Thursday, November 29, 2012

Bút ký: HỌC TRÒ - N.T.Thêm

CHITHEM.jpg


     Hôm nay, ngày nhà giáo đang được long trọng tổ chức ở VN. Người ta mang hoa, quà đem biếu thầy cô. Tôi không biết những món quà đó có thật lòng hay không. Nhưng dù sao cũng nói lên một ý nghĩa đẹp. Riêng chúng tôi, những người cầm phấn trước 75 không có ngày nhà giáo. Nhưng mỗi ngày nhà giáo chúng tôi được học trò thương yêu, kính nễ bằng cái cúi đầu thật trân trọng khi gặp mặt. Bằng những câu nói bắt đầu bằng dạ, thưa lễ phép. Bằng những tình cảm thân thương, những kỹ niệm gắn bó suốt cả đời. Đối lại chúng tôi đã hết sức trân trọng cái thiên chức làm thầy của mình mà tận tụy và yêu thương học trò. Tôi còn trẻ khi vào nghề nên học trò còn là bạn đối với tôi. Tôi yêu các em như người thân trong gia đình và các em cũng yêu thương và kính nể  tôi như một người chị.
     Tôi dạy học không lâu. Thời gian sống với nghề cầm phấn chẳng thấm vào đâu so với các thầy cô giáo lão thành. Thế nhưng tôi thật hạnh phúc vì biết mình không chọn sai nghề. Trong cuộc đời thăng trầm của một con người, chúng ta đã làm nhiều việc, nhiều nghề để mưu sinh. Khi già rồi, những buổi sáng, buổi chiều ngồi một mình, nhớ thời son trẻ, kiểm điểm lỗi lầm để cảm nhận, suy tư và sám hối, ta mới có cái nhìn đích thực về cuộc sống.
Tôi cũng vậy, dù chưa già tới cúp thùng thiếc, nhưng cũng đã tới tuổi nghỉ hưu, nghĩa là không còn nhiều năng lực làm việc. Thỉnh thoảng tôi ngồi lặng yên cảm nhận một niềm hạnh phúc vô bờ. Hạnh phúc của một nhà giáo  được học trò thương yêu.
Tôi  có rất nhiều học trò trong quảng đời dạy học. Nhưng dấu ấn trong tôi là những kỹ niệm khó quên của vài em rất đặc biệt.
Người học trò khiến tôi cứ nghĩ tới là mĩm cười là Thành con anh Ngon. Một buổi chiều lâu lắm rồi. Chị Ngon tới nhà tôi năn nĩ mời tôi đến nhà dạy kèm Thành.
_ -Cô làm ơn giúp dùm, tôi đã nhờ nhiều thầy cô rồi mà ai cũng không trị được nó. Cô Tất nói với tôi chỉ có cô hoạ may nó nghe lời. Tôi đầu hàng rồi cô ơi!
Tôi suy nghĩ, thằng bé này như thế nào đây.  Sao mà nó ngỗ nghịch kinh khiếp như mẹ nó kể.Thôi thì cứ thử.  Thế là tôi nhận lời. Thằng bé đôi mắt thông minh, gương mặt ngỗ ngáo rất lạ và dễ thương. Tôi dạy em chung với Dung chị nó. Dung thật hiền và ngoan, còn Th thì thật không chịu học. Nó có nhiều cách để chống đối rất mãnh liệt nhưng thật trẻ con. Như vẽ lung tung trên vở, phóng bút cho gãy ngòi, bẻ đầu viết chì, viết tùm lum để thầy cô nổi nóng. Tôi không giận mà lại tức cười khi thấy đôi mắt xếch của nó nhìn tôi như khiêu khích. Tôi mĩm cười và lấy vở nhẹ nhàng bảo ngồi xuống học, cô thương.. Vậy mà nó vâng lời và học rất chăm chỉ. Một ngày, nó làm trận nhất định không ăn cơm, nó bảo mẹ mời cô ở lại  cùng ăn . Có cô con mới ăn. Không thể thuyết phục, vậy là mỗi buổi tối tôi dùng cơm với nó trước khi về nhà. Nó ngoan và học rất tiến bộ. Có một ngày đi dạy về tôi thấy nó ôm một giỏ đồ đứng chờ tôi trước nhà. Thì ra nó giận mẹ quyết định qua ở với tôi. Thật là khó khăn khi thuyết phục nó đi về . Nhưng nó là thằng bé tôi yêu thương nhất trong quảng đời dạy học. Bây giờ có lẽ em  đã là một người trung niên,có gia đình và sự nghiệp. Nhưng nhắc tới em, tôi vẫn nhớ đôi mắt em -đôi mắt xếch thông minh, nghịch ngợm và quả quyết của một người đàn ông.-
