Saturday, October 31, 2015

Thơ: TÌNH YÊU, NỤ CƯỜI và NƯỚC MẮT - Từ Tú Trinh


Thơ: LỐI THIÊN HƯƠNG - Anh Hồ


Bút Ký: CHUYỆN VỀ MA NHÂN NGÀY LỄ HALLOWEEN (1) - Nguyễn thị Thêm



Cuối tuần này cả nước Mỹ bước vào lễ hội Halloween. Một lễ hội mà trẻ em rất thích.
Người lớn ở Mỹ cũng tham gia rất nhiệt tình trong lễ hội này. Từ đầu tháng 10 nhiều nhà đã trang trí những con ma bị treo cổ lủng lẳng trên cành cây. Những nghĩa trang rất dễ sợ trước nhà. Những hình ảnh ghê rợn, làm người yếu bóng vía có thể giật mình té ngữa.
Tôi tham gia lễ ma đầu tiên sau chưa đầy một tháng đến Mỹ. Tôi suýt ngất xỉu khi tình cờ dẫn con bước vào một ngôi nhà đèn lù mù chớp tắt. Bỗng từ trong góc tối một bóng ma lao ra hú lên kinh hãi. Chưa kịp định thần, cửa căn nhà mở ra, một mặt nạ khiếp đảm nhô ra hai tay đầy máu cầm một thau kẹo đầy. Hai thằng con bấu chặc vào tôi và tôi vận dụng hết can đảm lấy vài cục kẹo cho con rồi cám ơn bước ra khỏi nhà.
Lễ ma chỉ tạo cho người ta một chút hồi hộp, kinh hãi và sau đó thì cười thoải mái vì biết đó là giả chứ không thật. Đó là trò chơi của con người đem ma quái ra đùa vui với nhau.
Người Việt Nam ta thì khác, rất tin ma quỷ là có thật, sợ hãi và đôi khi đùa chơi với những vong hồn đó. Họ nối kết âm dương một cách tự nhiên, vô tư và rất kính cẩn.
Các bạn không tin ư?
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về chuyện ma. Chuyện có thật và ngay tại căn nhà tôi ở ngày xưa.
Ngày đó quận lỵ Long Thành chưa phát triển như bây giờ. Nhà còn thưa thớt và rất nhiều gò mả. Con đường từ quận lỵ cạnh con suối, có cái cầu ván để đi vào xã Lộc An ngày xưa có thể là một khu nghĩa địa thật lớn. Nhà tôi nằm trong  khu nghĩa địa đó. Nghĩa địa có từ lâu 


đời và dường như những thân nhân người chếtcũng không hề đoái hoài hay họ cũng ra người thiên cổ.
     Nhà dì ghẻ tôi nằm sau những dãy nhà mặt tiền đối diện con đường lớn. Phía sau nhà là lô cao su thuộc sở Ship. Lúc tôi học tiểu học , người ta che nhà ở tạm trong đó, giữa hai cây cao su . Những người dân cạo mũ phải lách qua những căn nhà để lấy mũ. Rồi thì lô cao su lần lần bị lấn chiếm. Từng cây, từng cây bị đốn âm thầm . Nhà mọc lên càng nhiều và biến thành một xóm.
Những căn nhà ban đầu sơ xài rồi từ từ lớn ra đẹp đẻ, kiên cố hơn. Tôi nhớ nhà Trung Anh cũng trong lô cao su đó. Bây giờ nơi đâylà một khu phố san sát, tôi về lại không thể nhận ra.
Tôi nói nhà dì Ba tôi nằm trong khu nghĩa địa. vì bên hông, sau nhà đều là những ngôi mộ kiên cố. Xung quanh nhà hàng xóm cũng rải rác những ngôi mộ cổ kiên cố nằm trong sân nhà. Nền nhà có lẽ là những ngôi mộ cũ theo thời gian đã bị lấp bằng. Khi tôi xong Trung học. Ba tôi cất cho tôi một căn nhà nhỏ sát bên nhà dì ghẻ tôi. Căn nhà đầu đời của tôi được gọi là căn nhà màu tím vì tôi trang trí các màn cửa bằng màu tím mà lúc đó tôi rất thích.
Sát bên hông nhà tôi là 3 ngôi mộ vừa vừa và phía trước là một ngôi mộ lớn được xây kiên cố. Chắc của một người nào giàu có hay có chức quyền thời xưa. Ba tôi rào lại không đụng tới, nên nhà tôi thụt lại một chút vì né nó. Nói chung là nguyên cái xóm nhà được cất trên một nghĩa trang ngày xưa, xưa lắm chẳng còn thân nhân.
Cho nên nhà có ma là cái chắc. Bên hông nhà tôi là nơi lý tưởng để chơi trò xây chò, chơi cầu cơ hay gọi hồn ma.

Cái thời học Trung học nhiều thi cữ gay go để lấy bằng. Thi Tiểu học, Trung Học Đệ Nhất cấp, Tú Tài Một, Tú tài Hai  và những lần thi đó thường đặt người học trò trước bao nhiêu lo âu và tin vào may rủi. Thế là cứ gần tới ngày "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn" là học trò tìm đến những trò xây chò, cầu cơ hay bói toán.
Các em con dì ghẻ tôi rất mê chơi trò xây chò. Các bạn có biết xây chò là như thế nào không?
Ngày xưa trên bàn thờ ông bà ta thường có một cái đế chưng dĩa bằng gỗ ba chân chạm trỗ khá đẹp . Dĩa trái cây được đặt trên đó vừa cao vừa trang trọng.  Cái đó dùng để xây chò. Tôi không hiểu tiếng chò từ đâu ra, hay cái chưng trái cây đó gọi là chò. Ban đêm, ra ngay chỗ mả, lựa một chỗ đất bằng hay để trên một miếng ván. Vì chò có 6 chân, ba chân ở dưới để đứng, ba chân ở trên để đặt dĩa trái cây ở giữa tóp vào để làm kiểu. Cho nên phải có 3 người mới chơi xây chò được. Đặt cái chò trên mặt bằng, ba người để nhẹ ngón tay trỏ lên ba chân ở trên, đốt nhang khấn vái . Đại loại khấn tên tuổi của người chơi và đặt câu hỏi :
-Nếu hồn về xin hồn khua ba tiếng.
Thế là tự dưng cái chưn chò nhấc lên gõ nhịp xuống đất ba cái lộp cộp.
Sau đó thì muốn hỏi gì thì hỏi nhưng dấu hiệu là tiếng gõ của chò.
Thí dụ:
Nếu hồn là đàn bà thì gõ ba cái, đàn ông gõ hai cái, còn nhỏ gõ 4 cái.
Cái chân gỗ lại gỏ theo câu hỏi của người chơi. Người đặt tay vào không thể đè vì như vậy sẽ tạo một cái lực đè 3 chân kia xuống đất. Tay chỉ để nhẹ lên như chuyền khí dương vào gỗ và chân chò tự động nhịp trong sự điều khiển vô hình.
(Xem tiếp phần 2)

Bút Ký: CHUYỆN VỀ MA NHÂN NGÀY LỄ HALLOWEEN (2) - Nguyễn thị Thêm


Nói chung liên lạc với hồn ma theo tiếng gõ của chân chò không mấy hấp dẫn và không đi vào chi tiết. Nếu đặt câu hỏi dài, hồn ma không nói được nhiều.Tuy nhiên, đêm hôm khuya khoắt, ngồi bên mả chơi với ma, biết họ nam hay nữ, chết như thế nào, bao nhiêu tuổi... nghe tiếng gỏ lộp cộp vô hình thì cũng ớn da gà lắm.
Còn cách thứ hai là chơi cầu cơ.
Cầu cơ chứ không phải là lên đồng, có nghĩa là người chết sẽ điều khiển bàn tay người chơi chỉ vào những chữ A, B, C...và ta nối kết những phụ âm và nguyên âm đó thành một câu trả lời. Cho nên dụng cụ chơi là một miếng giấy ghi đủ  chữ cái, các con số và một miếng ván nhỏ hình con cơ ( Tức hình trái tim). Miếng ván này nếu lấy từ một mảnh ván hòm đã chôn người chết được bốc mộ thì càng linh. Có khi chỉ là một miếng giấy dày cắt hình con cơ. Chứ ván hòm làm sao mà tìm được ở lứa tuổi học trò.
Khi chơi, ta cũng chọn nơi thật yên tỉnh, vắng vẻ. Ở gò mả càng hay. Ban đêm rất thích hợp cho cơ mau lên. Nhưng đôi khi người nhẹ bóng vía ban ngày điều khiển cơ cũng chạy ro ro. Trải tờ giấy lên bàn. Một người ngồi đặt tay lên miếng cơ. Đốt nhang và thành tâm khấn vái . Khi hồn người chết hiện về thì ngón tay sẽ di động chỉ trên những chữ cái theo câu hỏi của người chơi.
Thí dụ ta hỏi hồn Nam hay nữ. Cơ sẽ chạy chữ n , chữ ữ là nữ.
Khi ta hỏi điều gì, ngón tay đè lên cơ sẽ chạy theo những chữ trên bàn và



cho mình câu trả lời. Nếu không thể trả lời câu hỏi, ngón tay sẽ chạy ra chữ không biết hay không thể nói.
Tôi có một người bạn thân, em cô ta chơi cơ rất mau lên. Dường như cô ta rất hạp với những vong hồn. Ban đầu cô ta chơi cầu cơ một cách say sưa thích thú . Nhưng sau đó chỉ cần cô ta đặt tay lên tấm ván cơ là cơ chạy liền. Đến nỗi đôi khi ngồi trong lớp, ngón tay đặt lên bàn cũng chạy chỉ chữ như đang cầu cơ. Sợ quá cô ta ngã bệnh luôn. Một thời gian mới bình phục.
Viết tới đây, tôi nghĩ không biết tây phương có chơi cầu cơ không, nên tôi search trên Google và tìm ra bài này. nếu các bạn muốn tham khảo thì hãy vào:
http://khoahoc.tv/khampha/1001-bi-an/40465_sang-to-bi-an-ban-cau-co.aspx
Đó là những trò đùa chơi với hồn ma. Riêng tại căn nhà dì ghẻ tôi thì có ma thật sự. Bất cứ ai ngủ lại trong nhà đều bị ma nhát. Ông anh tôi có hôm ghé lại ngủ đêm. Anh tôi đã bị ma kéo cẵng, lôi xềnh xệch giành chỗ ngủ. Chỗ ngủ là bộ ván đặt ngay phòng khách dùng nơi ngủ tạm của khách ghé thăm. Anh tôi bị ma kéo tay, kéo giò, lôi xềnh xệch cả đêm. Sáng dây anh phờ phạc , kinh hồn, nói không ra lời . Bị mấy lần, ảnh sợ quá nên sau đó anh không bao giờ ghé ngủ lại. Nhưng rất lạ, ba tôi ngủ thì không sao. Mà hể có khách lạ thì y như rằng bị ma lôi giò, kéo tay giành chỗ.
 Sau này khi chiến tranh khốc liệt, ba tôi đào hầm trú ẩn để tránh pháo kích của Việt Cộng. Đào ngay bộ ván đó thì có bộ xương người. Ba tôi đem chôn cất đàng hoàng rồi lên chùa nhờ Sư trụ trì tụng kinh cầu siêu.

Các bạn hỏi tôi có sợ ma không và có thấy ma không? Nói thiệt tôi chưa hề thấy ma. Lúc nhỏ đi học, nhiều khi trời mưa hay bị trễ xe tôi cũng hay ngủ lại trên bộ ván đó. Lần đầu tiên tôi thấy người rất lạ. Bềnh bồng, khó chịu, la không được mà nói cũng không được Tôi cứ nghĩ là bị mộc đè. Tôi về kể lại với má tôi. Anh tôi mới nói nhà đó có ma, ảnh bị nó kéo giò rồi. Tôi lên nói lại với Sư Cô bổn sư. Bà truyền cho tôi niệm Phật, niệm chú và bấm ấn trước khi ngủ. Thế là tôi không bị gì nữa hết. Đến lúc ba tôi cất nhà cho tôi sát bên, tôi ở một mình đi dạy rất bình an, không bị ai quấy rầy.
Mỗi khi mấy em tôi chơi xây chò hay cầu cơ, tôi đưa tay lên để chơi, thì chò đứng im mà cơ cũng không chạy. Người ta nói tại tôi nặng bóng vía nên ma không nhập được.
Tôi kể chuyện này như kể về kỷ niệm thời còn đi học. Tin hay không tin có ma là tùy mỗi người. Tôi theo đạo Phật nên tin con người có linh hồn. Linh hồn đó được về đâu sau khi chết tùy phước báo của mỗi người. Hồn ma là những vong hồn chưa được siêu thoát hay đi đầu thai vì lý do gì đó. Tôi không tin dị đoan là hãy kêu gọi nhờ vã hay liên kết với những âm hồn đó. Bởi họ có đời sống ở cõi âm khác chúng ta. Nên để họ yên bình sinh hoạt trong thế giới vô hình. Đừng lợi dụng hay chọc phá tới họ không tốt cho cả hai bên.
Nhân mùa lễ Halloween, tôi kể lại chuyện này như một kỷ niệm thời đi học. Tin hay không tin tùy các bạn.
Chúc các bạn có một ngày lễ thật vui với con cháu.
NGUYỄN THỊ THÊM


Saturday, October 17, 2015

Nhạc: NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG - Nhạc: Miyuki Nakajima - Hồng Đức



Thơ: MẸ ĐẤT HIỀN HÒA - Minh Tây


THơ: VẦN THƠ NHỎ - Hoàng Dũng


Thơ: THÂN PHẬN - Từ Tú Trinh


Thơ: RA TRƯỜNG - ĐNMT


Tùy Bút: CON NHỎ RĂNG KHỂNH - Nguyễn Thị Thêm



Nó là dân Bắc kỳ chính hiệu con nai vàng.
Nhà nó ở sở Ship một đồn điền cao su của Tây
Sở cao su nằm bên tay trái con đường Quốc lộ 15 về Long Thành. Cứ theo cái bảng  tên sở SHIP đi dài theo con đường rợp lá cao su là vô trung tâm của Sở. Bố nó bán tạp hóa chứ không làm công nhân cao su. Cái quán tạp phô nho nhỏ, bán đủ thứ đồ tiêu dùng, bánh kẹo và dụng cụ học trò. Nó gầy gầy, vui tính và rất tốt bụng. Gia đình nó có nhà ở Sài Gòn, nhưng không hiểu sao bố nó lại về nơi khỉ ho cò gáy này buôn bán qua ngày. Thỉnh thoảng bố nó về Sài Gòn cất hàng và má nó cũng xuống Long Thành ở chơi vài ngày với chị em nó.
Nó học chung lớp với tui. Nhóm con gái lớp tui mỗi người mỗi vẽ. Con nhỏ này đặc biệt có cái răng khểnh thiệt là có duyên. Tóc nó dài nhưng không cột đuôi ngựa, đuôi gà mà kẹp sau gáy. Mớ tóc dài đen mướt,, gương mặt bầu bỉnh và nụ cười có cái răng khểnh làm nó nổi bật trước đám con gái chung lớp.
Da nó ngâm ngâm , nước da bánh mật có duyên. Nó hay cười. Dân Bắc kỳ chính gốc nên nói năng rất khéo và có dáng  kiêu sa.
Cũng như tụi tui, nó đến trường bằng xe đạp, chiếc  xe đạp có cái giỏ phía trước. Chiếc giỏ đó không chở đầy hoa phượng như  một bài thơ nỗi tiếng, bởi nó không thích văn chương lãng mạn. Nó chở những thứ cần thiết như gà mên cơm hay đồ ăn vặt con gái. Cái cặp nó để sau ba ga ràng lại. Một góc áo dài nhét dưới sợi dây thun . Khi tới lớp nó thường ôm cái cặp trước ngực, cái cặp nghiêng nghiêng, và tui nhìn nó cũng nghiêng nghiêng.
Nó rất giỏi toán, những bài toán khó đối với nó không thành vấn đề. Nó làm văn không dài dòng văn chương mà gọn,



