Tiếng
đại hồng chung thong-thả vang vang trong màn đêm tĩnh-mịch. Ánh đèn màu quanh
chùa dịu-dàng tỏa sáng hình tượng Quán-Thế-Âm Bồ-Tát vọng hướng xa-xăm với
tâm từ tỏa ngát ngàn phương. Ngài Di-Lặc với nụ cười hoan-hỷ vẫn an-nhiên
tự-tại sưởi ấm lòng người trong cái giá lạnh mùa đông. Ánh đèn xe vẫn tiếp
tục từng chiếc một rẽ vào khuôn viên chùa Giác-Quang.
Hồi kinh sám-hối
cuối năm đà dứt. Với những nụ cười thành kính Phật-tử rời chánh-điện sang
phòng ăn dạo chợ tết. Giới trẻ thì nhanh chân xuyên qua bãi đậu xe hướng đông
đến nhà sinh-hoạt của gia-đình Phật-tử Minh-Đức để tham-gia những trò chơi
đón xuân vui nhộn, cũng như thưởng-thức món hủ tiếu chay đậm-đà trong cái
lạnh bên ngoài.
Những đòn bánh tét
đậu, ba màu, chuối, và bánh chưng luôn hấp-dẫn mọi người. Nầy nhé cô hàng
nước khéo léo đưa những cây mía vào máy ép, rồi chuyền sang người bên cạnh vô
ly không kịp với sự mong chờ được thưởng thức lại hương vị ngọt thanh đậm-đà
thoang thoảng vị thơm của tắc. Cạnh đó là những hủ cà-pháo muối đang vơi dần theo
nhịp nhích của khách hàng. Chả, bì, khổ qua kho, mắm thái, bánh ích lá gai,
bánh bột lọc, xôi cúc ... tất cả thật hấp-dẫn. Quầy hàng hết thật lẹ vì đây
là những món ăn quê-hương ngày nào.
Chuông trống
bát-nhã bắt đầu vang lên trong giờ phút cuối của đêm 30 năm Bính-Thân. Câu
kinh Bát-Nhã hòa vang thành kính trong chánh-điện, cùng hồi hướng cho tất-cả
chúng sanh đều trọn thành Phật đạo hòa cùng chuông mõ đem êm-ấm cho người
viễn xứ. Thành kính cuối đầu cùng chư Phật....
Tiếng pháo
lách-tách đùng rộn-ràng nổi lên, xác pháo đỏ hồng tung tóe khắp nơi, rồi
tiếng chiêng trống, chập chẻng hùng-hậu theo bước chân đoàn lân từ trung-tâm
sinh-hoạt nhanh nhẹn đến trước chánh-điện giỡn cùng pháo, rồi tiến vào
chánh-điện lễ Phật theo tiếng trống nhịp nhàng. Mọi người cũng háo-hức chạy
theo chân lân, vào chánh-điện sát theo vách mà theo dõi đội lân đón
giao-thừa. Điện-thoại đưa cao tí tách chụp hình, quây phim. Những cánh tay ra
sức thảy tiền cho lân, địa, ăn. Những cánh tay nhỏ bé len lỏi dưới chân người
lớn đút tiền cho lân ăn, len lén rờ đầu lân một cách thích thú mặc cho địa
dành ăn. Cũng có những bé đeo cứng cha mẹ vì sợ tiếng pháo, vì sợ ông lân.
Và... cũng có những chú địa vượt khỏi ba má mà vào ăn tiền phụ, thật
ngộ-nghĩnh dễ thương. Lân, địa cũng lịch-sự dụi đầu vui vẻ cùng các nhí...
Lân, địa tha-hồ ăn cam, quýt... bụng lại càng to thêm... Những cú nhảy, leo,
lăn của ba con lân làm say mê mọi người. Cựu đoàn-sinh cũng trở về tiếp sức
đàn em, làm những trụ đứng vững vàng để các em biểu-diễn trên vai với câu chúc
"an-khang thịnh-vượng" trải dài từ miệng lân hòa lẫn với tiếng vỗ
tay dòn dã.
|
Lân
nhè nhẹ lắc lư mà ngủ,
Phe phẩy quạt phe bụng địa nằm! Trống dồn dập nhảy chàng lân, Địa duyên dáng múa cười tươi an nhàn.
Tiếng
trống lơi nhẹ đoàn lân cúi chào rồi lại rộn-ràng nhịp nhàng lùi ra sân. Mọi
người quyến-luyến nối đuôi để được nhìn thấy những gương mặt tí hon tập-tễnh
nhuễ-nhại mồ-hôi theo chân anh chị trở về đoàn quán.
Khói
pháo và nhang hòa quyện cành mai nhành đào lủng lẳng bao lì-xì đỏ mang hương
vị tết Việt-Nam vô cùng ấm cúng trong mái ấm gia-đình chùa Giác-Quang. Hàng
dài từng bước nhích đến chúc tết thầy, vui cười nhận bao lì-xì. Bài kinh bát
cú là bài học đầu năm lồng phần thưởng thi-vị đầu năm mọi người vui vui lắm.
Mọi
người sang phòng ăn thưởng-thức chén cháo nóng thơm phưng-phức, rồi ly siêu
nước ngọt-ngào, vui vẻ chúc mừng thăm hỏi bên ly trà nóng ấm thân tình.
Trong
nhà bếp vẫn có những người tiếp tục chuẩn-bị thức ăn cho những ngày tết,
những bàn tay khéo-léo, tấm lòng lương-thiện, có mặt từ năm giờ sáng rồi rời
chùa cũng gần nửa đêm, ngày này qua ngày khác, để hàng tuần phật-tử no lòng
sau giờ lễ Phật. Rồi những món ăn thuần-túy của quê nhà vào hộp giúp những
người bận-bịu vì công ăn việc làm vẫn có cơ hội ăn chay... Và giúp chùa có
phương-tiện trang-trải hóa đơn hàng tháng hay gầy dựng cơ-sở vật chất cho
người Việt có nơi sinh-hoạt về văn-hóa, ngôn-ngữ, tín-ngưỡng của mình.
Những
gương mặt già nua thật hạnh-phúc vui vẻ ngồi bên cạnh đàn con đang độ tuổi
như ngày nào họ mới đến đây, và đàn cháu thì vào độ tuổi con mình ngày nào.
Họ chính là những bàn tay đầu tiên ngày nào góp sức gầy dựng ngôi chánh-điện
nhỏ bé nghèo nàn, và giờ này ngôi chùa khang-trang hơn cũng là lúc vô-thường
đến nên những người đi trước dần dần trở về với cát bụi. Tre tàn măng mọc,
măng sống cạnh hồ nước ngọt trong lại tiếp nối là thân tre bền vững theo ngày
tháng.
Không phải vì nói
nhiều,
Mới xứng danh trì pháp, Những ai tuy nghe ít, Nhưng thân hành đúng pháp, Không phóng túng chánh pháp, Mới xứng danh trì pháp. (Pháp Cú 259)
Giao-thừa Đinh-Dậu
phong bì đỏ,
Pháp Cú trong bao tỏ lý chân, Hồi chuông tiếng mõ xa gần, Sương khuya nhẹ bước tâm thần thảnh-thơi.
Mùng một tết Đinh-Dậu
|
Sunday, January 29, 2017
Bút Ký: ĐÓN GIAO THỪA - ĐNMT
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment