Friday, August 31, 2012

Hồi ký: XÓM NHỎ - Phần 1 - NTT


1. Xóm Nhà Thờ.

Bài thơ “Vu Lan nhớ mẹ” trong đó  tôi nói về ngày xưa tôi đã từng làm Thiên Thần trong những ngày Lễ Giáng sinh. Tôi nghĩ hay mình viết về cái Xóm nhỏ ngày xưa. Cái xóm  dễ thương  trong ký ức tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một đồn điền Cao Su. Tên của nó là Sở Cao Su Bình Sơn( Plantation de ter rouge Bình Sơn), giáp ranh với Sở Ship và An Viễng. Ba tôi làm tài xế lái xe cho chủ sở. Căn nhà tôi ở chung dãy với những người cai , đội của đồn điền. Chủ sở gồm hai người Chủ Chánh và Chủ Phó ở hai căn biệt thự riêng rất đẹp trên đồi. Có bồi nấu ăn, có tài xế đưa đón, thỉnh thoảng thấy có bà đầm và mấy đứa con tây mắt xanh da trắng ra vào.. Những người sếp (chef )Việt Nam, trưởng phòng, thư ký hay sếp máy  tức là những người trực tiếp giúp chủ tây điều hành đồn điền thì ở riêng một khu vực. Nhà đẹp hơn ,tiện nghi hơn và sang hơn gọi là xóm “Nhà Máy” hay xóm “Mấy Thầy” Còn những người dân cạo mủ hay làm việc linh tinh thì ở những dãy nhà cách xóm tôi ở một con đường ngang. Nói chung những dãy nhà Tây xây dựng rất kiên cố, cứ hai nhà dính lại với nhau, có sân riêng cách nhau bởi một hàng rào. Hai dãy nhà đối diện ngăn cách nhau một con đường, xe vận tải có thể đi vào. Mỗi nhà có hai phòng ngủ, một phòng khách và nhà bếp tương đối rộng rãi. Những căn nhà ấy trải qua hơn 70 năm, tới bây giờ người dân vẫn còn ở. Ở đầu mỗi dãy nhà là một phong tên nước được tráng xi măng một bờ bao đủ cho người dân lấy nước dùng hay đến giặt đồ, đôi khi tắm rửa. Đường mương bằng đá xanh xây kiên cố khá sâu và rộng để thoát nước và có những nhà cầu công cộng ở trên. Nước ở trên nhà máy mủ chảy xuống tống đi những dơ bẫn trên mương và chảy ra chân con suối cuối làng. Đầu con suối là một bể lọc nước thật lớn đem nước tiêu dùng cho dân chúng. Đầu làng, cách nhà tôi vài trăm mét là ngôi trường tiểu học xây kiên cố với một dãy 5 lớp học từ lớp vỡ lòng đến lớp nhì. Hàng năm đều có quan đốc học Tây đến kiểm tra. Mỗi độ hè, đều có phát thưởng và gửi học sinh ưu tú ra quận Long Thành lãnh thưởng.  Mỗi ngày đều có xe đưa rước học sinh từ lớp nhất (lớp 5 bây giờ) trở lên được chuyễn ra học tại trường quận. Sát khu văn phòng chủ sở là khu vận tải với nhiều loại xe và thành phần thợ máy tay nghề cao. Đối diện văn phòng là nhà máy sơ chế mủ  lấy từ lô cao su về. Con đường tráng nhựa dốc cao cho xe mủ chạy lên bốc dỡ, có văn phòng với máy đo chất lượng và số lượng  mủ cao su mỗi xe  . Dưới kia, đối diện nhà mấy thầy là nhà thương của sở, có phòng khám bệnh và những dãy giường nằm khá sạch sẽ. Định kỳ 3 hay 6  tháng có một bác sĩ người Pháp đến khám bệnh. Điều hành nhà thương là một y sĩ người Việt và một số y tá đã qua trường lớp. Những người dân bị bệnh nặng được chuyển về nhà thương Saint Paul ở Sài Gòn điều trị. Mọi phí tổn đều do chủ Tây thanh toán.
Trở về cái xóm nhỏ của tôi. Nó có tên là Xóm Nhà Thờ. Nhà Nhờ nằm ở đầu xóm, chểm chệ trên một khu đất khá rộng. Có hang đá xây kiên cố,  có chúa Hài đồng đẹp như thiên thần ngủ yên trong máng cỏ,  bên cạnh những chú cừu con dễ thương bằng thạch cao. Nhà cha và nhà  thầy Sáu ở cách nhà thờ một đoạn  đường. Nhà Ông Trùm cách nhà tôi vài căn và con ông trùm là bạn thân của tôi.
Đa số dân đồn điền là dân di cư và theo đạo Thiên Chúa mà xóm tôi lại là xóm Nhà Thờ, nên tụi tôi đứa nào cũng mặc nhiên theo đạo. Hàng ngày tôi theo nhóm bạn cùng lứa tuổi tới nhà ông trùm đọc kinh hay lên nhà thờ tập hát. Cha sở là một vị linh mục trẻ, đẹp trai và rất hiền Tuổi thơ qua rất lâu mà tôi còn nhớ cha hay dẫn tụi tôi tới nhà cho ăn những bánh bích quy rất ngon. Còn mấy thầy 6 thì vui lắm, rất cưng chiều tụi tôi, dạy hát và múa trắc. Trắc là hai thanh tre đánh vào nhau theo nhịp đi hay nhảy. Cùng dãy với nhà tôi là nhà Cậu Uẩn. Cậu dạy thêm chúng tôi học chử, dạy múa trắc hay tập diễn hành rước kiệu. Cậu có rất nhiều tạp chí” Thế Giới Tự Do”. Mỗi khi đứa nào học giỏi Cậu phát cho một quyễn hay một cuốn truyện bằng tranh.  Mỗi khi đến ngày Lễ Giáng Sinh tôi và con ông Trùm và thêm mấy đứa nữa được thay phiên nhau làm Thiên Thần hầu bên cạnh Chúa Hài Đồng. Bộ đầm trắng với đôi cánh xoè ra, thêm một vòng hoa trên đầu làm chúng tôi đẹp hẳn ra. Mỗi khi có người đến hôn chân Chúa chúng tôi lại bốc một bụm cốm trao tặng. Cốm được trang trí quanh máng cỏ biểu tượng cho tuyết đêm đông. Còn chúng tôi thì mặc sức ăn cốm . Niềm vui không phải vì yêu Chúa hay được theo đạo mà vì được ăn cốm thoả thuê và được làm Thiên Thần thật đẹp. Ông Trùm họ đạo nỗi tiếng là dử và khó, hôm nào lên nhà thờ mà không nghiêm chỉnh, không thuộc kinh hoặc hát sai giọng là  bị ông đánh đòn  thật đau. Cả họ Đạo đều sợ ông Trùm há gì tụi tôi.
Ảnh: MINH HỌA
Mỗi năm đều có những ngày lễ lớn tổ chức rất nghiêm chỉnh. Lễ Chúa Sống lại được tổ chức ba ngày. Ngày đầu tiên, ngoài đi lễ nhà Thờ thì còn có những con chiên mặc đồ giả dạng quân dữ đến từng nhà người dân theo đạo truy tìm tông tích Chúa. Có chiêng và phèng la đánh theo những bước chân. Quân Dữ đằng đằng sát khí vào từng nhà, làm bộ đi lục lọi khắp nơi rồi đi qua nhà khác. Ngày thứ nhì là ngày Chúa bị đóng đinh và chết trên thập tự giá. Từ nhà thờ tỏa ra  hai đoàn rước kiệu chia  hai hướng ngược nhau đi khắp ngã đường trong làng Một đoàn rước hình tượng Chúa  bị đóng đinh . Máu từ hai bàn tay tuôn ra ràn rụa. Một người giả làm Chúa vai vác Thập Tự đi từng bước khó khăn theo sau. Giáo dân một số giả làm quân dữ hò hét, mặc mày hung hăng ,gươm giáo tua tủa. Một số đi cuối  khóc cho sự thương khó của Đức Chúa. Đoàn thứ hai là rước tượng Đức Mẹ. Kiệu được trang trí bông hoa rất đẹp. Đi theo đoàn là các con chiên bộ mặt sầu thảm, ủ rũ, vừa đi vừa đọc kinh thỉnh thoảng lại hát những bài thánh ca.. Hai đoàn rước kiệu gặp nhau ngay ngã tư đi về hướng nhà thờ. Sau một hồi chiêng trống, kiệu dừng lại và được đặt xuống. Người chủ Tế bên kiệu Đức Mẹ đọc lên bài văn tế thống thiết, ngân nga. Bài Tế nói lên nỗi lòng bi ai của Mẹ Maria thương con đang chịu cực hình. Sau đó là ông Trùm đọc bài tế  nói về sự thương khó của Chuá và lời  Chúa nhắn gửi cho Đức  Mẹ và các con chiên. Buổi lễ diễn rất trang trọng, thống thiết, hoà đồng với lời cầu kinh của mọi người. Sau đó hai đoàn nhập lại một, tượng Đức Mẹ đi trước, tượng Đức Chuá đi sau, cùng đi về nhà thờ. Ngày thứ ba là ngày Chúa sống lại. Đoàn rước kiệu khiêng tượng Đức Mẹ và Đức Chúa đi vòng trong làng trong nỗi mừng vui và hân hoan. Đoàn rước với cớ phướng ngợp trời, Con chiên kéo một đoàn dài với áo quần đủ màu sặc sở. Nhiều đoàn thể với đồng phục đẹp mắt. Mỗi đội hình biểu diễn hay cầm một biểu tượng riêng. Chúng tôi mặc đồng phục trắng, cổ mang khăn quàng, đánh trắc đi sau kiệu. Trắc đánh nhịp nhàng, đánh bên trái, đánh bên phải, giở một chân lên đánh ở dưới, rồi chân kia, rồi xoay một vòng xong đánh ba nhịp ở trên đầu. Tiếng trắc đồng loạt, điệu nhảy  nhịp nhàng vui mắt. Ai cũng vui, cũng mừng Chúa đã sống lạ.  Buổi tối chúng tôi lại kéo nhau ra sân điểm để xem chiếu bóng do Sở mướn để phục vụ đồng bào. Đó là thời kỳ hưng thịnh nhất của họ đạo ở đây.

NGUYỄN THỊ THÊM

No comments:

Post a Comment