rõ ràng, kết cấu rất logic. Nói chung nó học giỏi, thông minh và siêng năng. Bọn con gái thì mến nó, vì nó chơi với bạn rất có tình. Đứa nào cần giúp thì nó tận tình. Nó tánh tình cương nghị như con trai, không thích nhiều chuyện, không thích làm điệu, không thích tụm năm tụm ba nói xấu người khác.
Bọn con trai tụi tui thì phục nó. Con gái là sao giỏi toán lạ kỳ. Nó tuy không lớn tuổi, nhưng rất kênh kiệu. Dưới mắt nó đám con trai chung lớp chỉ là đàn em, là thằng ráo trọi.
Đừng hòng gửi cho nó một lá thư tình vì nó sẽ đem ra cho cả lớp mỗ xẻ.
Đừng hòng đi theo mà tán nó . Nó sẽ nói thẳng những câu thật đau lòng.
Đừng hòng bao nó ăn cà rem hay đậu đỏ bánh lọt. Nó sẽ chửi vào mặt :
"Ê!  Mày khinh tao không có tiền hả! hả?" . Và thế là tên dại khờ nào đó sẽ phải cúi mặt đi ngay, nếu không muốn bị nó kêu một đám tóc dài tới chọc quê.
Cái nhóm tóc dài không phải đứa nào cũng dữ như chằn,  nhưng có lẽ nhóm con gái tự tạo cho mình một cái vỏ bề ngoài để đề phòng con trai theo làm quen tán tỉnh. Cho nên muốn thân với nó có hai cách.
-Một là phải học trên tụi nó vài lớp hay ít nhất phải học thật giỏi cho tụi nó phục sát đất.
- Hai là hãy coi nhóm con gái như đàn chị và một lòng làm đàn em. Đôi mắt không gian  gian để ngắm mà là sẳn sàng làm một người bảo vệ trung thành.
Tui thì không lọt trong hai trường hợp đó. Tui không học trên lớp hay học giỏi trên cơ. Tui cũng không muốn kêu tụi nó bằng chị, bởi tui cũng cùng trang lứa. Tui là một gã trai tơ mới lớn,  râu đã lún phún tìm cách vượt ra ngoài để biểu dương sức mạnh đàn ông. Tôi thích nhìn nó với sự chiêm ngưỡng cái đẹp. Tôi muốn nắm tay nó đi lang thang dưới trăng vàng. Hay ít nhất cũng rũ nó ra cầu
Quản Thủ ngắm mấy trôi, nước chảy. Tôi thích những bài văn, bài thơ tiền chiến lãng mạn mà ông thầy Ân cho chép và học thuộc lòng.
Có một lần tui cũng làm thơ. Bài thơ lục bát tỏ tình vụn dại.. Tôi viết nắn nót mạo một nét chữ khác trên tờ giấy trắng học trò rồi len lén bỏ trong hộc tủ chỗ nó ngồi:
-Này cô răng khểnh  có duyên.
Cho anh xin cái đồng tiền má em.
Tui không dám ghi tên, chỉ viết chung chung.Ngồi cuối lớp tui để ý theo dõi mà lo lo trong bụng. Không biết hậu quả sẽ thế nào. Sao thấy im re , không một hành động gì hết. Tan trường, tui làm bộ nấn ná lại để về sau cùng. Tui tới chỗ để lá thư. Lá thư vẫn còn, tui run run lấy ra. Nó đã viết thêm một hai câu khá độc;
Đồng tiền tao để mua kem.
Ai ngu sao lại mà đem cho mày.
Cái đồ mắc dịch.
Cầm cái thư trên tay tui tẻn tò ra mặt. Đường tình của gã trai tơ mới lớn sao u ám vậy không biết. Tui lủi thủi ra về mặt nặng như đeo đá, Nó đã bắn một mũi tên độc vào trái tim còn trinh của tui. Tui giận nó, giận đời đen bạc và giận mình sao học thua nó. Tui về nhà và cố gắng học bài, ráng làm bài tập toán và tui hứa với lòng sẽ cho nó biết mặt
Thế nhưng khi tui học nhích lên để cạnh tranh với nó thì nó lại coi tui là đối thủ trong lớp. Nửa điểm nhích lên là nó tìm cách vượt qua. Điều thê thảm cho tui là suốt mấy năm Trung học tui đều lẹt đẹt đi sau nó.
Nó có cái răng khểnh, cái răng thừa ra cho nụ cười có duyên. Nhưng dù nó có duyên, tụi con trai tụi tui cũng phải ép lòng nhận nó là chị. Một con nhỏ chị đẹp gái mà tui mơ ước được nắm tay.
Điều trớ trêu là nó và con nhỏ tóc kẹp tóc đuôi gà là một cặp bài trùng.
Thời tuổi mới lớn của tui sao gặp toàn sao quả tạ.

NGUYỄN THỊ THÊM

 

Saturday, October 3, 2015

Tùy bút: TÓC ĐUÔI GÀ (1) - Nguyễn thị Thêm



"Hởi cô cột tóc đuôi gà,
Nắm đuôi giật lại hỏi nhà cô đâu."
Đó là câu hát mà tui muốn hát to lên để chọc nó. Câu hát mà tui dấu tận tới bây giờ chưa dám thốt ra. Nhưng mỗi khi có một cô bé tóc cột đuôi gà đi ngang qua tui lại nhớ nó da diết.
Hồi nó tui với nó học chung một lớp. Lớp giống như cái miễu, nhỏ xíu và nghèo nàn. Tụi tui là học trò của trường quận Trung Học Long Thành. Cái trường mới thành lập nằm trốn sau cây cao su , thụt sâu vào trong cách đường tỉnh lộ 15 đi Vũng Tàu
Trường thì nghèo, học trò cũng nghèo rải rác từ các trường tiểu học xã thi tuyển vô. Mấy đứa tụi tui nhà quê đen thùi lùi vì toàn là dân ruộng đồng phơi nắng cả ngày. Chúng tui giỏi trò bẩy chim, bắt dế, lội sông, leo cau nghĩa là một bầy con trai thích rong chơi phá phách nhiều hơn thích học.
Bọn con gái thì đa số ở miệt vườn làm rẫy hay ở trong mấy sở cao su.
Cũng như nhóm con trai, tụi con gái cũng khờ câm. Nói chung là một lũ con nít mới lớn từ nhà quê ra phố thị  và ngu như nhau. Được mấy đứa ở tại quận lỵ, nhà ở phố chợ thì sáng sủa hơn một chút. Nhưng nói thiệt nhang, chưa chắc học trò quận lỵ học giỏi hơn đám con nhà nghèo tụi tui.
Hồi đó 13, 14 tuổi có biết chuyện trai gái là gì đâu. Cứ gọi mầy tao ráo trọi. Để ám chỉ nhau thì gọi là "con nhỏ.X..." Hay " thằng..M." là ngôn ngữ được xài nhiều. Ít khi tụi tui gọi nhau là "bạn X" hay "trò M" vì nghe nó quê và chói lỗ tai thấy ớn.
Con nhỏ " Tóc đuôi gà " là con nhỏ trưởng lớp hách dịch tui ghét nhất. Nó không đẹp, mà nếu nó có đẹp thì tui cũng cho nó rớt. Nó có hai con mắt to như hai cái khu tô. Nó nhìn ai là mở to hết cỡ. Đôi khi nhìn nó, tui cũng bị đôi mắt   làm tui bối rối rồi cúi mặt quay đi. Nó tóc dài cột lên phất phơ như cái

đuôi gà. Con gái người ta để tóc dài có phải đẹp không? Nó lại cột lên một cách ngổ ngáo. 
  chị lớn hơn để tóc dài kẹp xệ sau lưng yểu điệu. Còn nó cái đuôi tóc quất qua quất lại như cái đuôi con ngựa . Dễ ghét.
Mà lạ! Sao tui hay để ý nó vậy không biết. Tóc nó ra sao thì ra, đâu có dính dáng gì tới tui mà sao tui thương hay ghét. Khi tập thể dục, thì nó không cột đuôi gà, nó thắt hai bím dài rồi gấp đôi lại nhu mì hơn. Chỗ tập thể dục là một bãi đất trống phía sau trường. Là nơi nhảy cao, nhảy xa hay leo dây.  Nơi đó có một cây me không biết trồng tự thuở nào mà cao và to lắm. Ông thầy cột sợi dây thừng trên một nhánh bự  rồi thả xuống để tụi học trò tụi tui học leo dây.
Hồi đó học thể dục ông thầy Phúc. Thầy lùn lùn, da ngâm đen rất hiền. Tụi con trai tụi tui phá lắm, giờ tập thể dục có con gái thì hè nhau la lớn :"một hai, một hai..." làm tụi con gái mắc cở đi đều bước lạng quạng và bị thầy la. Tụi nó cũng đâu có vừa, hết giờ là dẫn tới một bầy chẫu môi, cong cớn mắng mỏ ra trò:
-Ê! tụi bây có biết là mấy chị bị la không?
- Ê! Thằng nào hồi nảy la lớn nhứt? Giỏi ra đây coi?
- Ê! Coi chừng, hôm nào tụi tao sẽ trả thù..
Đại loại như vậy. Không đứa nào sợ, mà cũng không thấy kiểu nói đó không giống ai. Tụi tui không phân biệt con trai con gái, vì cứ ngỡ mình còn ở tuổi học tiểu học tồng ngồng đi tắm suối Bình Lâm.
Con nhỏ tóc đuôi gà là trưởng lớp, nó học giỏi và siêng năng. Lớp học được nó phân công rõ ràng nhóm nào lau bảng, nhóm nào quét lớp. Có khi nó vào sớm, nó tự động lo làm hết mọi việc để thầy vô không bị rầy. Mấy đứa làm biếng cứ đi trễ để nó một mình làm hoài.  Có khi thấy nó loay hoay lau bảng tui khoái chí cười thầm trong bụng. Cũng có khi tui cũng tội

