Saturday, September 26, 2015

Tùy bút: THU CỦA TÔI (1) - Nguyễn Thị Thêm



Tôi và Thu ở chung một xóm. Cái xóm nhỏ của một làng quê nghèo.
Con đường nhà tôi qua nhà Thu phải đi qua nhà thờ. Nhà thờ nhỏ , cũ kỹ không được tân trang sau biến cố năm 75 nằm chơ vơ lặng lẽ. Trước nhà thờ là hang đá. Hang đá loang lổ xám xịt. Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ quạnh quẻ đơn côi,  . Chú lừa con đứng trang trí đã bị mất một vành tai.  Một số lớn giáo dân đã bỏ đi tìm nơi khác sinh sống.  Buổi lễ nhà thờ thưa thớt vắng người .  Gác chuông đứng chơ vơ, mỗi chiều buông hồi chuông buồn "đính đoong" của ông trùm ngoan đạo.Những bước chân con chiên đến đây ngượng ngập, lo lắng vì sợ vì bị theo dõi.Tan lễ là vội vã đi về.
Tôi không theo đạo và Thu là một con chiên nhỏ. Chúng tôi hay ghé vào hang đá này và Thu thường quỳ xuống cầu nguyện. Bàn tay nhỏ bé đưa lên làm dấu thật dễ thương. Thu kể về những ngày họ đạo đông vui trước ngày "Giải phóng" Em le lưỡi nhún vai nói hai chữ này rồi cười cười:
-Sao được giải phóng rồi mà nhà thờ bị bỏ phế vậy anh?
- Anh không biết ?
-Bộ cán bộ không thích Chúa hả anh?
-Anh cũng không biết.
-Sao cái gì anh cũng không biết, em hỏi mẹ mẹ nói" Đừng hỏi bậy bạ. Coi chừng có người nghe."
- Thì em đừng hỏi.
-Thế nhưng mẹ lại bảo hãy yêu kính Chúa vì Chúa rất nhân từ. Chúa nhân từ sao cán bộ lại ghét.



- Anh cũng không biết.
- Thế anh có yêu Chúa không?
- Anh không có đạo . nhưng anh thấy Chúa cũng thật dễ thương và đẹp.
- Vậy anh yêu ai.
- Ba Mẹ và ông bà
- Không! Em nói ông gì cao hơn ba mẹ .
- Ờ! Ông Phật. Mẹ anh nói ông Phật cũng hiền lắm.
Tôi nói với Thu như vậy vì tôi thấy Mẹ hay quỳ xuống lạy mỗi đêm. Mẹ quỳ thật lâu sau khi các con đã ngủ. Trên bàn thờ có hình ông bà cố tôi thấy có hình một ông Phật mắt nhắm lại, tay chấp ngồi dưới một gốc cây . Mẹ nói đó là ông Phật Thích Ca. Ổng là Thái Tử, giàu lắm mà bỏ hết đi tu.
Tôi cũng đem kể lại cho Thu nghe và giữa chúng tôi, ông Phật hay Chúa đều tốt như nhau. Chúng tôi là những đứa bé con nhà nghèo cùng học chung một ngôi trường làng nên quấn quít và hiểu nhau nhiều.
Gia đình Thu là gia đình người Bắc công giáo. Thu không biết nhiều về gia đình vì Thu còn quá nhỏ. Nhưng theo má tôi kể lại là ông bà Thu đã theo tàu há mồm từ Bắc vào Nam năm 54. Thu bảo em tên Thu vì mẹ sinh em vào mùa thu  mà bà thì lại rất yêu mùa thu Hà Nội.
Bà thường kể miền Nam nắng nóng không có mùa thu nên chả có gì lãng mạn. Mùa Thu Hà Nội đẹp nhất cơ đấy. Những hàng cây rũ lá mộng mơ, những con đường thật đẹp và những kỹ niệm về Hà Nội nhỏ nhặt còn vương lại trong đầu óc ngây thơ  thuở bà còn bé.
.

Thu thật dễ thương trong mắt tôi, em ngây thơ, trong sáng. Còn tôi tuổi mới lớn thấy có cái gì khang khác mỗi khi Thu ngã vào tôi vòi vĩnh như một em bé. Tôi thích nhìn em cười và thích nghe em nói. Ăn một chút gì ngon là tôi lại nghĩ đến em và muốn đem đến cho em ăn để nhìn hai hàm răng nhỏ nhắn cắn ngon lành. Má nói" Cái thằng Tuân đã dậy thì rồi. Giọng khàn khàn vịt đực.
Thế nào là dậy thì tôi không hiểu, nhưng trên mặt tôi đã có những vết mụn xấu xí chớm mọc và tiếng nói như bị chận lại khàn đục kỳ kỳ.
Tôi hay nóng nảy , bực bội , cơ thể như muốn thoát xác để cao hơn, lớn hơn và mạnh mẽ hơn.
Một chiều sau giờ tới trường, tôi theo Thu lởn vởn ở sau nhà thờ, hai đứa nhặt những hoa sứ để kết lại làm thiên thần. Thu mang vương miện hoa sứ thật đẹp. Còn tôi tôi nói :
- Anh không đội vòng hoa đâu. Anh là con trai mà, anh phải đội cái khác.
Thu mím đôi môi nhỏ một hồi rồi nói:
-Em biết rồi, anh phải làm vua.
Thế là Thu bắt tôi hái lá và chúng tôi kết thành một cái mủ lá để đội lên đầu.
Hai chúng tôi quỳ bên chân Chúa Hài Đồng. Thu lâm râm cầu nguyện, tôi nghiêng người lén nhìn Thu và có cảm giác hai đứa giống như vua và hoàng hậu trong một bức tranh vẽ tôi đã thấy.
Tôi hay dắt Thu ra bãi xem nhóm con trai chúng tôi đá banh . Mỗi khi tôi có banh trên chân là nghe tiếng Thu hét lớn cổ động.
-Nhanh lên, nhanh lên...sút.
(còn tiếp)

Tùy Bút: THU CỦA TÔI (2) - Nguyễn Thị Thêm



Tiếng hét lớn của Thu khiến đôi chân tôi chạy  không biết mõi mệt và tôi giữ mãi trong đầu một ý nghĩ " Tôi sẽ thắng cho em vui"

Tôi học hết lớp năm trường làng tôi ra huyện học trung học, mỗi ngày tôi không còn chơi với Thu như trước. Tuổi học trò mau quên và bài vở cũng nhiều, đôi lúc tưởng chừng như tôi quên đi hang đá và cô bạn láng giềng nho nhỏ xinh xinh.
Cuối tuần Thu hay đến nhà tôi chơi và hỏi bài vở. Tôi đã biết ngại khi Thu nắm tay tôi lắc lắc vòi vĩnh như ngày xưa. Tôi khẻ khàng rút tay ra, mặt đỏ lên ngại ngần.Thu cũng đã bắt đầu lớn, gương mặt bầu bỉnh hồng hồng và tóc đã biết chải lên kẹp một chiếc nơ khá xinh. Nhưng đối với tôi Thu vẫn coi như là một người em gái nên rất tự nhiên.
Dường như khi lên trung học là đã bắt đầu lớn, tôi đã thấy những cô bạn cùng lớp mặc những chiếc áo dài trắng xinh đẹp, Những tà áo dài bay như những cánh bướm trong sân trường và tôi biết đỏ mặt quay đi khi cái nhìn bất chợt hướng về một bộ ngực vun tròn núp trong lần áo.
Cơ thể tôi bắt đầu đổi khác, những cái mới mẻ lạ lùng xuất hiện trong tôi.Thu đã xong trường làng, em lại cùng tôi đi học dù hai lớp khác nhau. Con đường đến trường khá xa nên chúng tôi thường đi bằng xe đạp. Buổi sáng mặt trời chưa lên, nhóm chúng tôi đã lên đường. Tôi hay chạy sau xe Thu mỗi khi có một chiếc xe chạy qua để bảo vệ em hay để ngắm em với tà áo dài con gái . Tà áo nhét dưới cặp sau ba ga xe bay phồng theo gió. Buổi chiều tan trường tôi lại chờ em ra rồi lại cùng song đôi về nhà.
Những hàng cây thẳng tắp che mát cho chúng tôi, những ước mơ dường như đã ươm mầm trong đôi mắt. Tôi không còn dám long rong tắm suối khi Thu có mặt. Không dám tự nhiên vạch quần


chỉa vào một gốc cây tự nhiên như ngày xưa. Tôi không còn nhìn Thu soi mói tinh nghịch mà nhìn em với cái nhìn hơi cúi xuống e dè.
Tà áo dài làm cho con gái khác đi nhiều lắm. Cũng hai má hơi bầu bĩnh mà sao giờ như pha chút phấn hồng. Cũng đôi mắt đó sao bây giờ đen hơn và long lanh thế ấy. Cũng Thu với dáng nhỏ nhắn cao cao mà sao bây giờ dịu dàng yểu điệu. Tôi lắc  đầu ráng bỏ đi cái dáng Thu trong tâm trí của tôi . Ờ ! miền Nam không có mùa Thu nhưng mùa Thu Hà Nội vẫn hiện lên hàng ngày với những gì bàng bạc nhớ nhung.
Mùa mưa miền Nam kéo dài với những cơn mưa bất chợt, những cơn mưa như  không muốn dứt. Học trò chúng tôi sợ nhất những chiều mưa. Không dầm mưa về nhà thì trời sẽ tối. Những chiếc áo mưa con nhà nghèo làm sao chống lại với những cơn gió theo mưa hất tung loạng choạng. Thu đội nón lá, chiếc nón lá bọc gió như muốn hất tung người. Gài nón vào ghi đông thì những hạt mưa như những làn roi quất vào mặt đau điếng. Hôm nào trời mưa là bọn học trò nghèo ở xa lóp ngóp, ướt nhẹp, tội tình. Chúng tôi nói với nhau đem thêm một bộ đồ bỏ vào cặp rồi bọc ngoài một lớp ny long. Sáng hôm nào đi học bị mưa có sẳn mà thay. Còn mỗi lần về mắc mưa thì đôi khi lạnh quá đạp xe không muốn nỗi. Những lúc đó dựng xe vào một gốc cây to núp mưa, chúng tôi đứng tụm vào nhau lạnh run lập cập. Lại sợ sét đánh nên chỉ một chút là vội vã lên đường về.
Một buổi chiều trời mưa như trút nước, chúng tôi như muốn kiệt sức vì đạp xe dưới cơn mưa tầm tã suốt đoạn đường xa. Đến cây cầu để về nhà thì nước trên nguồn đổ về cuồn cuộn. . Do sau 75 người ta chặt cây, phá rừng không kể số. Nước như được giải phóng hoang tàn, ồ ạt, giận dữ trôi về đồng bằng. Chúng tôi cả bọn dừng xe nhìn cái cầu ngao ngán. Nước lũ vẫn tràn về chảy xiết trên cầu. Đứa nào cũng rét run và đói bụng.
- Liều thôi, mình đi chầm chậm chắc không sao?
- Nhưng nước chảy xiết quá
-Thế chả lẽ đứng mãi ở đây chịu trận. Em lạnh cóng rồi.
Thu nói xong dợm đẫy xe đi. Mấy đứa kế Thu cũng tán thành la lớn;
- Mình lên đường, cẩn thận nghen.
Chúng tôi dò dẫm từng bước. Nước chảy xiết cuốn bước chân liêu xiêu. Thu đã qua được nửa cầu bỗng bánh xe vấp phải một cái gì đó đão mạnh hất Thu té xuống. Mấy đứa chưa biết làm gì thì nước đã cuốn Thu đi. Cuốn nhanh , cuốn nhanh như thác lũ.
Chúng tôi đồng loạt la lên rồi ghì chặc lấy nhau đứng chết trân trên cầu. Cả xe và người Thu trôi theo dòng nước. Chỉ thấy tà áo nhấp nhô theo nước cuồn cuộn trôi xa. Thật lâu ,nhích  từng chút chúng tôi mới qua được chiếc cầu định mệnh. Cả bọn vừa khóc, vừa la chạy như bay về báo gia đình. Tôi chạy đến nhà Thu báo tin trong nước mắt. Cả xóm bừng dậy, tiếng kêu la náo động nguyên cả xóm.Từng tốp người đổ về con suối .
Trời vẫn mưa không ngớt hột, từng cơn chớp lóe lên hung bạo. Tôi vừa khóc, vừa vuốt nước mưa trên mặt chạy theo ba tôi. Người trong xóm như điên cuồng lội theo con suối tìm Thu nhưng hoài công. Nước hung bạo cuốn em về cuối nguồn. Đêm dài bất tận, mưa gió tơi bời. Tôi ngồi run bên bếp lửa, nước mắt đã không còn để khóc. Thu ơ! Mùa Thu Hà Nội trôi dạt về đâu.
Mãi tới gần sáng trời mới tạnh mưa, người trong xóm bỏ cả ngày làm đi tìm xác em. Mẹ Thu chết đi sống lại, bố Thu như già đi chục tuổi, má tôi đi tới đi lui vừa lau nước mắt vừa niệm Phật.
-Tôi nghiệp con bé! A Di Đà Phật, cho con bé bình yên. Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát độ trì cho con Thu tai qua nạn khỏi.
Má lẩm bẩm cầu nguyện, còn tôi hết muốn đến trường. Tôi muốn nhìn Thu, tôi muốn ở nhà để thấy em. Tôi cảm thấy tim mình đau lắm. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận mình vừa đánh mất một cái gì to lớn vô cùng. (Còn tiếp)


Tùy Bút: THU CỦA TÔI (3) - Nguyễn Thị Thêm



Người ta đã tìm được Thu. Xác em tấp vào một gốc cây bị đánh bật rễ ngã nghiêng bên bờ suối cuối nguồn.  Chiếc xe đạp bánh sau bị móc vào rễ cây bập bềnh theo nước. Mặt em úp xuống. Vạt áo dài nhuộm đỏ màu đất phù sa. Một đêm no nước, thân xác em như phình ra tội tình.
Người ta đem em về, nhưng tục lệ cử kiêng xác em không được đem vào nhà mà quàng trong một cái hòm gỗ đặt ngoài sân dưới cái lều bà con che tạm. Tiếng khóc của gia đình vang lên não nuột. Tôi không còn tha thiết gì bài vở. Hình ảnh em quơ quàng, chới với khi bị nước đánh xấp trôi đi ám ảnh tôi từng giờ.
Tôi như điên loạn, tôi che dấu cảm xúc của mình, tôi không dám la lớn, hét to, tôi giận mình bất lực, tôi tức tôi không đi sát bên em để kéo em lại. Tôi thù ghét những người cưa đốn cây rừng, tôi ghét ông trời, tôi giận cơn mưa, tôi muốn chặt phăng câu cầu oan nghiệt. Tôi thấy chiếc áo trắng em cuốn theo dòng nước, tôi thấy đôi mắt em mở to ngơ ngác. Tôi thấy dường như Chúa hài đồng đưa tay nắm lấy tay em. Tôi nghe tiếng chuông đính đoang đính đoang, tôi nghe người ta cầu nguyện . Tôi thấy tôi nắm tay em, bàn tay dịu mềm và nụ cười rạng rỡ. Tôi muốn đưa tay em lên hôn, một cơn chớp lóe lên,

mưa xối xả, tôi chạy trong mưa,.em chạy trong mưa, tôi gọi em thảng thốt Tôi sốt ngay sau hôm đó. Đám tang em tôi nằm bẹp trên giường. Má không cho tôi đi theo đám bạn đến phúng điếu em. Tôi mơ màng nghe cả nhóm lao xao tới thăm, tôi nghe má tôi thì thầm  và tôi thiếp đi trong tiếng kêu của em gọi tôi kinh hãi trong vô vọng.Nhiều năm qua rồi, tôi đã không còn ở cái xóm cũ có em ngày đó. Tôi đã đi theo gia đình xuất ngoại và đã ra trường làm việc. Bên này trời đất có đủ bốn mùa và mùa Thu rất đẹp. Mùa Thu Virginia với những
hàng cây đổi màu vàng rực. Những con nai ngơ ngẩn lang thang. Mùa Thu lá rụng bay bay theo gió. Trời se sắt lạnh và tôi hay đi dài theo con đường dọc theo con suối để nhớ mông lung.
Tôi đã chạm vào mùa thu thật sự. Đón nhận hương thu bay theo gió và hưởng tất cả thi vị dịu dàng, lãng mạn của thu. Nhưng trong tôi hình ảnh Thu vẫn mơ hồ ẩn hiện. Em với tôi như kỹ niệm, như sự sống, như cuộc đời.
Thu của tôi đã đi xa, vĩnh viễn đi xa như thời thơ ngây tuổi trẻ của tôi không còn.

Tôi hái một lá thu vàng thổi bay theo gió.
- Bay đi, bay đi  chiếc lá nhỏ mùa thu dễ thương.
-Bay  đi, bay lên cõi vĩnh hằng tươi đẹp, Thu thiên thần ngày đó của tôi.


Em đã đi xa " mùa Thu Hà nội."
Còn lại bên tôi Thu Virginia.
Những chú nai vàng lạ lẫm bước ra.
Đứng ngơ ngác như tìm ai đã mất.

Tôi nhớ em, từng mùa thu ngây ngất.
Lá thu vàng bay giữa nắng mùa thu.
Cái chết tội tình, cô độc , hoang vu
Em chới với như lá thu rơi rụng.

Thu của tôi! dáng học trò bé bỏng.
Lời tỏ tình chưa kịp nói trên môi.
Nụ hôn đầu  trong giấc mộng đơn côi.
Em trong trắng cho tình tôi e ấp.

Vĩnh biệt em yêu, mùa thu đã mất.
Chỉ còn đây thu của những hoài mong.
Đừng chạm vào em, một vết thương lòng.
Mãi mãi nằm yên, trong tim thổn thức.



NGUY ỄN THỊ TH ÊM
Viết cho một người em
Mùa Thu Virgina 2015

Saturday, September 19, 2015

Thơ: HẠ CHƯA RỜI SAO ÁO LỤA ĐÌU HIU - Từ Tú Trinh


Truyện Ký: ƯỚC MƠ CỦA BÉ NHÈ (1) - Nguyễn Thị Thêm






Dì Tư cẩn thận đưa chén nước mắm vào đôi tay bé Nhè. Dì vuốt tóc nó :
- Rồi nè con! Đem về cho má.
-Doạ, coann coám ơn dì ...dì Tu
- Ờ! đi cẩn thận.
Con bé bước từng bước chậm chạp ra cửa. Dì Tư còn đứng đó ngó theo.

Bé Nhè là con của cô Hai Thân trong xóm. Cô Hai có chút ít chữ nghĩa nên làm thư ký cho cái đội sản xuất nhỏ của cơ quan. Cái lương thư ký trong thời buổi ăn bo bo thì cũng không có là bao nhiêu tiền. Cô Hai xuất thân là con gái của một gia đình khá có tiếng tăm. Từ nhỏ cô được nuông chìu lắm vì cô là con gái đầu của họ.
Gia đình cô có tiếng mà không có miếng bao nhiêu. Ba cô làm thư ký cho hãng của Tây nên được người ta tôn trong gọi là Thầy. Nhà Thầy Bắc đông đúc lắm bởi lẽ ông có tới ba giòng con với ba bà vợ.
Lương công chức không biết có nhiều không nhưng ông lại ghiền á phiện. Cứ tới cữ là ông ngáp dài ngáp ngắn. Thiếu thuốc ông như con sư tử thiếu mồi la mắng vợ con vang trời.  Ba bà với hơn một chục đứa con nhưng đứa nào cũng sợ ông. Thấy bóng ông là tụi con tìm cách lẫn ra xa. Khi mà được ông gọi tới là dù con bà cả hay con bà nhỏ cũng rụt rè khép nép.
Dì Tư không hiểu họ thương ông ở chỗ nào. Ông gầy nhom, lép xẹp da mặt bủng beo vì thiếu thuốc. Ông cũng chẳng tỏ ra người phong độ, lịch lãm

của một người trí thức. Ông nói năng cộc lốc ra dáng một người có uy quyền mà uy quyền đó chỉ áp dụng với cái gia đình nhỏ của ông thôi.
Mà cũng thật lạ, cả ba bà vợ đều ở chung một nhà rất hòa thuận. Bà vợ lớn được ở nhà lo cho chồng và tất cả các con, còn bà hai và bà ba phải đi làm mới đủ sống. Tiền lương về thì đưa hết cho bà cả. Mấy đứa con được sinh ra ngay từ lúc còn bé đã được bà cả chăm nom, săn sóc. Chúng đều gọi bà cả bằng Má Lớn  và chúng thương yêu gần gũi má lớn hơn mẹ ruột.
Trong xã hội phong kiến Việt Nam có rất nhiều bi kịch cho phụ nữ và cũng có rất nhiều người đàn bà rất đáng khâm phục vì sự rộng lượng, chịu đựng  vì thương chồng.
Trong nhà được xây dựng từ thời Pháp và cấp cho mấy thầy ( Thầy là tiếng gọi chung cho những người làm việc trong văn phòng hay người có chữ nghĩa, có chức vụ) nên thường có ba hay bốn phòng. Mỗi bà ở một phòng và lẽ dĩ nhiên con cái ngủ chung với họ. Thế mà một ông ba bà ít khi nào có tiếng gây lộn lớn lao về chuyện chồng chung. Thường là ỏm tỏi chỉ là chuyện con cái gây gỗ hay đánh lộn với nhau.  Bà lớn nắm quyền hành trong nhà. Mọi việc đều do bà quyết định và phân xử. Được cái bà là người tốt bụng, biết phải quấy nên mấy em rất kính phục chị cả. Khi con cái tương đối lớn, nhà cửa chật chội  bất tiện, bà Hai òn ĩ xin chị cả ra ở riêng. Ông Bắc thì không chịu, nhưng bà cả thấy cũng hợp lý  nên bà tán thành. Có lẽ vì thấy ông Bắc già hay sinh tật, con cái đã có hiểu biết nên để mấy bà

