ơ cá con kho tiêu ...nứt mũi .
Nồi canh khoai mỡ bốc khói ....

"Cơm nghèo dưới mái nhà tranh"
"Làm cháu nhớ lại tuổi xanh qua rồi"
"Bây giờ nhớ lại bùi ngùi"
"Nghe như ...còn đọng trên môi ...ngày nào"... 


HỒNG SANG




Thơ: SỐNG ĐẸP- Mỹ Phượng


Thơ: CHỖ MẸ NGỒI - Hồng Sang


Thơ: PHIÊN KHÚC TÌNH YÊU - Tống Ngọc Nga


Thơ: TÌNH YÊU NHƯ LÁ MÙA THU - Chi Nguyễn


Thơ: MÂY VIỄN XỨ - Hồng Sang


Thơ: BƯỚM và BÉ - Mỹ Phượng


Thơ: Bé và BƯỚM - Mỹ Phượng


Saturday, September 24, 2016

Video Clip: Thầy VŨ ĐỖ CHUNG 's Birthday - Nguyễn thị Thêm thực hiện



Hồi Ký: TUỔI THƠ KHÔNG CÓ CÁNH DIỀU - Tống Ngọc Nga

Tựa mượn của nhà văn NGUYỄN TRÍ


Nơi tôi sinh ra và lớn lên ở đồn điền SIPH đó là tên của những ông chủ người Pháp họ đặt cho một vùng cao su của miền đông khi xưa. 
 Tôi không nhớ quãng thời gian mình còn bé xíu chỉ nhớ loáng thoáng tôi đã sinh ra và lớn lên tự nơi đây. Một miền quê không có những cánh đồng lúa vàng mênh mông trĩu oằn bông lúa chín và được nghe mùi rơm rạ, không được nhìn thấy ụ khói xám cao đốt đồng sau mỗi vụ mùa không có những cánh diều của tuổi thơ cùng cánh cò trắng từng đàn chao nghiêng cũng không có con sông dài với những hàng dừa soi bóng ru mình và những chiếc cầu tre lắc lẻo êm đềm bắc ngang nên thơ.
Nơi tôi sinh ra và lớn lên chỉ bạt ngàn là một cánh rừng cao su già đứng xếp hàng rụng lá mỗi độ thu về có lẻ đó là mùa đẹp nhất trong năm ở nơi đây và đó cũng có thể là hình ảnh buồn đã theo tôi rất nhiều trong suốt hành trình cuộc đời và khá nhiều cho những bài thơ sau này.
Khi mùa xuân đến những tán lá non màu vàng chanh mơn mởn cùng những chùm hoa cao su vàng nhạt bé xíu li ti nhỏ như hoa nhãn trước sân nhà vậy. Tôi thích nhất giữa hai màu pha trộn lẫn nhau , một của mùa thu vàng miên man và một của mùa xuân đâm chồi xanh lộc biếc. Cũng là khu rừng cao su ấy mà một bên là màu lá đỏ ối theo cơn gió hùa nhau tơi tả rơi ào ạt còn phía bên này thì những cánh lá non tơ run rẩy nép vào nhau trong gió đến là tội nghiệp.!
Khi lớn lên tôi cũng tạm lý giải riêng cho mình là : rừng cao su cách nhau chỉ một con đường nhỏ nhưng hai mùa khác nhau cũng ví như nước Việt tôi chỉ cách nhau chỉ con sông Bến Hải mà phát âm ngôn ngữ vùng miền giữa hai nơi cũng đã khác nhau rất rõ rệt . Hai hình ảnh đối lập khó tả mà dễ thương. Không biết cây me bên hông nhà lớn lên khi nào và do ai trồng? (sau này tôi có hỏi má tôi cũng bảo không biết?) Chỉ nhớ loáng thoáng cây me to ghê lắm ba bốn người lớn ôm giáp tay mới hết.




Tán lá me rộng không biết bao nhiêu mà kể. Mùa mưa chúng tôi hay trốn vào đó để chơi đồ hàng cho đến khi tạnh hết cơn mưa dầm vẫn không lo bị ướt áo. Đến khi bảy tuổi tôi mới được cắp sách đi học. Ngôi trường tiểu học do Pháp xây chỉ có ba lớp cho con em công nhân cạo mủ học : trường " ECOLE." Cho chúng tôi học vỡ lòng và đến hết lớp ba là do các dì Sơ ( Masoeur) dạy.
Má tôi theo đạo Phật nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng như in đoạn kinh thánh ngày xưa mà mấy dì Sơ bắt buộc bọn trẻ chúng tôi phải thuộc lòng mỗi khi vào lớp học và khi ra về tôi cũng không hiểu vì sao mình lại thuộc và nhớ dai đến vậy? Và dĩ nhiên tôi biết làm dấu thánh giá A Men thật là rành rẻ.
Ngôi trường làng tôi cách kiến trúc rất lạ, khi học trò ngồi học thì tầm mắt tha hồ mà ngắm mọi vật chung quanh trước sau tùy thích vì tường xây chỉ vừa ngang ngực nên khi đó tôi tha hồ ngồi mà mơ , mà mộng ... ( nhưng liệu hồn đừng để cho dì Năm bắt gặp nhé ? Dì Năm khét tiếng dữ dằn hay phạt quỳ và đánh rất đau.Chắc chắn bà sẽ bắt xoè đôi bàn tay xinh xinh ra mà nhận ngon ơ ba bốn roi. Roi là cây thước vuông bằng gổ mòn nhẳn thật đau điếng khi đã bầm thì đến cả tuần sau mới tan hết. Phía xa xa những cánh đồng cỏ May ngút ngàn và những cánh chuồn chuồn ớt rượt đuổi nhau bay chấp chới theo hình dích dắc dưới cái nắng lấp loáng của hai mùa nắng mưa. Sát cạnh ngôi trường là bót đồn lính với hàng rào kẽm gai dày đặc, và kề bên là tháp nhà thờ sừng sững ngạo nghễ, tiếng chuông đều đặn vang lên ngân xa mỗi khi chiều thứ bảy
Vào đầu tháng chúng tôi ngồi học vậy đó chứ thực ra đứa nào cũng như đứa nấy đôi mắt cứ chực trông chờ hẳn có hai lý do : để được nhìn chiếc chuyên cơ nhỏ bay trên bầu trời tiếng động cơ ầm ầm rồi hạ cánh dần xuống, dần xuống thấp gần mặt đất những vạt cỏ May nằm rạp ngã nghiêng dưới sức gió khủng khiếp của cánh quạt máy bay. Khi gần tiếp đất vài ba bao tiền được quăng xuống     
chúng lăn long lóc nhiều vòng mới chịu dừng lại rồi nằm im hẳn. Và dĩ nhiên ngày hôm sau mỗi đứa sẽ được ba má cho tiền để đi học nhiều thêm hơn một chút.  Khi đó ,bao giờ cũng có một chiếc xe jeep của ông chủ người Pháp chờ sẳn để người ta khiêng chúng cho lên xe để chở đi. Đó là tiền trả lương cho những người cao su cạo mủ.
Rồi tôi nhớ những đêm về, tôi thích được nằm rúc đầu vào nách má tôi để cảm giác được nghe mùi trầu vôi cay cay hăng hăng nồng nồng má nhai quen thuộc và được đôi bàn tay mềm mại của má, mân mê vuốt từng sợi tóc để tìm trứng và bắt chí. Thích nhất là được nghe má tôi kể chuyện ngày xưa : chuyện Thạch Sanh, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, và dù nhát gan nhưng tôi vẫn thích và bắt má kể chuyện ma, bao giờ cũng là câu chuyện cuối cùng...những con ma đêm đêm về mặc nguyên bộ đồ trắng, xỏa tóc dài phủ tận gót chân ngồi khóc trên nhánh cây hay trước ngôi mộ để hát ru con ngủ ầu ơ...ầu ơ..! Dưới ngọn đèn dầu " hột vịt" leo lét tôi sợ ghê lắm nằm trùm mền kín mít từ đầu chí chân nhưng vẫn ưa nghe đến nỗi thuộc lòng những đoạn ly kỳ hay lâm ly thương cảm tùy theo lớp lang của câu chuyện.
Nhiều khi má tôi quên kể tiếp chắc đang suy nghĩ bén qua chuyện khác tôi bắt chước kể nối đuôi thêm được một khúc và dĩ nhiên là tôi khoái ghê lắm?
Nhà vách thưa, đêm đêm có thể nghe được tiếng rơi của trái vú sữa hoặc trái gòn khô phía sau hè rụng lịch bịch tiếng đạn pháo xa xa tiếng của những quả M79 cứ nghe bắn " tóc" thì y như rằng sau đó vài giây là tiếng " ình" chát chúa, tôi thuộc đến từng chi tiết âm thanh của súng đạn trong cái đầu nhỏ nhoi của đứa bé mới tầm 6, 7 tuổi. Đêm đêm tôi thích nhìn xuyên qua khe vách trên bầu trời đen kịt vài ánh chớp sáng của những đóm hỏa châu khi mờ khi tỏ.
Tuổi thơ ấy chúng đã theo tôi đến khi lớn khôn và cho đến tận mãi sau này chúng cứ đeo đẳng theo tôi như một cái bớt trên da khó phai. Chúng vào những dòng thơ buồn rười rượi , khắc khoải da diết , vậy mà sao tôi vẫn yêu một Tuổi Thơ Không Có Cánh Diều của tôi.
TỐNG NGỌC NGA
( Viết theo yêu cầu của một vài người bạn thân quen của Nga trên facebook )

