Friday, September 21, 2012

Hồi ký: XÓM NHỎ - Phần 3 - NTT

XÓM ĐÌNH




Tôi thật yêu Xóm Nhà Thờ, thích về Xóm Chuà nhưng Xóm Đình thì tôi sợ. Bà cô Bảy tôi ở Xóm Đình, nhà có thật nhiều ổi và bưởi mà tôi ít dám về thăm. Má tôi lâu lâu lại dẫn tôi xuống xóm đình để:”Chích lễ”. Chẳng là kế nhà Bà Bảy tôi là nhà bà Hai Mão, bà chuyên môn chích lễ con nít.  Nếu bị nóng sốt, ho hay khó ở là má tôi lại đem xuống chích lễ  rồi mua thuốc Tiêu Ban Thối Nhiệt Tán cho uống. Bà dùng kim may chích ở đầu ngón tay nghe rõ tiếng “tách” rồi nặn máu ra. Hết 10 ngón, bà lật áo chích ở lưng,rồi tới đầu và cuối chân mày.Bà dùng một miếng giẻ đã cũ chùi máu xong bôi dầu cù là lên chỗ chích. Người lớn bệnh thì bà lấy ra một miếng miễng chén, dùng dao đập cho mẻ ra. Lựa miếng thật sắc bà cắt trên da rồi hút máu bằng mấy cái hủ bầu bầu. Bà đốt giấy thả vào hủ cho cháy một chút rồi úp lên chổ cắt. Hủ bị đốt hết không khí hút chặt vào da, máu từ vết cắt chảy ra, đôi khi đặc lại trong hủ.Má tôi gọi đó là bầu giác. Bà  bán thuốc tán cho đủ thứ bệnh. Em Thông và tôi sợ thuốc tán lắm vì nó làm bằng bột, hôi và rất khó uống. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, nằm trùm mền ngủ một giấc. Thức dậy, mồ hôi ra đầm đià. Má nấu cho tô cháo hột gà có bỏ ít hành, tiêu. Má ngồi một bên vừa thổi vừa đút , uống chừng hai gói thì căn bệnh lại lui. Hôm sau có thể chân sáo chạy nhảy rồi. Tôi nhớ em Thông tôi một lần nọ bị bệnh. Má cho uống thuốc tán. Em cầm ly nước có hoà tan thuốc lên. Em nhìn một lượt hết cả nhà rồi nói
“Con uống giỏi, má thương con nghen má”
“Ừa! má thương, uống đi con.” Em cầm ly lên định uống rồi lại bỏ xuống
“ Anh Ba! Em uống giỏi anh Ba thương em nghen”
“Ừa! Giỏi Anh Ba thương, hết bệnh anh Ba cho đi coi đá banh” Em cầm ly lên rồi lại để xuống
“ Chị Chín…….” Và cứ vậy đi vòng hết cả nhà mà ly thuốc vẫn còn nguyên. Má tôi nổi sùng la lên:
“Không có hỏi nữa, Có uống không?” Em hết hồn, vừa khóc vừa nói:
“ Con lạy má! từ rày sắp tới con chừa, con không dám bệnh nữa” Rồi em cầm ly thuốc uống một hơi. Xóm Đình” là khu vực nhóm nhỏ tụi tôi không dám phá.  Đình làng nằm giữa trung tâm. Các nhà dân được Tây cất thành một bức bình phong rất lớn xây kiên cố, tô hình một con cọp rất hung dữ nhe nanh ra như bảo vệ đình làng. Vòng đai đình cũng xây một tường bao chắc chắn. Trong sân có trồng cây Ngọc lan rất lớn. Hương thơm bát ngát. Chúng tôi mê lắm, thích dùng cánh hoa ép vào vỡ cho mau thuộc bài mà không dám vào trong hái. Ngoài đình có hai cây đa thật to gốc xù xì, tạo thành một nơi linh thiêng bất khả xâm phạm.  Mỗi lần má tôi sai xuống bà Bảy có việc, ngang qua đình là tôi cắm cổ chạy. Ra tới đường mới đứng lại thở, rồi ngoái đầu nhìn lại xem có thấy ông thần nào rượt theo sau không.
Đình làng thờ Đức Thánh Trần mà dân chúng thường gọi một cách tôn kính là Đức Ông. Mỗi năm đều có hai lần cúng Kỳ Yên và rước Đức Ông đi thị sát dân tình. Hôm ấy là một ngày thật sôi nổi và rộn ràng. Tiếng trống, tiếng phèn la, tiếng đàn nhị, đàn bầu và tiếng hát “Chầu Văn” vang lên trong đình. Lễ rước Đức Ông khởi đầu bằng giàn chiêng trống, cờ phướng bay ngợp trời. Đàn ông mặc áo dài vận khăn đóng, Mấy người đi theo hầu ông mặc áo quần sặc sỡ, mang hia, đội mão như các quan văn võ trong triều Một số mặc đồ quân sĩ tay cầm thương, đao, kiếm (Những vật để trong đình) vừa đi vừa quơ quơ như múa. Các bà mặc đồ loè loẹt, son phấn , trang sức như trong tuồng cải lương. Họ hoá trang thành những người nữ tì hay phu nhân các quan ngày xưa. Các bà đó thường rất già, ăn trầu xỉa thuốc. Thế mà đến ngày này mấy bà thoát xác trang điểm diêm dúa thấy rất lạ mắt. Cái đáng sợ nhất là  số người đi theo hộ vệ kiệu. Họ dùng những chĩa sắt đâm từ má này xuyên qua má kia hay đâm qua mũi. Có người dùng hai cây đâm hai bên má chỉa ra như hình tam giác. Tuyệt đối không hề chảy một giọt máu . Họ vừa đi vừa nhảy theo điệu kèn và chiêng trống Người ta gọi đó là họ đã “Nhập đồng”, họ không biết đau vì ông đã làm phép. Sau khi tế lễ hoàn tất, họ chỉ rút cây sắt ra, bôi ít tàn nhang của ông là xong, không để lại vết xẹo nào. Kiệu của Ông đi ra đường lớn, vòng qua “Xóm Chợ” rồi về lại đình làng. Gần tới đình, bỗng nhiên kiệu xoay mòng mòng,