vợ nhỏ có một giang san riêng. Bà tâm tình với má dì Tư:-Bác  Sáu xem, tôi già rồi cũng cần nghỉ ngơi. Thôi cứ để mấy dì nó ra riêng để ông ấy tự nhiên lui tới mà con cái cũng bớt bị bố nó la mắng.
Má dì Tư cười cười:
-Rồi bà thầy không ghen sao?
- Ối giời! Ghen chi mà ghen bác Sáu ơi!. Xưa chả làm gì được với ông ấy. Bây giờ có còn chi mà ghen với chả ghen.
Thế là bà Hai che một cái chái bằng lá dừa sát cạnh nhà bà lớn cho ông Bắc dễ qua lại.  Một thời gian sau bà Ba cũng xin chị Cả sang một cái nhà nhỏ gần đó để ra riêng. Nhà chỉ còn gia đình bà lớn và ông Bắc. Để kiếm thêm tiền chợ, bà mướn thợ làm một quán nhỏ trước nhà bán cà phê và điểm tâm buổi sáng. Mấy cô con gái bà đã lớn , ngoài giờ học có thể phụ mẹ  buôn bán. Khi cần bà ba gia đình cũng tạm ổn.
Tuy nhiên người không ổn có lẽ là ông Bắc. Kể từ khi hai bà vợ nhỏ ra riêng, ông thấy mình bị mất mát nhiều. Bà vợ lớn mãi lo buôn bán không còn chăm sóc ông tận tình như trước. Căn nhà rộng rãi ông cảm thấy trống vắng nhớ nhung. Bà Hai ở sát nhà nhưng muốn qua phải gỏ cửa thật là phiền, còn bà ba ông mới điên đầu. Bà còn trẻ, đẹp, liệu ra khỏi tay ông bà có giữ đạo vợ chồng với ông không? Bà lại đi làm quen biết nhiều người làm sao ông kiểm soát được. Con cái xa khỏi tầm mắt, tầm tay ông, chúng có còn coi ông là cha chúng không? Ông đã phát hiện trong đôi mắt chúng một cái nhìn bất mãn mỗi khi ông la mắng hay đánh chửi mẹ chúng.

(còn tiếp)

Truyện Ký: ƯỚC MƠ CỦA BÉ NHÈ (2) - Nguyễn Thị Thêm



Đêm ông nằm trăn trở không yên bên cạnh bà vợ đã hết tuổi ái ân, bà đã bị ông xao lãng từ khi ông có thêm hai người đàn bà trẻ trung bên cạnh. Bà đã quen rồi những đêm ngủ thẳng giấc và tỏ ra rất lạnh nhạt trong việc chăn gối. Còn ông dù thân hình gầy gò sức khỏe suy nhược, nhưng sự đòi hỏi vẫn luôn thôi thúc thèm muốn thân xác đàn bà.
Ông cũng biết bà hai đang ở tuổi hồi xuân , bà ba thì còn xuân sắc, mà ông như con ngựa đã già yếu, mõi gối chồn chân không thể chạy đường trường sung sức như xưa. Ông đã bắt gặp những tiếng thở dài của bà hai mỗi khi ông ngã ngựa nửa chừng. Bà Ba thì ngồi dậy mặc đồ lăn qua một bên ấm ức khi ông vật ra thả dốc tức giận chính mình. Nhưng họ là vợ ông, những người thuộc về ông, không một ai có thể xen vào chiếm hữu.
Bà Ba là một cô gái Bắc có nhan sắc. Không ai biết lỡ lầm gì mà bà lại làm vợ lẽ thứ ba của ông Bắc. Trong đôi mắt lá răm rất đẹp đó chứa một nỗi buồn sâu lắng. Bà ít nói và chịu đựng một cách nhẩn nhục. Mỗi khi ông Bắc tới nhà, bà không đon đã hay ra vẽ chìu chuộng như những người vợ nhỏ muốn lôi kéo chồng riêng về mình. Có điều gì cần giải quyết, bà đều đến nhờ bà Cả giúp và can thiệp. Bà hay dạy con cái phải kính yêu và vâng lời má lớn. Trong cái nhìn của dì Tư bà Ba dường như kính nể bà lớn hơn là thương yêu, giành giật ông chồng.
Từ khi bà ba ra ở riêng, ông Bắc hay nổi cơn ghen. Ông chì chiết, mắng mỏ đôi khi đánh bà Ba chạy vòng vòng trong xóm khiến bà Cả phải ra tay can thiệp. Bà Hai thì hiền hơn, hết giờ làm là về nhà với con. Ông Bắc nhìn qua là thấy nên ông  không thể ghen bóng ghen gió. Còn Bà Ba trẻ hơn,  lại cách nhà nên khi mà ông tới nhà mà không có bà ba là ông nghĩ bà đi hẹn hò với trai nên về muộn. Ông chửi bà những câu thô tục lắm.



Những cơn thèm thuốc đày ông vật vã, tức tối và xấu tánh hẳn ra. Nhìn ông cái tướng ốm nhom, khô đét như con mắm qua lại giữa ba nhà trông thật tức cười và mai mỉa.
Ông Bắc giờ ho sù sụ cả ngày, người ta nói dường như ông ho lao, nhìn ông là đủ chán. Ông biết mình vừa già, vừa bệnh mà bà Ba cũng còn nhan sắc nên ông hay tưởng tượng về những điều phản trắc của bà Ba và kể cho bà Cả nghe. Lần nào nghe xong bà Cả cũng gạt phắt và mắng ông ghen bậy. Có nhiều khi cả xóm đang yên giấc, chó sủa vang lên hướng nhà bà Ba. Rọi đèn pin mới hay ông Bắc lò mò đi rình xem bà Ba có rước trai về ngủ trong nhà không? Bà Ba cứ khóc hoài mới má dì Tư vì bị ông Bắc nghi ngờ đánh đập. Con cái cũng xấu hổ với chúng bạn vì có một người cha vũ phu. Nhưng khi người đàn ông ghen tương thì dường như đôi mắt và lương tâm bị mờ nên không có gì cản lại được. Ông xoay qua mắng mỏ chì chiết bà Cả đã mở đường cho bà Ba ra khỏi tầm tay ông. Ông đổ thừa là bà cả trả thù ông có vợ lẽ nên tìm cách chia rẽ tình cảm vợ chồng ông. Cuộc sống của gia đình của ông Bắc trở nên xáo trộn và làm ảnh hưởng cả cái xóm lắm chuyện này.
 Bà Lớn vừa tức vừa xấu hổ với xóm giềng nên đuổi ông Bắc qua nhà bà Ba ở. Ông ôm quần áo di tản qua nhà bà ba, nhưng được vài bửa là ông lại lò mò ôm gối đi về. Bởi bà Ba sáng sớm đi làm, chiều mới về không lo lắng chăm sóc ông miếng ăn giấc ngủ bằng bà cả- Người đàn bà đã bỏ cả cuộc đời phục vụ, chiều chuộng  cho ông mấy chục năm nay-.
Bà Cả than thở với má dì Tư:
-Hồi còn trẻ ông ấy vợ lẻ vợ mọn nhưng không xấu tật ghen tương. Thế mà về già đổi tính hư đốn.. Tôi xấu hổ quá bà Sáu ơi!
Dì Tư cũng rất mến bà cả vì con lớn bà cả cùng trang lứa với dì Tư. Bà cả mặc dù mang tiếng vợ mấy thầy nhưng không
ra mặt hống hách. Bà có 3 cô con gái. Cô con lớn là cô Hai má con Nhè.  Có lẽ vì chỉ sanh toàn con gái nên bà Cả phải để chồng kiếm thêm vợ bé để sinh con trai nối dõi tông đường. Thế mà chỉ bà hai sinh được một thằng, còn lại cũng toàn là con gái. Đứa con trai của bà hai bà cả coi như ngọc như ngà. Bà chăm chút lo lắng hơn cả con ruột nên nó quyến luyến và yêu thương má lớn lắm. Chỉ một mình nó thuộc giòng nhỏ là kêu bà Cả bằng Má mà không có chữ lớn kèm theo.
Trong thời kỳ Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, nhà bà Cả mở một tiệm bán thức ăn và nước uống. Ba cô con gái bà có nhan sắc nên được lính đồng minh đến ủng hộ tấp nập. Gia đình giàu hẳn ra, ông Sáu hút phủ phê và ba cô con gái bà Cả là cây đinh của bao nhiêu cặp mắt thèm muốn.
Ở đời , không có gì là tuyệt đối, nhất là đồng tiền. Nó là thứ dùng để đổi chác. Tiền bạc được đổi chác bằng hiện vật và nhan sắc. Hiện vật là những món đồ lính Mỹ hay đồng minh đem ra từ PX, gia đình ông Bắc bán ra ngoài kiếm lời. Nhan sắc là nụ cười mời gọi, là những lời nói đãi bôi mua bán và có cả những đêm đi không về nhà.
Từng đợt lính Mỹ đến đóng quân rồi đi, từng đợt lính Thái Lan đổi đến rồi thay nhau về nước, mấy cô con gái bà Cả cũng thay đổi rất nhiều. Từ những cô gái hiền lành ngây thơ mộc mạc, trở nên lịch lãm, sõi đời. Cô Hai Thân thường vắng nhà với những bộ đồ hợp thời trang và về nhà với những cơn say lúy túy. Cô Ba vẫn còn đến trường nhưng cũng là một bông hoa thu hút những con bướm lạc loài vờn quanh. Những món quà tặng đáng giá làm cô quên hẳn người yêu cùng xóm đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi núi sông.  Người trong xóm đồn thổi cô Hai đã mấy lần phá thai mà gia đình cố che dấu. 

Khi lính Mỹ và đồng minh lần lượt rút về nước, làng quê có những đại đội lính địa phương quân đến đồn trú, cái quán của bà Cả lại tiếp đón những người lính tới lui. (còn tiếp)

Truyện Ký: ƯỚC MƠ CỦA BÉ NHÈ (3) - Nguyễn Thị Thêm


Trong số những người lính đó, cô Hai đã chọn được một người, họ ăn ở với nhau như vợ chồng và không hề sinh ra và nuôi được đứa con nào.
Mỗi lần cô có mang gần tới ngày sinh thì sinh non. Có khi sinh ra thì chết. Cô nghe lời người ta làm dấu trên người đứa bé rồi chôn. Sinh đứa khác thì cái dấu đó lại xuất hiện nơi đứa bé mới sinh. Cô sợ quá vì người ta bảo là con lộn. Là hồn oan của những đứa con cô từng phá thai về trước hiện lên báo oán.
Cô đã đi rất nhiều thầy để chửa chạy, uống nhiều bùa, ngãi, đi nhà thờ, đi chùa để trục cái hồn oan cứ theo bám lấy cô. Nhưng rồi vẫn không được.
Thật may, lần mang thai cuối cùng cô gặp một người thầy pháp từ Đà Nẵng vô Nam thăm gia đình. Gặp cô tình cờ trên một chuyến xe lam. Ông thầy nhìn cô và nói:
-Xin lỗi ! Cô có thể cho tôi coi tay cô một chút không?
Cô xòe tay ra, ông thầy nắm thật chặt tay cô và nhìn vào mắt cô như thôi miên. Cô thấy một luồng khí lạnh xuyên sau gáy chạy dài dọc xương sống. Ông thầy bảo cô:
- Nếu muốn nuôi được con thì tìm gặp tôi gấp. Tôi chỉ ở lại đây chỉ một tuần nữa là tôi về quê.
Về nhà cô kể chuyện cho ông bà  Bắc và chồng nghe. Cuối cùng họ quyết định tìm đến  nhà mời ông thầy này về trị bệnh.
Ông Thầy về lập đàn tràng, cúng bái làm phép và bắt cô tắm ngâm mình trong nước bùa ba lần. Sau đó làm phép trục vong ra khỏi người cô. Lúc đầu cô rất khó chịu, nóng nảy và bực bội ghê lắm, cô gầm gừ muốn đuổi ông thầy pháp ra khỏi nhà. Nhưng gia đình đã được ông thầy nói trước là hồn vong chống cự nên mặc cô muốn gì họ cũng giúp ông thầy giải vong ra khỏi người cô Hai.



Ông thầy pháp về lại miền Trung, cô Hai không bị hư thai mà sinh ra được bé gái đúng ngày, đúng tháng. Tuy nhiên cô đến khổ với con bé. Vì từ lúc mới sinh ra con bé èo uột cứ khóc hoài. Tiếng khóc của nó vang cả xóm khiến mọi người mất ngủ.
Cô Hai dùng đủ biện pháp, đi khắp các thầy thuốc mà con bé vẫn bủng beo teo tóp. Nó bệnh rề rề, hết đau bệnh này đến bệnh khác. Cô Hai đem nó quăng ra sau nhà má dì Tư để dì Tư bồng vào nuôi cho đổi tay. Cô đem gửi bé vào nhà thờ cho cha làm phép, Đem vào Chùa cho quy y và trên cổ con bé lúc nào cũng mang cái bùa của ông thầy người Trung để lại. Vì vậy con bé được gia đình và xung quanh đặt tên là Bé Nhè, còn trong khai sinh tên gì hàng xóm chẳng ai biết.
Một hôm khoảng gần Tết  nhà bà Bắc bán cháo huyết buổi sáng. Ông Bắc quạt một mẻ than để nướng bánh tráng đa cho bà cả bán cho khách ăn chung với cháo. Bé Nhè lết từ nhà trên xuống nhà dưới rồi không biết như thế nào nó té vào chậu lửa. Hai bàn tay và nửa mặt nằm gọn trong đám than hồng.
Tội nghiệp con bé đã 11tháng tuổi rồi rồi mà chưa biết bò chỉ lết đi một bên. Tiếng thét của nó như xé ruột xé gan người mẹ như cô Hai. Ông bà Bắc từ trên nhà chạy xuống thấy vậy bồng con bé ra . Bà Bắc chụp vội chai nước mắm đổ lên người con bé bảo để trị phỏng cấp thời. Khi đem đi cấp cứu, con bé tưởng rằng không sống được vì cháu đã bất tỉnh. Cả hai bàn tay và nửa người da bị phỏng chín đỏ lòm. Bệnh viện tỉnh  phải chuyển lên bệnh viện  Chợ Rẫy.
Cũng may đó là thời kỳ chiến tranh khốc liệt và y khoa tiên tiến. Bé Nhè được các bác sĩ tận tình chữa trị. Cháu được đặt vào trong phòng cách ly để tránh nhiễm trùng. Cô Hai lên nuôi con nhưng chỉ được bên ngoài nhìn vào qua cửa kiếng. Mỗi ngày chỉ được tiếp xúc với con theo

