Tựa mượn của nhà văn NGUYỄN TRÍ
Nơi tôi sinh ra và lớn lên ở đồn điền SIPH đó là tên của những ông chủ
người Pháp họ đặt cho một vùng cao su của miền đông
khi xưa.
Tôi không nhớ quãng thời gian mình còn bé xíu chỉ nhớ loáng thoáng tôi đã sinh ra và lớn lên tự nơi đây. Một miền quê không có những cánh đồng lúa vàng mênh mông trĩu oằn bông lúa chín và được nghe mùi rơm rạ, không được nhìn thấy ụ khói xám cao đốt đồng sau mỗi vụ mùa không có những cánh diều của tuổi thơ cùng cánh cò trắng từng đàn chao nghiêng cũng không có con sông dài với những hàng dừa soi bóng ru mình và những chiếc cầu tre lắc lẻo êm đềm bắc ngang nên thơ. Nơi tôi sinh ra và lớn lên chỉ bạt ngàn là một cánh rừng cao su già đứng xếp hàng rụng lá mỗi độ thu về có lẻ đó là mùa đẹp nhất trong năm ở nơi đây và đó cũng có thể là hình ảnh buồn đã theo tôi rất nhiều trong suốt hành trình cuộc đời và khá nhiều cho những bài thơ sau này. Khi mùa xuân đến những tán lá non màu vàng chanh mơn mởn cùng những chùm hoa cao su vàng nhạt bé xíu li ti nhỏ như hoa nhãn trước sân nhà vậy. Tôi thích nhất giữa hai màu pha trộn lẫn nhau , một của mùa thu vàng miên man và một của mùa xuân đâm chồi xanh lộc biếc. Cũng là khu rừng cao su ấy mà một bên là màu lá đỏ ối theo cơn gió hùa nhau tơi tả rơi ào ạt còn phía bên này thì những cánh lá non tơ run rẩy nép vào nhau trong gió đến là tội nghiệp.! Khi lớn lên tôi cũng tạm lý giải riêng cho mình là : rừng cao su cách nhau chỉ một con đường nhỏ nhưng hai mùa khác nhau cũng ví như nước Việt tôi chỉ cách nhau chỉ con sông Bến Hải mà phát âm ngôn ngữ vùng miền giữa hai nơi cũng đã khác nhau rất rõ rệt . Hai hình ảnh đối lập khó tả mà dễ thương. Không biết cây me bên hông nhà lớn lên khi nào và do ai trồng? (sau này tôi có hỏi má tôi cũng bảo không biết?) Chỉ nhớ loáng thoáng cây me to ghê lắm ba bốn người lớn ôm giáp tay mới hết. |
Tán lá me rộng không biết bao nhiêu mà kể. Mùa mưa chúng tôi hay trốn vào đó để chơi đồ hàng cho đến khi tạnh hết cơn mưa dầm vẫn không lo bị ướt áo. Đến khi bảy tuổi tôi mới được cắp sách đi học. Ngôi trường tiểu học do Pháp xây chỉ có ba lớp cho con em công nhân cạo mủ học : trường " ECOLE." Cho chúng tôi học vỡ lòng và đến hết lớp ba là do các dì Sơ ( Masoeur) dạy. Má tôi theo đạo Phật nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng như in đoạn kinh thánh ngày xưa mà mấy dì Sơ bắt buộc bọn trẻ chúng tôi phải thuộc lòng mỗi khi vào lớp học và khi ra về tôi cũng không hiểu vì sao mình lại thuộc và nhớ dai đến vậy? Và dĩ nhiên tôi biết làm dấu thánh giá A Men thật là rành rẻ. Ngôi trường làng tôi cách kiến trúc rất lạ, khi học trò ngồi học thì tầm mắt tha hồ mà ngắm mọi vật chung quanh trước sau tùy thích vì tường xây chỉ vừa ngang ngực nên khi đó tôi tha hồ ngồi mà mơ , mà mộng ... ( nhưng liệu hồn đừng để cho dì Năm bắt gặp nhé ? Dì Năm khét tiếng dữ dằn hay phạt quỳ và đánh rất đau.Chắc chắn bà sẽ bắt xoè đôi bàn tay xinh xinh ra mà nhận ngon ơ ba bốn roi. Roi là cây thước vuông bằng gổ mòn nhẳn thật đau điếng khi đã bầm thì đến cả tuần sau mới tan hết. Phía xa xa những cánh đồng cỏ May ngút ngàn và những cánh chuồn chuồn ớt rượt đuổi nhau bay chấp chới theo hình dích dắc dưới cái nắng lấp loáng của hai mùa nắng mưa. Sát cạnh ngôi trường là bót đồn lính với hàng rào kẽm gai dày đặc, và kề bên là tháp nhà thờ sừng sững ngạo nghễ, tiếng chuông đều đặn vang lên ngân xa mỗi khi chiều thứ bảy
Vào đầu tháng
chúng tôi ngồi học vậy đó chứ thực ra đứa nào cũng như đứa nấy đôi mắt cứ
chực trông chờ hẳn có hai lý do : để được nhìn chiếc chuyên cơ nhỏ bay trên
bầu trời tiếng động cơ ầm ầm rồi hạ cánh dần xuống, dần xuống thấp gần mặt
đất những vạt cỏ May nằm rạp ngã nghiêng dưới sức gió khủng khiếp của cánh
quạt máy bay. Khi gần tiếp đất vài ba bao tiền được quăng xuống
|
chúng lăn
long lóc nhiều vòng mới chịu dừng lại rồi nằm im hẳn. Và dĩ nhiên ngày hôm
sau mỗi đứa sẽ được ba má cho tiền để đi học nhiều thêm hơn một chút. Khi đó ,bao giờ cũng có một chiếc
xe jeep của ông chủ người Pháp chờ sẳn để người ta khiêng chúng cho lên xe để
chở đi. Đó là tiền trả lương cho những người cao su cạo mủ.
Rồi tôi nhớ những đêm về, tôi thích được nằm rúc đầu vào nách má tôi để cảm giác được nghe mùi trầu vôi cay cay hăng hăng nồng nồng má nhai quen thuộc và được đôi bàn tay mềm mại của má, mân mê vuốt từng sợi tóc để tìm trứng và bắt chí. Thích nhất là được nghe má tôi kể chuyện ngày xưa : chuyện Thạch Sanh, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, và dù nhát gan nhưng tôi vẫn thích và bắt má kể chuyện ma, bao giờ cũng là câu chuyện cuối cùng...những con ma đêm đêm về mặc nguyên bộ đồ trắng, xỏa tóc dài phủ tận gót chân ngồi khóc trên nhánh cây hay trước ngôi mộ để hát ru con ngủ ầu ơ...ầu ơ..! Dưới ngọn đèn dầu " hột vịt" leo lét tôi sợ ghê lắm nằm trùm mền kín mít từ đầu chí chân nhưng vẫn ưa nghe đến nỗi thuộc lòng những đoạn ly kỳ hay lâm ly thương cảm tùy theo lớp lang của câu chuyện. Nhiều khi má tôi quên kể tiếp chắc đang suy nghĩ bén qua chuyện khác tôi bắt chước kể nối đuôi thêm được một khúc và dĩ nhiên là tôi khoái ghê lắm? Nhà vách thưa, đêm đêm có thể nghe được tiếng rơi của trái vú sữa hoặc trái gòn khô phía sau hè rụng lịch bịch tiếng đạn pháo xa xa tiếng của những quả M79 cứ nghe bắn " tóc" thì y như rằng sau đó vài giây là tiếng " ình" chát chúa, tôi thuộc đến từng chi tiết âm thanh của súng đạn trong cái đầu nhỏ nhoi của đứa bé mới tầm 6, 7 tuổi. Đêm đêm tôi thích nhìn xuyên qua khe vách trên bầu trời đen kịt vài ánh chớp sáng của những đóm hỏa châu khi mờ khi tỏ. Tuổi thơ ấy chúng đã theo tôi đến khi lớn khôn và cho đến tận mãi sau này chúng cứ đeo đẳng theo tôi như một cái bớt trên da khó phai. Chúng vào những dòng thơ buồn rười rượi , khắc khoải da diết , vậy mà sao tôi vẫn yêu một Tuổi Thơ Không Có Cánh Diều của tôi.
TỐNG NGỌC NGA
( Viết theo yêu cầu của một vài người bạn thân quen của Nga trên facebook ) |
No comments:
Post a Comment