Tháng 3 Quý-Mão năm nào trời đã mưa như
trút, và đàn con dại nước mắt cũng lả chả rơi đến khi lịm đi trong giấc ngủ dại
khờ. Ngày đó má đã lìa xa chúng con
mãi mãi!
Dáng má gầy cao, đôi mắt to hiền lóng
lánh, vầng trán in ẩn của sự thông minh hiếu học, cái thuở mà ông hiệu trưởng
mời má ra làm cô giáo, nhưng đàn con hơn 7 đứa nên má đã làm bổn phận thương
yêu chăm chút cho đàn chim nhỏ bé đó thôi.
Mờ sương má đã ra chợ mua trái cây, thực
phẩm.. để chuẩn bị cho chiếc xe nước đá đầy đủ những món giải khát ngon lành:
đậu đỏ bánh lọt, hột ư hột é, rau câu hột lựu, xưng xâm xưng sáo, phổ tai, cơm
rượu, chuối, mãng cầu xiêm, xá xị, bạc hà, chuối già … dạo mà cây xăng ông Tồn
vẫn chưa có mãi đến chiếc xe nước đá trụ trước giếng nước quận thì má không
còn nữa. Cứ lẻo đẻo, len lách trong
giòng người đông đúc sau má mà con cảm thấy hạnh phúc lắm khi cầm phụ được thứ
gì để đem gởi trong gian hàng bà Mười bán chiếu, nồi niêu son chảo… đối diện
trước nhà thầy Phúc trong chợ…
Những quyển tập của những đứa con luôn
được má chuẩn bị thật đẹp với bìa bao thẳng thóm. Màu mực tím với nét chữ cứng đẹp cẩn thận đề
tên trường lớp, môn và niên học trên góc phải trang giấy đầu tiên lồng trong
khung kẽ đậm lợt trang điểm cành hoa lá ôm trọn góc mảnh mai mới xinh đẹp làm
sao. Nét chữ đầu đời được má dịu dàng
cầm tay in từng dòng theo năm tháng. Rồi
cứ đầy quyển tập má lại cất giữ chúng trong chiếc thùng giấy đật vào một góc
trên căn gác nhỏ. Để rồi khi biết đọc
biết viết tôi thường hay lên ngồi mở từng trang tập cũ của chị tôi mà trầm trồ
quý mến, những trang nữ công thêu thật đẹp kết trang vở chị luôn cao hơn 8 điểm
(8 là điểm cao nhất), toán luôn đạt điểm 10… Rồi khi má không còn, nơi góc đó
vẫn là kho tàng quý báu tôi hay khám phá vào những buổi trưa hè để chợt nhìn
thấy được những trang thơ mực tím má viết trên trang hai của quyển tập khuyên
con trong cách hành xử của đạo làm người trong gia đình xã hội. Đọc mà rớt nước mắt mà thương má vô cùng má
ơi!
|
Má cũng có quyển sổ mực tím dầy chép những
bài vọng cổ thuở còn mười mấy câu, những vần thơ nhớ mẹ thương cha, những
dòng nhật ký thương con thương chồng trong những ngày đau ốm... Đây là bửu bối suốt cuộc đời thơ dại của
con mà khi lìa xa quê hương con luôn nuối tiếc vì không còn được nhìn lại má
mình qua nét chữ kính yêu.
Con không nhớ được lời ru của má vì dạo ấy
con mới lớp năm. Nhưng ký ức thì hạnh
phúc lắm vì hình ảnh của bệ má dưới ánh trăng lung linh hay ánh đèn trong nhà
dịu dàng chiếu ra hàng ba, nơi mà đêm đêm
bệ má ngồi trên cái ghế bố nói rất nhiều chuyện. Đàn con đứa nằm trong lòng, đứa dựa, đứa gối
đầu chân bệ má thưởng thức những cái bánh tráng phồng, bánh đa thơm mè rưng rức. Hai con chó vàng Lu-Tô, Lu-Lu cũng nằm cạnh
ghế bố, gác mõ lên thềm nghe bệ má kể chuyện.
Gió đêm mát rượi, mùi hoa lài, hoa sứ, hoa thiên lý, điệp vàng, đìệp đỏ,
thoang thoảng ngạt ngào, trăng sao lấp
lánh, tiếng nồng ấm của bệ má thân thương sau một ngày cực nhọc bán
buôn. Con chợt tỉnh giấc khi bệ bồng
con đặt vào giường, mở mắt nhìn rồi nhắm lại hồn nhiên trong giấc ngủ.
Không còn má con buồn con khóc, con rớt
đệ thất cái năm má mất. Những vần thơ
đệ thất năm sau dài lê thê nhớ về má.
“Bé P. cứ viết rồi thầy sửa…” Tự đó thầy cô là người thay má dạy con học. Theo thời gian những vần thơ cũng là nhớ mẹ,
nhớ da diết như những vần thơ của má nhớ ông bà ngoại.
Đông về giá buốt lòng con dại,
Thức trắng canh sầu dạ ngẩn ngơ,
Bao năm con trẻ bơ vơ,
Thiếu tình mẫu tử trẻ thơ tủi thầm.
Dâng lên mẹ hương trầm dìu dịu,
Thoảng lòng con ấm dịu phút giây,
Với tình phụ tử còn đây,
Vì con người phải dạn dày mẹ ơi!
161067
Má vẫn về thăm đàn con dại qua những giấc
chiêm bao như thật những năm sau đó.
Mãi đến bây giờ dù tất bật với việc làm chồng con, hàng năm cứ vào
tháng 3 đàn con vẫn chiêm bao để nhớ rằng giỗ má cuối tháng nầy.
Chừ thì đàn cháu nội ngoại cố đứa hoa, đứa
trái cây, mì xào, canh khổ qua, đậu hủ chiên xả ớt, cà ri chay… về nhà út của
má mà nhìn hình cười vui họp mặt kể chuyện ông bà, con thì “thầm thì” cùng má
đây.
TKP-3/20052014 -
|
Saturday, May 24, 2014
Hồi Ký: THÌ THẦM - TKP
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment