Friday, June 15, 2012

Hồi ký: KHI CHA TÔI KHÓC - Nguyễn T.T.



     Cha tôi ngồi đó, trong buổi chiều nắng mờ nhạt.  Cái bàn như được che phủ dưới tàn của cây vú sửa.  Ông lặng lẽ ngồi chống càm mắt nhìn ra một khoảng không thật xa.  Đôi mắt ông thật buồn.  Đôi lông mày cau lại, nhăn nhúm . Thỉnh thoảng ông thở dài, rồi ngữa người ra sau thành ghế.
Bố và tôi                                                                     Ành chụp năm 1991
     Tôi núp bên hòn non bộ nhìn ông.  Tôi nghe như tim mình ngừng đập.  Tay tôi run lên vì tôi sợ.  Tôi chưa thấy bao giờ ba tôi ngồi lặng lẽ đơn độc như vậy.  Tôi như thấy được sự đau khổ thất vọng tận cùng của ba tôi.  Ông là một người cha nghiêm khắc.  Ông chưa bao giờ lộ cho chúng tôi thấy sự đi xuống của ông.  Lúc nào ông cũng oai vệ, đường hoàng và thể hiện một con người quả cảm, từng trải và che chở mọi người.  Nhưng hôm nay ông ngồi đây, lặng lẽ trong buổi hoàng hôn.  Cái áo thun ba lỗ và cái quần short hàng ngày  trông ông trẻ trung năng động, mà sao hôm nay tôi thấy nó rộng thùng thình, tội nghiệp làm sao.  Ba tôi bỗng ngẩng đầu lên với tay cầm ly rượu và kê lên môi uống cạn.  Ba tôi uống rượu?  Một việc hy hữu chưa từng xãy ra trong gia đình tôi.  Tôi lại thấy ông rót tiếp và uống cạn.  Dưới ánh sáng buổi chiều vàng nhạt tôi bắt gặp hai dòng nước mắt ông lăn dài. Những giọt nước mắt ông cố kìm hãm mà bây giờ rơi xuống, lặng lẽ, chậm chạp.  Đôi gò má ông và đôi môi ông rung lên nhè nhẹ.  Ba tôi đã khóc!  Tôi sợ quá, tôi thương ba tôi quá!  Tôi muốn đi tới ôm lấy ông mà hai chân tôi ríu lại.  Ba ơí!