Người học trò thứ hai là Chương Thành, con anh Châu Hải. Thằng bé tôi cũng chỉ dạy kèm chung với mấy đứa anh em nó trong gia đình. Tôi nhớ mái tóc dài, dáng con gái và sự nghịch ngợm rất con trai. Ba ngày trong tuần, vào buổi chiều tôi dắt cháu Nhi đến nhà anh Châu Hải, Đưa con bé ra hành lang ngồi chơi với cái ghế xích đu và ít đồ chơi. Tôi vào dạy học. Có lẽ tôi có duyên với con nít nên đứa nào cũng ngoan và học hành rất tiến bộ. Mái tóc Chương Thành gợi cho tôi hình ảnh về mình thuở còn bé. Ngày đó, tôi cũng bị ba má cho làm con trai chung với các anh. Mái tóc bị húi cua và quần ngắn áo sơ mi chung với nhau khiến tôi nhớ hoài không thôi.
Một em học sinh tôi nhớ không phải vì em có gì đặc biệt mà vì em tạo cho tôi tình huống nửa khóc nửa cười. Tên em là Ngọt  ở Quán Chim học Bán công Long Thành. Em hiền và học hơi chậm. Tôi dặn em tan trường có gì không hiểu thì tới nhà cô chỉ thêm cho. Thế là sau một thời gian, em theo kịp  các bạn. Để cám ơn cô giáo, một ngày Ngọt tới nhà cho tôi một sâu chim cu đã vặt lông. Em nói ba má biếu cô . Tôi nhìn sâu chim ngỡ ngàng và tội nghiệp vì chim bị làm thịt. Tôi từ chối và trả về cho ba má em bán. Vài hôm sau, em đem tới hai con chim cu trong cái lồng thật đẹp. Em nói ba má tặng để cô nuôi. Tôi dại khờ, thơ ngây, nuôi chim cẩn thận và rất yêu quý nó. Tôi lại còn khoe với các giáo sư chung trường về hai con chim của tôi. Thế là tôi bị thầy Nhản và các giáo sư trong trường chọc quê một trận .Tới bây giờ tôi cũng không quên giọng cười hả hê của thầy Nhản và thầy Bình. Tôi vỡ lẽ ra, xấu hổ quá trời, tôi xách cái lồng chim đem về cho ông anh. Tôi thề không nuôi chim cho tới bây giờ.
Một người học sinh tôi cũng nhớ tới là mĩm cười và mắc cở. Ngày xưa đó tôi dạy thêm giờ ở trường Trung học Phan văn Minh. Có những ngày sau tiết dạy ở THLT là tới tiết dạy ở PVM. Tôi đi bộ một đoạn đường khá dài để lên lớp. Học sinh lớp tôi thấy vậy chúng cùng nhau đạp xe ra đường lộ để đón cô. Thế là tôi ngồi sau lưng một em học sinh khá lớn. Em còng lưng đạp, bờ lưng em to che khuất hẳn cô giáo. Phía sau một đoàn xe học sinh đi theo rất vui. Buổi chiều, tan giờ chúng lại đưa cô giáo ra về.
Một buổi chiều thường lệ thầy trò tôi vui vẽ trên đường dọc đường mấy người phụ nữ làm sở Mỹ đi về. Một chị nói thật to, chúng tôi nghe rõ rang-” Cô giáo với học trò mà chở nhau đi như bồ bịch”. Tôi đỏ mặt, chắc em học sinh cũng rất ngượng ngùng. Hôm sau các em ra chở, tôi cương quyết đi bộ, các em rất buồn, đạp xe lửng thửng sau lưng cô giáo. Thế là chấm dứt màn đưa rước. Sau đó tôi mua xe đạp và có Yến về dạy chung, hai đứa chở nhau đi dạy. Đó là thời kỳ VN leo thang chiến tranh nên trong quê người ta hay khai tuổi sụt, hoặc lấy khai sinh đứa nhỏ cho đứa lớn đi học để tạm hoản thời kỳ quân dịch. Do đó học sinh trung học nhưng tuổi đời khá lớn. Có lần tôi đang đứng lớp. Một phụ huynh đến xin cho một em học sinh về gấp. Tôi hỏi lý do. Người nhà trả lời là vợ em ấy chuyễn bụng, đang chờ sinh con ở bệnh viện.
Một lần tôi dẫn học sinh đi dã ngoại. Tôi là Hướng đạo sinh nên rất thích sinh hoạt ngoài trời. Hôm ấy, tôi mới mua một cái dù màu rất đẹp. Bước vào bóng râm, tôi xập dù để ngồi sinh hoạt với các em. Tôi loay hoay không biết làm sao xếp cái dù mới. Thấy vậy, Hùng một học sinh tới gần cười cười -” Cô để em xếp cho” Tôi hỏi -” Em biết xếp không?”. Hùng  nhìn tôi nheo mắt tinh nghịch -”Cô đừng lo, em xếp dù cho bồ em thường xuyên mà cô” Nói xong ,Hùng cầm lấy dù, thoáng một cái em xếp dù gọn ghẻ, bỏ vào bao dù và đưa cho tôi. Tôi ngồi mắc cở thiệt, vì tôi là cô giáo mà không biết xếp dù và cũng chưa có bồ trong khi học trò đã từng trải yêu đương.
     Người kế là em Điềm và em Cu Lùn ở Bình Sơn (Tôi không còn nhớ tên thật của em, tên này ở nhà thường gọi). Hai em học ở Trung học Phan văn Minh. Hai em học thường, nhưng điều tôi không quên là thời gian sau 1975 hai em làm việc cho Ủy Ban nhân Dân Xã Bình Sơn ,mà tôi là một người ngụy quyền, vợ ngụy quân, có con nuôi là con đế quốc Mỹ.
     Năm1976 tôi về lại quê nhà, trắng tay và là một người phó thường dân trong xã hội mới. Có người đã khinh miệt cười tôi -”Thế sao không làm cô giáo nữa đi. Thứ đồ cóc chết ba năm quay đầu về núi.” Tôi nuốt giận vào lòng tự nhủ -“Gặp thời thế, thế thời phải thế. Nhịn để nuôi con” Tôi xin vô nông trường cao su


BS với nghề dẫy cỏ cao su. Muốn hợp thức hoá giấy tờ để được phụ cấp gạo cho con. ( Vì khi đi vào Nam tôi quên không mang theo giấy khai sinh của cháu Mỹ Linh).Tôi tìm đến Điềm và Cu Lùn. Nhìn cô bằng đôi mắt thương cảm hai em hứa sẽ làm khai sinh cho cháu Linh với điều kiện ngày sinh phải là sau tháng 4 /1975. Do vậy ngày sinh hiện giờ trên giấy tờ Mỹ Linh là không đúng.
     Khi Điềm nhận làm tổ trưởng quản lý công nhân , em rất ngạc nhiên khi nghe tôi khai số đường băng cao su tôi làm trong ngày. Có một ngày, tôi quên đồ ở chỗ đã làm, trở lại lấy ,tôi thấy Điềm đi đếm từng khoảng cao su tôi khai báo. Bất ngờ gặp tôi. Em ứa nước mắt -” Em không ngờ, cô có thể làm được như vậy, sạch sẽ và khai rất đúng. Em rất phục cô.” Tôi cười -” Bác và đảng đã cho cô cải tạo một đợt ở ngoài Quảng Trị rồi, nên bây giờ cô là nông dân, không phải là nhà giáo”. Cuộc đời tôi thật lắm gian truân, nhưng mạng tôi khá lớn. Mấy lần dẫy cỏ cao su tôi va phải bom bi, ngòi nổ nhưng đều bình an. Có lần người chung lối với tôi bị nổ hư cả mắt và bị thương tay. Tôi bị điều đi cắt tranh, đánh tranh, lợp nhà, tháp cây cao su ,bôi dầu kích thích cho cao su hay phá rừng khai hoang. Tôi vất vã cực khổ cả ngày dang nắng ngoài đồng, tôi đen thui và gầy nhom, xấu xí. Có lẽ Điềm đã nói với Bác Đội Liễu ba của em, nên thỉnh thoảng bác  điều tôi về làm ở nhà máy mủ mỗi khi cần để tôi đở phải dầm mưa dãi nắng . Cám ơn  các em, những người học trò  có tình có nghĩa.
