Sunday, July 31, 2016

Thơ: LỜI RU CỦA MẸ - Tống Ngọc Nga


Thơ: MẸ TÔI - Lệ Quyên


Thơ: CÔ HÀNG XÓM - Nguyễn thị Thêm


Thơ: QUÊ TA - ĐNMT


Tốc Ký: NIỀM NHỚ CÓ TÊN - Ngố


Hôm trước cô Ngọc Dung gọi cho em, bảo rằng Hội Ngộ lần này như thường lệ cũng sẽ cố gắng cống hiến bà con một Đặc San: “… em chịu khó nhín chút thì giờ quý báu, gởi bài đóng góp, tuy hồi xưa thời học cô, môn văn của em được xếp vào loại trung bình… kém, nhưng kệ nó, không sao đâu, viết đi, càng đông càng… vui. À mà này, chủ đề Long Thành Niềm Nhớ Không Tên nhá, cứ bám theo đấy mà viết, thế nào cũng được đăng”. Em nghe có cái gì đó hơi
lấn cấn, nhưng chưa kịp giải bày, cô đã cúp điện thoại rồi. Cô của em mà, mấy tháng hè này cô đắt hàng lắm, hết hội này đến đoàn khác, chắc cô lại phải vội vã chạy sô đâu đó rồi!
     Long Thành Niềm Nhớ Không Tên là sao nhỉ? Nhớ, nhưng không biết mình nhớ cái gì ở cái đất mang tên Long Thành? Trời đất, vậy thì còn làm ăn gì được nữa! Với em, người theo môn phái “sống ở trên đời…, chết xuống âm phủ biết có hay không!” và với phương châm sống “thà chết đói chứ không để chết thèm”, khi nói đến Long Thành, em nhớ liền ngay tút xuỵt đến hủ tiếu chú Nhuộm hay Hồng Phát, mì thập cẩm Long Châu, bánh bao Phương Viên, xôi mặn chị Niên, bánh canh bột lọc cá lóc đầu chợ, bánh mì chị Sáu bến xe lôi, phở Bắc ba anh Bùi cuối hông trái chợ và cháo lòng, cháo giò heo của Dì Tư. Nhớ nhé, gian hàng cháo lòng trứ danh này nhé, coi chừng lộn với gian hàng của bà vợ thầy Bảy Cẩn, mấy đứa con của bà ghẻ không hà! Em ngại lắm, thế mà thằng Th. bạn của em, nhà bán sách vở và dụng cụ học sinh, nó yêu đắm yêu đuối, yêu miệt yêu mài cô con gái của bà. Nhưng nói gì thì nói, phải công nhận cô bé này xinh thật, Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình chứ không phải vừa đâu. Bữa nọ hỏi nó, sao mậy, nó hí hửng khoe rằng hôm hẹn nhau đi ăn kem, uống cà phê trênchợ chiều, nó đã được nắm lấy bàn tay ngà ngọc của nàng. Ôi bàn tay mềm mại, kiêu sa và không có… cẩn hột xoàn, cũng đỡ. Ồ, lạc đề rồi, phải trở lại chủ đề Long Thành Niềm Nhớ Có Tên.
      Kể cho lắm cho nhiều các món ăn, nhưng em nhớ nhất là cái sạp bán bún riêu phía bên trái trước chợ, nơi hành hương của em mỗi sáng. Trời, nó ngon tuyệt cú mèo, ngon đến tê lưỡi, ngon quên trời quên đất. Bởi thế niềm nhớ Long Thành của em hôm nay có tên Bún Riêu, và em xin phép được vài hàng về “Bún Riêu Diễn Nghĩa”.Nói về bún riêu thì đây là cái món dễ nấu nhất nhưng cũng lại là khó nấu cho ngon nhất! Cái hay của thằng bún riêu là dù với ngườì sang hay hèn, đại gia hay dân nghèo vùng sâu vùng xa, người Nam hay người Bắc… nó cũng có cái khả năng đem lại cho người có may mắn thưởng thức nó một món ăn trọn vẹn, đậm tình quê hương dân tộc.
      Chuyện kể rằng từ thuở hồng hoang trong gia đình nọ ở Hà Lam Linh, một hôm anh ÊU cảm thấy khó ở trong người, ăn uống không ngon, nhất là các món cơm chiên, mì xào khô khốc. Chị RI yêu chồng, phát huy sáng kiến, suy tư tìm một món ăn thích hợp với tình hình sức khỏe khẩn trương của anh ÊU, với quan niệm, chồng có ăn ngon, ngủ khỏe, mình mới được…sướng. Chị bắt một mớ cua đồng tươi sống, cạy đám gạch son để riêng, cua được giã ra lọc lấy nước, cùng gạch cua đã xào qua với hành phi nấu thành tô nước dùng riêu cua đậm đà và bảo thằng nhỏ qua nhà bà Bảy làm bún mua nửa ký bún tươi để anh ÊU… nuốt cho trôi. Kết quả ngoài sức mong đợi, anh chồng húp tới đâu tiêu sầu tới đó, và tô bún riêu cua ban đầu chỉ có thế.
      Tháng ngày qua đi, một hôm anh chồng chợt nhớ tô bún hôm nọ, năn nỉ chị vợ nấu cho ănmột lần nữa, dù hôm nay anh khỏe hơn cả Võ Tòng. Anh ÊU đang ngồi nhâm nhi món đậu rán chấm mắm tôm, chị RI bưng lên bàn tô bún riêu cua trên điểm xuyết đó đây màu xanh tươi của hành hương ngò quế thái nhỏ, nghi ngút khói. Anh chợt động tâm linh, cho mấy miếng đậu rán và mắm tôm đang ăn dở vào tô, trộn đều. Ối trời, nó… bắt quá xá, vắt thêm tí chanh vào cho nó thanh, tất cả hòa điệu du dương không thể nào tả nỗi!
      Thế là một món ăn ngon của Việt Nam ra đời và… nhân dân ta không dừng lại ở đó. Cà tô mát đầy sinh tố hay dầu hạt điều cho vào thêm để sắc màu thêm hấp dẫn, có người khám phá ra rằng thằng kinh giới hay những cọng rau muống chẻ không thể nào thiếu trong tô bún riêu. Lại có anh thích cho thêm bắp hoa chuối bào cùng giá sống. Nhưng những người sành ăn và làu thông kinh sử, trên


thông thiên văn, dưới tường địa lý cho rằng lá tía tô là phần bắt buộc phải có trong các loại rau rợ cho tô bún, không phải chỉ vì hương vị của lá tía tô có nhiệm vụ tôn vinh phẩm chất tô bún riêu, mà là một phưong pháp phòng bệnh thần kỳ. Theo sách “Nam dược thần hiệu” của thiền sư Tuệ Tĩnh, cua đồng, tên chữ là điền giải, hay tất cả 6800 chủng loại của đám dân tám que hai càng đều có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, người ăn dễ bị rối loạn hệ tiêu hóa. Lá tía tô với mùi vị được các nhà khoa học đương đại trên thế giới cho là một tổng hợp thật hài hòa giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà và y tính được xếp vào loại giải biểu, phát tán phong hàn, phòng và chữa rất nhiều phiền toái của cơ thể con người, kể cả
nó có thể thay thế Viagra! Thế thì còn có ai có thể phủ nhận hằng đẳng thức “riêu cua + tía tô= lên tiên” được nữa không?
      Từ ngày tạo dựng được tên tuổi, sự biến tấu của món bún riêu trên đường nam tiến phong phú không thể nào kể cho xiết. Cái nước dùng nguyên thủy chỉ từ thịt và gạch cua đôi lúc đã bị thay thế bởi nước lèo từ sườn hay xương heo, thêm vào tí tôm khô… Quá đà hơn, ngày nay có người lại cho rằng bún riêu phải có huyết cục, chả cây hay chả miếng rồi lại có măng, vỏ quýt, lá
gừng… mới thật là mất… định hướng chứ! Với cái đà tiến triển như thế, biết đâu một ngày nào đó lại có bún riêu… khô, như những món hủ tiếu khô, mì khô hay phở khô như đã thấy, để người ta lại nuối tiếc, nhớ thương một thời bún riêu Long Thành. 

NGỐ



Thơ: HOA XƯA - Tống Ngọc Nga


Thơ: CÂY ỚT HIỂM - ĐNMT