Monday, April 27, 2015

Hồi Ký: CÚI MẶT - ĐNMT



 















Tờ giấy khai-sinh của những đứa con ở Bình-Dương, Chợ-Lớn, Biên-Hòa, Long-Thành.  Hết ba phần tư  thật là ngọt-ngào bởi dòng nước Đồng-Nai ôm ấp: với đồng lúa bát ngát ngạt-ngào, với vườn cây trái oằn nặng thơm ngon.
     “… Bệ ạ tại sao tụi con lại sinh ra ở những nơi khác nhau như thế?”
     Người cha già trầm tư với dĩ-vãng và nhẹ nhàng nhắc lại: “… tụi nó cứ bắt tao phải làm nội thành cho chúng, đi tới đâu cũng gặp tụi nó, mãi về đến Long-Thành mới yên thân…”
     Thì ra là thế.  Từ cái thuở trai trẻ người đã từng chứng kiến Bảy-Viễn, Ba Cụt với những bao bố tiền, với con cọp tạo nên thế-lực khét tiếng...  Mỗi nơi người đều sống nhờ vào đôi cánh tay sáng tạo, chân chất thật thà, thương giúp mọi người thất thế sa cơ.  Nơi mà có những người chủ tiệm bước đầu trắng tay, sau lại quên đi cái thời tay trắng…  Người vẫn điềm-nhiên với cuộc sống bên người vợ hiền thục và đàn con nhỏ dại.
     …Trong tôi vẫn là con đường quốc-lộ 15 Sài-Gòn, Vũng-Tàu.  Đường liên-tỉnh 25 đất đỏ hiền-hòa sáng trưa chiều xe đưa rước học trò, người đi làm ở Bình-Sơn… Giòng suối lượn lờ xóm vườn, Bình-Lâm mang bóng ngã của vườn chôm chôm sai trái, mà xa hơn là đình ông Cọp nổi tiếng linh thiêng...  Rồi tiếng ê a cái thuở trại Nguyễn Hữu Ngộ thỉnh thoảng vẫn vọng vang tiếng súng. Cái lồng chợ đủ sắc màu,
________________________________________
 
hương vị của bún riêu, cháo lòng, chè đậu trắng, xôi bắp v.v..
     Rồi những tà áo trắng lượt là tung tăng theo gió, mà có những lúc cuống quýt vì e thẹn có kẻ trộm nhìn.
Đó là lúc ngã ba ông Tồn luôn diện kiến sáng chiều ngập tràn tuổi trung học thân thương.  Cây xăng, nhà sách Châu-Hải, tiệm uốn tóc, tiệm thuốc tây, tiệm chụp hình Tân-Mỹ; hàng chiếu, nồi, rổ… của bà Mười… thì đón chào người từ xóm chùa Bửu-Lộc, BS… Cái giếng nước trước cổng trường luôn trong mát, ngọt ngào vang tiếng gàu múc nước, kĩu kịt gánh suốt ngày.  Bên trái là dãy tiểu học, bên phải là hội-đồng xã.  Bồn nước cao cạnh sân đánh banh…  Hay vượt qua chiếc cầu dốc nho nhỏ để ngắm vườn đay của Liên Kim Sơn.
     Cũng có lúc những con ngựa sắt ngang qua rạp hát, thánh thất Cao-Đài, vượt cầu Quản-Thủ vào Tịnh-Xá Ngọc-Thành lễ Phật, sinh-hoạt múa hát ở Cửu Huyền Thất Tổ; tựa lưng vào vách chánh điện hình bát giác dưới cây Bồ-Đề nhìn lá mướt xanh reo vui mà ôn bài nho nhỏ… Xa hơn nữa là giáo xứ Dũng-Lạc, nơi đã kiên trì chống cộng những ngày cuối tháng tư, bảy lăm.  Hay ngã ba Phước-Thiền ngang qua nhà bảo sanh cô mụ Hồng, viếng chùa bên cánh phải.  Cái đình với những cây cao vút mà lúc má còn sống tôi đã cùng đoàn văn nghệ mầm non hát, diễn tuồng thâu đêm trong ngày lễ… Tiếng cười khúc khích của đám Ngũ-Long Công-Chúa bên cạnh cầu Phước-Thiền tập tễnh đạp vó vớt cá đối, cạnh bờ sông là căn nhà vách lá mát rượi của chị Y. luôn là nơi ngừng chân cho chén nước trà đầu tiên.  Ngang qua chợ, chùa Ông, trường học, nghĩa địa.  Có lúc ghé Phước-Kiển, Phước-Long … ăn thơm, dưa gang.  Phước-Thọ lại khó nhạt nhòa vì hồi bé xíu người dì hàng xóm thường xuyên dẫn ra đó ăn đám giỗ, với những gánh trĩu đầy thức ăn mà họ thoăn-thoắt gánh vào xóm vườn gặp người quen đứng tựa thân cây trò chuyện...






No comments:

Post a Comment