Những ngày tôi làm công nhân cao su, tôi thật xuống tinh thần và đầy mặc cảm. Tôi ít ra quận lỵ Chẳng đặng đừng đi chợ thì tôi cũng tránh không để gặp học trò và những người quen. Thế nhưng một học sinh đã cố gắng tìm và  đến thăm tôi tại nhà. Đó là em Huỳnh thị Kim Hoàn. Em là học sinh lớp tôi hướng dẫn, trường bán công THLT. Em đến nhà tôi cùng chồng và 2 con còn nhỏ. Em ôm lấy tôi mừng trong nước mắt. Lúc ấy em đã là một kỹ sư công nghiệp và chồng em cũng khá thành công. Từ đó thỉnh thoảng có dịp em lại đến thăm cô giáo. Em mang tặng tôi một chai nước tương do hảng em sản xuất, một bịt bột ngọt chừng nửa ký để làm quà. Cho nên tôi thường gọi đùa em là “ Kỷ sư nước tương.” Tôi gửi em những cây trái vườn nhà. Tình thương yêu đã giúp chúng tôi có một mối dây liên lạc gắn bó. Cám ơn Hoàn, em là chiếc cầu nối đưa cô sống lại những ngày vui. Từ lúc gặp Hoàn tôi bớt đi những mặc cảm thân phận. Hơn 34 năm đã qua. Hoàn giờ là một giảng viên cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cháu Hiếu bây giờ là một kỹ sư khá thành công ở Mỹ . Tháng 3/2013 cháu sẽ lập gia đình. Bé Thảo bây giờ là một sinh viên đại học rất giỏi. Các cháu đều là những người con ngoan, hiếu hạnh và những người thành đạt. Tháng 7 năm 2011 tôi về VN Hoàn mời tôi tới nhà và đích thân xuống bếp nấu bún bò huế đãi cô. Căn nhà Hoàn& Hiệu đang xây lại dỡ dang. Căn nhà rất to và rất tiện nghi. Chúc mừng Hoàn. Cô vẫn mãi nhớ em với vòng tay và những giọt nước mắt thương cảm ngày nào.
     Người học trò bây giờ gần gũi và thương tôi nhất là Nguyễn thị Thanh Hương. Em cùng lớp với Hoàn, Nam, Chút, Bonganie, Bao và Ái Hoa. những người học trò yêu thương mà tôi còn liên lạc được. Ngày tôi mới đến Mỹ, Hương nhờ liên lạc với Hoàn nên đã tìm đến thăm tôi. Em cùng chồng cùng ba con trai đến căn nhà đơn sơ tôi mới mướn. Lúc đó ba cháu còn rất nhỏ, quấn quit bên mẹ. Chi đã cho tôi một ấn tượng ban đầu rất đẹp. Em lịch lãm, hoạt bát và nói chuyện rất có duyên.  Hương ơi!. Không biết em có còn nhớ hay không, nhưng ngày đó đối với cô là một ngày rất đẹp, có ý nghĩa trong đời. Nhờ Hương, tôi đã  liên lạc với Chút ở Orange County,, Nam ở SanJose, Ái Hoa ở Canada và Bonganie ở Pháp Thỉnh thoảng có dịp thầy trò lại đoàn tụ, ăn uống, tán gẫu và ôn bao nhiêu kỹ niệm. Nhớ những lần tới nhà Chút, Anh chị Chín tiếp đải chúng tôi rất nhiệt tình. Vườn trái cây với bưởi, xoài, vải sai oằn những quả. Mỗi lần đến thăm đều có chiến lợi phẩm mang về. Dòng đời thật lạ. Tôi bây giờ đã có hai học trò đặc biệt, một người làm Linh Mục và một người xuất gia làm ni cô. Lần hội ngộ THLT 2008 chúng tôi đã ở lại nhà Nam và gặp Châu vợ Nam. Các em đã đón tiếp chúng tôi và các thầy cô bạn bè THLT rất niềm nở , vui vẽ, tưng bừng. Tôi nhận thấy một điều trân quý là không chỉ các em kính trọng và yêu thương thầy, cô giáo mà chồng, vợ, các con của các em cũng dành cho  chúng tôi những cảm tình đặc biệt. Cám ơn Chi, Hiệu, Châu và các cháu rất nhiều.