quy định và phải được sát trùng cẩn thận. Nhìn con trần truồng nằm khóc đòi mẹ, cô Hai thắt từng đoạn ruột.Đến khi da cháu bắt đầu ra da non, bác sĩ dùng băng đặc biết quấn từng ngón tay của cháu và quấn cả thân mình. Đó là phương pháp để da non ra đúng theo kích cở của bàn tay. Bác sĩ cho biết kết quả điều trị rất tốt. Chỉ cần một thời gian da ra đạt yêu cầu thì sẽ cho bé Nhè xuất viện. Sau đó sẽ có kế hoạch điều trị cắt bỏ những da thừa hay vết phỏng trên mặt cháu.
Lúc này bé Nhè đã tỉnh táo và hai bàn tay ngứa ngáy khó chịu nên cháu cứ khóc đòi mẹ. Một buổi chiều, vì quá thương con, lợi dụng lúc không có y tá, cô Hai lén bồng bé Nhè trốn về nhà. Cô không biết rằng thời kỳ này là thời kỳ quan trọng nhất để giúp cháu có hai bàn tay lành lặn như mọi người. Cô chị biết BS nói con cô đã hết nguy hiểm và chờ thời gian về nhà. Trái tim yếu đuối của người mẹ khiến cô hại cả đời con cô phải chịu cảnh tàn tật suốt đời.
Bé Nhè về nhà và những khi da non mọc ra kéo ghì những ngón tay trở thành dị dạng, một bên cổ của cháu da non mọc ra kéo ghì cái cổ quẹn dính một bên vai. Miệng cháu cũng bị kéo méo xẹo và xấu xí tội tình.
Cô Hai bây giờ mới hối hận thì đã muộn màng. Cô muốn bồng con trở lại bệnh viện để nhờ cứu chửa thì cơn lốc tháng tư tràn về. Cả nước như lên sốt, mọi người tan tác lo chạy bảo vệ lấy mạng sống. Người chồng của cô lo bỏ vũ khí chạy về nhà cha mẹ ruột và cô trở thành một người mẹ đơn thân với đứa con tật nguyền.
Có một điều hết sức khó hiểu là sau khi bị tai nạn, bé Nhè như qua khỏi cái đốt bịnh đau . Cháu ăn ngon, ngủ được và không còn bệnh hoạn èo uột như trước. Nhìn cháu với hai bàn tay rút lại chằng chịt những gân dì Tư thương lắm. Dì hay nắm bàn tay bé Nhè và áp nó vào lòng. Biết làm sao giúp nó bây giờ, làm sao giúp con bé có lại gương mặt bình thường. 
(Còn tiếp)

Tuyện Ký: ƯỚC MƠ CỦA BÉ NHÈ (4) - Nguyễn Thị Thêm



Một bên mắt không bị kéo của nó nhìn dì trong sáng, tươi đẹp một cách lạ kỳ. Nếu nó không bị tai nạn nó sẽ là một cô bé xinh đẹp lắm.
Thiên hạ xung quanh bàn tán xầm xì là hồn oan bị trục ra khỏi cô Hai Thân còn uất ức không chịu đầu thai nên phá bé Nhè. Bây giờ Bé Nhè đã là người tàn tật nên đó mới thỏa lòng và bỏ đi. Chuyện ma quỷ và vong hồn dì Tư không biết và cũng không tin mấy. Nhưng bé Nhè có tội gì mà phải chịu tàn tật như vậy. Dì Tư vô cùng bất nhẩn.
Sau 1975, ông Bắc vì thiếu thuốc và ăn uống cực khổ nên đã qua đời. Bà Cả buồn bã vì gia cảnh thiếu trước hụt sau, con cái không ra gì nên sau một lần ngã quỵ bà cũng trút hơi thở cuối cùng. Ba bé Nhè biệt vô âm tín. Bé Nhè sống với mẹ và nhờ tình thương của các dì. Bà Ba một thời gian sau dẫn con về sống với cha mẹ ruột ở tận miền Tây. Bà Hai nhờ thằng con thức thời làm việc với chính quyền mới nên mua nhà và đem bà về  ở chung.
Bé Nhè càng lớn càng tội nghiệp, nó bị nhóm trang lứa chê cười không muốn kết bạn. Nó cô đơn và tủi thân nhiều lắm. Người có lẽ quan tâm nó nhiều nhất là dì Tư. Dì đã chú ý tới nó từ ngày mẹ nó cấn thai cho đến lúc sinh ra. Trong nhà bảo sanh, dì Tư đã bồng con bé và xem xét từng chút trên người nó xem có dấu gì lạ hay không?  Dì an lòng thấy con bé lành lặn, xinh đẹp. Thế mà như một định mệnh cay nghiệt, con bé dễ thương đó bây giờ tật nguyền, xấu xí đến thế này.
Cô Hai lại lầm lỡ lại có mang với một người đàn ông có vợ dù tuổi cô không còn trẻ. Một lần cô vợ lớn kéo tới nhà và chì chiết cô Hai không tiếc lời. Những lời mạt sát xấu xa đó làm náo loạn cả xóm. Cô Hai chỉ biết xấu hổ ôm mặt khóc và người tình mãi mãi không dám léo hánh tới nhà cô Hai. Cô bụng mang dạ chửa nuôi đứa con tật



nguyền trong sự nghèo khó cơ cực. Dì Tư là người gần gũi và giúp đở mỗi khi cô thiếu thốn. Từng muỗng nướcmắm, muối ăn, bột ngọt hay chút mỡ để chiên thức ăn trong thời buổi cả nước ăn bo bo, có giá tri tinh thần rất cao.  Đêm cô trở dạ sinh em bé, bé Nhè ngủ với dì Tư. Nó rút người ép vào lòng dì Tư , hai bàn tay tật nguyền mân mê bàn tay dì tư ngọng ngịu:
-Con shương... shương...dì Tu léem. Dì Tư cũng xoa đầu đó :
- Ngủ đi con, dì Tư cũng thương con lắm. Ngày mai dì Tư dẫn con đi thăm em bé.
- Má má...cóa em bé móa cóa coàn..shương coan hong ...hong dì ..dì Tu.
- Thương chứ sao không. Con sẽ làm chị Hai. Mà chị Hai thì phải thương và săn sóc em.
- Nhưng toay..toay  coan vầy soao. soao loa.. choa em... em coan  đuộc
- Thì con ngó chừng em con, làm gì được thì con làm giúp mẹ.
- Em..em coan cóa... gióng coan... khong dì... dì Tu
- Dì không biết, nhưng chắc là giống. Con là chị Hai mờ. Thôi ngủ đi con.
Bé Nhè nhắm mắt ngủ, miệng vẫn cười, nụ cười méo mó thảm thương làm sao.

Cô Hai sinh được một đứa con trai và bé Nhè trở thành một cô chị rất tốt và thương em. Nó ôm em trong vòng tay tật nguyền, nó cúi xuống hôn em âu yếm trong cái nhìn thương cảm của mọi người. Định mệnh đã làm nó tật nguyền, đã chiếm đi nét đẹp của nó nhưng đã cho nó một trái tim nhân ái, một tấm lòng hiếu thảo hiếm có. Nó cố gắng làm tất cả mọi việc để giúp mẹ và nhiều lúc nhìn nó cô Hai bật khóc. Sự hối hận dâng lên tràn ngập trong cô.
Dì Tư có giấy tờ xuất ngoại theo diện HO. Cái gì có thể cho được cô Hai dì Tư đã cho. Ngày cuối cùng tiển dì lên đường, bé Nhè ôm lấy dì mà khóc. Nó nói với cái giọng ngọng ngịutội nghiệp. Nó dặn dò Dì Tư nhớ viết thư cho nó.

Dì Tư qua Mỹ làm có tiền nhớ đem nó qua giải phẩu lại bàn tay và gương mặt của nó. Nó nói dì Tư đừng lo cho nó. Nó lớn lên sẽ giúp mẹ lo cho em. Nó nói nhiều lắm, dặn dò nhiều lắm và mơ ước nhiều lắm khiến dì Tư không biết trả lời làm sao.
Nước Mỹ là nơi nào dì Tư cũng chưa hề đặt chân tới. Với một gia đình như thế này qua Mỹ làm sao để sống,  làm sao kiếm được nhiều tiền để đem nó qua chữa bệnh. Làm sao để xuống sân bay khỏi lạc, làm sao có thể cho các con đi học tới nơi tới chốn? Bao nhiêu câu hỏi về gia đình, cuộc sống như bánh xe cứ lăn hoài, lăn hoài trong đầu dì Tư. Chuyện nhà chưa xong làm sao dám hứa lo cho bé Nhè tới nơi tới chốn. Cố tránh cái nhìn đầy hy vọng của bé Nhè, dì Tư ậm ừ cho qua để không cảm thấy mình có lỗi đã làm mất niềm hy vọng với một tâm hồn thơ ngây như nó.

Thưa các bạn,
Ngòi bút , mà không bàn tay tôi đánh trên bàn phiếm mà tôi không biết phải sắp đặt cho bé Nhè như thế nào.
Tôi muốn làm như mọi nhà văn, nghĩa là tưởng tượng vẽ ra một cuộc đời mới cho bé Nhè. Tôi sẽ cho cháu gặp một cơ quan thiện nguyện đầy lòng nhân ái đưa cháu sang Mỹ giải phẩu đôi tay, tái tạo gương mặt. Cho cháu trở về hình hài một cô con gái xinh xắn. Tôi sẽ cho dì Tư bảo lãnh  cháu sang đây đi học, cho cháu gặp một người con trai hiền hậu và lập gia đình. Cháu với tính tình thuần lương, chăm chỉ sẽ có một cuộc sống sung túc. Cháu sẽ bảo lãnh mẹ và em sang đây. Cuộc sống hạnh phúc, viên mãn cuối đời. Và dì Tư, nhân vật trong chuyện sẽ là người đở đầu cho cháu tại nơi xứ sở tạm dung này. Dì Tư sẽ làm người chứng hôn cho cháu. Và thơ mộng hơn, dì Tư sẽ là người bế đứa con của bé Nhè lúc Baby vừa chào đời tại một bệnh viện tối tân của Mỹ. (Còn tiếp)

Truyện Ký: ƯỚC MƠ CỦA BÉ NHÈ (5) - Nguyễn Thị Thêm


Dì Tư sẽ ôm cháu bé vào lòng và nhớ tới ngày cũng ôm bé Nhè trong vòng tay mấy chục năm về trước.
Câu chuyện sẽ kết thúc có hậu như vậy, sẽ Happy ending để bé Nhè làm một cô bé lọ lem, tàn tật xấu xí được phép lạ của nàng tiên may mắn. Được khoa học tân tiến Hoa Kỳ đổi đời, thoát xác làm một người bình yên, hạnh phúc.
Nhưng tôi làm không được dù tôi rất muốn cuộc đời cháu tươi đẹp hơn. Tôi không thể vì bé Nhè của tôi là một nhân vật có thật và sự việc ngoài đời không phải đẹp như huyền thoại. Bé Nhè của tôi là một sinh mạng mang nhiều tội lỗi tiền kiếp để xuống cuộc đời này gánh chịu biết bao nhục nhằn, đau khổ.
Tôi qua Mỹ một thời gian thì ba tôi tại VN bệnh nặng. Tôi phải cùng em tôi về gặp cha lần cuối. Vì thương cha tôi cứ không nỡ rời để đi đâu hết. Suốt thời gian lưu lại ba tuần tôi chỉ một lần về lại xóm cũ để thăm mọi người. Bé Nhè của tôi đã  trổ mã để trở thành một thiếu nữ. Nhưng là một cô thiếu nữ tật nguyền. Hai bàn tay vẫn những đường gân chằng chịt kéo rút những ngón lại với nhau thảm hại. Một nửa gương mặt sáng ngời trắng trẻo với đôi mắt thật đẹp. Một nửa kia mắt, má miệng bị kéo xuống vai bằng những đường gân tồi tệ khiến nửa bên mặt cứ nghiêng nghiêng.
Bé Nhè cũng được đến trường như các bạn cùng trang lứa, nhưng  với bàn tay thương tật, chữ viết của cháu thảm hại. Cuối cùng chưa hết tiểu học cháu ở nhà phụ mẹ lo cho em. Thằng em trai lúc đó là một cậu bé kháu khỉnh, đẹp trai. Mẹ cháu nay đau, mai yếu . Cũng may bên gia đình người cha của thằng bé không có con trai nên thỉnh thoảng bên đó cũng giúp đở chút ít cho cô Hai nuôi con. Họ muốn đổi họ để thằng bé nhận tổ quy tông, nhưng cô Hai không chịu.
Cuộc sống của bé Nhè là một chuỗi



những bi ai và nghèo đói. Tôi gửi lại một ít quà cho hai mẹ con và trở lại Mỹ. Chúng tôi cũng phải đối diện với bao nhiêu khó khăn của một gia đình HO hội nhập vào đời sống Hoa Kỳ.
Tôi để ý và theo dõi có cơ quan thiện nguyện chỉnh hình nào đến VN không để giới thiệu cháu. Nhưng tôi thất vọng vì tầm với mình hạn hẹn, vì khả năng ngoại giao không có và nhất là tài chính nghèo nàn. Tôi không đủ khả năng đài thọ cho Bé Nhè giải phẩu lại đôi bàn tay. Tôi hay mang vào giấc ngủ nụ cười và tiếng nói của bé Nhè. Tôi nhớ hai bàn tay tật nguyền giữ lại chén nước mắm tôi gửi cho mẹ cháu. Tôi bị ám ảnh với một lời ậm ừ hứa hẹn với ước mơ của Bé Nhè ngày cuối cùng rời khỏi VN.
Cuộc đời của những mảnh đời khốn khổ VN luôn là những vết hằn sau cuộc chiến. Nếu không có ngày 30 tháng Tư thì mẹ cháu đã đem cháu trở lại bệnh viện. Dù có buông ra  bao nhiêu lần trách móc người mẹ nông cạn, nhưng những người Bác Sĩ VNCH từ tâm sẽ nhận cháu lại và điều trị. Cháu tôi sẽ không bị thảm cảnh như bây giờ. Bao nhiêu phái đoàn từ thiện về VN giúp đở những người tàn tật. Bao nhiêu Bác Sĩ giàu lòng nhân ái  bỏ tiền của, công sức về VN để giúp những bệnh nhân nghèo. Nhưng cũng là muối bỏ biển giữa một xã hội có quá nhiều hiên tượng bi thương. Một cô bé tàn tật ở một vùng quê làm sao biết được kịp thời những ân nhân đã đến. Làm sao có đủ tài chính để đài thọ một chuyến rượt bắt đúng lúc phái đoàn đến nơi nào. Và hơn thế nữa làm sao đủ khả năng để được ghi tên vào một cái list điều trị mang tính cách nhân đạo như vậy. Đồng tiền và thân thế luôn đè bẹp và nhận chìm những mãnh đời khốn khó như bé Nhè cháu tôi.
Cô Hai má bé Nhè đã mất vì bệnh ung thư gan sau một thời gian vật lộn đau đớn với cơn bệnh. Thằng em trai được cha bán đất đài thọ một cuộc sống đầy

đủ nhưng thiếu giáo huấn, nên bê tha chè rượu chẳng chịu học hành. Nó trở nên mất dạy, du đảng trong những ngày cuối đời tội nghiệp của cô Hai. Bé Nhè phải đi làm mướn kiếm tiền nuôi mẹ. Trong cái bon chen, xão quyệt của xã hội VN không phân biệt tốt xấu. Trong một thực tại chỉ lấy bạo lực và tham vọng làm mục tiêu, bé Nhè như con chim bị gió bão vùi dập tả tơi.
Tôi không dám kể tiếp những gì xảy đến cho bé Nhè sau khi mẹ mất. Cuộc đời của cháu hiện nay vượt ngoài tầm tưởng tượng của mọi người. Thôi hãy để cháu yên như vậy. Hãy để mọi người nghĩ đến một bé Nhè tội nghiệp nhưng đáng yêu. Hãy để con bé mãi mãi là một thiên thần bị đọa,  sống cho hết kiếp người trong thân xác tật nguyền trả nợ thế gian từ tiền kiếp.

Dì Tư lặng lẽ lau những giọt nước mắt lăn trên đôi má.
Bé Nhè ơi! Dì xin lỗi con, dì đã không thể thực hiện ước mơ ngày nào của con.
Ước mơ chỉ làm một người con gái bình thường nghèo nàn. Dùng hai bàn tay của mình lao động để mưu sinh. Hai bàn tay! Ờ! chỉ là hai bàn tay lành lặn như tất cả mọi người. Hai bàn tay dù chai sạm cũng được. Nhưng chỉ xin là hai bàn tay với 10 ngón hoạt động bình thường. Không có những sợi dây gân chằng chịt trì  kéo những ngón tay như trì kéo cả một cuộc đời.
Con chỉ xin nhìn thẳng cuộc đời bằng hai con mắt chân thật.  Chứ không phải  tật nguyền quẹo đầu nhìn xéo qua nửa con mắt bị kéo lệch thảm thương.
Có phải chăng cuộc đời này là bể trầm luân, là hư không là vô nghĩa nên con chỉ nghêng người nhìn đời bằng nửa con mắt với hai bàn tay quờ quạng chơi vơi.
Bé Nhè ơi! Dì Tư xin lỗi con.
Xin lỗi con nhiều lắm vì đã không có một đôi đủa thần biến đổi đời con.


Nguyễn thị Thêm.
18/9/2015.

Tùy Bút: BÉ - Minh Tây



     Dù chưa đầy hai tháng bé đã biết cười, biết nói.  Cái miệng cứ nhọn ra cố gắng phát ra âm thanh đầu đời làm xót xa tâm hồn ta lắm.
     Bé chào đời không phải do sự mong chờ từ cha mẹ nên lạc lõng bơ vơ khi còn đỏ hỏn.  Mẹ mãi đam mê trong sự sa đọa, ba vẫn còn không thể lo cho cuộc sống chính mình.  Thế nên chừng biết được sự hiện diện của bé nơi nhà người quen không mẹ kề bên, người cha vội tìm phương tiện đưa về nhà, chờ mọi thử nghiệm để hợp luật mà sống bên nội. 
     Sáng bé đến nhà tôi vẫn còn say ngủ, miệng hết cười lại mếu theo sự dạy dỗ của mụ bà thật dễ thương.  Rồi tỉnh giấc ngọa nguậy tìm sữa, thấy có người đến bé toét miệng cười, hoặc khóc thét lên khi tả ướt.  Cái miệng nhỏ xíu bú chùn chụt, rồi bé ợ thật lớn tiếng khi được vác lên vai, xoay trở đầu cố ngóc khỏi bờ vai… Sau khi thay tả, mát-mẻ sạch-sẽ bé quơ tay chân tập nói, cái miệng cứ chót lên hàng ngày mãi đến hai tuần sau mới ra tiếng “cưa cưa”.  Đến giờ tắm bé lại khóc, nghe tiếng nước lại im lặng chờ đợi.


Vuốt nhẹ xà bông theo giòng nước ấm, tóc mềm mại, làn da mịn màng, cố mở bàn tay nắm chặt để rửa mà nghe thương chi lạ.  Cặp mắt bé vẫn tròn xoe nhìn ta chờ từng sự chăm sóc, thương yêu, chìm trong giấc ngủ thần tiên.  Bóng tối vừa đến cũng là lúc bà nội đến rước bé về. 
     Mặt trời vừa lên bé lại đến.  Vừa nhìn thấy tôi bé đã quơ tay chân mừng rỡ, miệng thì cười toe-toét.  Có lẽ ba ngày ở nhà nội bé nhớ tôi thì phải.  Ẳm bé khỏi nôi mà lòng tràn ngập yêu thương.  Hôm nay bé thức chơi và tập nói nhiều hơn.  Sau giấc ngủ trưa, đang bú thì ba bé gọi về cho biết tòa đã phán “một tuần bé ở với mẹ, một tuần ở với ba”.  Thương bé quá!  Mong rằng từ nay mẹ bé sẽ hồi tâm mà chăm sóc con hầu bé sẽ lớn lên trong tình thương mẫu tử trọn vẹn.
    

Thì thầm cho bé biết hôm nay về nhà mẹ, dặn dò bé phải ngoan … Đôi chân mày bé chợt cau lại, bú xong cũng chẳng cười như mọi lần, chọc nói cách mấy bé vẫn giữ nét mặt đó.  Tim tôi chợt thắt lại, không lẽ bé nhớ và hiểu khoảng thời gian buồn của những tuần đầu đời?  Cố nén những giọt nước mắt, ôm bé vào lòng mà thương xót xa.  Xe đã khuất mà tôi vẫn đứng đó lòng thầm vái van cho tuổi trẻ khắc phục được bước khó khăn nầy để trở nên người tốt mà lo cho gia đình con cái chu toàn hơn.
     Một tuần rồi sẽ qua nhanh, bé lại đến.  Nhưng trong tôi mãi buâng khuâng thương cảm!  Biết bao nhiêu trẻ thơ ngoài kia vẫn còn thiếu thốn tình thương, sự đổi thay cuộc sống rày đây mai đó làm cho trẻ lớn lên trong tủi hờn nên bướng bỉnh, hư hỏng… Vòng tay tôi
quá bé nhỏ, thời-gian quá ngắn ngủi để góp tay giúp
cho tuổi trẻ…

Oe oe tiếng khóc  trong hạnh phúc,
Hay lạc loài thiếu thốn tình thương?
Vòng tay ôm nhẹ vấn vương,
Nguyện đem trải khắp bốn phương nụ cười.

Minh-Tây
8/13092015