Friday, August 31, 2012

Thơ: PHÍA KHÔNG EM - Kim Vân

Hồi ký: XÓM NHỎ - Phần 1 - NTT


1. Xóm Nhà Thờ.

Bài thơ “Vu Lan nhớ mẹ” trong đó  tôi nói về ngày xưa tôi đã từng làm Thiên Thần trong những ngày Lễ Giáng sinh. Tôi nghĩ hay mình viết về cái Xóm nhỏ ngày xưa. Cái xóm  dễ thương  trong ký ức tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một đồn điền Cao Su. Tên của nó là Sở Cao Su Bình Sơn( Plantation de ter rouge Bình Sơn), giáp ranh với Sở Ship và An Viễng. Ba tôi làm tài xế lái xe cho chủ sở. Căn nhà tôi ở chung dãy với những người cai , đội của đồn điền. Chủ sở gồm hai người Chủ Chánh và Chủ Phó ở hai căn biệt thự riêng rất đẹp trên đồi. Có bồi nấu ăn, có tài xế đưa đón, thỉnh thoảng thấy có bà đầm và mấy đứa con tây mắt xanh da trắng ra vào.. Những người sếp (chef )Việt Nam, trưởng phòng, thư ký hay sếp máy  tức là những người trực tiếp giúp chủ tây điều hành đồn điền thì ở riêng một khu vực. Nhà đẹp hơn ,tiện nghi hơn và sang hơn gọi là xóm “Nhà Máy” hay xóm “Mấy Thầy” Còn những người dân cạo mủ hay làm việc linh tinh thì ở những dãy nhà cách xóm tôi ở một con đường ngang. Nói chung những dãy nhà Tây xây dựng rất kiên cố, cứ hai nhà dính lại với nhau, có sân riêng cách nhau bởi một hàng rào. Hai dãy nhà đối diện ngăn cách nhau một con đường, xe vận tải có thể đi vào. Mỗi nhà có hai phòng ngủ, một phòng khách và nhà bếp tương đối rộng rãi. Những căn nhà ấy trải qua hơn 70 năm, tới bây giờ người dân vẫn còn ở. Ở đầu mỗi dãy nhà là một phong tên nước được tráng xi măng một bờ bao đủ cho người dân lấy nước dùng hay đến giặt đồ, đôi khi tắm rửa. Đường mương bằng đá xanh xây kiên cố khá sâu và rộng để thoát nước và có những nhà cầu công cộng ở trên. Nước ở trên nhà máy mủ chảy xuống tống đi những dơ bẫn trên mương và chảy ra chân con suối cuối làng. Đầu con suối là một bể lọc nước thật lớn đem nước tiêu dùng cho dân chúng. Đầu làng, cách nhà tôi vài trăm mét là ngôi trường tiểu học xây kiên cố với một dãy 5 lớp học từ lớp vỡ lòng đến lớp nhì. Hàng năm đều có quan đốc học Tây đến kiểm tra. Mỗi độ hè, đều có phát thưởng và gửi học sinh ưu tú ra quận Long Thành lãnh thưởng.  Mỗi ngày đều có xe đưa rước học sinh từ lớp nhất (lớp 5 bây giờ) trở lên được chuyễn ra học tại trường quận. Sát khu văn phòng chủ sở là khu vận tải với nhiều loại xe và thành phần thợ máy tay nghề cao. Đối diện văn phòng là nhà máy sơ chế mủ  lấy từ lô cao su về. Con đường tráng nhựa dốc cao cho xe mủ chạy lên bốc dỡ, có văn phòng với máy đo chất lượng và số lượng  mủ cao su mỗi xe  . Dưới kia, đối diện nhà mấy thầy là nhà thương của sở, có phòng khám bệnh và những dãy giường nằm khá sạch sẽ. Định kỳ 3 hay 6  tháng có một bác sĩ người Pháp đến khám bệnh. Điều hành nhà thương là một y sĩ người Việt và một số y tá đã qua trường lớp. Những người dân bị bệnh nặng được chuyển về nhà thương Saint Paul ở Sài Gòn điều trị. Mọi phí tổn đều do chủ Tây thanh toán.
Trở về cái xóm nhỏ của tôi. Nó có tên là Xóm Nhà Thờ. Nhà Nhờ nằm ở đầu xóm, chểm chệ trên một khu đất khá rộng. Có hang đá xây kiên cố,  có chúa Hài đồng đẹp như thiên thần ngủ yên trong máng cỏ,  bên cạnh những chú cừu con dễ thương bằng thạch cao. Nhà cha và nhà  thầy Sáu ở cách nhà thờ một đoạn  đường. Nhà Ông Trùm cách nhà tôi vài căn và con ông trùm là bạn thân của tôi.
Đa số dân đồn điền là dân di cư và theo đạo Thiên Chúa mà xóm tôi lại là xóm Nhà Thờ, nên tụi tôi đứa nào cũng mặc nhiên theo đạo. Hàng ngày tôi theo nhóm bạn cùng lứa tuổi tới nhà ông trùm đọc kinh hay lên nhà thờ tập hát. Cha sở là một vị linh mục trẻ, đẹp trai và rất hiền Tuổi thơ qua rất lâu mà tôi còn nhớ cha hay dẫn tụi tôi tới nhà cho ăn những bánh bích quy rất ngon. Còn mấy thầy 6 thì vui lắm, rất cưng chiều tụi tôi, dạy hát và múa trắc. Trắc là hai thanh tre đánh vào nhau theo nhịp đi hay nhảy. Cùng dãy với nhà tôi là nhà Cậu Uẩn. Cậu dạy thêm chúng tôi học chử, dạy múa trắc hay tập diễn hành rước kiệu. Cậu có rất nhiều tạp chí” Thế Giới Tự Do”. Mỗi khi đứa nào học giỏi Cậu phát cho một quyễn hay một cuốn truyện bằng tranh.  Mỗi khi đến ngày Lễ Giáng Sinh tôi và con ông Trùm và thêm mấy đứa nữa được thay phiên nhau làm Thiên Thần hầu bên cạnh Chúa Hài Đồng. Bộ đầm trắng với đôi cánh xoè ra, thêm một vòng hoa trên đầu làm chúng tôi đẹp hẳn ra. Mỗi khi có người đến hôn chân Chúa chúng tôi lại bốc một bụm cốm trao tặng. Cốm được trang trí quanh máng cỏ biểu tượng cho tuyết đêm đông. Còn chúng tôi thì mặc sức ăn cốm . Niềm vui không phải vì yêu Chúa hay được theo đạo mà vì được ăn cốm thoả thuê và được làm Thiên Thần thật đẹp. Ông Trùm họ đạo nỗi tiếng là dử và khó, hôm nào lên nhà thờ mà không nghiêm chỉnh, không thuộc kinh hoặc hát sai giọng là  bị ông đánh đòn  thật đau. Cả họ Đạo đều sợ ông Trùm há gì tụi tôi.
Ảnh: MINH HỌA
Mỗi năm đều có những ngày lễ lớn tổ chức rất nghiêm chỉnh. Lễ Chúa Sống lại được tổ chức ba ngày. Ngày đầu tiên, ngoài đi lễ nhà Thờ thì còn có những con chiên mặc đồ giả dạng quân dữ đến từng nhà người dân theo đạo truy tìm tông tích Chúa. Có chiêng và phèng la đánh theo những bước chân. Quân Dữ đằng đằng sát khí vào từng nhà, làm bộ đi lục lọi khắp nơi rồi đi qua nhà khác. Ngày thứ nhì là ngày Chúa bị đóng đinh và chết trên thập tự giá. Từ nhà thờ tỏa ra  hai đoàn rước kiệu chia  hai hướng ngược nhau đi khắp ngã đường trong làng Một đoàn rước hình tượng Chúa  bị đóng đinh . Máu từ hai bàn tay tuôn ra ràn rụa. Một người giả làm Chúa vai vác Thập Tự đi từng bước khó khăn theo sau. Giáo dân một số giả làm quân dữ hò hét, mặc mày hung hăng ,gươm giáo tua tủa. Một số đi cuối  khóc cho sự thương khó của Đức Chúa. Đoàn thứ hai là rước tượng Đức Mẹ. Kiệu được trang trí bông hoa rất đẹp. Đi theo đoàn là các con chiên bộ mặt sầu thảm, ủ rũ, vừa đi vừa đọc kinh thỉnh thoảng lại hát những bài thánh ca.. Hai đoàn rước kiệu gặp nhau ngay ngã tư đi về hướng nhà thờ. Sau một hồi chiêng trống, kiệu dừng lại và được đặt xuống. Người chủ Tế bên kiệu Đức Mẹ đọc lên bài văn tế thống thiết, ngân nga. Bài Tế nói lên nỗi lòng bi ai của Mẹ Maria thương con đang chịu cực hình. Sau đó là ông Trùm đọc bài tế  nói về sự thương khó của Chuá và lời  Chúa nhắn gửi cho Đức  Mẹ và các con chiên. Buổi lễ diễn rất trang trọng, thống thiết, hoà đồng với lời cầu kinh của mọi người. Sau đó hai đoàn nhập lại một, tượng Đức Mẹ đi trước, tượng Đức Chuá đi sau, cùng đi về nhà thờ. Ngày thứ ba là ngày Chúa sống lại. Đoàn rước kiệu khiêng tượng Đức Mẹ và Đức Chúa đi vòng trong làng trong nỗi mừng vui và hân hoan. Đoàn rước với cớ phướng ngợp trời, Con chiên kéo một đoàn dài với áo quần đủ màu sặc sở. Nhiều đoàn thể với đồng phục đẹp mắt. Mỗi đội hình biểu diễn hay cầm một biểu tượng riêng. Chúng tôi mặc đồng phục trắng, cổ mang khăn quàng, đánh trắc đi sau kiệu. Trắc đánh nhịp nhàng, đánh bên trái, đánh bên phải, giở một chân lên đánh ở dưới, rồi chân kia, rồi xoay một vòng xong đánh ba nhịp ở trên đầu. Tiếng trắc đồng loạt, điệu nhảy  nhịp nhàng vui mắt. Ai cũng vui, cũng mừng Chúa đã sống lạ.  Buổi tối chúng tôi lại kéo nhau ra sân điểm để xem chiếu bóng do Sở mướn để phục vụ đồng bào. Đó là thời kỳ hưng thịnh nhất của họ đạo ở đây.

NGUYỄN THỊ THÊM

Thursday, August 30, 2012

Thơ: SEN VỀ VỚI EM - Kim Vân

SENVEVOIEM-2.jpg

Thơ: BỐ ƠI ! CON MUỐN... - THTH

BOOICONMUON-1.jpg

Cảm nghĩ: VU LAN - Tâm Thụy

Vu-Lan là mùa báo hiếu. Từ xa xưa đến nay, lòng hiếu thảo được xem như là một bản năng Đạo Đức của người Á-Đông, cũng như của người Việt Nam trong đó có người Việt chúng ta. Hình ảnh thật đẹp của người mẹ hát ru con ngủ, cho con bú mớm; của người cha nghiêm dạy dỗ nuôi con, chăm sóc gia đình; những hình ảnh mà các bậc Hiền Đức vẫn luôn tôn vinh và giảng giải cho mọi người phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Lòng hiếu thảo là một đức hạnh cao quý mà không có một vị thánh nhân nào không có.Dạy dỗ nuôi con, chăm sóc gia đình; những hình ảnh mà các bậc Hiền Đức vẫn luôn tôn vinh và giảng giải cho mọi người phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Lòng hiếu thảo là một đức hạnh cao quý mà không có một vị thánh nào không trân quý. Đức Phật là đấng toàn giác vẫn phải báo hiếu cho cha mẹ của Người. Và cũng vì chữ Hiếu mà ngày lễ Vu-Lan đã được ra đời trong ngày trăng tròn tháng bảy. 

Đại lễ Vu-Lan năm nay lại đến, mang về cho mỗi người con một tâm tư sâu kín dạt dào thương kính cha mẹ mình. Sự cảm nhận qua những nhọc nhằn chính mình đã dành cho con mình. Là con Phật, chúng ta phải biết đến Tứ Ân mà Phật pháp luôn nhắc nhở, trong đó ân cha mẹ luôn đi đầu 

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Những lời Phật dạy sắc son
Tứ ân: Tam-Bả, giữ tròn thân tâm,
Tình cha, nghĩa me cao thâm,
Thầy cô, xã hội, kết mầm an vui.


Đó là những tấm tình sắc son chúng con được thầy cô ban giảng. "Trong đời người hiếu đạo vô biên vời vợi" mà mỗi độ trăng rằm tháng bảy những người con Phật, những hiếu tử đều vân tập về chùa, đều nhớ nghĩ đến công ơn cha mẹ, qua tấm chân tình bát ngát hương sen, qua những lời kinh trân quý cùng hướng về cha mẹ, cùng mong ước cho cha mẹ luôn khỏe mạnh sống đời với con. 
Có một ngày con được trò chuyện cùng thầy, và thầy đã dạy rằng: "vào ngày Vu-Lan chúng ta nên cài hoa hồng vàng, vì ngày Vu-Lan là ngày nhắc nhở mọi người tưởng nhớ đến công ơn sâu dày của cha mẹ dành cho mình, là ngày báo hiếu cho cha mẹ. Theo như con thấy, mỗi năm những hoa hồng đỏ được cài cho người còn mẹ, bông trắng cho những ai không còn mẹ. Người vui mừng vì mẹ kề cận, người buồn da diết nhớ mẹ đã ra đi... Thế chỉ có mẹ thôi sao? Còn công dưỡng dục của cha thế nào? Để thay thế cho sự phân biệt kia, hoa hồng vàng sẽ được trân quý cài lên áo của mọi người. Màu vàng của bình đẳng dành cho cha và mẹ, dù người còn hay mất. Màu của tình thương vời vợi, của mỗi cá nhân ai cũng đều được sinh ra từ cha mẹ. Màu của lòng từ bi, trí tuệ, để hiểu rằng không chỉ báo hiếu trong một kiếp nầy mà còn thâm sâu trong hơn thế nữa. Trong nhiều kiếp luân hồi, chúng ta không biết đã có bao nhiêu cha mẹ, hoặc đã từng làm cha mẹ của vô số chúng sanh, hoặc đã một lần làm vợ chồng, con cái, anh chị em của mỗi người tại nơi đây… Và đức Phật đã có lần dạy rằng: "sữa ta uống từ mẹ trong vô số kiếp còn nhiều hơn biển cả. Vì vậy khi đã hiểu, chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau mà cư sử cho đúng đắn. Chúng ta sẽ sống với nhau hòa thuận hơn, hạnh phúc hơn trong xã hội nầy, nói chung, và dưới mái chùa Giác-Quang nhỏ bé nầy trong hiện tại, trong phút giây nầy. Như vậy, ngày lễ Vu-Lan là ngày để cho chúng ta báo hiếu với cha mẹ, rồi biết nhớ ơn của tổ tiên, ông bà, thầy cô, con cháu, bạn bè, và tất cả chúng sanh sao cho phải đạo làm nguời. Chúng con mong rằng quý Phật tử hiểu tâm tư chúng con và cùng hoan-hỷ để chúng con cài đóa hồng vàng trên áo và cùng hướng về đức Thế-Tôn lễ tạ chân thành. 

Sẽ không có sự phân biệt mà chỉ có một màu hoa, một màu cao quý, chúng ta sẽ mượn màu hoa nầy để nói lên tấm lòng vàng trong tâm tưởng. Ngày Vu-Lan chỉ có một lần mỗi năm, nhưng lòng hiếu của tất cả chúng ta sẽ không bao giờ có ngày dừng lại, vì "cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, Lòng thương con mãi rực sáng vô biên"

TÂM THỤY

Thơ: MẸ ƠI - THT

MEOI-THT.jpg

BÀI THƠ TIẾP NỐI - Song Phú


Sunday, August 26, 2012

Thơ: MẸ TÔI - Phương Lan

METOI2-1.jpg

Thơ: NHỚ MẸ - NTT

Bút ký: CON THƯƠNG MẸ LẮM - Tâm Thụy


Ảnh: GOOGLE
Thu đã về mang vào lòng tôi một nỗi buồn và một niềm hạnh phúc.  Gió thu mỗi một ngày thêm buốt giá, ru từng chiếc lá xanh tươi kia trên cành, để rồi buông mình vào giấc ngủ vô thường, trải rộng tình thương trên đất mềm, nhẹ nhàng ôm lấy những hạt mầm nhỏ bé mà đợi chờ người mẹ hiền mùa xuân về, vén lên bức màn đông lạnh lẽo, đánh thức những tâm hồn vẫn còn ngủ say.  Mỗi ngày khoảng trời dần dần lặn đi tiếng chim ca, để lại một khung trời tĩnh lặng, tôi nghĩ về mẹ tôi.

Một nỗi buồn - Mẹ tôi đã già rồi -  Tâm hồn mẹ tôi đã già lắm rồi, đã rất mệt mõi.  Cuộc đời mẹ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, khổ vui, nhưng một nỗi buồn, mẹ, dường như, luôn phải nắm trong tay.  Có ai mà muốn giữ lấy nỗi buồn?  Thật can đảm!  Mẹ tôi.  Tôi biết.  Đã bao lâu chịu đựng khổ đau cho gia cang mọi bề yên ổn.  Mẹ đã mang theo nỗi buồn nầy, có thể là, từ ngày mẹ cho tôi cuộc đời nầy.  Chín tháng mang nặng, ba năm bú mớm, và mẹ đã chăm sóc dạy dỗ tôi khôn lớn như hôm nay.  Không chỉ riêng mình tôi, còn có em tôi, và ba tôi.  Tôi có thể thấy rằng ba không còn thương yêu mẹ nữa.  Trong gia đình, đôi lúc, cả bốn người đều khổ: ba người chịu khổ, và một người tạo khổ.  Bây giờ, tóc mẹ lất phất vài ba sợi bạc, da mẹ ngâm nâu, mắt mẹ âu sầu buồn thảm, tuổi đời mẹ đã bước vào thu.  Con như những hạt mầm nhỏ bé, mẹ như một cây to, chắc khỏe, bàn tay mẹ đã chai, như những chiếc lá úa, ôm lấy con, phủ lấy hạt mầm, mẹ ru con ngủ những ngày thơ ấu, con lớn lên rồi con có thấu chăng?

Tình mẹ bao la, tình mẹ rộng lớn biết dường nào!  Con thầm hỏi, “Mẹ ơi, mẹ có mệt không?”  Và con biết, con biết câu trả lời, “Không, mẹ không mệt đâu con ạ!”  Đấy!  Tình mẹ là như vậy.  Một người mẹ thương con không bao giờ than mệt.  Nhưng con có thương mẹ chăng?  Có bao giờ quên hết?  Thưa mẹ, mẹ đừng lo nhé!  Con không quên đâu, vì con thương mẹ!  Nếu không mẹ, con chẳng có hôm nay!  Mẹ như mùa xuân trở về trong đời con, đánh thức lòng con, những hạt mầm ngủ say.  Mẹ khuyên răn, mẹ luôn dạy bảo: “đừng như cha con, mà luôn chăm chỉ, luôn học hành cho tốt đạo, tốt đời…”  Tôi buồn vì mẹ đã chịu nhiều đau khổ, nhưng mẹ vẫn đứng vững nuôi con.

Một niềm hạnh phúc - Mẹ tôi đã già - Mẹ đã già vì ai?  Vì các con đấy!  Mẹ đã từng nói, “Các con là cuộc đời của mẹ.  Chẳng phải cha vì đã hết nghĩa tình, nhưng các con đừng trách bỏ cha mà vẫn phải vâng lời, lễ kính.  Vì đời cha tuổi trẻ bướm hoa…”  Con luôn thương yêu cha mẹ, thương yêu hết lòng.  Cha mẹ còn đây, con còn có niềm hạnh phúc.  Tuy rằng cha không tròn trách nhiệm để mẹ đây lo lắng đủ điều, nhưng chỉ mong sao trong gia đình không ai phải khổ, không ai tạo, không ai hứng chịu.  Con chỉ muốn gia đình yên ổn, không người lớn tiếng và không người khóc, chỉ nụ cười tiếng nói vui lòng.  Con thương ba bằng cách giỏi hơn ba, “con hơn cha là nhà có phúc.”  Có thể, là một người chồng tốt, không rượu chè, thuốc lá như cha, luôn chăm lo thật tốt cho gia đình.  Con thương mẹ, con luôn cố gắng học hành, làm người tốt giúp đời, giúp nước, như bấy lâu mẹ hằng ước mong.  Mẹ chịu khổ cho đời con vui.  Mẹ chỉ vui khi thấy con cười.  Và con muốn mẹ được vui.  Khi mẹ cười con thật hạnh phúc.  Con thương mẹ, thương lắm mẹ ơi!

Ảnh: GOOGLE
Thu đã về, mùa Vu-Lan đến.  Vào ngày Vu-Lan, những người con sẽ hướng về cha mẹ, những đấng sanh thành.  Có biết bao nhiêu các bài viết, sách vở, ca khúc nói về công ơn cha mẹ.  Đây, tôi xin góp một phần nhỏ ca ngợi công ơn sâu dày này.  Mong các cha mẹ đều có những người con ngoan ngoãn, và các người con đều có cha mẹ luôn thương yêu mình.  Hãy luôn ghi nhớ và cố gắng hành theo Pháp Phật, vì Pháp là con đường dẫn đến hạnh phúc muôn đời.

TÂM-THỤY

Friday, August 24, 2012

Wednesday, August 22, 2012

Bút ký: NGƯỜI MẸ - Nguyễn Thị Thêm


Đây không phải là mẹ tôi. Mặc dù tôi yêu kính Mẹ tôi nhiều lắm. Hàng đêm tôi thắp hương nguyện cầu cho vong linh Mẹ tôi siêu thoát, an lành trong ánh sáng Từ Bi của Đức Phật A Di Đà.
Chiều nay tôi nhận được tin buồn từ một người em ở Canada gửi tới. Em báo tin Vương Anh Vũ đã từ trần. Tôi ngẫn người một lúc thật lâu. Trong tôi có một cái gì dâng lên nghẹn ngào. Cách đây chưa đầy một tháng. Khanh em của Vũ vừa trút bỏ tấm thân tứ đại đau khổ này mà ra đi. Bây giờ tới phiên Vũ. Tôi nghĩ đến cô giáo của tôi. Người Mẹ của những đứa con bạc phước này mà không cầm được nước mắt.
VƯƠNG ANH VŨ                         chụp tại  Sàigòn 1972
Cô Ba, cô giáo lớp Nhất ngày xưa của tôi là mẹ  của Vũ và Khanh. Cô thật đẹp, một nét đẹp mặn mà, quyến rũ. Cô có đôi mắt thật buồn và sâu lắng. Chúng tôi rất sợ và kính yêu cô. Cô dạy rất nghiêm khắc và rất thành công. Những ngày xưa đó, chúng tôi hay đến nhà cô để  ôm những vở học sinh cô chấm xong lên trường. Được cô phân công là vinh dự cho chúng tôi. Đối với tuổi thơ ngây cô giáo là một hình ảnh tuyệt vời mà học sinh nào cũng mơ ước. Thuở ấy, Vũ là một cậu bé rất đẹp trai, là con của cô giáo nên chúng tôi nhìn Vũ đầy ngưỡng mộ.
Và rồi tôi cũng làm cô giáo, cùng về trường xưa dạy chung với cô tôi. Cô vẫn đẹp, vẫn nghiêm và vẫn đạo mạo, phong cách của một nhà mô phạm lâu năm.Tôi gần gũi cô hơn, tôi thông cảm cô hơn và trong tôi cô vẫn là cô giáo mẫu mực mà tôi yêu kính. Thế rồi cơn sóng đời đưa tôi trôi dạt xa bờ. Tôi không gặp lại cô từ sau khi tôi rời quận lỵ Long Thành để đi theo chồng xa xứ. Bẳng đi mấy chục năm sau, tôi được tin từ các bạn học cũ. Cô tôi đã về hưu theo biên chế mới của nhà nước bây giờ. Điều đau lòng hơn, cô phải chăm sóc ba đứa con đều bị bệnh nằm một chỗ.
Tôi về thăm cô một buổi sáng tháng 7 trời thật đẹp. Cô bước ra trong ánh sáng lờ mờ của căn nhà đã lâu năm không được sửa sang. Cô thật đẹp với mái tóc bạc và làn da trắng mong manh. Đôi mắt cô tuy không còn tinh anh nhưng vẫn sang và đẹp. Tôi ôm lấy cô thương quá đổi. Cô là bà tiên trong câu chuyện cổ tích. Một bà mẹ đã 80 chăm sóc 3 đứa con đã tráng niên nằm một chỗ. Vũ, Khanh và Thư. Ba em ba phòng nhỏ ẩm thấp, Cô lo cho em này vệ sinh, lại lo cơm cho đứa khác. Mỗi em là một loại thuốc, mỗi em cần một chăm sóc khác nhau. Cô như con thoi qua lại trong ba phòng của ba đứa con.  Chỉ có bà mẹ mới biết nỗi đau và tâm trạng con mình để chăm sóc, chịu đựng và để cho các con gởi gấm bao nhiêu tâm sự và nỗi muộn phiền. Trái tim người mẹ như những hạt kim cương chói sáng rực rỡ những góc cạnh tuyệt vời của yêu thương và tha thứ. Cô nghẹn ngào kể về cuộc đời đầy bất trắc của những đứa con thân yêu. Trong đôi mắt và câu chuyện, tôi không hề bắt gặp sự than van hay phiền trách các con. Cô chỉ kể đến các em trong sự thương yêu và lo lắng. Cô chỉ lo không làm được trọn vẹn nhiệm vụ chăm sóc các con, không làm cho các con vơi đi sự đau đớn về thể xác và sự bất mãn cuộc đời trong tâm hồn. Phòng khách cô tiếp chúng tôi chỉ cách phòng Anh Thư một bức màn, nhưng tôi không dám bước vào, tôi biết em rất nhiều mặc cảm và không muốn tiếp xúc người ngoài. Tôi bước ra về trong những bước chân chênh vênh buồn. Buồn cho số kiếp của cô tôi, buồn cho định mệnh ác nghiệt để những những người con khôn lớn nhìn mẹ mình làm vệ sinh cho mình mà không thể làm gì khác hơn.
Muà Vu Lan đã về. Những người con có hiếu đều muốn làm một cái gì để dâng lên Mẹ mình. Đều muốn ôm lấy mẹ mà nói hai tiếng cám ơn. Muốn hôn mẹ thật ngọt ngào để diễn đạt tình yêu thương vô bờ bến. Tôi nghĩ Vũ và Khanh cũng đã làm điều đó khi rũ áo ra đi. Chiếc áo trần gian củ kỹ, nhàu rách tả tơi  đã làm khổ các em bao ngày. Bây giờ đã đến lúc các em trả lại cho trần thế. Các em đã trả xong nợ của một đời người. Một món nợ trả thật lâu, thật dai dẳng bây giờ mới dứt. Hãy yên nghĩ đi các em, hãy để mẹ tiển em lần cuối. Hãy để người mẹ yêu quý  vuốt mắt các em, gắp cho các em những thức ăn mà các em yêu thích lần cuối cùng trong làn khói hương đưa tiển.Trên khoảng không trung bao la đó, các em hãy nhìn xuống mẹ mình mà thương mà quý và lạy tạ công đức sâu dày. Hãy phù hộ cho cô đủ nghị lực vượt qua nỗi đau to lớn đang chồng chất lên vai của một người mẹ già.
Tôi nhớ cô đã nói với tôi:” Không biết cô có đủ sức để lo cho các em không? Cô chỉ sợ cô mất đi thì các em làm sao, ai lo, ai săn sóc. “ Cô ơi! Cô đã đưa các em đến đọan  đường cuối cuộc đời. Cô đã làm tròn hay vượt lên bổn phận của một bà mẹ. Mang nặng, đẻ đau, nuôi con khôn lớn. Giúp con thành nhân, thành đạt và cúi người xuống để mang dùm con gánh nặng đời người. Tôi biết, khi mọi người chia buồn cho gia đình, cho Khanh cho Vũ và mừng cho cô thì cô đau khổ, thương con biết chừng nào. Cô thà vất vã, mệt nhọc lo cho con nhưng luôn mong con mình hiện hữu bên cạnh. Được nhìn con, nắm tay con, săn sóc cho nó còn hơn nhìn con vĩnh biệt cuộc đời. Nỗi lòng của một bà mẹ là trái tim từ ái mà mọi tôn giáo đều ca ngợi. Nó vượt lên trên không gian, thời gian và trên tất cả để làm thành một thế giới đầy yêu thương và ấm áp.
Cô ơi! Em thương và kính trọng cô tận đáy lòng. Người học trò ngày xưa không chỉ ngưỡng mộ một cô giáo trẻ đẹp uy nghi, mà người mẹ ,người bà như em cũng vô cùng ngưỡng mộ cô ở địa vị một bà mẹ đã 80 tận tình chăm chút cho các con đã ngoại tứ tuần. Những nghiệp duyên cô đã vương mang từ kiếp trước bây giờ cô đã trả xong, các em đã yên lành về với khoảng bình an trong thế giới vô hình. Cô hãy an lòng và cầu nguyện cho các em: Vương Hoàng Khanh và Vương Anh Vũ.
Hoàng Anh , Hoàng Thư ơi! Hãy yêu thương mẹ nhiều hơn. Dù các em có một vườn hoa với đủ loại hồng rực rỡ, nhưng không sánh được với một đoá hoa hồng bằng giấy thô sơ mà các em gia đình Phật Tử gắn lên áo các em. Đóa hoa đó tượng trưng cho người mẹ yêu quý của mình còn hiện tiền, ở bên cạnh mình và hết mực yêu thương, hy sinh cho mình. Đừng tìm Phật đâu xa, Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát là bà mẹ già đang ở bên cạnh mình đó các em ơi!
Mùa Vu Lan năm nay, tôi không nói về Mẹ . Tôi nghĩ về cô giáo Tiểu Học của tôi. Một bà mẹ đẹp nhất tôi từng chứng kiến. Nguyện cho hương linh Hoàng Khanh và Anh Vũ phiêu diêu nơi miền Cực Lạc. Nguyện ánh sáng Từ Bi của đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đem lại nguồn an lạc cho cô Huỳnh Thị Ba được mọi phước lành. Nguyện cầu tất cả các bà mẹ hiền tiền cũng như quá vãng được sống trong niềm hạnh phúc an lạc của tỉnh thức và bình an.

Nguyện mỗi ngày , mỗi giờ là những phút giây an lành và hạnh phúc.

thoNGUOIME-2.jpg


Friday, August 3, 2012

Ngâm thơ: CON KHÔNG CÀI HOA TRẮNG - Hương Nam

     

Thơ: CHỜ ANH NGANG CỬA LỚP - Phương Lan


Giờ ra chơi, anh thường ngang cửa lớp
Mong chờ em, gởi vội một tia nhìn
Em vô tình! em thấy ghét! em lặng thinh !
Anh hờn dỗi, mang buồn vào cửa lớp

Nhất định thôi, hứa lần nầy...lâu lắm
Sẽ không thèm ngang cửa lớp người ta
Vài ba hôm... sẽ quên thiệt đó mà
Nhưng không được, nhỏ ơi, anh nhớ quá !

Em vẫn biết, anh thường ngang cửa lớp
Sau hồi chuông reo đổ giữa giờ chơi
Vẫn là em, áo trắng, một dáng ngồi
Chút nhơ nhớ, chờ anh qua cửa lớp

Anh nào biết...là người ta hồi hộp
Chờ anh ngang cửa lớp những giờ chơi
Giả bộ vô tình, giả bộ vậy thôi !
Anh thấy ghét!!! Vậy mà không chịu biết!
Anh...!!!