mấy người khiêng kiệu không giữ nổi, nhóm quan văn võ xúm lại nắm lấy kiệu. Nhóm đàn bà vừa xá, vừa xuýt xoa:” Con lạy Đức Ông, Con lạy Đức Ông” Đó là Đức Ông mừng vì sắp được về nhà sau khi đi tuần tra. Người ta nói, có mấy lần níu không lại, kiệu bay lên, kéo theo mấy người khiêng kiệu. Tôi chưa  từng thấy kiệu bay bao giờ, tuy nhiên cũng rất sợ. Kiệu rước về tới đình thì chiêng trống phèng la càng dồn dập. Người ta bất đầu tế lễ. Các Bác trong ban hội đình hàng ngày cũng bình thường, ngày hôm nay họ thành một người khác, tài hoa hơn, lỳ kỳ và bí hiểm hơn. Họ đọc văn tế, hát chầu văn, nhảy múa và lên đồng. Bác Hai Chấn trùm cái khăn đỏ trên đầu và lắc lư. Một hồi cô nhập ,bác đứng lên nhảy múa đem tiền quăng cho mấy cô cậu, các bà đang ngồi hầu đồng. Có cô hầu bóng ra múa đèn rất đẹp , đội đèn, đội nước, đội dĩa trái cây trên đầu mà múa không đổ. Người ta vào đình xem rất đông, vừa xem múa hát, vừa được thỉnh thoảng được cô quăng cho vài đồng tiền thánh. Cuộc vui kéo dài đến khuya. Các bác trong hội đình hát chầu văn, hát quan họ và ăn uống. Phẩm vật cúng đình rất phong phú, heo quay nguyên con, heo luộc, xôi ,gà và rượu. Người ta ăn uống, nhảy múa, hát hò và đắm chìm trong thế giới thiêng liêng có thần, thánh, cô, cậu và quyền lực bí ẩn.
Kỷ niệm của tôi về Xóm đình là ngập tràn nỗi sợ. Ai trong làng mỗi khi có việc gì oan ức thì thường là thề. Mà muốn đối phương tin mình không nói dối thì dẫn nhau lên đình thề trước mặt Đức Ông. Biết bao nhiêu cây chuyện truyền miệng về sự linh thiêng ở đây càng làm cho  đình làng trở nên hiển hách.
Khi chiến tranh lan tràn về tới làng tôi, một số các bác thuộc hội đình đã bỏ đi xứ khác làm ăn hay chạy lên thành phố tìm sự an ổn.  Vì đa số những thành viên hội đình là người Bắc di cư. Ngôi đình trở nên vắng vẽ, hoang phế. Các bác còn lại không còn tổ chức rước kiệu long trọng như trước. Họ gom thành một nhóm người cũng cúng bái, lên đồng , hát chầu để nhớ những thời hoàng kim ngày trước.

