Mảnh vườn của Ba tôi |
Tôi đã kể
cho bạn nghe về má tôi phá rừng khai hoang. Khi miếng đất thành khoảnh , có lằn
ranh giới. Ba tôi phóng nọc trồng cây. Vườn trên trồng toàn là cà phê, phần kế dành
để cất nhà. Hai bên hông nhà trồng vài cây ăn trái và hoa lá, cây, kiểng. Phần tiếp theo trồng
bưởi cam, quit ,xoài tượng, khế ngọt, khế chua , mãng cầu và vài cây ăn trái khác.Khu
vực vườn dưới ba tôi chia làm bốn liếp ngăn cách nhau bằng một đường mương dẫn
dài xuống suối. Mỗi liếp ông quy hoạch để trồng chôm chôm, sầu riêng, dâu miền
dưới , cau, trà và mít tố nữ.
Con suối
khá sâu và tương đối rộng. Bên bờ suối ông trồng một dãy trúc, tầm -vông, tre -tàu,
tre mạnh- tông để giữ bờ. Ba tôi mở con đường xuống suối để chúng tôi có thể xuống tắm, câu cá, hoặc lấy nước tưới rau ông
trồng gần đó để ăn. Sau này, ông đổi kế hoạch đào tại đó một cái ao nuôi cá,trồng
hoa sen, hoa súng. Ba tôi coi đó là nơi để ngồi nghĩ ngơi, hưởng sự mát dịu và
yên tịnh sau một ngày cật lực lao động.
Ba tôi là
một người học vấn không cao, nhưng ông có óc tổ chức, làm việc có hệ thống cũng
như biết sắp xếp công việc. Vườn trên ông đào một cái giếng khá sâu để tưới cà
phê. Bên bờ giếng ông đào một hố làm chỗ xuống cho cái đuôi cần vọt. Cần vọt là
một dụng cụ để lấy nước giếng theo quy tắc đòn bẩy. Sát miệng giếng là cái trục.
Một cây tầm vông dài được kết nối giữa
trục. Một đầu cột một thanh sắt thật nặng . Một đầu cột một sợi dây dài nối đầu
dây với thùng nước khá to. .Khi lấy nước ta chỉ cần kéo đầu cần vọt xuống giếng cho nước vào đầy thùng. Sau đó giật
mạnh lên. Theo luật đòn bẩy thanh sắt nặng kẻ kéo thùng nước lên và đầu có
thanh sắt sẽ nằm yên trong cái hố đó. Do không dùng sức nhiều nên ai cũng có thể
kéo thùng khá to, đầy nước lên từ cái giếng sâu. Ba tôi trồng cà phê như trồng cao su. Nhìn
ngang dọc gì cũng thẳng đều nhau răng rắc. Mỗi ngày ,mọi người trong gia đình tôi
đều phải đi rẫy .Rẫy là tên gọi mãnh đất vừa khai phá. Ba tôi phân công mỗi người
mỗi việc. Khi mặt trời vừa chếch bóng thì cả nhà phải lo tưới cây. Ba tôi đứng
giữ cần vọt . Tôi và anh tôi gánh nước tưới. Một người anh đổ nước vào thùng. Cứ
thế thay phiên nhau. Có một lần, tôi gánh nước đi ngang chỗ đầu sắt cần vọt. Ba
tôi không thấy, kéo mạnh, cục sắt đầu cần vọt táng tôi một cái như trời giáng.
Tôi ngã lọt tót xuống hố. hai thùng nước văng ra xa.Một thùng gãy mất quai. Tôi
không biết gì hết. Cả nhà tá hoả tam tinh bồng tôi đem vô chòi, xoa dầu, giựt tóc
mai.. Một hồi tỉnh lại cái đầu sưng một cục như trái quít. Có lẽ do trận thiên
lôi đả nó mà tôi hay tửng tửng, ưa viết lung tung, buồn vui bất chợt. Vườn cà
phê nhờ cả nhà chăm sóc mà tươi tốt mau đâm bông kết trái .Hoa cà phê trắng cả
một vùng. Mùi thơm bát ngát. Tôi đã biết lãng mạn yêu hoa, yêu bướm từ thuở đó.