     Năm nay 30/6/12 trường THLT tổ chức hội ngộ. Tôi ghi danh cùng các bạn đi cruise thăm Mexico vào tháng 7 độ một tuần. Khi liên lạc để đóng tiền chi phí thì Hương nói giấy tờ chưa xong. Cháu Duy liên lạc để tặng mẹ một chuyến đi chơi thì Hương cũng nói để từ từ. Cuối cùng, ngày khởi hành tôi đem theo một tấm check để ký trả thì mới hay các em đã hùn tiền lại tặng cô một chuyến đi chơi. Thật ra không phải vì tôi không có khả năng chi trả mà các em biết rằng tôi rất khó khăn để thu xếp một chuyến du lịch  xa nhà. Do đó các em mới bàn bạc với nhau để chiêu đải cô giáo một tuần lễ vui chơi xã stress. Tôi thật bất ngờ và không biết mình phải làm thế nào. Chỉ biết cám ơn và trân trọng. Cám ơn Hương, Chi, Ái Hoa, Xuân, Nam, Châu.
     Tôi nhớ ngày xưa, cái ngày quan trọng trong đời người con gái.- Ngày cưới của tôi- Vì BS là vùng sôi đậu ,chồng tôi lại là Sĩ quan VNCH nên hôn lễ không dám tổ chức tại nhà cha mẹ. Ba tôi quyết định tổ chức tại nhà riêng của tôi ở quận lỵ. Từ những ngày trước đám cưới, các em hướng đạo đã đến cùng tôi phụ dán vách trang hoàng phòng cưới, chặt cây cau, hái trái đùng đình và dựng rạp ngoài sân. Các em học sinh Bán công đến giăng đèn kết hoa, trang hoàng trong nhà. Có lẽ ít có thầy cô giáo nào được đặc biệt như tôi. Đám cưới của tôi được hình thành bằng những tiếng nói tiếng cười  trong trẻo vô tư của những người trẻ nên bây giờ tôi có nhiều cháu. Tuổi xế chiều của tôi được tưới đẩm bằng những tiếng hát, tiếng cười ngây thơ của 9 đứa cháu thật dễ thương.
     Như vậy, tôi là một người hạnh phúc được sống trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè và những học trò thân yêu. Bây giờ, các em đã giỏi hơn tôi rất nhiều. Các em đã là những người thành đạt, có trình độ, kiến thức. Nói cho cùng tôi chỉ là một bà già lẹt đẹt đi sau trong cái xã hội mới. Tuy nhiên trong tình thương tôi là một người chị từng nắm tay các em với những ngày đầu đầy nhiệt huyết bước vào đại dương  kiến thức. Các em vào rồi, bơi lội trong đó, hoá thành rồng, thành phượng và tung cánh vượt vũ môn. Cám ơn những người em, những học trò ngày xưa còn nhớ để yêu thương cô giáo cũ. Cám ơn nghề giáo đã cho tôi một trời hạnh phúc. Cám ơn ngôi trường THLT, nơi tôi đã từng một thời yêu thương và  gắn bó.

Cám ơn nghề cầm phấn,
Cho tôi bước vào đời
Cám ơn học trò tôi,
Cho tôi nhiều kỹ niệm.
Cám ơn sân trường với thật nhiều lưu luyến
Cám ơn cuộc đời cho tôi những ngày vui
Một mai kia tàn cuộc để buông xuôi
Vẫn còn lại nụ cười khi giã biệt.


 Thêm
19/11/ 2012.







Saturday, November 10, 2012

Truyện ký: BÀ CHÍN LUYỆN PHIM

LUYENPHIM.jpg
     Nghe như truyện kiếm hiệp, luyện chưởng hoặc vào thạch động luyện kiếm phổ.
     Bà Chín là dân nhà quê chính cống có biết môn võ nào đâu. Được cái võ mồm thì bà Chín sợ tội nên không luyện chưởng chửi. Bà Chín cũng chẳng ham mê vật chất nên cũng chẳng luyện môn võ shopping. Bà phát hiện mình có một thú đam mê đột xuất là  luyện phim.
     Nghe tới đây mấy vị nữ đại hiệp đồng đạo sẽ cười mím chi trong dạ vì là đồng hội đồng thuyền. Cái chi mà nó rất lạ. Bước vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu. Nhưng bước vào đường hành hiệp luyện phim thì nó mê man như vô mê hồn trận. Nó say say, ngẫn ngơ, choáng váng đầu óc.
     Số là lâu nay bà Chín chỉ mê cái còm pu tờ. Lúc nào cơm nước xong hay ông chồng già bắt đầu kéo gỗ thì bà Chín mở máy. Check meo, đọc truyện thỉnh thoảng còn viết ba cái chuyện lẫm cẫm cho bạn bè đọc chơi. Bà Chín vui khi thấy bạn bè hồi âm chọc bà là người cõi trên hay bà xẫm già lẫm cẫm. Bà vui trong cái vui của bạn bè và mọi người. Bà khóc thật lòng khi có người quen nằm xuống. Đôi khi bà còn đưa cả hình con, hình cháu nội lên để cho thiên hạ nghía. Bà mài miệt bên những phím đen đen và quên cả mình không còn trẻ để lãng mạn làm thơ tình.Thế mà đùng một cái  bà quẹo 180 độ mê phim Đại Hàn như vậy mới có chuyện để nói (ở quê hương ta người ta gọi là để tám).
     Số là bà có một con nhỏ bạn  già thời Trung học ở tuốt luốt bên Pensivania. Nó là dân luyện phim thứ thiệt. Một buổi sáng mây trời lãng đãng nó gọi hỏi bà về phim bộ Đại Hàn. Nó nói có cái phim Đông Dy hay lắm, mày coi chưa? Tao đi mướn mà không tiệm nào ở đây có. Mày mướn dùm rồi gi qua cho tao.Úy chu choa qươi! Bà có mướn phim bao giờ đâu mà biết. Và cũng từ đó bà tò mò về bộ phim Đông Dy. Thế là đi một vòng loanh quanh tìm hiểu, một  đồng nghiệp rất dễ thương  từ xứ cao bồi Tét xịt gửi qua cho bà bộ phim Đông Dy. Cầm cái bì thư nặng trịch trong tay, bà Chín thấy mình làm không đúng. Bà hối hận đã làm phiền người anh tốt bụng. Thế nhưng sự tò mò nổi dậy mãnh liệt hơn , ngay ngày hôm đó bà bắt đầu lâm vào mê hồn trận. Phải nói Đại Hàn làm phim rất tuyệt, bộ phim được dàn dựng công phu, từng nhân vật đã diễn đạt đúng với cá tánh và vai trò của mình.  Đạo cụ hoá trang lộng lẫy, tất cả đưa bà từng bước đi vào những ngõ ngách của câu chuyện. Bà tự nói với chính mình là coi chơi vì phim là một xã hội ão. Thế nhưng cuối một tập là một tình huống gay cấn, con bé Đông Dy mở to mắt sửng sốt nhìn lên và hết. Bàn tay chỉ cần bấm một nút stop là bà được trở về với bửa cơm chưa nấu. Thế nhưng trong bà lại nổi lên một háo hức rất mãnh liệt. Coi tiếp đi, còn sớm, thêm một tập nữa có sao đâu. Vậy là những ngón tay cằn cỗi dừng lại để đạo diễn đưa bà  tiếp tục tập kế. Và như vậy lần đầu tiên thằng con phát hiện mẹ ngồi một chổ để luyện phim. Nó cười cười:” Sao mẹ chưa đi ngủ”. Ngay ngày đầu tiên bà dớt sơ sơ 10 tập.Bà vào phòng ngủ hơn 1 giờ sáng. Bà nhìn ông chồng nằm không ngay ngắn, sửa lại tư thế, cho ông uống thuốc ,tắm rửa là tới 2 giờ sáng. Bà nhìn bà trong gương và bật cười cho cái yếu đuối của mình. Như vậy ai cũng có cái nhược, đánh đúng yếu huyệt là đi đoong một đời. Bà ra bàn thờ Phật thắp hương và thầm thì :” Hôm nay con xin khất bửa kinh tối” và uể oải lên giường, cái đầu kêu u u , mơ màng khó chịu vì quá giấc.

Ngày thứ hai, thứ ba cũng vậy, bà đi theo nó như một người nghiện biết sai nhưng không cưởng chế được.Mặc dù mọi việc nhà đã làm xong, cơm nước vẫn ngon lành, chó, mèo, cá vẫn được bà chăm sóc đầy đủ nhưng trong thâm tâm vẫn luôn dành một chổ rất ưu tiên cho bộ phim Đông Dy. Bà ngồi yên mãi miết đi theo những tình tiết của cô gái nô lệ ngoan hiền một cách nhiệt tình và đầy cảm xúc. Cứ mỗi một lần bà quyết nghỉ không coi là có một tình tiết gay cấn bắt bà tiếp tục.
     Ngoài trời gió mùa thu về rào rào, gió rít từng hồi, cây cỏ rạp mình chịu tội. Bà tự biện luận: “thôi chờ lặng gió rồi hãy tưới cây. “ .Thế rồi mặt trời đi ngủ trong khi bà vẫn dán mắt vào màn hình. Một ngày lại đi qua, vườn rau chờ mẹ già ra thăm, chăm sóc, mà mẹ mãi đi theo cô nàng Đại Hàn Đông Dy bỏ con héo hắt dưới ánh nắng mặt trời. Ông chồng nhìn bà không nói, lặng lẽ đi vào phòng, một hồi đi ra vẫn thấy bà ngồi yên say sưa theo cốt chuyện. Không nói ra nhưng chắc ông sẽ thở dài.

     Cuối cùng bộ phim cũng hết, bà dớt 60 tập phim trong vòng có một tuần. Bà bỏ dĩa cuối cùng vào trong bao thơ  và có cảm giác như mình vừa bước vào nhà sau những ngày đi rong. Một cảm giác nhẹ nhàng len lõi vào trong tâm tưởng. Bà phát hiện con người mình còn nhiều dục vọng, những ham muốn vẫn đốt cháy cái tâm tham lam. Lần đầu tiên bà thấy bà thật rõ ràng khi thả lỏng cho mình mê muội. Có những lúc con người bị rượt đuổi như những bóng ma sau lưng rình rập. Ta dối trá, ngụy biện ngay chính bản thân ta   để che dấu cái thật của tâm tư. Bà không hối hận, nhưng bà nghiệm lại để biết rõ hơn về sự đam mê.
     Phim không phải là sự thật, phim chỉ dựa vào một ít sự thật để cấu tạo nên tình tiết.    Tình tiết, trang phục, sự diễn đạt lôi cuốn người xem vào cốt chuyện. Đắm mình trong đó ta sẽ bắt gặp cái ta nó đi sau những tập phim. Khi ta muốn dừng lại, phim nắm tay ta kéo đi với chút tò mò khám phá hay ngỡ ngàng trong sự diễn biến tiếp nối. Đầu của ta lan man chuyện phim, hồi hộp theo tình tiết và lảng đảng, váng vất vì mất ngủ quên ăn.
     Bà Chín đã xếp bộ phim dài 60 tập vào ngăn kéo và mĩm cười bước ra sau vườn. Cây cối như háy mắt chọc bà, con Lucky quảy đuôi mừng rỡ vì hôm nay bà ra chơi với nó. Bà tưới thật đẫm những cây đang khát nước. Bà vào bàn thờ Phật và dường như thấy đức Thích Ca Mâu Ni đang cười bà, cái cười độ lượng thương yêu. Bà ngẫm ra một điều rất thật.: Chuyện phim không thật, đời người cũng vô thường. Ta đang sống trong đời thường mà mọi thứ đều sẽ bị huỷ diệt. Ngay cái đời thường này ta vẫn còn mê còn chấp, chưa biết thu xếp cho mình một con đường kế tiếp trong luật tử sinh. Ta lại mê say rượt đuổi theo những cái không thực trong phim ảnh để mất ngủ quên ăn thì thật là càng chấp lớn. Con người quay cuồng theo những ão vọng và mộng tưởng không có lối ra. Bà càng nghĩ lại càng xấu hổ với mình. Bà quyết định từ nay, sẽ coi phim với một tư thái khác chứ không luyện phim như người ta luyện chưởng.

                                                                            THÊM 10.29.12