Phần kết.

Câu chuyện về cái xóm nhỏ của tôi còn dài, nó như một khúc phim quay hoài không hết. Những chuỗi kỷ niệm cứ theo nhau về trải dài trong ký ức tôi. Ai cũng có một thời thơ ấu. Tôi là cô bé lớn lên trong một làng quê nhỏ nghèo nàn không có gì đặc biệt. Thế nhưng mỗi việc, mỗi nơi đều là một câu chuyện trong cuộc đời tôi. Tôi yêu và gắn bó với nó. Những người bạn quê nghèo thời thơ ấu bây giờ đã trôi dạt mỗi người mỗi nơi. Một số đã nằm xuống thảm thương trong cuộc chiến ý thức hệ giữa Tự Do và Cộng Sản. Một số đã vượt vũ môn hoá thành rồng nhởn nhơ trong xã hội mới hiện tại. Một số cũng như tôi bị đánh bật ra khỏi quê hương  làm người tha hương nơi đất nước tạm dung.
Quê tôi là một đồn điền cao su. Dòng nhựa trắng như sửa mẹ đã nuôi tôi khôn lớn. Những người công nhân vất vả ôm gốc cao su lấy mủ là những hình ảnh thân thương trong ký ức tôi. Những hàng cao su đều đặn thẳng tắp là những bức tranh tuyệt vời khó quên. Mỗi độ xuân về, khi bên này rộn ràng chợ hoa ngày Tết, tôi lại nao nao nhớ đến muà cạo mũ gia tăng cuối năm. Nhớ những hàng cao su thay lá, trơ trụi khẳng khiu. Nhớ những lần tôi chạy lên đám lá cao su ngập vàng, hốt một nắm, tung lên cao cho nó bay lên không trung rồi xoay tròn bay xuống thật đẹp ,thật vui. Nhớ những mùa hè rủ nhau đi vào lô lượm hột cao su về bán. Nhớ những mùa tháng năm khi gió đổi chiều, mưa lất phất rủ nhau đi vào lô cao su từ mờ sáng để nhổ nấm mối. Một loại nấm dân dã đặc biệt rất ngon chỉ mọc vài lần trong năm. Nấm ẩn dưới những lớp lá cao su mục ẩm ướt , có khi trãi dài rộng bằng một chiếc chiếu. Người hái nấm gọi là” trúng ổ”, Nấm đựng trong thùng, trong giỏ, trong áo mưa, đùm trong áo đi làm hay cột hai ống quần lại, bỏ nấm vào rồi quảy trên vai. Nhớ máy bay, bay rà rà thả bao tiền vào mỗi kỳ lãnh lương  công nhân.  Nhớ ông giáo già với cây roi mây và đôi kiếng trắng. Nhớ nhiều lắm, nhiều lắm, càng về già càng nhớ nhiều. Thôi thì trả cái xóm nhỏ thân yêu về cho kỷ niệm. Tôi ngừng lại nơi đây và sẽ mời các bạn đến thăm một vùng ký ức khác trong tôi. Cám ơn các bạn.
                                                 
 NGUYỄN T. THÊM

Thơ: TẮM MƯA - Phương Lan


TẮM MƯA
Chiều mưa đi giữa xứ người
Sao ta nhớ quá!..trời mưa quê nhà
Bao năm quê cũ rời xa
Thêm bao năm nữa...quê nhà về thăm?
Bạn xưa, giờ tóc hoa râm
Có khi chưa kịp về thăm một lần!
Mưa chiều trĩu hạt trên sân
Nhớ xưa, còn bé, cởi trần, tắm mưa
Trời mưa, khi sáng, khi trưa...
Rủ nhau tắm mát dưới mưa dầm dề
Tuổi thơ nơi chốn làng quê
Tắm mưa máng xối, tắm mưa hiên nhà
Xóm nghèo rộn tiếng reo la
Tiếng mưa, tiếng nước, tiếng MẦY, tiếng TAO
Mưa to, đường trượt, té nhào
Lội mưa bì bõm, vui sao bọn mình
Mưa to, trái chín rụng đầy
Xoài, Cam, Ổi, Mận...bọn mình nhặt ăn
Bọn mình còn tuổi sún răng
Trái cây in dấu, cái răng đang cười
Chiều mưa, đi giữa xứ người
Mưa rơi đọng giọt. Tuổi thơ không còn !