Tôi nhớ trong một lần làm bích báo lớp đệ lục hay đệ ngũ . Tôi đã viết một bài
về hoa cà phê. Đại khái tôi kể về cái đẹp,và tinh khôi của hoa cà phê trắng tuyệt đẹp. Bây giờ già rồi tôi chỉ nhớ đến
bốn câu thơ mở đầu:
Nếu em dâng
hoa sen cho Phật ngự,
Hoa cà phê em kính tặng mẹ hiền,
Hoa Pensée cho giấc mộng thần tiên,
Hoa Phượng
vĩ gói trọn niềm lưu luyến.
Bài viết
nhỏ dù đã hơn 50 năm, nhưng cũng có bạn
còn nhớ tới bây giờ. Cám ơn các bạn.
Ranh vườn nhà tôi, phía
trước sát đường đi, Ba tôi trồng một hàng điều lộn hột. Ba tôi lựa giống trái thật
to, hột nhỏ. Điều đủ loại giống, đỏ ,vàng và hồng. .Sau này điều đã đi vào kỹ
nghệ thì mới thấy mình tính toán sai.. Người ta thu mua hột điều còn trái không
mua. Cho nên hàng điều ba tôi trồng chẳng có giá trị kinh tế. Nói về hàng rào điều
này, tôi có một kỹ niệm khó quên. Mỗi lần nhớ đến tôi hối hận và xấu hổ vô cùng.Thuở ấy, đất mới khai phá nên rất tốt,
ba tôi lại chọn giống kỹ, nên điều nhà tôi trái rất to và ngọt.Thường thì chiều
mới hái điều để đem về. Tôi và thằng em út để ý thấy điều bị mất trộm mỗi ngày
. Thế là hai chị em nói với nhau lập mưu đi bắt trộm. Hôm đó nghĩ học , sáng hai chị em đi rẫy sớm, núp một
góc để rình. Và đúng như dự đoán, chúng tôi bắt gặp tại trận một người đứng tuổi
dừng xe đạp hái điều Hai chị em chạy ra, và thật xấu hổ, với tính nông nổi trẻ
con chúng tôi đã nặng lời với bác. Bác trút cái túi vãi trả lại điều rồi lẳng lặng
lên xe đạp chạy đi. Tôi nhìn theo dáng lom khom trên chiếc xe cũ kỹ, thầm nghĩ
có lẽ bác từ Bình lâm vô làm công đâu đó ở Bình Sơn. Bác hái điều để ăn với cơm
buổi trưa.
Tôi thấy mình thật là mất dạy, tại sao nặng lời với một người lớn tuổi . Nhìn mớ điều nằm lăn lóc trên đường, tôi và em tôi buồn ra mặt. Từ đó điều ven đường ai muốn ăn cứ hái. Giá gặp lại bác, nói được một lời xin lỗi, thì có lẽ tôi đã xoá được sự ân hận đã ám ảnh tôi tới tận bây giờ.
Má tôi đứng hái vú sữa. Khu vườn đã bị chiến tranh làm xơ xác |
Gần nhà
ba tôi trồng hai cây vú sửa. Một cây trắng và một cây tím. Khi chúng đã lớn và
ba má tôi đã cất nhà hẳn hoi. Cây vú sửa trắng che mát một khoảng sân sau. Vú sửa
nhà tôi rất ngon,ngọt lịm. Tôi nhớ mãi hình ảnh má tôi đứng hái trái. Dáng má
nhỏ nhắn, ốm nhom tội nghiệp, cái khăn rằn đội trên đầu, cái áo bà ba trắng đơn sơ. Cái quần đen rộng thùng thình,
hai chân trần không giày dép. Má ngước lên, một tay che nắng để tìm trái chín,
một tay cầm cây cù nghéo. Mắt má nheo nheo vì ánh nắng chiếu dọi vào.. Hình ảnh
thật sinh động và dễ thương. Chỉ một cử chỉ đó thôi cũng đã đủ thể hiện một bức
tranh tuyệt vời về bà mẹ miền Nam hiền lành, phúc hậu.
Sau nhà ba tôi trồng hai cây chùm ruột. Một ngọt,
một chua. Cây chùm ruột chua dùng làm gõi ăn giải cảm. Muà Tết thì hái làm mứt,
đọt lá chùm ruột ăn sống rất ngon. Cạnh đó ba tôi trồng mấy gốc trầu. Những lá
trầu vàng quấn quit dưới nắng mai. Má tôi chỉ hái trầu vào sáng sớm hoặc chiều
tối. Má bảo, hái ban trưa mất sức dây trầu.Cau thì ba trồng ở liếp vườn sau. Ba
tôi hay phàn nàn má tôi về vụ ăn trầu. Nhưng từ trong sâu thẳm của yêu thương. Ông
đã vun quén cho má tôi, những dây trầu vàng và những hàng cau ông tuyển giống
thật ngon. Tôi nhớ có lần ba tôi đứng ngắm hàng cau. Ông bước tới, bước lui một
hồi, ông triệu tập mấy anh em tôi lại. Ông nói;
-Cây cau
này hơi xéo hàng. Mấy đứa lên nhà đem đồ nghề ra đào gốc sửa lại.
Ông anh
tôi cãi lại:
- Nhưng
nó lớn quá rồi Ba. Má nói quày này trái đã hái được.
- Đừng cãi,
mau kêu hết lại đây.Không thẳng hàng là coi không được.
Vậy là
ba tôi điều đông chúng tôi dời cây cau lại.
Phải đào xung quanh gốc cau một diện tích khá rộng rồi dùng cây làm đòn bẩy ,nạy
gốc cau theo hướng nhắm của ba tôi , xê xít khoảng gang tay. Dời xong, ông kêu anh tôi trèo lên cắt
trái quày cau “ đem lên cho má mày”. Ba tôi là vậy. mọi thứ phải ngăn nắp trật
tự thẳng hàng. Nhà tôi cũng có hai cây khế. Một cây ngọt một cây chua. Cây khế
ngọt lớn và xum xuê. Những chùm trái xanh mộng và khi chín màu vàng của nó ẩn có
màu xanh lục . Cây khế chua trái cũng thật sai, dáng trái dài hơn, xanh thẫm và
khi chín chỉ một màu vàng rực, nhìn qua là phân biệt được ngay.
Cây trái
ba tôi trồng đủ cả,nhưng huê lợi chánh vẫn là vườn dưới. Đây là vùng đất thịt và
bã hèm màu mỡ. Ba tôi chia làm 4 liếp chính cắt nhau bởi những đường mương thông
xuống con suối cuối vườn. Con mương sâu và rộng đủ để rút nước phèn và vừa chân
một người có thể nhảy qua. Mỗi liếp ba tôi quy hoạch vừa đủ tầm cở cho các loại
cây phát triển với từng loại giống riêng biệt. Con mương thông ra suối, ba tôi làm một nút chặn. Mùa mưa,
nước suối dâng lên, đem màu mỡ vào ươm cho cây trái. Muà nắng ba tôi đóng nút
chận và nước đọng lại trong mương để tưới cho cây. Ông làm những gàu cán dài, một
đầu cột chặt một cái lon khá lớn. Cứ đứng ở bờ mương múc nước đã đầy mấp mé bờ,
tát vào những gốc tiêu ông trồng gần bờ mương. Với những cây hơi xa bờ mương,ba
tôi đã làm những cầu nhỏ, đứng trên cầu
,múc nước vào thùng và xách tưới . Những năm đầu mới khai phá, cây trồng còn nhỏ.