nghiệp nó. Sao mà nó ngu dữ vậy không biết, lớp đâu phải của riêng một mình nó. Gần tới mùa hè cả nhóm theo thầy về miệt vườn ăn trái cây và dưa gang.
Thầy ra lịnh ai có xe đạp thì chở người không có xe đạp. Trời bất dung gian, tui phải chở con nhỏ tóc đuôi gà. Thiệt là ghét của nào trời trao của nấy. Con nhỏ tỉnh bơ phóc lên phọt ba ga ngồi ngon lành. Tui nói :
- Ngồi không đàng hoàng, tao chạy té ráng chịu à nghen.
-Ừa! rồi đó Mày chạy đi..
Tôi lấy sức đạp mạnh chạy theo đám bạn. Qua khỏi Phước Thiền đi vào miệt vườn con đường không trơn tru như ngoài đường lộ. Con nhỏ ngồi sau tui không ôm eo ếch mà ghì chặt yên xe. Tôi vướng một cục đá chiếc xe tưng lên, hất con nhỏ té xuống đường ngon ơ. Nó lui cui ngồi dậy, phủi quần áo, hai bàn tay bị chà xuống đường rướm máu, không một lời chửi rũa như tui nghĩ trong đầu, nó nhìn đám bạn đã chạy hơi xa nói với tui:
-Thôi! mình đi tiếp cho kịp. Thấy mình cũng có lỗi, tui dịu giọng:
-Ừa! Có đau không?
-Hổng sao. Chạy đi.
Tôi thấy nó hai tay lúng túng vì tay đã bị thương không thể ghì chặc như lúc trước. Tôi mấy lần muốn nói nó ôm đại eo ếch tui mà lại thôi vì sợ nó chửi. Nhưng chạy như thế này thì xe lảo đảo khó chạy cho kịp bạn bè. Tui đánh liều nói với nó:
-Hay ôm eo đi, chạy cho dễ
Nó không trả lời, kéo ghì áo tui để giữ chặc rồi một lúc sau đưa tay ôm lấy eo tui.
Ôi chao lần đầu tiên được con gái ôm eo, tui vừa mắc cở, vừa xúc động lạ kỳ. Tôi như có một nguồn năng lượng chạy khắp cơ thể. Tôi tăng sức mạnh, tôi tăng ga và chúng tôi đã đuổi kịp các bạn.
Con nhỏ tóc đuôi gà đã chuyền cho tui một sức mạnh tui chưa bao giờ có.
 NTT
(Còn tiếp)


Thơ: CÒN NỖI NGẬM NGÙI - Từ Tú Trinh


Thơ: BÌNH LÂM - THTH


Tùy Bút: CANH RAU - Bảo Trân


 CANH RAU
Chiều nay nấu canh mướp rau mồng tơi với tôm.
     Ngọt thiệt là ngọt. Nhưng vẫn không ngọt bằng tấm lòng của Ba. Mỗi ngày Ba chăm sóc tưới nước vườn rau sạch của Ba để cho các con có rau ngon tươi sạch mà ăn. Thương lắm khi Ba cắt từng lá rau, rửa sạch sẽ, cho vào từ túi. Ba mà rửa rau thì sạch không ai bằng. Rau Ba rửa sẽ không bao giờ sợ có sâu hay cát gì đâu nha, vì Ba lặt rau rất kỹ. Ba để dành từng túi rau sạch trong tủ lạnh, đứa nào ghé qua thì sẽ được một hai túi mang về.
     Ba Úm không giàu tiền bạc, nhưng giàu tình thương con cháu được đếm bằng từng lá rau, trái mướp, trái táo, trái lê, củ khoai..... 
      Thương Ba nhiều lắm, và cảm thấy hạnh phúc nhiều lắm khi biết rằng Ba vẫn khỏe mạnh để chăm sóc vườn rau đầy tình thương của Ba.
2/28092015
BẢO TRÂN





Thơ: CHÁU TÔI ĐI HỌC - Nguyễn thị Thêm


Thơ: ĐÊM NGUYỆT THỰC - Nguyễn thị Thêm