Sunday, September 11, 2016

Thơ: THUÊ ĐỜI...MỘT BỜ VAI - Tống Ngọc Nga


Hồi Ký: TRÁI CHÙM RỤM - P. Lieu



Hôm trước có người bạn nấu món cà ri, mời tới ăn, bọn tôi có thảy 5 người kể cả chủ nhà vừa thưởng thức vừa tán gẩu... Chủ yếu xoay quanh vấn đề ẩm thực và sức khỏe ( mà công nhận anh bạn tôi nấu ăn thật ngon hết sẩy ) . Ăn ngon mà lại sợ mập và bị nhiều co-let-tờ-rồ xấu!! Chúng tôi lại bàn về công dụng phòng bệnh và trị bệnh của rau cải, củ quả vân vân và vân vân, không biết bàn qua bàn lại thế nào, một anh bạn lại so sánh giá cả thực phẩm giữa Bắc Mỹ và Việt Nam... Thực sự mà nói mình bên này đi làm lương khiêm nhường mỗi tuần ít nhất cũng dư tiền ăn uống thỏa thuê, còn ở Việt Nam đi ra ngoài ăn một buổi tiệc thịnh soạn có khi tốn cả tháng lương công nhân. Nếu nói đến trái cây nữa, muốn ăn nho, táo Bắc Mỹ thì ôi thôi giá cả như trên trời á, nhất là trái cherry nghe nói giá gần 25 dollars một ký lô ở Việt Nam, còn ở Canada mùa cherries bán khoảng  5 tới 6 đô một ký thì phải. Nghe nhắc đến trái cherry tự nhiên tôi lại mường tượng thuở nhỏ bé tí teo khi còn mặc quần "tà lỏn" chạy lòng vòng,  tôi có đến nhà hàng xóm hái một trái gì nho nhỏ, khi chín nó có cái màu đo đỏ dễ thương và có vị ngọt ngọt rất đặc biệt ( mà trái này không có bà con họ hàng thân thích gì với trái cherry hết ).... Không nhớ rõ tên nhưng tôi lại nhớ có  trò chơi "chùm nụm 

chùm nẹo" nên tôi hỏi mấy người bạn có ai biết trái "chùm nhụm" không?  Bó tay ! không ai hiểu tôi muốn nói trái gì... ! Tức quá tôi bấm Gú Gồ tra hết mấy chữ gần giống âm như "Trái Chùm nhụm" của tôi thế là tôi tìm được trái CHÙM RỤM hoặc Bùm Sụm... Tui chỉ cái hình trên mạng cho coi, mọi người mới  ồ lên một tiếng , nói là họ biết và cũng có hái trái này ăn.... hồi còn nhỏ . Hehehe :-). Vậy là không phải chỉ có tôi hay hái trái "cấm" ấy ăn mà mấy người bạn của tôi cũng đã nếm qua mùi vị của nó rồi .
Tôi hào hứng quá, ăn cà ri xong tối về nhà tôi tiếp tục tra trên mạng tìm hiểu thêm về cây chùm rụm, không ngờ chẳng những nó là một cây cảnh mà nó còn có công dụng trị bệnh nữa.  Các bạn có thể lên mạng xem thêm nếu thích.
Còn cái trò chơi trẻ con thì tôi tra trên mạng và xin được phép cọp-bi đăng cho các bạn xem nhé
Trò chơi: CHÙM NỤM
* Cách chơi và luật chơi:
Tất cả các bạn chơi phải nắm tay lại và xếp chồng lên nhau. Tay người này xen kẽ tay người kia không được để hai tay của mình gần nhau.
Người nào để tay đầu tiên chỉ đặt một tay và cũng được xem là người bị đầu tiên , tay còn lại dùng để chỉ mỗi từ trong      
bài đồng dao tương ứng với một nắm tay.
 Tất cả cùng hát :
Chùm nụm chùm nẹo
Tay tí tay tiên
Đồng tiền chiếc đũa
Hạt lúa ba bông
An trộm ăn cắp
Trứng gà trứng vịt
Bù xe bù xít
Con rắn con rít
Nó rít tay NÀY

Đến từ cuối cùng “NÀY” trúng tay ai thì người đó phải rút nắm tay ra hoặc người chỉ chặt ngang nắm tay của người đó. Lúc này người bị phải chỉ thay cho người đầu tiên vừa hát vừa chỉ các nắm tay các bạn chơi. Cuộc chơi cứ thế tiếp tục đến hết các nắm tay thì trò chơi kết thúc.

Không biết sao mỗi khi nói tới trái chùm rụm thì tôi lại nhớ tới trò chơi này, chắc tại nó có vần giống nhau : Chùm rụm - Chùm nụm ???

Ôi trái chùm rụm ơi, ta nhớ mi quá ! Hic Hic. Mai mốt có dịp về Việt Nam ta sẽ đi tìm mi để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu..I LOVE YOU Chùm Rụm !

 
September 10, 2016
P. Lieu 

Thơ: CÓ PHẢI EM LÀ MÙA THU - Nguyễn thị Thêm


MÙA THU : Trình bày: MAI HƯƠNG - Thực hiện Video Clip: NGUYỄN THỊ THÊM

Saturday, September 10, 2016

Thơ: Ừ!, THÔI TA CÙNG ƯỚC... - Hoàng Dũng


Thơ: TRÒ CHƠI NĂM MƯỜI - Chi Nguyễn


Thơ: HOA MƯỚP - Tống Ngọc Nga


Nhạc: BÀI KHÔNG TÊN SỐ 8 - (Vũ Thành An) - Tiếng hát Cô NGỌC TUẤN


Thơ: VỊ THA - Lệ Quyên (Sưu tầm)