     Đó là hình ảnh của ba tôi những năm lâu lắm rồi. Những giọt nước mắt của ông rơi xuống thầm lặng và đau khổ.  Những giọt nước mắt đó đã đi vào tâm trí của tôi không bao giờ phai mờ.
     Ba tôi thất học từ nhỏ vì ông nội tôi mất sớm.  Ông bỏ học để phụ bà nội tôi lo cho chú tôi còn nhỏ.  Năm 15 tuổi ông theo người dì bỏ xứ vào nam lập nghiệp.  Rời xa làng An Nhơn nghèo khổ.  Ông có lời thề “Chỉ về làng khi đã giàu có” .  Một thân côi cút nơi xứ người, ba tôi vất vả, gian lao làm đủ mọi nghề để kiếm sống.  Dành dụm tiền  gửi về giúp mẹ cất nhà cửa khang trang và nuôi em ăn học . Ông bảo má tôi về quê rước bà nội tôi vào Nam phụng dưỡng.  Nhà cửa , đất đai để lại cho chú Út của tôi.   Ba tôi vì nghèo khổ không được học hành đến nơi đến chốn.  Cho nên tâm niệm đời ông là phải cho con ăn học thành tài.  Ông thường nói với chúng tôi-“ Cái gì ba cho mấy con cũng sẽ hết. chỉ có chữ nghĩa và kiến thức sẽ tồn tại và nuôi sống các con” Do vậy ba tôi quyết cho các anh tôi ăn học.  Ông kỳ vọng các con sẽ làm nở mày nở mặt ông.  Thế nhưng anh tôi không có duyên với thi cữ.  Mấy lần thi đều rớt.  Năm đó anh tôi từ thành phố trở về sau kỳ thi Tú tài.  Cả nhà ra đón anh với ánh mắt và nụ cười dò hỏi.  Anh nhìn qua một lượt và tuyên bố “Con đậu rồi”.  Thế là ba tôi kêu má tôi bắt gà làm thịt tổ chức một bửa liên hoan.  Sau tiệc, ông dẫn cả nhà đi xem cải lương.  Một việc mà ông chưa bao giờ làm.  Tin anh tôi thi đậu  lan nhanh cả xóm làng.  Gặp ai cũng chúc mừng ba tôi vì trong thời buổi đó, dân quê thường thất học.  Anh tôi vội vã lên thành phố và khi báo đăng chính thức danh sách học sinh thi đậu thì không hề có tên anh .  Ba tôi như bị hụt hẫng, đau đớn như con chim bị trúng đạn. Bao nhiêu uy tín bị chôn vùi.  Ông nghiến răng ,nuốt giận vào lòng khi bị con mình lường gạt.  Ông lặng lẽ như một chiếc bóng đi về không nói một lời. Và  buổi chiều hôm ấy ba tôi đã lặng lẽ ngồi khóc một mình.
     Anh tôi trốn biệt trên thành phố không dám về nhà.  Không phải anh cả gan dám lường gạt ba tôi.  Nhưng trước đôi mắt đầy hy vọng của cả nhà anh không thể nói mình thi rớt.  Anh biết lỗi của mình và anh cũng biết mình vô duyên với bằng cấp, nhưng không dám xin ba tôi bỏ học. Bẳng hơn tuần lễ âm thầm suy nghĩ  ba tôi quyết định lên thành phố đem anh tôi về.  Tìm việc cho anh làm và kiếm vợ cho anh.
     Câu chuyện đã xưa lắm rồi. Cả ba tôi và anh tôi đều đã mất. Nhưng mỗi khi nhớ về ba tôi. Tôi lại nhớ những giọt nước mắt của cha già.
Phải rồi! người đàn ông cương nghị đó thà chết chứ không rơi nước mắt.  Ba tôi thường nói với các anh và em trai tôi. –“Làm đàn ông không thể khóc. Khóc là để cho đàn bà con gái” Thế nhưng người có thể làm vỡ nát trái tim người đàn ông duy nhất chỉ có con cái.  Con cái đối với cha mẹ là bảo vật.  Bảo vật thì rất quý mà đã quý thì ta hết sức gìn giữ và yêu thương, đem cất dấu vào trái tim nồng nàn và yếu đuối.  Ba tôi cũng không thoát khỏi sự huyền vi của tạo hoá, nên người đã một lần âm thầm rơi lệ vì con.
     Ba ơi! Muà lễ Father’s Day lại về. Nhìn hình ba trên bàn thờ.  Con lại nhớ những giọt nước mắt ngày xưa.  Làm cha mẹ không ai không một lần rơi nước mắt vì con cái.  Giọt nước mắt ngày xưa của ba dội vào trái tim con đau đáu cho đến bây giờ. Chúng con xin lỗi đã nhiều lần làm ba không vui, nhiều lần làm ba trằn trọc, suy tư cả đêm.  Đã nhiều lần ba nhìn lên bầu trời đầy hoả châu mà lo cho con, cho rễ đang bôn ba ngoài chiến trận.  Thương ba nhiều lắm, ba ơi!  Ba là cây cổ thụ cho chúng con nương náu, bám víu .
      Ba ơi! Tháng 6 lại về.  Muà bóng đá Âu châu đã khai mạc, con vô vàn nhớ ba trong chiếc áo trọng tài ngày nào.  Hãy theo dõi các trận đấu nghe ba.  Hôm qua Đức đã thắng lớn rồi đó. Ba mê nhất là Đức, còn con lại thích lối đá của Ý.  Hai cha con hai lập luận nhưng cùng một giao điểm là mình cùng mê bóng đá.
     Ba ơi! Vui lên đi ba, cùng con la lớn.  Sút… ….Vô …..
     Con gái của ba.

     Thêm

No comments:

Post a Comment