Friday, September 21, 2012

Hồi ký: XÓM NHỎ - Phần 3 - NTT

XÓM ĐÌNH




Tôi thật yêu Xóm Nhà Thờ, thích về Xóm Chuà nhưng Xóm Đình thì tôi sợ. Bà cô Bảy tôi ở Xóm Đình, nhà có thật nhiều ổi và bưởi mà tôi ít dám về thăm. Má tôi lâu lâu lại dẫn tôi xuống xóm đình để:”Chích lễ”. Chẳng là kế nhà Bà Bảy tôi là nhà bà Hai Mão, bà chuyên môn chích lễ con nít.  Nếu bị nóng sốt, ho hay khó ở là má tôi lại đem xuống chích lễ  rồi mua thuốc Tiêu Ban Thối Nhiệt Tán cho uống. Bà dùng kim may chích ở đầu ngón tay nghe rõ tiếng “tách” rồi nặn máu ra. Hết 10 ngón, bà lật áo chích ở lưng,rồi tới đầu và cuối chân mày.Bà dùng một miếng giẻ đã cũ chùi máu xong bôi dầu cù là lên chỗ chích. Người lớn bệnh thì bà lấy ra một miếng miễng chén, dùng dao đập cho mẻ ra. Lựa miếng thật sắc bà cắt trên da rồi hút máu bằng mấy cái hủ bầu bầu. Bà đốt giấy thả vào hủ cho cháy một chút rồi úp lên chổ cắt. Hủ bị đốt hết không khí hút chặt vào da, máu từ vết cắt chảy ra, đôi khi đặc lại trong hủ.Má tôi gọi đó là bầu giác. Bà  bán thuốc tán cho đủ thứ bệnh. Em Thông và tôi sợ thuốc tán lắm vì nó làm bằng bột, hôi và rất khó uống. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, nằm trùm mền ngủ một giấc. Thức dậy, mồ hôi ra đầm đià. Má nấu cho tô cháo hột gà có bỏ ít hành, tiêu. Má ngồi một bên vừa thổi vừa đút , uống chừng hai gói thì căn bệnh lại lui. Hôm sau có thể chân sáo chạy nhảy rồi. Tôi nhớ em Thông tôi một lần nọ bị bệnh. Má cho uống thuốc tán. Em cầm ly nước có hoà tan thuốc lên. Em nhìn một lượt hết cả nhà rồi nói
“Con uống giỏi, má thương con nghen má”
“Ừa! má thương, uống đi con.” Em cầm ly lên định uống rồi lại bỏ xuống
“ Anh Ba! Em uống giỏi anh Ba thương em nghen”
“Ừa! Giỏi Anh Ba thương, hết bệnh anh Ba cho đi coi đá banh” Em cầm ly lên rồi lại để xuống
“ Chị Chín…….” Và cứ vậy đi vòng hết cả nhà mà ly thuốc vẫn còn nguyên. Má tôi nổi sùng la lên:
“Không có hỏi nữa, Có uống không?” Em hết hồn, vừa khóc vừa nói:
“ Con lạy má! từ rày sắp tới con chừa, con không dám bệnh nữa” Rồi em cầm ly thuốc uống một hơi. Xóm Đình” là khu vực nhóm nhỏ tụi tôi không dám phá.  Đình làng nằm giữa trung tâm. Các nhà dân được Tây cất thành một bức bình phong rất lớn xây kiên cố, tô hình một con cọp rất hung dữ nhe nanh ra như bảo vệ đình làng. Vòng đai đình cũng xây một tường bao chắc chắn. Trong sân có trồng cây Ngọc lan rất lớn. Hương thơm bát ngát. Chúng tôi mê lắm, thích dùng cánh hoa ép vào vỡ cho mau thuộc bài mà không dám vào trong hái. Ngoài đình có hai cây đa thật to gốc xù xì, tạo thành một nơi linh thiêng bất khả xâm phạm.  Mỗi lần má tôi sai xuống bà Bảy có việc, ngang qua đình là tôi cắm cổ chạy. Ra tới đường mới đứng lại thở, rồi ngoái đầu nhìn lại xem có thấy ông thần nào rượt theo sau không.
Đình làng thờ Đức Thánh Trần mà dân chúng thường gọi một cách tôn kính là Đức Ông. Mỗi năm đều có hai lần cúng Kỳ Yên và rước Đức Ông đi thị sát dân tình. Hôm ấy là một ngày thật sôi nổi và rộn ràng. Tiếng trống, tiếng phèn la, tiếng đàn nhị, đàn bầu và tiếng hát “Chầu Văn” vang lên trong đình. Lễ rước Đức Ông khởi đầu bằng giàn chiêng trống, cờ phướng bay ngợp trời. Đàn ông mặc áo dài vận khăn đóng, Mấy người đi theo hầu ông mặc áo quần sặc sỡ, mang hia, đội mão như các quan văn võ trong triều Một số mặc đồ quân sĩ tay cầm thương, đao, kiếm (Những vật để trong đình) vừa đi vừa quơ quơ như múa. Các bà mặc đồ loè loẹt, son phấn , trang sức như trong tuồng cải lương. Họ hoá trang thành những người nữ tì hay phu nhân các quan ngày xưa. Các bà đó thường rất già, ăn trầu xỉa thuốc. Thế mà đến ngày này mấy bà thoát xác trang điểm diêm dúa thấy rất lạ mắt. Cái đáng sợ nhất là  số người đi theo hộ vệ kiệu. Họ dùng những chĩa sắt đâm từ má này xuyên qua má kia hay đâm qua mũi. Có người dùng hai cây đâm hai bên má chỉa ra như hình tam giác. Tuyệt đối không hề chảy một giọt máu . Họ vừa đi vừa nhảy theo điệu kèn và chiêng trống Người ta gọi đó là họ đã “Nhập đồng”, họ không biết đau vì ông đã làm phép. Sau khi tế lễ hoàn tất, họ chỉ rút cây sắt ra, bôi ít tàn nhang của ông là xong, không để lại vết xẹo nào. Kiệu của Ông đi ra đường lớn, vòng qua “Xóm Chợ” rồi về lại đình làng. Gần tới đình, bỗng nhiên kiệu xoay mòng mòng,




mấy người khiêng kiệu không giữ nổi, nhóm quan văn võ xúm lại nắm lấy kiệu. Nhóm đàn bà vừa xá, vừa xuýt xoa:” Con lạy Đức Ông, Con lạy Đức Ông” Đó là Đức Ông mừng vì sắp được về nhà sau khi đi tuần tra. Người ta nói, có mấy lần níu không lại, kiệu bay lên, kéo theo mấy người khiêng kiệu. Tôi chưa  từng thấy kiệu bay bao giờ, tuy nhiên cũng rất sợ. Kiệu rước về tới đình thì chiêng trống phèng la càng dồn dập. Người ta bất đầu tế lễ. Các Bác trong ban hội đình hàng ngày cũng bình thường, ngày hôm nay họ thành một người khác, tài hoa hơn, lỳ kỳ và bí hiểm hơn. Họ đọc văn tế, hát chầu văn, nhảy múa và lên đồng. Bác Hai Chấn trùm cái khăn đỏ trên đầu và lắc lư. Một hồi cô nhập ,bác đứng lên nhảy múa đem tiền quăng cho mấy cô cậu, các bà đang ngồi hầu đồng. Có cô hầu bóng ra múa đèn rất đẹp , đội đèn, đội nước, đội dĩa trái cây trên đầu mà múa không đổ. Người ta vào đình xem rất đông, vừa xem múa hát, vừa được thỉnh thoảng được cô quăng cho vài đồng tiền thánh. Cuộc vui kéo dài đến khuya. Các bác trong hội đình hát chầu văn, hát quan họ và ăn uống. Phẩm vật cúng đình rất phong phú, heo quay nguyên con, heo luộc, xôi ,gà và rượu. Người ta ăn uống, nhảy múa, hát hò và đắm chìm trong thế giới thiêng liêng có thần, thánh, cô, cậu và quyền lực bí ẩn.
Kỷ niệm của tôi về Xóm đình là ngập tràn nỗi sợ. Ai trong làng mỗi khi có việc gì oan ức thì thường là thề. Mà muốn đối phương tin mình không nói dối thì dẫn nhau lên đình thề trước mặt Đức Ông. Biết bao nhiêu cây chuyện truyền miệng về sự linh thiêng ở đây càng làm cho  đình làng trở nên hiển hách.
Khi chiến tranh lan tràn về tới làng tôi, một số các bác thuộc hội đình đã bỏ đi xứ khác làm ăn hay chạy lên thành phố tìm sự an ổn.  Vì đa số những thành viên hội đình là người Bắc di cư. Ngôi đình trở nên vắng vẽ, hoang phế. Các bác còn lại không còn tổ chức rước kiệu long trọng như trước. Họ gom thành một nhóm người cũng cúng bái, lên đồng , hát chầu để nhớ những thời hoàng kim ngày trước.

Phần kết.

Câu chuyện về cái xóm nhỏ của tôi còn dài, nó như một khúc phim quay hoài không hết. Những chuỗi kỷ niệm cứ theo nhau về trải dài trong ký ức tôi. Ai cũng có một thời thơ ấu. Tôi là cô bé lớn lên trong một làng quê nhỏ nghèo nàn không có gì đặc biệt. Thế nhưng mỗi việc, mỗi nơi đều là một câu chuyện trong cuộc đời tôi. Tôi yêu và gắn bó với nó. Những người bạn quê nghèo thời thơ ấu bây giờ đã trôi dạt mỗi người mỗi nơi. Một số đã nằm xuống thảm thương trong cuộc chiến ý thức hệ giữa Tự Do và Cộng Sản. Một số đã vượt vũ môn hoá thành rồng nhởn nhơ trong xã hội mới hiện tại. Một số cũng như tôi bị đánh bật ra khỏi quê hương  làm người tha hương nơi đất nước tạm dung.
Quê tôi là một đồn điền cao su. Dòng nhựa trắng như sửa mẹ đã nuôi tôi khôn lớn. Những người công nhân vất vả ôm gốc cao su lấy mủ là những hình ảnh thân thương trong ký ức tôi. Những hàng cao su đều đặn thẳng tắp là những bức tranh tuyệt vời khó quên. Mỗi độ xuân về, khi bên này rộn ràng chợ hoa ngày Tết, tôi lại nao nao nhớ đến muà cạo mũ gia tăng cuối năm. Nhớ những hàng cao su thay lá, trơ trụi khẳng khiu. Nhớ những lần tôi chạy lên đám lá cao su ngập vàng, hốt một nắm, tung lên cao cho nó bay lên không trung rồi xoay tròn bay xuống thật đẹp ,thật vui. Nhớ những mùa hè rủ nhau đi vào lô lượm hột cao su về bán. Nhớ những mùa tháng năm khi gió đổi chiều, mưa lất phất rủ nhau đi vào lô cao su từ mờ sáng để nhổ nấm mối. Một loại nấm dân dã đặc biệt rất ngon chỉ mọc vài lần trong năm. Nấm ẩn dưới những lớp lá cao su mục ẩm ướt , có khi trãi dài rộng bằng một chiếc chiếu. Người hái nấm gọi là” trúng ổ”, Nấm đựng trong thùng, trong giỏ, trong áo mưa, đùm trong áo đi làm hay cột hai ống quần lại, bỏ nấm vào rồi quảy trên vai. Nhớ máy bay, bay rà rà thả bao tiền vào mỗi kỳ lãnh lương  công nhân.  Nhớ ông giáo già với cây roi mây và đôi kiếng trắng. Nhớ nhiều lắm, nhiều lắm, càng về già càng nhớ nhiều. Thôi thì trả cái xóm nhỏ thân yêu về cho kỷ niệm. Tôi ngừng lại nơi đây và sẽ mời các bạn đến thăm một vùng ký ức khác trong tôi. Cám ơn các bạn.
                                                 
 NGUYỄN T. THÊM

No comments:

Post a Comment