Thơ: CẢNH ĐẸP LÀNG QUÊ - Chi Nguyễn


Hồi Ký: CẢI LƯƠNG CHI BẢO - Năm Trầu



Năm ngoái tôi bị đòn 1 trận nhừ tử, dở sống dỡ chết vì mê cải lương. Mẹ tôi can không được, sai mấy đứa em chạy dìa Ngoại cầu cứu Bà. Ngoại lên nói có 1câu là Ba ngưng tay liền:" Thằng Tư...mầy hổng nuôi nó, trả về tao nuôi, nó ở dứ tao nó sướng thân...dìa trên nầy...bắt con nhỏ làm công chiện gần chết, mà hở ra mầy oánh, hở ra ...mầy oánh."
Số là như vầy, ở quê tôi hể cuối năm gặt hái xong thường hay có gánh hát về làng để hát giúp vui cho bà con trong những ngày giáp hột, lúc đó ai cũng có chút đỉnh tiền...nếu kẹt quá đong vài lít gạo bán thì cũng có tiền mua vé để coi hát.
Hôm đó có đoàn hát Ngọc Vân về hát ở làng tôi, đâu được vài đêm thì cô Đào nhỏ bỏ đoàn
(chắc đi theo tiếng gọi tình yêu) . Đêm đó ông Bầu sất bất xang bang luôn nên ông

năn nỉ tôi giúp ông đóng vai Tì nữ (đã nói rùi..tui có dáng lắm mà) .  . Ổng năn nỉ quá, tui thấy cũng ham vui
nhưng còn e sợ Ba vì nếu Ba tui mà biết được Ổng sẽ đánh tui nhừ tử, nên ông Bầu có năn nỉ:
" Cháu hoá trang lên..không ai nhìn ra cháu đâu...hãy giúp chú phen nầy..không thì kẹt cho Chú lắm..vai Tì nữ dễ ụi hà..chỉ bưng nước ra thôi." Tôi bấm bụng ..gật đầu..
Chừng lúc tui bưng nước ra sân khấu..đám bạn ở phía dưới la rân..."Chời ơi! ..Con Sang,con Sang kìa tụi bây ơi...Cả rạp nhốn nháo lên...tui chạy vào hậu trường chưa hết lo sợ..vừa run vừa cỡi"xiêm y" thì Ba tui ùa vô..Ba kéo tay tui dìa nhà..không nói không rằng...Ba quất túi bụi  vào người tui (Tỳ nữ chưa kịp tháo trâm cài lược dắt, mặt mày còn nguyên cả phấn son). Ông Bầu chạy xuống năn nỉ mà Ba đâu có tha... 
NĂM TRẦU


Thơ: BÔNG RAU MUỐNG - Mỹ Phượng




Thơ: CÂY KHẾ SAU VƯỜN - Hồng Sang


Thơ: HOA BÌM BÌM - Chi Nguyễn


Thơ: CHIM LẺ BẠN - Tống Ngọc Nga


Thơ: SÁU HAI TUỔI CHƯA GIÀ - Chi Nguyễn



Saturday, September 3, 2016

Thơ: ANH SẼ NÓI - Hoàng Dũng


Hồi Ký: CÚNG CHỢ PHƯỚC LONG - Năm Trầu



Làng tôi có tục lệ hằng năm, ngoài cúng đình, miễu,chùa, còn làm chay chợ (cúng chợ) được tổ chức vào ba ngày cuối tháng Bảy âm lịch, cúng lớn lắm. Mọi gia đình dù giàu, nghèo đều cúng, ngay cả những người bỏ làng đi mần ăn xa đều trở về vào ba ngày ấy.
> Họ cất một cái giàn bự lắm chứa hơn 100 cổ bánh, cổ gạo, muối, cổ bánh kẹo, cổ tam sên, cổ trái cây. Mỗi nhà cúng một cổ, chừng đi rước về đưa lên giàn trông rất đẹp mắt. Ví dụ như cổ tam sên thì có cua, tôm, thịt luộc, trứng.. nhớ năm đó ông Bảy Mạnh cúng một cổ cây xoài thiệt đẹp, ông chặt cây xoài sau nhà ông, dùng 4 khúc thân cây chuối kết thành cái bồn và gắn cỏ chung quanh cây xoài, ông luộc trứng vịt luộc rồi nhuộm xanh, vàng, xỏ nhợ treo lủng lẳng trông đẹp. Còn các người khác, mỗi người làm mỗi kiểu khác nhau, kiểu nào cũng đều coi đẹp mắt.
  Những Thầy các chùa đều tụ về đông đủ, dân các làng kế cận đều đến xem, những người đi làm ăn xa cũng lần lượt kéo về,đó là truyền thống lâu đời. Đặc biệt phải có 6 người học trò lễ, 6 người nầy phải được lựa chọn thật kỹ,phải là trai tráng khoẻ mạnh trong làng chưa lập gia đình, tuổi từ 17-18, phải tập dợt trước cả 
tháng trời, cách đi đứng y chang ngau, tập quỳ bái, 

 thật nghiêm túc. Năm đó làng tôi đã tuyển học trò lễ xong, đã tập dợt xong rồi. Nhưng lúc gần làm lễ chờ hoài sao hổng thấy thằng Tiến. Cả nhóm nhốn nháo đi tìm nó, hỏi ra mới biết Tiến gặp nạn,không biết vì xui xẻo hay vì lật đật, nó bị lọt xe đạp té xuống hố trầy hết mặt mũi, bị trặt chân, bao nhiêu người lo lắng, không ngờ đến phút chót xảy ra cớ sự nầy, kẻ thở ra, người thở vào.
  Nhất là ông Hai Cả, ông lo nhất.. .thấy vậy tôi đưa tay lên nói: "Để cháu thế cho" Bao nhiêu cặp mắt hướng về tôi. Ông Cả trố mắt: "Cháu mần được?". Tôi gật đầu đáp: "Dạ ..cả tháng nay..họ dợt, ngày nào cháu cũng bồng em lên coi, nên thuộc hết rùi.." Ông Cả mừng quính bảo: "Đưa ..đưa em cho tụi nó bồng giùm... dìa tắm rửa sạch sẽ mau lên đi cháu.. trể quá rùi cháu ui! ".
Bộ đồ lễ tôi mặc rất là vừa (đã bảo là cây tre miễu mà). Chúng tôi 6 người,chia làm 2, mỗi bên 3 người, trên tay mỗi người đều ôm1 con hạc bằng đồng, trên lưng hạc có cái chá để gắn đèn cầy (nến). Với tư thế sẵn sàng, khi thầy lễ đọc: "Cúc cung bái.. thủ vĩ bình thân.." .Kèn trống nổi lên, thì 6 học trò lễ chúng tôi 2 bên tả hữu phải thủ bộ đi kiểu đi rất đẹp, phải điệu bộ đàng hoàng.
 Hai tay ôm con hạc để ngang tầm mắt, tay vòng thật tròn, chân phải đưa ra phía sau, chân trái nhún xuống, chân phải đưa vòng qua chân trái rồi đá mạnh về phía trước,và rồi chân trái phải bước theo chân phải(mặt), cứ thế mà đi theo các thầy, đi vòng vòng hết tất các bàn thờ.. và các giàn cổ bánh cúng.Có đứa về mét ba tôi, ông lên xem, vừa thấy ba.. tôi đâm ra lính quính cho nên cây đèn cầy trên lưng con hạc rơi xuống đất,ba tôi nhanh chân bước tới nhặt lên và cho tay vào túi quần móc cái bật lửa mồi lại cây đèn cho tôi .kề tai tôi: "Ráng lên con...đừng run". Được câu khích lệ của ba, tôi mới hoàn hồn.
  Xong buổi lễ, thầy trò được nghỉ ngơi cả tiếng đồng hồ, tôi lột trả hết áo mão, bồng em về không dám đi ngõ trước, rón rén vòng ra ngã sau thì ba tôi kêu:"Sang đâu? Dzô ba biểu.."Lại một phen nữa hồn vía lên mây (Ba tôi nghiêm khắc lắm). Tôi nhủ thầm:"Chết rồi,không có mẹ ở nhà ai binh giùm mình đây? "Tôi rón rén bước bên ba rưng rưng muốn khóc, ba xoa đầu khen giỏi, tôi lắp bắp: "Ba... Ba hổng oánh con thiệt hả Ba? "Ông cười xoà:" Không..hổng oánh...mà còn thưởng nữa... con muốn gì? Mai Ba đi Long Thành Ba mua cho.." 
NĂM TRẦU