Tùy Bút viết nhanh trên xe Bus
Tình cờ chat với một
người bạn, anh ta và tôi nhắc lại thú chơi cá đá của thanh thiếu niên Sài Gòn
ngày xưa. Người bạn này trạc tuổi tôi và cũng lớn lên ở Sài Gòn sau 1975.
Chúng tôi nhắc lại chuyện mua cá xiêm ở vựa Ông Cùi tại góc đường Hồ Biểu
Chánh và con hẻm Duy Tân (Phú Nhuận). Anh ta nói rằng: "Dân biết chơi cá
phải mua từ vựa Ông Cùi, không mua trước cổng trường Võ Tánh được". Tôi đã
trả lời: "Ờ, cá từ vựa Ông Cùi là cá nuôi, tuyển và dưỡng từ trứng, còn
cá bán trước cổng trường Võ Tánh là cá hớt từ ruộng nước, màu xấu, tuy cũng
là cá lia thia nhưng nó không biết đá hoặc đá rất dở"
Tôi có nhớ gia đình
bán cá trước cổng trường đó. Mỗi lần lấy tiền, họ đưa cho tụi con nít chúng
tôi bịch nylon, bên trong đựng nước và con cá nhỏ, giá cả rất rẻ dành cho
khách hàng chỉ toàn con nít, đa số là học trò từ trường Võ Tánh (tên cũ của
trường, sau 1975 đổi tên thành trường Trung Nhất). Họ buôn bán ở đó khoảng những
năm từ 1977 - 1985. Đó là một bà mẹ quê với 3 người con gồm 2 gái, 1 trai.
Nói nào ngay, họ không chỉ bán cá bắt từ ruộng nước mà cũng có bán thêm những
con cá vàng (cá Tàu), và một vài loại cá kiểng khác. Không biết họ mua cá từ
đâu mà bán lại rất rẻ, dường như là nguồn cá "dạt" từ các vựa nuôi
ép chuyên nghiệp. Nhiều con cá vàng của họ có tật ở đuôi hoặc màu sắc không đẹp.
Với cá vàng thông thường
|
phải có ba đuôi, nhưng cá của họ bán luôn có những
con chỉ hai đuôi và một đuôi. . Nhưng nhờ vậy
mới có giá rẻ cho đám con nít từ lớp 1 cho đến lớp 9 chúng tôi. Mấy mẹ con
này không chỉ bán cá. Mỗi năm, khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, họ còn về quê bắt
dế, bỏ vào lồng lưới đem đến bán kiếm chút bạc cắc. Bây giờ ngồi đếm nhẩm đến
thời giá những năm Sài Gòn đói khổ ấy, tôi có thể ước lượng họ phải bán từ
30-40 con cá hoặc 80-100 con dế mới đủ một ngày chợ.
Trong một lần tan
trường tầm 12 giờ trưa, trời nắng đổ lửa trên đầu, tôi náng lại chưa chịu đi
bộ về nhà mà cứ đứng ngắm những con cá của họ. Nếu như vựa cá Ông Cùi là nơi
bán cá cảnh chuyên nghiệp, có đủ hồ nuôi cá trứng, cá con, phòng tối để dưỡng
cho cá Xiêm trở nên hung dữ - đá giỏi.... thì hàng bán cá của mấy mẹ con gia
đình này chỉ là 3 cái thau nhôm to như thau giặt áo quần ở nhà. Họ bỏ nhiều
con cá cho bơi lội trong các thau nước đó, tụi con nít thích con nào thì chỉ,
họ dùng cái vợt, vớt ra bán. Có một số các bịch nylon đã có cá bên trong, họ
treo trên hàng rào của căn nhà sát lề đường. Con nít chúng tôi bu lại coi thì
nhiều, nhưng cũng chẳng mấy đứa có tiền mua..... Hôm ấy tôi thấy bà mẹ có vẻ
mệt, bà ta gắt anh con trai (khoảng 13 tuổi), kêu ảnh chạy ra chợ Phú Nhuận gần
đó mua bó rau muống, ảnh làm biếng cứ ậm ừ chưa chịu đi. Anh này ốm tong ốm
teo, đen thui vì nắng,
|
hình như chẳng được đi học vì ngày nào tôi cũng thấy
anh ta phụ mẹ và chị buôn bán từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Để tìm những bịch nylon đựng
cá trên hàng rào, táy máy làm sao mà cả xâu mấy chục bịch cá đó rớt xuống đất,
vỡ tung tóe, cá nhảy lưng tưng trên nền cement nóng hực giữa trưa Sài Gòn....
Bà mẹ đã chạy đến, chồm hổm lượm các con cá cho vào thau nước, vừa lượm vừa
hét:
- Trời ơi là trời,
tao nói mày đi mua rau về cho tao nấu, tại sao không đi??? Cá rớt hết mẹ nó,
khỏi buôn khỏi bán nữa, tao cho tụi bây ăn cơm với muối !!!!
Anh con trai tuy có vẻ hốt hoảng, nhưng dường như không sợ, vì
ngày nào cũng nghe bà mẹ la mắng, anh ta cũng hét lại với một giọng uất nghẹn:
- Làm gì có cơm mà
ăn với muối ở đây, lâu nay ăn độn toàn khoai lang với khoai sùng không à !!!!
Bà mẹ ngưng chửi,
khựng lại ..... không lượm cá nữa... Anh con trai tuổi niên thiếu của bà vừa
gào lên một sự thật, hay đó cũng chính là nỗi đau nhất của một người mẹ: buôn
tần bán tảo 11 tiếng mỗi ngày mà sao vẫn không kiếm đủ cơm cho con ăn ?!!!.
Bà ngồi phịch xuống đất, ngửa mặt, khóc to như muốn hỏi trời cao:
- Trời ơi! ngó xuống mà coi, sao đời tui khổ quá dzậy nè, trời ơi !!!
TÔN THẤT HÙNGToronto Aug 5, 2016 |
No comments:
Post a Comment