Tuesday, December 23, 2014

Hồi Ký: GIÁNG SINH NĂM ẤY - Anh Hồ




Ngồi trên chiếc xe Honda 67, tôi đợi em trước cổng trường khép kín. Tiếng chuông ngân vang như bầy ong vỡ tổ, như đàn cò trắng thiết tha.  Em thánh thiện kiêu sa trong tà áo trắng. Tôi thấy rõ đôi mắt em to đen tròn sáng tỏ như ánh sao khi em nhìn thấy tôi.
Xe chúng tôi lướt qua với  bao cặp mắt nhìn lóe sáng  nhường đường cho cặp tình nhân. Như đã hẹn Hân sẽ cùng nhau về Sàigòn thủ đô ngày ấy để đón Giáng Sinh ở nhà thờ Đức Bà mà em hằng ao ước.
Rời trường phố quận êm đềm, Hân đã về trường tỉnh để học năm đệ nhất, tôi, người còn trai cũng cùng trường với em và thân quen nhau từ những năm em học đệ tứ. Tôi học trên em ba lớp. Xe honda có Hân ôm ghì eo tôi đang phoong phoong trên xa lộ Đại Hàn - Hạnh phúc đang có nhau sau một tuần xa vắng. Bấy giờ tôi cảm thấy một tuần thật là lâu; có lẽ là Hân cảm thấy một tuần còn lâu hơn tôi nữa. Đang hạnh phúc trên lộ trình thì bất chợt trời đổ cơn mưa. Tội nghiệp em tôi, áo dài trắng mỏng manh trong mưa gió. Tôi cố chạy vượt qua đoạn đường trống vắng trên xa lộ Đại Hàn và ghé ngừng nấp mưa dưới tàng cao su ven xa lộ. Chậm hết những giọt mưa trên tóc, trên vai, trên má em, những nụ hôn cuốn hút trao nhau át cả gió mưa. Tôi không bao giờ quên được những nụ hôn tuyệt vời thánh thiện của hai kẻ yêu nhau. Mưa hết rơi mà chúng tôi vẫn không hay. Vẫn mãi còn cùng ngồi trên yên xe, tay trong tay… rừng cao su che bóng, che mưa.
Rồi chúng tôi cũng về tới Sàigòn, tiến vào đường Trương Minh Giảng, qua Đại học Vạn Hạnh nơi mà tôi đang học. Tôi đã xin phép trước với chủ nhà tôi ở trọ, tôi giới thiệu Hân và chỉ phòng em tạm nghỉ.
Nghe tiếng chuông đổ từ nhà thờ Ba Chuông vọng tới, tôi biết là đã đến giờ đưa Hân đi ăn tối. Chúng tôi đi ngược về phía Đại học Vạn Hạnh vì tôi rành những nơi ấy hơn; với những quán ăn quen mà bọn sinh viên chúng tôi thường hay lui tới ( vì bình dân)
Nhìn ánh mắt ngọt ngào với khuôn mặt trong sáng hiền hòa của Hân, tôi vô cùng hạnh phúc vì tôi biết rằng em đang rất vui, vì đây là lần đầu tiên tôi và Hân có được bên nhau trong ngày Giáng Sinh. Ở nhà thờ phố quận, chúng tôi cũng có cùng đi xem lễ nửa đêm, nhưng không cùng cảm giác như bây giờ. Vì ở phố quận, chúng tôi vẫn còn lo ngại Ba Mẹ Hân biết được và cả những người quen biết được là chúng tôi với nhau!? Ở đây chúng tôi được trọn vẹn tay trong tay với nụ cười và ánh mắt cho nhau tự nhiên… rất tự nhiên như bao nhiêu người đang yêu khác.
Trở về nhà trọ, điều khiến cho Hân mất vui là cả khu xóm đều bị mất điện. Chiếc áo dài màu hồng tươi mới toanh, Hân xếp trong ngăn cặp, cần được ủi thẳng lại để mặc đi chơi và đi lễ đêm nay.








Tôi nhớ mãi câu than van của Hân khi ấy “chết rồi anh ơi! “ sao nó dễ thương và tha thiết đến dường nào. Rồi thì cũng xong, tôi xách xe với chiếc áo dài của Hân chạy qua Công Lý, gần chùa Vĩnh Nghiêm nơi phòng luật sư mà tôi làm bán thời gian để ủi áo lại cho em. Nụ cười rạng rỡ hồn nhiên của Hân trong chiếc áo dài màu hồng thật là xinh. Tôi nhớ mãi nụ hôn thoáng nhẹ để cảm ơn của em ngày hôm ấy. Rồi khu phố tối om vì mất đìện (có lẽ điện để dành cho khu khác cần cho đêm lễ chăng?!) Chúng tôi hòa nhập vào đoàn xe tiến về Sàigòn (Xe gắn máy đông nghẹt). Qua Trương Minh Giảng, xuống Công Lý thằng hướng về phía nhà thờ Đức Bà (Notredam) mà dân thành phố còn gọi là Vương Cung Thánh Đường. Đoàn xe môtô, xe hơi nhích từng khúc, xe cọ vào nhau rất dễ dàng. Có xảy ra, cũng chỉ nhìn nhau cười, rồi lại tiếp tục cùng đi. Hân xiết chặt vòng tay giữ lấy eo tôi, tôi cảm nhận được hơi ấm và hạnh phúc tỏa ra từ đôi bàn tay nhỏ nhắn ấy. Hân cúi sát mái đầu sau bờ vai của tôi và nàng rỉ vào tai tôi:”Lạy chúa con là người ngoại đạo…nhớ không anh?” tôi nghe hạnh phúc dâng tràn. Câu - lạy chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có chúa ngự trên cao… của một bài hát mà mỗi mùa Giáng Sinh mọi người đều nghe được. Chúng tôi đã từng cùng nhau cầu nguyện trong những lễ Giáng Sinh nửa đêm ở nhà thờ phố quận khi chúng tôi cùng nhau đứng phía sau cùng của dòng người xin lễ.
Thường ngày từ đại học Vạn Hạnh đến nhà thờ Đức Bà không mất quá mười lăm phút. Thế mà đã hơn một giờ đồng hồ mà đoàn xe với những khuôn mặt hớn hở, với quần áo xinh đẹp, với dáng dấp kiêu sa luôn……. Tươi cười trao cho nhau trong đoàn xe dập dìu nhích đi từng bước rất là chậm chạp. Âu đó cũng là một hình ảnh đón Giáng Sinh Sàigòn năm ấy đã in sâu đậm suốt trong kỷ niệm - chuyện chúng mình - của tôi và Hân từ dạo ấy (1971) cho đến ngày nay.
Rồi cũng qua dinh Độc Lập, tiến từ từ… rất từ từ đến Vương Cung Thánh Đường. Năm ấy đoàn người đến nhà thờ tôi nghĩ không có ai có thể vào xem lễ được. Vì với đông nghẹt đoàn xe cùng dòng người tủa đến nhà thờ. Chúng tôi không ai có thể ngừng xe chứ đừng nói tìm được chỗ đậu xe. Vi thế chúng tôi đã phải cùng nhau chạy xe rề rề mà đón lễ Giáng Sinh! Cả đoàn người, đoàn xe dày đặc suốt các lộ trình được cho phép chạy vòng vòng khu nhà thờ trong đêm đó.
Dù thế, với lòng thành tôi cũng cầu nguyện như những năm trước. Hân cũng đã ngã đầu vào vai tôi khi nghe tiếng chuông nửa đêm thánh thoát ngân vang từ nóc chuông Vương Cung Thánh Đường… tôi biết Hân cũng đang cầu nguyện như tôi – xin chúa cho chúng con tròn nguyện ước. Tôi cầm lấy tay Hân đang ghì giữ lấy eo tôi, tôi cảm thấy tay em đang cùng bóp mạnh tay tôi. Tôi mĩm cười, ngẩn lên nóc nhà thờ với hình sao sáng  trên tận nóc cáo của giáo đường, tôi nói cùng Hân: - Chúng ta đã đi lễ nửa đêm Giáng Sinh ở nhà thờ Đức Bà rồi đó phải không Hân ?!

ANH HỒ
Giáng Sinh năm 2014
                             Thương tặng Ngọc Hân


                          

Sunday, December 21, 2014

Thơ: MƯA XA - Hoàng Dũng

Hồi Ký: NƯỚC MẮT (1) - Nguyễn Thị Thêm



Hồi nhỏ tôi hay khóc.
Tôi nhớ cứ mỗi lần ngủ trưa dậy là tôi hay nhè. Một cái gì khó chịu làm tôi muốn khóc. Người váng vất buồn bực, bức rức muốn cái gì mà mình không biết chỉ là khóc. Khóc sụt sùi, khóc tỉ tê khiến người nhà bực bội.
Má tui dỗ nhiều cách. Cho ăn kẹo, ăn bánh, cho quà, ôm vào lòng dỗ dành mà sao tôi vẫn không nguôi. Tôi cứ kiếm một góc mà ngồi nhè. Có đem tôi ra đánh thì sau trận đòn tôi vẫn tiếp tục ngồi khóc nhừa nhựa một hồi lâu. Cho nên lúc nhỏ tôi có tên là Chín Nhè hay Chín Nhựa. Vì tôi khóc rất dai, nhựa nhựa dễ ghét lắm. Hôm nào ba tôi ở nhà là cơn nhựa đó ngắn đi vì tôi rất sợ ba tôi, còn không thì cứ âm ỉ như thế cho tới lúc cơn khó chịu dịu lại. Và tôi tự dưng tỉnh táo, tôi rửa mặt và trở về  một con bé liến thoắng dễ thương.
Má tôi bực lắm, tìm đủ mọi cách mà không trị được tội khóc nhè của tôi. Cho đến một ngày, má tôi có chiêu mới. Bà không dỗ ngọt, bà không không cho bánh mà bắt tôi quỳ xuống, quay mặt vô vách và khóc. Nếu nín khóc bà quất mạnh một roi cho khóc tiếp. Tôi khóc như thế không biết bao lâu theo từng lần roi quất  của má. Trong tôi có một sự bừng tỉnh lạ lùng và từ sau trận đòn" KHÓC CHO ĐÃ" của má tôi đã bỏ được tật khóc nhè.







Kỷ niệm ấu thơ đó ghi mãi trong tâm hồn tôi và là một kinh nghiệm sống để đời. Đôi khi mình đi mà mình không biết rõ con đường đi đúng hay sai. Có nhiều lúc mình xuôi theo cơn xoáy cuộc đời mà không dừng lại nhìn thật rõ về hành động của mình, về cái tôi của mình và nhận định chính chắn có nên dừng những việc làm sai phạm cho kịp lúc. Ngày còn thật bé tôi chỉ biết khóc mà không hiểu vì sao mình khóc. Nếu má tôi không cương quyết mạnh tay thì tôi mãi là con bé thật dễ ghét dưới mắt mọi người.  Cho nên làm Mẹ, làm Cha đôi khi phải dẹp bỏ sự yêu thương, nuông chiều quá đáng con cái mà hãy để cho con cái thấy cái sai, cái ngu xuẩn của mình mà sửa đổi.
Khi tôi lớn lên một chút tôi có thêm một kỷ niệm về những giọt nước mắt.
Tôi là một cô con gái trong gia đình toàn là anh em trai nên được ba má khá nuông chìu. Một lần vào dịp gần Tết, Má tôi đi buôn ở Sài Gòn, bà mua về cho tôi một sâu chuỗi hột rất đẹp. Tôi nhớ nó màu trắng. được bọc ngoài bằng một hoa văn vàng úp vào giữa hột và ánh chiếu lấp lánh. Đây là một dây chuỗi hột giả nhưng rất đẹp. Má nói để đeo trong dịp Tết.
Tôi thích quá năn nỉ má cho đeo đi chơi một lát. Tôi mang ra khoe với nhóm bạn trong xóm. Có nhỏ Tám, nhỏ Thơ, nhỏ Thanh. Trước cặp mắt ngưỡng mộ thèm thuồng của nhóm bạn, tôi hảnh diện lắm, sung sướng lắm.
Khen và mân mê một hồi lâu, tụi nó xin cho đeo thử. Tôi mở ra cho mỗi đứa đeo một chút.. Thế rồi khi tới con Thanh nó xin được đeo thêm, tôi vui vẻ nhận lời còn khen nó đeo đẹp lắm. Tụi tôi chơi trò nhảy dây nên tôi cởi sâu chuỗi cất một chỗ bên thềm nhà con Tám. Tuổi trẻ ham chơi nên tôi quên sâu chuỗi đẹp. Khi về nhà má hỏi tôi trở lại chỗ cũ tìm thì đã không còn. Tôi hỏi con Tám, con Thơ, con Thanh tụi nó đều lắc đầu nói không biết. Má tôi la tôi một trận nên thân và tôi suýt bị đánh đòn.
Hôm sau, tôi thấy con Thanh đeo sâu chuỗi đó. Tôi đòi lại nó nhất định không trả, nó nói của má nó mua. Tôi đành... khóc và về mét má.

                 

                            

Hồi Ký: NƯỚC MẮT (2) - Nguyễn Thị Thêm



Tôi ra gọi con Tám, con Thơ làm chứng là hôm qua tôi đã đeo và đã để chỗ nào lúc nhảy dây (vì sợ sâu chuỗi bị đứt). Hai đứa tụi nó làm chứng rõ ràng như tôi nói. Thế nhưng con Thanh nhất định không trả, nó lại nói ngược lại câu nói ban đầu là của má nó mua. Nó nói:
- Ừa! Không phải má tao mua, nhưng mà tao lượm được là của tao.
- Không phải mày lượm, mà của tao bỏ quên, hôm qua tao để có cả ba đứa mình cùng thấy. Tôi cãi lại
- Nhưng hôm qua mày đã đeo vào cổ tao là mầy đã cho tao . Con Thanh vừa nói vừa lấy tay che sâu chuỗi ở cổ sợ tôi nhào vô giựt lại.
- Tao cho cả ba đứa đeo thử, đâu phải một mình mày. Tôi cố nín khóc nói mạnh miệng.
- Nhưng tao lượm được là của tao, tao không trả, mày làm gì tao.
 Con Thanh nói xong bỏ chạy về nhà đóng cửa lại. Giờ này ba má nó không có ở nhà, tôi đành đi về mà thút thít khóc vì tiếc của. Con Thanh có tiếng là dữ nhất trong bọn nên tôi biết khó lòng lấy lại.
Má tôi thấy tôi chỉ biết khóc mà không đủ sức giành lại lý lẽ cho mình nên bà nổi sung thiên bắt tôi nằm xuống quất cho mấy roi vì tội " ĐỂ BỊ MẤT CỦA MÀ CÒN KHÓC NHÈ"
Sau đó tôi đã gặp ba má con Thanh để phân bua nhưng nó cương quyết là nó lượm được là của nó. Ba má nó không làm gì nên tôi đành mất xâu chuỗi xinh đẹp chỉ được đeo trong vòng vài phút.
Xâu chuỗi sau một thời gian bạn tôi đeo nó đã phai lớp vàng giả thành bạc phếch, xấu xí. Tôi không còn háo hức khi nhìn thấy nó, cả khi nó còn mới vì trong tôi nó không còn thuộc về tôi. Nhưng hình như tình bạn bị thương tổn nhiều lắm. Tôi không còn nhìn Thanh bằng sự thân tình, hết lòng mà đôi mắt có phần e dè, cảnh giác.







Trận đòn và những giọt nước mắt của tôi lại hiện về mỗi khi tôi nhìn thấy một việc gì gian trá, lừa lọc trong cuộc đời. Tôi thông cảm cho con tôi mỗi khi chúng không thể đương đầu với một tình huống chẳng đặng đừng. Tôi khâm phục má tôi, một người phụ nữ nhà quê mà biết xử sự khéo léo. Ngày đó nếu binh con và tiếc của má làm cho ra lẽ, tình xóm giềng chắc chắn sẽ bị sứt mẻ và tôi không có một bài học để đời . Bài học đó cho tôi một cảnh giác về những người mình tin tưởng. Về cái lý của người tham và đừng bao giờ kích thích sự thèm muốn nơi người đang thiếu thốn. Tại tôi đã gieo trong lòng bạn tôi sự thích thú, ao ước được có nên bạn tôi mới gian giảo để chiếm cho bằng được. Nếu tôi không khoe khoang thì xâu chuỗi không bao giờ mất và tình bạn sẽ không sứt mẻ.
Cái lỗi nhỏ nhoi của tuổi thơ nơi bạn tôi là câu trả lời cho tôi biết, tại sao bạn tôi thành công trên đường đời sau 1975.  Có những người dùng bằng mọi cách để đạt được điều mình muốn lấy, dù việc làm đó không hợp lý, hợp pháp.
Tôi không như vậy. Tôi thấy mình rõ ràng, tôi thấy mình hơn ai hết và tôi thà chịu thua thiệt chứ không hơn thua, tranh chấp tới cùng để hai bên cùng bị thương tổn. Má tôi là người biết tánh con hơn ai hết nên đã đánh tôi một trận dù biết tôi không sai. Nhưng má ơi! Trận đòn ngày xưa cũng không thể làm con khác đi. Không làm con dữ dằn hơn, không làm con thay đổi hơn. Má đã sinh con ra như vậy , những giọt nước mắt đi theo suốt cuộc đời con gái má.
Tôi lấy chồng và trong 44 năm làm vợ, nước mắt theo tôi suốt cuộc hành trìnhTôi không hiểu sao tôi thật yếu đuối, tôi quá hiền lành. Tôi không hề dám gây lộn với ai. Tôi chưa từng nói lớn tiếng với mẹ chồng, chồng và ngay cả con cái.
Ai nói điều gì không đúng thì tôi ôn tồn giải thích. Nhưng khi họ không nghe và cãi bướng tôi chỉ lặng lẽ rút lui. Tôi nghĩ nếu đó là điều đúng thì họ sẽ thấy sau này. Không nên cãi vả mất cả tình. Những suy nghĩ đó có thể là sai, sai to khi mình thật sự là bạn thân. Mình trốn tránh sự thật là mình có lỗi với bạn. Thế nhưng, trời ạ! Tính tôi thế ấy.