Saturday, September 19, 2015

Truyện Ký: ƯỚC MƠ CỦA BÉ NHÈ (1) - Nguyễn Thị Thêm






Dì Tư cẩn thận đưa chén nước mắm vào đôi tay bé Nhè. Dì vuốt tóc nó :
- Rồi nè con! Đem về cho má.
-Doạ, coann coám ơn dì ...dì Tu
- Ờ! đi cẩn thận.
Con bé bước từng bước chậm chạp ra cửa. Dì Tư còn đứng đó ngó theo.

Bé Nhè là con của cô Hai Thân trong xóm. Cô Hai có chút ít chữ nghĩa nên làm thư ký cho cái đội sản xuất nhỏ của cơ quan. Cái lương thư ký trong thời buổi ăn bo bo thì cũng không có là bao nhiêu tiền. Cô Hai xuất thân là con gái của một gia đình khá có tiếng tăm. Từ nhỏ cô được nuông chìu lắm vì cô là con gái đầu của họ.
Gia đình cô có tiếng mà không có miếng bao nhiêu. Ba cô làm thư ký cho hãng của Tây nên được người ta tôn trong gọi là Thầy. Nhà Thầy Bắc đông đúc lắm bởi lẽ ông có tới ba giòng con với ba bà vợ.
Lương công chức không biết có nhiều không nhưng ông lại ghiền á phiện. Cứ tới cữ là ông ngáp dài ngáp ngắn. Thiếu thuốc ông như con sư tử thiếu mồi la mắng vợ con vang trời.  Ba bà với hơn một chục đứa con nhưng đứa nào cũng sợ ông. Thấy bóng ông là tụi con tìm cách lẫn ra xa. Khi mà được ông gọi tới là dù con bà cả hay con bà nhỏ cũng rụt rè khép nép.
Dì Tư không hiểu họ thương ông ở chỗ nào. Ông gầy nhom, lép xẹp da mặt bủng beo vì thiếu thuốc. Ông cũng chẳng tỏ ra người phong độ, lịch lãm

của một người trí thức. Ông nói năng cộc lốc ra dáng một người có uy quyền mà uy quyền đó chỉ áp dụng với cái gia đình nhỏ của ông thôi.
Mà cũng thật lạ, cả ba bà vợ đều ở chung một nhà rất hòa thuận. Bà vợ lớn được ở nhà lo cho chồng và tất cả các con, còn bà hai và bà ba phải đi làm mới đủ sống. Tiền lương về thì đưa hết cho bà cả. Mấy đứa con được sinh ra ngay từ lúc còn bé đã được bà cả chăm nom, săn sóc. Chúng đều gọi bà cả bằng Má Lớn  và chúng thương yêu gần gũi má lớn hơn mẹ ruột.
Trong xã hội phong kiến Việt Nam có rất nhiều bi kịch cho phụ nữ và cũng có rất nhiều người đàn bà rất đáng khâm phục vì sự rộng lượng, chịu đựng  vì thương chồng.
Trong nhà được xây dựng từ thời Pháp và cấp cho mấy thầy ( Thầy là tiếng gọi chung cho những người làm việc trong văn phòng hay người có chữ nghĩa, có chức vụ) nên thường có ba hay bốn phòng. Mỗi bà ở một phòng và lẽ dĩ nhiên con cái ngủ chung với họ. Thế mà một ông ba bà ít khi nào có tiếng gây lộn lớn lao về chuyện chồng chung. Thường là ỏm tỏi chỉ là chuyện con cái gây gỗ hay đánh lộn với nhau.  Bà lớn nắm quyền hành trong nhà. Mọi việc đều do bà quyết định và phân xử. Được cái bà là người tốt bụng, biết phải quấy nên mấy em rất kính phục chị cả. Khi con cái tương đối lớn, nhà cửa chật chội  bất tiện, bà Hai òn ĩ xin chị cả ra ở riêng. Ông Bắc thì không chịu, nhưng bà cả thấy cũng hợp lý  nên bà tán thành. Có lẽ vì thấy ông Bắc già hay sinh tật, con cái đã có hiểu biết nên để mấy bà

vợ nhỏ có một giang san riêng. Bà tâm tình với má dì Tư:-Bác  Sáu xem, tôi già rồi cũng cần nghỉ ngơi. Thôi cứ để mấy dì nó ra riêng để ông ấy tự nhiên lui tới mà con cái cũng bớt bị bố nó la mắng.
Má dì Tư cười cười:
-Rồi bà thầy không ghen sao?
- Ối giời! Ghen chi mà ghen bác Sáu ơi!. Xưa chả làm gì được với ông ấy. Bây giờ có còn chi mà ghen với chả ghen.
Thế là bà Hai che một cái chái bằng lá dừa sát cạnh nhà bà lớn cho ông Bắc dễ qua lại.  Một thời gian sau bà Ba cũng xin chị Cả sang một cái nhà nhỏ gần đó để ra riêng. Nhà chỉ còn gia đình bà lớn và ông Bắc. Để kiếm thêm tiền chợ, bà mướn thợ làm một quán nhỏ trước nhà bán cà phê và điểm tâm buổi sáng. Mấy cô con gái bà đã lớn , ngoài giờ học có thể phụ mẹ  buôn bán. Khi cần bà ba gia đình cũng tạm ổn.
Tuy nhiên người không ổn có lẽ là ông Bắc. Kể từ khi hai bà vợ nhỏ ra riêng, ông thấy mình bị mất mát nhiều. Bà vợ lớn mãi lo buôn bán không còn chăm sóc ông tận tình như trước. Căn nhà rộng rãi ông cảm thấy trống vắng nhớ nhung. Bà Hai ở sát nhà nhưng muốn qua phải gỏ cửa thật là phiền, còn bà ba ông mới điên đầu. Bà còn trẻ, đẹp, liệu ra khỏi tay ông bà có giữ đạo vợ chồng với ông không? Bà lại đi làm quen biết nhiều người làm sao ông kiểm soát được. Con cái xa khỏi tầm mắt, tầm tay ông, chúng có còn coi ông là cha chúng không? Ông đã phát hiện trong đôi mắt chúng một cái nhìn bất mãn mỗi khi ông la mắng hay đánh chửi mẹ chúng.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment