Saturday, May 13, 2017

Tùy Bút: GIẤC MỘNG HOÀNG LƯƠNG - BĐNS



A Di Đà Phật,

Mấy ngày nay trời nắng hạn, bần tăng nằm thiền mà mồ hôi đổ dầm dề, thần trí bần tăng đang hướng về cõi vô vi thanh tịnh mà cái xác phàm lại đang ao ước có được chút không khí mát mẽ. Máy lạnh trong thảo am bần tăng đã tắt cả tháng nay cho đở tốn điện. Nhớ tháng trước cái bill điện lên tới gần 700 đô la mà phát ngán. Lúc trước có khi nào bần tăng phải lo lắng tới mấy cái bill này đâu, chuyện nhỏ mà, không có Phật tử này thì cũng có Phật tử kia ra tay tế độ cho mấy cái bill ôn dịch. Ba bà vãi bỏ thảo am ra đi là một thất thoát to lớn cho thảo am. Phải có mấy bà thì chùa mới rình rang rậm đám, chẳng biết tụi da trắng nói có đúng không, "sex sells", bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào cũng phải có bóng dáng phụ nữ thì mới có nhiều cơ hội thành công. Lúc còn mấy bà vãi ở thảo am thì chùa lúc nào cũng đầy dẫy khách thập phương lui tới dâng hương, nhất là khi bà vãi trẻ tụng bài kệ Mục Kiền Liên thì mấy anh thanh niên và mấy bà Phật tử sồn sồn nước mắt nước mũi nhồm nhoàm, và cái thùng cúng dường phải căng bụng ra mà nhận của thập phương bố thí, hehehe... 

Thật ra bần tăng cũng quá chủ quan, cứ nghĩ rằng Phật Pháp đầy bụng như bần tăng thì có lo gì chuyện miếng cơm manh áo của người phàm tục. Theo định luật Murphy của mấy ông NASA, "Nếu cái phi thuyền có thể nổ tung thì nó sẽ nổ tung" và cái kết cuộc của phi thuyền Challenger thì ai cũng biết. Nếu đem áp dụng định luật Murphy vào thảo am "Nếu ông Bồ Đà có thể đói thì ổng sẽ đói", hehehe...  Ai nói ở xứ Bắc Mỹ này chết đói là chuyện không tưởng nhưng sao bần tăng thấy cái vấn nạn "đói" coi bộ cũng gần kề. Không có khách thập phương cúng dường thì chắc phải cạp đất mà ăn thôi. Không lẽ bần tăng ôm bình bát xuống phố Việt Nam mà khất thực hay sao. Thời buổi này đâu có ông sư nào đi khất thực, chuyện xưa rồi. Bần tăng mà ôm bình bát đi khất thực là hết uy, lộ cái nghèo hèn của chùa ra ngoài là thất sách, khách thập phương họ đi thăm chùa giàu có uy nghi chứ ai thèm đến chùa nghèo, trừ phi chùa nghèo mà được tiếng đồn hiển linh, cầu gì được nấy, cầu phước được phước, cầu tài được tài, thì khách thập phương sẽ dập dìu, phẩm vật cúng tạ đếm mõi tay, chừng đó thảo am sẽ cơi lên mấy từng lầu, máy lạnh chạy rù rì suốt ngày đêm thì sư ông chùa Bát Nhả hết có cười nhạo bần tăng nữa, hehehe....

Thiền định tới đây, nghĩ tới chuyện thảo am khang trang lộng lẫy, bần tăng thì ngồi chễm chệ trên tòa
sen, tín hữu ngồi chung quanh há hốc mồm say sưa nghe bần tăng giảng Pháp mà bần tăng thấy lâng lâng như đang nhập cỏi Niết Bàn, bần tăng khoái chí vung tay thật mạnh như thể đang cầm phất trần phát xuất thần thông, thì vừa lúc bần tăng chợt tỉnh giấc thiền, tự dưng bần tăng thấy bâng khuâng trong dạ rồi ngâm nga hai câu thơ:
Giấc Nam Kha khéo phủ phàng,
Thiền giường một giấc, bàng hoàng sắc không!
(Đố Duy Bùi biết 2 câu này thuổng từ đâu ra?)

Chuyện xưa kể rằng chàng Lữ Sinh lều chõng đi thi mà không đậu, bận về hết tiền mới ghé một quán trọ hỏi chủ quán có gì rẽ nhất để ăn thì chủ quán bảo rằng chỉ có hoàng lương là rẽ nhất. Trong lúc chờ đợi, Sinh gục đầu trên bàn mà ngủ, mơ thấy mình đậu Trạng Nguyên và được vua gả công chúa cho. Từ đó hoạn lộ chàng thăng tiến, cưới thêm vợ, con đàn cháu đống, bổng lộc triều đình rất nhiều, làm quan đến chức Tể Tướng, vinh hoa phú quý không ai bằng. Bổng dưng trong nước có giặc, vua sai Sinh đi dẹp giặc. Sinh không biết đánh trận nên bị thua, binh sĩ chết hàng vạn. Vua giận lắm bắt còng tay cùm chân đem xử trảm. Lúc đao phủ vung dao, Sinh sợ quá hét lên rồi tỉnh giấc. Nhìn lại thì Sinh ngủ gục mơ một giấc mộng dài mà nồi hoàng lương vẫn còn chưa chín. 

Lữ Sinh nhờ đi thi trượt mà được một giấc mộng vàng vinh hoa phú quý, quyền tước cao sang, còn bần tăng vì sợ đói khổ mà có một buổi thiền du thấy cảnh thảo am nguy nga lộng lẫy, bần tăng thì uy nghiêm như đạo trưởng, thiện nam tín nữ vây quanh vái lạy không thua gì Như Lai ở vườn Lạc Uyển, tỉnh giấc thiền thấy mình đang nằm thiền còng queo trong thảo am vắng vẻ đìu hiu, thật không khác gì giấc mộng kê vàng của Lữ Sinh, ngẩm lại thấy cuộc đời sao ngắn ngủi như giấc chiêm bao, ngoại vật phù du sắc sắc không không, chỉ có Niết Bàn là vĩnh cửu, mấy bà vãi ơi, hãy trở về đây mà tu với bần tăng, cỏi nước đâu có xa, chỉ cần các bà giúp bần tăng gầy dựng lại thảo am, rồi bần tăng sẽ vận dụng du hí thần thông cho Phật tử thính thị, nhiếp phục chúng sinh, rồi tiếng lành đồn xa, khách thập phương nghe tiếng oai phong mà tấp nập đến vãng cảnh chùa thì thảo am ta sẽ thịnh đạt mấy hồi, hehehe ....

Thôi nhé, tổng chào, adios, guốc bay, ô kê sa lem, hehehe....

BĐNS

Thơ: ƯỚC AO - Hồng Sang


Monday, May 1, 2017

Thơ: CÀ PHÊ GÓC PHỐ - Anh Hồ


Bút Ký: TRĂN TRỞ - H.A



Ngày 30/4 lại đến! Một ngày không thể nào quên! Thế là đã ngót 42 nằm ròng, nhớ ngày ấy đạn bom khói lửa ngập tràn! Sau khi chinh chiến tàn, có rất nhiều người thân, thầy cô, anh chị em bằng hữu dù muốn dù không cũng đã lìa xa quê hương… tổ quốc… chấp nhận làm khách viễn phương khắp mọi nơi Á hay Âu cũng được, miễn sao có được cuộc sống bình yên. Dạo ấy mình cũng có một vài cơ hội, nhưng mình đã không chọn lựa vì rất lo lắng không biết ngày sau sẽ ra sao, có thể trở về hay không vì nơi đây còn có cha mẹ anh em rất cần mình và những tình cảm ấy, mình cũng không thể thiếu.
Chấp nhận lìa xa quê hương, bỏ lại biết bao nhiêu kỷ niệm cả một khoảng đời thơ ấu, bỏ lại người th6n. Tất cả những người đã ra đi , dĩ nhiên đã chấp nhận một sự mất mát không hề nhẹ, nhưng bù lại họ cũng đã có một cuộc sống mà họ từng mong ước. Còn
những nguời ở lại coi như đã an phận để mà sống tiếp và để làm quen với một xã hội mới, chế độ mới dẫu biết rằng không thể nào bằng cái văn minh xứ người nhưng cầu trời sao cho có được một cuộc sống bình yên, hạnh phúc… thì cũng đành! Nhưng cuộc sống bình ấy chỉ là một toà lâu đài xây trên cát mà thôi. Nó chỉ có thể tồn tại khi không có bất cứ một ngọn sóng nào ập tới nhưng đó chỉ là chuyện trong mơ. Thế là chuyện gì đến cũng đã đến: xã hội nhiễu loạn, đất nước rối ren.. muôn vàn viễn cảnh tối tăm đang chực chờ phía trước. Rồi đây đất nước sẽ ra sao? Dân tình sẽ sống thế nào khi đất nước Việt Nam không đi về phía trước mà có thể sẽ quay về thời kỳ một ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Buồn!, Thầt vọng! Chỉ còn chờ vào một kỳ tích để có thể làm xoay chuyển vận mạng một đất nước vốn dĩ đẵ trải qua quá nhiều khổ đau này!
H.A