____________________________________________________________________PHƯƠNG LAN
Gửi tặng các bạn có cùng kỷ niệm tuổi thơ

Saturday, September 8, 2012

Hồi Ký: GIA ĐÌNH TÔI - THTH


     Tôi là con gái trưởng trong một gia đình mười đứa con.Có lẽ vì là tác phẩm đầu tay chưa hoàn hảo nên tôi bé nhỏ nhất nhà. Bố Mẹ tôi là dân "từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau", theo tàu há mồm năm 1954 đến lập nghiệp tại một thị trấn nhỏ có tên Long Thành thuộc tỉnh Biên Hoà.
     Thưở ban đầu cực nhọc lắm, Bố tôi làm đủ nghề: thư ký trong đồn điền cao su Bình Sơn, dạy học tư ở nhà v.v. Còn Mẹ tôi, bà bán vải ngoài chợ. Gia đình tôi lúc ấy gồm có Bố Mẹ, ba nhóc tì: hai gái, một trai và hai Cậu ( em của Mẹ). Bọn nhóc chúng tôi hay mặc những bộ quần áo màu nâu cho đỡ dơ và dễ giặt. Quần áo cả nhà do Mẹ tự cắt may, bà cũng lo phần o bế tóc tai tụi tôi nữa. Buổi sáng, các Cậu đi học, Mẹ bán hàng ngoài chợ. Bố đi làm, ba đứa nhỏ lủi thủi ở nhà ngong ngóng Bố Mẹ về.
     Nhà nghèo, đồ  chơi cho con Bố tôi làm những chiếc xe hơi thùng bằng giấy cứng, bốn bánh xe bằng nắp chai nước ngọt .Còn búp bê, tụi tôi lấy khăn lông và dây thun cải biến tuỳ theo trí tưởng tượng của mỗi đứa. Trung Thu đến, chúng tôi rước đèn bằng những bông hoa tự chế từ lon sữa bò. Chiều về, mấy Mẹ con thường hái rau dền đất nấu canh. Sân sau nhà, có một cây cao là chỗ trú ngụ của con cắc kè, buổi tối nó hay rống lên bài ca muôn thuở Cắc kè, cắc kè..."Lúc đầu , tụi tôi cũng sợ, sau quen dần. Khi công nhân đồn điền cao su Bình Sơn lĩnh lương, bạn hàng chợ LongThành hay tổ chức chợ phiên trong đó.Đấy là những ngày vui của bọn nhóc chúng tôi vì được tham dự cùng Bố Mẹ.Tôi còn nhớ, trên nóc xe chở bạn hàng có các chàng trai trẻ, khi xe chạy ngang qua vườn chôm chôm Bình Lâm thì các chàng cũng thi nhau chôm trái Chôm chôm từ các nhánh chìa ra ngoài đường lộ.


    Sau này khá giả hơn một tí, gia đình tôi dọn đến khu phố bên hông chợ  LongThành. Mẹ tôi sinh thêm một em gái thứ năm, em là tác phẩm hoàn hảo của Bố Mẹ vì em cao lớn nhất nhà và cũng đánh dấu thời kỳ Hưng Thịnh của gia đình. Sau này em đã có công lớn trong việc bảo lãnh Gia đình sang Hoa Kỳ. Theo thời gian, gia đình tôi tăng dân số lên đến mười đứa con. Bố tôi không đi làm ngoài nữa, ở nhà phụ giúp Mẹ tôi buôn bán. Bố rất ân cần chăm sóc các con, đứa nào ăn nhiều, ông phần nhiều. Buổi trưa, Bố thường xoa đầu ru các con nhỏ ngủ trên võng nhịp nhàng đưa, ông hát ru bằng các bài tân nhạc véo von hay ra phết, có lẽ vì thế mà các em tôi ưa thích hát hò.
     Bố tôi là người lạc quan, hài hước, ông hay chế giễu các con và đặt cho mỗi đứa một biệt hiệu, thí dụ : Cả Còm, Ba Cao bồi, Mười Tầu, Tư Ghè v.v. Tối đi ngủ, Bố tôi hay đếm xem có đủ số con không. Lớn lên, tôi được lên Saigon học. Cuối tuần về thăm nhà. Tôi yêu quí cái không khí nhộn nhịp của một gia đình đông con. Mẹ giao cho tôi việc cắt tóc cho các em nhỏ. Các em tôi đã biết làm dáng nên hay phản đối, nhưng Mẹ đã nói thì phải nghe. Buổi trưa, chúng tôi hay chơi trò chơi trốn tìm và hát hò:"Kìa nhìn xem trên kia có cái con chi to ghê, trông xa giống như xe hơi, bon bon chiếc xe đi chơi. À thì ra con voi, như vậy mà nghĩ ngợi hoài, đằng sau nó mang một cái đuôi và một cái đuôi đằng đầu".
     Than ôi! ở miền Nam nắng đẹp chỉ được 21 năm thì đất nước tôi phủ màu  tăm tối, lầm than, khổ nhục...Mọi người dân tìm cách thoát ly. Giờ đây vạn dặm cách xa,  xin hướng về Quê Hương yêu dấu cầu nguyện cho dân tộc ta sớm được tự do,  no ấm.                                                  THTH                                                                                 

Thơ: TỰU TRƯỜNG - Phương Lan

Friday, September 7, 2012

Hồi Ký: XÓM NHỎ - Phần 2 - NTT


2. Xóm Chùa.
Nếu cái xóm nhà thờ của tôi huyên náo nhất làng thì Xóm Chùa lại vắng v, buồn hiu. Nó buồn vì nằm ở cuối làng, giáp ranh với những vùng đất hoang không khai phá. Nó lặng lẽ, hoang vu mà lại còn nhận những âm điệu cốc… cốc… cốc… boong ! và tiếng tụng kinh trầm trầm của sư cô vang lên mỗi tối.
Sở dĩ được gọi là Xóm Chùa vì ngôi chùa độc nhất nằm ở đây. Chùa không nằm trong phạm vi đồn điền mà nằm sát ranh với những ngôi nhà công nhân. Chùa ban đầu chỉ là một mái nhà tranh  đơn sơ của một sư cô từ miền Tây về trụ trì để tuyên dương Phật Pháp.
Tôi nhớ hôm ấy là một ngày thứ năm. Ngày thứ năm là ngày học sinh nghỉ học, nhưng phải lên trường làm” cỏ ve “. Thật tình tôi cũng không biết viết thế nào cho đúng theo tiếng Pháp. Tôi chỉ nhớ từ cỏ ve  là dùng để diễn tả học sinh đến trường làm vệ sinh . Dẫy cỏ xung quanh, quét dọn trường lớp và cứ làm theo lời thầy là được rồi. Ngày đó mấy chỉ có ông thầy giáo già dạy lớp nhì kiêm Hiệu trưởng là có mặt. Đôi khi thầy sai toán lớp Nhì lên nhà thầy làm cỏ hay quét dọn xung quanh nhà dưới sự sai khiến của  bà thầy. Có khi thầy phân công một vài  đứa dẫn con chó cưng của thầy đi dạo, lau chùi chiếc xe đạp láng coóng cho thầy Cũng có lúc thầy sai đi mua đồ lặt vặt  khi bà thầy không có ở nhà. Nghĩa là dưới sự điều động của thầy ngày thứ năm là ngày lao động công ích. Hôm đó thứ năm, thầy bảo:” Mấy trò bên Giáo thì quét dọn chỗ này xong rồi về, mấy trò bên Lương theo thầy”. Thầy dẫn chúng tôi đi tới cuối làng và chỉ ngôi nhà tranh mới cất sơ sài nói đó là cái Chùa, rồi điều động chúng tôi làm cỏ, gom  cây, lượm rác. Làm một hồi mệt thì có một sư cô bưng nước ra mời, buổi trưa được ăn cơm với tàu hủ và canh rau. Được 2 lần thứ năm đến chùa làm thì thầy ngưng không dẫn đi nữa. Dường như sau đó chế độ làm cỏ ve được bãi bỏ. Chỉ có những học sinh có lỗi mới lên trường ngày thứ năm để chấp hành lệnh phạt mà thôi.
Tuy thầy không dẫn đi nữa, nhưng chị em tôi vẫn đến  Chùa làm “Công quả”như theo lời thầy dặn dò. Dần dần cuối tuần, thứ bảy chủ nhật chúng tôi cũng lên Chùa để giúp sư cô, để nghe sư cô thuyết pháp, để học kinh và để biết thế nào là quy y. Đương nhiên là má tôi mừng lắm khi tôi không còn vào nhà thờ học giáo lý mà chạy tuốt xuống cuối làng để tập ăn chay và niệm Phật. Từ Chùa về nhà tôi hơi xa, nhưng hôm nào cũng tụng kinh tối xong thì mẹ con mới đốt đèn bão lò mò dẫn nhau về. Mới đầu Sư Cô cũng tội lắm. Bị những người có Đạo quá khích không thích. Buổi sáng sớm hay chiều tối thường bị quăng những rác hay đồ dơ dáy vào chùa. Có hôm họ quăng cả phân vào trong Chánh Điện. Sư Cô chỉ biết dọn dẹp và niệm Phật. Phá hoài không thấy động tĩnh, họ cũng thôi.
