Wednesday, June 4, 2014

Bút Ký: NHỚ BỆ - TKP



   Năm năm trước ngày nầy là chủ nhật 28 tháng 6, hôm nay là ngày thứ ba, 3 tháng 6.  Nhưng vẫn là mồng 6 tháng năm, ngày bệ ngủ giấc cuối đời. Sau tết Đoan-Ngọ nên dễ nhớ lắm, vì thế không hẹn nhưng con cháu thường xin về sớm để đoàn tụ cùng người ông kính yêu của mình.

     Trong ánh mắt mọi người vẫn rưng rức buồn lắm, nhưng tiếng nói cười vẫn râm ran về người cha, ông, cố của mình.  “A cung ngồi ghế đó không được dành.  Khoai môn tàu xào kiểu ACung là tuyệt vời.  Mì xào của Cung nè.  Canh cẩu kỷ thơm ngon bổ mắt Cung thích lắm.  Sầu riêng nè Cung, còn dĩa xoài nầy cũng của Cung luôn …”

     … Chợt thức giấc trong đêm, ánh đèn dầu trên bàn thờ vẫn còn cháy, Bệ ngồi trên chiếc ghế cạnh bàn thờ nhìn hình vợ mà nước mắt rưng rưng, hình như không phải một lần mà nhiều lần lắm.  Bao nhiêu người mai mối từ Chợ-Lớn, Vũng-Tàu,.. người muốn kết nối cùng Bệ cũng đẹp lắm, nhưng người đã cười nói: “…ở tuổi nầy lấy vợ thì sẽ có cảnh con mày con tao và con chúng ta, rốt cuộc chỉ khổ cho mấy đứa nhỏ thôi…” Thế là anh Bảy Trái Cây cứ ở vậy mà nuôi con cho đến bầy cháu nội ngoại suốt cuộc đời.

     Người kể lại… ông mất khi bệ còn trong bụng bà nội.  Hơn 10 tuổi bệ trốn sang Việt-Nam theo anh chị buôn bán ở Chợ-Lớn.  Cứ mỗi lần có khách Việt vào tiệm mua đồ cậu con trai ấy ráng nhớ từng câu nói rồi chạy u ra chợ hỏi mấy bạn hàng, cậu trở vào   trả lời bằng tiếng Việt và giao đúng hàng hóa cho khách.  Ai cũng thương mến cậu vì giỏi và hiền hậu. 

Rồi thuê ghe vào An-Sơn hỏi vợ, dự tính hỏi cô Năm Xê, nhưng duyên nợ cậu ấy lại thương cô Út con người em bạn dì.  Thế là cậu làm rễ nhà ông bà ngoại.  Người trực tính, cần cù nhưng trọng lẽ phải, nên thường bỏ cả vốn liếng ra đi.  Thế nên con đứa sanh Dầu-Tiếng, Bình-Dương, Chợ-Lớn, Biên-Hoà và cuối cùng dừng chân ở Long-Thành, nơi có đầy đủ ruộng lúa, trái cây, lâm sản, tôm cá… dễ làm ăn. Cũng nơi nầy được mệnh danh là vùng tam giáp sắt nếu mất Long-Thành là mất cả miền Nam. 

     Người ta thường nói: “mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ số nghèo khổ.”  Chẳng biết đúng sai, nhưng số bệ cũng bôn ba lắm.  Thỉnh thoảng gia đình bạn đến LT, trong tay không có cái chén ăn cơm.  Bệ bỏ mọi công việc cùng má tạo nơi ăn chỗ ở cho họ, rồi sắm đồ nghề làm thợ nhuộm đến mãi khi mở tiệm nước họ làm chủ Bệ lại tiếp tục bỏ công giúp người khác, ai sau đó cũng làm chủ tiệm ăn mà lãng quên người.  Bệ khéo tay lắm cái gì cũng tự làm ra, từ cái
bàn nạo củ sắn đến những chiếc xe nước mía, bánh bao.  Các loại bánh trung thu, đậu xanh, thèo lèo, cứt chuột, chà quẩy, bánh tiêu… Thường người ta dấu nghề lắm.  Nhưng Bệ lại không vậy, cứ thấy gia đình kia nghèo khổ quá người lại sắm đồ nghề, tận tình chỉ nghề cho đến lúc họ thành công.  Nụ cười hiền hòa, giọng nói vẫn còn âm hưởng tiếng Tàu: “trăm người bán vạn người mua” để trả lời sự càm ràm của hàng xóm về sự truyền nghề không công nầy… Khi túng thiếu người ta mượn vốn liếng chào cười, khi vừa khá lên thì họ làm lơ, nhưng Bệ vẫn tiếp tục giúp vốn khi người đó trắng tay… Sổ sách ghi nợ nhiều lắm, nhưng không bao giờ người nhắc đến. 

     Dù nóng tánh, nhưng tình thương của Bệ dành cho con cái thì không chi sánh bằng.  Tắm rửa, tập  cho con ngồi bô hàng ngày, mãi đến đàn cháu cũng được chăm sóc như vậy.  Má ra đi, Bệ như thất chí, việc buôn bán thất bại liên miên, nhưng tình thương con vẫn tràn đầy, cơm trắng cá tươi đầy đủ.  Sau giờ bán buôn Bệ lại nấu ăn: xửng cá hấp kim châm chấm nước tương ớt, hay chưng với tào xì gừng, những con cá ngộ chiên vàng tươi, dĩa cải rỗ xào xanh dòn thơm phức, những nồi canh chua cá nhám ngon tuyệt vời, sam nướng… Món bò kho, củ cải muối của Bệ càng tuyệt hơn chưa từng thấy ai làm ngon như vậy.  Nhớ nhất những tô canh thịt bầm cải xà lách xoong hay thịt (trăng, nhím..) tiềm thuốc bắc để bồi bổ cho vợ con đầy ắp thương yêu.  Bệ cũng biết rất nhiều loại cây thuốc: đinh lăng, đọt điệp vàng, đỏ, mười giờ, bông cà dược, … mà thường chỉ giúp người để trị bệnh.  Rất tiếc khi khôn lớn phải lìa xa gia đình chưa có dịp vào rừng học tìm cây thuốc Bệ biết. 

     Lần nữa Bệ lại chạy lánh cs khi tuổi xế chiều.  Nhưng người vẫn cứ phụ tắm cháu, nấu cơm chờ con đi làm về.  Sang đến Mỹ người bỏ hẳn cái ống vố, một thói quen từ thuở trai tráng, cũng vì lợi ích của con cháu.  Những năm ở Seattle cùng con cháu của người chị, thấy ALy loay hoay đặt cái máy hút khói cạnh cửa sổ phòng khách (ông nội và ông cậu hút thuốc) Bệ đã nghĩ: “tại sao sở thích của mình lại làm khổ người khác?” Thế là những cây thuốc bà chị dâu đem về hàng tuần được chất cao ở đầu giường, đến khi chị thấy được: “ủa sao thuốc của ALàoCủa nhiều quá vậy?”  Người cười hiền lành: “tao bỏ thuốc lâu rồi lưới không biết hả?”

     “Cái xác nầy xài hết được rồi…” người gọi từng đứa cháu, người con vào dặn dò cách xử thế theo từng cái xấu của mỗi đứa.  Sự nhận xét khuyên bảo cuối cùng làm ai cũng nhớ thương Bệ vô cùng.    

     Cái miệng móm xọm bập nhẹ cây nước, câu niệm Phật cuối cùng, bàn tay cố gắng lần xâu chuổi trong những ngày cuối cùng là niềm vui khôn tả cho con.  Cả cuộc đời bận bịu không có giờ đến chùa, thế nhưng trước khi nằm xuống Bệ đã thanh thản niệm được câu “Nam Mô A-Di-Đà Phật”.  Tay chân đà lạnh ngắt, hơi ấm trên đầu vẫn còn vươn …

TKP
3/03062014
 
                                                        

No comments:

Post a Comment