Thật ra tuổi còn nhỏ tôi cũng không biết gì về Phật Pháp. Điểm chính là vui, có bạn mới,có em trai đi chung, có sư cô thiệt là hiền thương yêu và  có một nếp sống khác hơn hồi trước tới giờ. Chúng tôi được Sư Cô dạy học ch, tập tụng kinh. Mỗi đứa được Sư Cô cho  một bộ đồ lam rộng thùng thình, một cái áo tràng vàng mỗi khi làm lễ. Chúng tôi học kinh như học bài  thuộc lòng ở trường. Kinh thiệt là khó  vì không hiểu gì hết, đọc lộn xộn câu trước câu sau tùm lum. Cuối cùng mỗi ngày học một đoạn và đứa này truy bài đứa kia. Sau khi kiểm tra thấy chúng tôi đã thuộc  kinh Đại Bi Chú thì sư cô cho chúng tôi quy y. Tôi có pháp danh Kim Ngộ. Em tôi- Thông- pháp danh Kim Ngô, và bạn em tôi –Cu Tí- con Dì Sáu gần nhà pháp danh Kim Thạnh. Không biết Sư cô theo tông phái nào. Chỉ biết  khoảng 15 tuổi trở xuống pháp danh bắt đầu bằng Kim ( thí dụ Kim Ngô, Kim Thạnh, Kim Đô…), lớn hơn bắt đầu bằng Mỹ .(thí dụ Mỹ  Hiền, Mỹ Châu…) Già cở 40 trở lên,Nữ bắt đầu bằng Diệu( Thí dụ Diệu Quý, Diệu Hiền…). Nam bắt đầu bằng Thiện ( Thí dụ Thiện Thọ, Thiện Khải…). Sư cô đẹp và giỏi lắm. Biết đánh máy ch, biết chích thuốc, biết thêu, may và đương nhiên rất giỏi về kinh sách Phật. Sau này má tôi cúng dường một Đại hồng Chung. Cho nên trên xóm nhà thờ có chuông rung  Đính Đoong, Đính Đoong, thì Xóm Chùa cũng vang lên  Tùng Tùng Tùng. Boong, Boong, Boong… làm vui làng vui xóm. Chuông nhà thờ thường rung lên buổi chiều để công nhân đi lễ nhà thờ sau một ngày làm việc. Chủ nhật hay những ngày có lễ thì chuông mới rung buổi sáng. Riêng Chuà thì trái lại. Sáng sớm Sư Cô dậy công quả,hồi chuông đánh thức công nhân dậy nấu cơm, trước tiếng kẻng của dượng Bảy gát dan  độ chừng 10 phút. Buổi tối, tiếng chuông Chùa lại vang lên báo hiệu giờ Sư Cô công phu khuya. Đều đặn không chểnh mãng như tánh tình điềm đạm từ ái của người khoác áo nâu sòng.
Lúc đầu tới Chùa mà chưa quy y, tôi cũng phá lắm. Mấy đưá bạn có Đạo xúi gì tôi cũng làm. Ngày rằm hay lễ lớn, tôi là người lén canh Sư Cô để tụi nó lẽn vào bàn cúng ngoài trời rinh hết trái cây đem đi. Mấy nhà  bên lương cúng cô hồn vào rằm tháng giêng, tháng 7 hay tháng 10 thì xóm   nhà thờ chúng tôi là nhóm giựt đồ cúng  giỏi nhất . Sau khi đứng quan sát mọi phía,mấy anh phân công:” Con Chín hể mà người ta la Giựt thì chạy lại bưng liền dĩa trái cây. Con Thành  chụp liền mấy khúc mía, thằng Mười nhỏ đứng 



ngoài giữ cái rỗ, còn lại để mấy anh” Đôi khi giựt xong đi về nhà, mấy anh tôi mình mẫy chèm nhẹp vì cháo ,chè cúng cô hồn đổ đầy người. Người mình có quan niệm cúng cô hồn mà có nhiều người giựt và lấy hết thì năm đó làm ăn khấm khá, cô hồn đã ăn rồi sẽ không khuấy phá mình.  Tuy nhiên sau khi quy y  và bị quỳ hương vài ba bận tánh tôi thuần lại, ra vẽ con gái hơn và biết cản không cho tụi nó làm ‘quỷ phá nhà chay” ở chùa nữa.
Chùa nghèo, mái tranh, phên tre, nền đất , lại là khu vực mới khai hoang nên rất nhiều kiến, mối và đủ thứ côn trùng. Buổi tối cúng Phật, đốt đèn măng xông thì mối cánh bay vào tìm ánh sáng. Dù có đóng cửa chúng cũng vào. Mối bay vào đèn vởn vơ một hồi thì té xuống, cánh rụng đầy chiếu, còn thân  mối trụi lũi bò lổm nhổm. Muà An cư kiết hạ, Sư cô vào tịnh thất 1 tháng không ra ngoài. Kiến đen kéo từng đàn và phòng. Sư cô tịnh khẩu, chỉ liên lạc bên ngoài bằng viết giấy. Phật tử muốn rải thuốc chận đường kiến đi .Sư cô không cho bảo “Không được sát sanh” Khi sư cô ra Hạ người gầy nhom, thân thể nổi u nổi nần vì kiến cắn và không tắm rửa, thấy thật thương. Tôi và em Thông  thường khi tan học về nhà, ăn cơm xong là ôm vở lên chùa. Tôi thích lên Chánh Điện, chui dưới bàn thờ Phật để học bài và để ngủ. Nơi đó tương đối rộng, giống như một cái hầm nhỏ thật yên tịnh . Lúc đó trong đầu óc non nớt cứ đinh ninh mình chui dưới chân Phật để học thì sẽ thông minh, mau thuộc bài hơn.
Cu Tí cùng trang lứa với Thông, từ nhỏ đã không ăn thịt. Lỡ ăn trúng thịt cá là bị ói. Từ ngày Sư Cô về lập Chùa Cu Tí quy y, sau đó xuất gia và trở thành chú Tiểu với pháp danh Kim Thạnh. Chú Kim Thạnh được sư cô cạo đầu chừa 3 vá rất tức cười. Chú lùn và hơi mập, bụ bẫm như trong tranh vẽ. Dù đã xuất gia, nhưng tính con nít vẫn còn, chú theo tụi tôi phá cũng khỏi chê. Mặc dù Sư cô rất thương yêu chú. Coi như con ruột nhưng chú vẫn bị quản lý nghiêm nhặt và bị phạt quỳ hương thường xuyên. Một lần Sư Cô nhập Hạ, chú nói cười lớn tiếng, chạy lên trên Chánh Điện để chơi ú tìm với tụi tôi. Sư Cô viết giấy ra. Bắt tụi tôi quỳ một cây nhang, chú Kim Thạnh hai cây. Thế là cả bọn đành quỳ hương chịu tội. Vốn tin Phật, nhất là có hai ông Hộ Pháp mặt mày dễ sợ đứng trước Chuà, nên không đứa nào dám ăn gian. Đến cây thứ nhì của chú Kim Thạnh, hai chị em tôi làm bộ nóng nực dùng quạt tre quạt cho nhang cháy nhanh, mau hết. Vậy đó tuổi thơ như tấm giấy trắng dễ thương nguệch ngoạc chữ viết học trò. Tôi và em tôi lớn lên với niềm vui Phật Pháp. Trong làng, mỗi khi có người chết hay đau ốm bệnh hoạn là Sư cô dẫn Phật Tử đi đến tận nhà tụng kinh, cầu nguyện.  Càng ngày ngôi Chuà càng có nhiều Phật Tử đến quy y. Những người bên Lương có nơi gữi gấm tâm linh nên cũng hoà nhã với nhau hơn. Ngôi Chuà cũng được sửa sang tươm tất, ấm cúng và trồng nhiều cây trái xum xuê. Ổi Xá Lị đã cho những trái to mọng, ngon lành, Mấy cây mãng cầu dai, mãng cầu xiêm trĩu nặng những quả. Chùa có thêm hai chú Tiểu xuất gia và  Phật Tử càng ngày càng đông. Chúng tôi và chú Kim Thạnh cũng lớn lên theo ngày tháng. Tôi như con chim được chắp cánh bay xa. Bỏ lại khu vườn tâm linh một bên để vùi đầu vào đèn sách. Chú Kim Thạnh không còn bị cạo đầu 3 vá, chú được Sư Cô nhận làm con và đích thân nuôi dưỡng. Chú được đi học những lớp Phật học trên Thành Phố.
Trong tình trạng chiến tranh, mọi thứ đều thay đổi, đều diễn biến ngoài sự tưởng tượng của tôi. Ngôi chuà  bỏ hoang phế, Sư cô lên Thủ Đức cất một ngôi chùa khác trên một mãnh đất Phật Tử cúng dường. Khi má tôi bệnh nặng, lời dặn dò cuối cùng là khi bà nằm xuống mọi thứ đều phải làm đơn sơ. Hãy mua một áo quan r   tiền để má đi thanh thản không vác nặng quan tài. Hãy thiêu má và không được giết bất cứ con vật nào để làm đám ma. Hãy cúng cơm chay và nhất là phải mời cho được thầy Kim Thạnh về tụng kinh siêu độ cho má. Má không muốn nghe mấy ông thầy tụng gõ lốc cốc tụng kinh kiếm tiền đề nhậu.Khi má tôi mất, chúng tôi đã làm đúng những gì má tôi trăn trối. Thầy Kim Thạnh lúc đó đã là một Đại đức. Thầy cùng chư tăng về lo cho má tôi chu đáo. Sau khi tôi xuất ngoại, thầy đã nhận ba tôi làm Bá phụ. Thầy rước  ba tôi về chùa, ông đã xuống tóc quy y sống cuối cuộc đời với câu kinh tiếng kệ. Khi ông nằm xuống được chôn trong một cái tháp nhỏ nằm trong khuôn viên chùa, gần cái tháp của Sư Cô bổn sư của tôi.
Bây giờ ngồi đây, những k niệm thời thơ ấu tràn về đầy ắp. Tôi như thấy lại cái xóm Chùa ngày xưa với tiếng trống, tiếng Đại hồng Chung vang lên rộn rã. Và tôi con bé cắt tóc bum bê nắm tay em tung tăng chạy nhảy trong khuôn viên chuà. Ngôi chùa đầu đời đã gieo cho tôi những hạt giống từ ái, vị tha và niềm tin Phật pháp.
                                     NGUYỄN THỊ THÊM

Bút Ký: THƯ CHO BỐ - THTH

Thế là Bố đã ra đi.
Chúng con ở xa, không có dịp nói với Bố lời Vĩnh Biệt, đến nơi chỉ biết ngậm ngùi , Bố của chúng con đã đi xa thật rồi.
Sinh ký tử qui, con biết.
Đời là cõi tạm, con hiểu.
Nhưng mà Bố ơi sao vẫn quá khó khăn cho con để chấp nhận sự thật là Bố thân yêu không còn nữa. Ngày tiễn đưa, nhìn Bố lạ lẫm với phấn sáp điểm tô, lòng con buồn vui lẫn lộn .Buồn vì nỗi chia ly, nhưng con lại tự an ủi rằng từ nay bệnh tật chẳng còn làm phiền được Bố nữa. Nhìn con cháu, họ hàng cùng bạn bè của Bố đến tiễn đưa, trong khói hương và tiếng kinh cầu, con cảm thấy như Bố vẫn còn ở đâu đó . Con hình dung ra Bố khỏe mạnh trên kia, trút bỏ mọi hệ lụy của đời dưới này, thanh thản đến với Mẹ đang chờ . Hẳn là Bố rất vui khi gặp lại người vợ thân yêu và cả bé Chín nữa Bố hả.
Nhìn lại các em, các cháu, con càng cảm thấy sự mất mát kia to lớn biết bao.
Có đứa con nào chưa từng được Bố nuôi mớm.Có dứa cháu nào chưa từng được Ông ẵm bồng.Mẹ mất sớm, đối với chúng, Ông vừa là ông vừa là  Bà Nội, Ngoại cho tuổi thơ chúng tràn đầy những trái ngọt của yêu thương.
Bố ơi, trong những câu truyện thời thơ ấu luôn luôn có bóng dáng của những người Bà.Trong câu truyện cổ tích con kể có hình ảnh Bố như Ông Tiên với nụ cười hiền hoà quen thuộc.Tuổi thơ con là những ngày dài lủi thủi ba chị em chơi với nhau, chiều đến ngóng chờ tiếng chân Bố trở về. 
Niềm vui oà vỡ trong con khi nghe tiếng ho khan quen thuộc ngoài ngõ, Bố về. Hạnh phúc con bay bổng theo đôi tay Bố nâng cao, Bố đã về. Bố ơi, hạnh phúc bé thơ đó còn mãi trong con đến tận bây giờ Bố ơi, hai tiếng thân yêu đó chúng con còn gọi mãi mỗi khi nhớ đến Bố.
Nhưng mà Bố ơi, chúng con chẳng còn được nhìn thấy Bố nữa rồi.
 Vĩnh Biệt Bố .