Ba má tôi trồng những cây ngắn ngày để ăn. Tôi nhớ những cũ khoai mỡ to kinh khủng.
Đất thịt mềm, cũ khoai cứ men theo đất mà phát triễn. Lúc ấy chị Tư tôi gánh về
mỗi đầu gánh chỉ một củ khoai. Còn thơm, ba tôi trồng ven bờ mương. Những trái
thơm tây mới lớn làm sao. Đầu trái thơm nghẽo một bên bờ mương. Thơm hái đem về,
ba tôi treo ngược đầu xuống cho nó chin thật đều rồi mới cắt ra. Thơm vừa ngọt
vưà nhiều nước ,hương vị mãi tới bây giờ tôi vẫn không quên. Tôi nhớ có những năm
mưa dầm, nước từ đầu nguồn chảy về ngập
tràn vườn dưới. Dế cơm bị nước ngập hang, trồi lên bám vào những nhánh cây chôm
chôm xà xuống đất. Anh tôi đem thùng xuống vườn mặc sức mà bắt, có khi đầy cả
thùng thiếc dầu lửa hiệu Con Sò. Nước dâng, cóc, ếch,rắn nước bò lên nhiều nhiều
lắm, anh tôi bắt chúng lỗm ngỗm trong thùng. Anh tôi lặt đầu dế cơm,nhét đậu phụng
vào ruột rồi chiên vàng lên. Ngon hết biết. Có một lần, tôi ra coi anh tôi làm ếch.
Anh chặt đầu một cái ,hai chân trước nó chấp vào nhau như lạy. Anh cứ chặt, tôi
cứ nhìn và rồi tôi như bất động ngã ra không biết gì hết. Cả nhà bồng tôi vào. Lại
một màn giựt gió, xoa dầu Nhị thiên Đường. giựt tóc mai. Tỉnh lại tôi oà khóc hải
hùng và bệnh một trận khá lâu. Thì ra tôi bị ánh ảnh mấy con ếch chấp tay lạy
anh tôi xin tha mạng. Tôi không ăn thịt ếch từ đó đến giờ.
Ở vườn
dưới, mỗi muà trái cây, sau khi thu hoạch. Ba tôi ra chợ Long Thành mua của dì tôi mấy bao đầy đầu tôm đầu cá phế
thải. Ông chở về, đào đất lên từng hố nhỏ ở vị trí cuối của tàng cây. Ông đổ phân
cá vào rồi lấp đất lại. Do đó những cây sầu riêng vườn tôi rất sai. Quả béo, ngọt và dầy cơm. Trong vườn, ông chọn hẳn một
cây sầu riêng và một cây chôm chôm ngon nhất để lại ,không bán mão cho lái buôn
. Trái của cây đó dùng để ăn và biếu cho những người thân quen. Cây trong vườn,
mỗi năm ông đều chăm chút bón phân vun gốc tử tế. Ba tôi cũng mua máy bơm nước
và gắn hệ thống dây tưới khắp vườn. Nước tưới là cái mương chính thông xuống suối
nên không khi nào hết . Do đó vườn cây lúc nào cũng đầy sinh khí, tràn trề sức
sống.
Đây là căn nhà của tôi bị tàn phá trong chiến tranh |
Thế nhưng
chiến tranh không chừa nơi nào. Những đợt pháo kích vào những đồn lính sai cự
li. Những trận giáp chiến của hai bên. Những lần gài mìn dụ địch đã hũy hoại tổ
ấm của chúng tôi. Căn nhà ngói hai gian chỉ còn trơ lại khung vách với những đồ
đạc tan nát đến đau lòng. Dù vậy ba má tôi cũng không bỏ mãnh vườn thân yêu. Ông
bà che chắn lợp lại và tản cư đi lên chỗ an ninh hơn. Mỗi ngày, lựa lúc an toàn
nhất má tôi lại về vườn, thăm nom, tưới
,hái ít hoa màu rồi vội vã về nhà. Mãnh vườn như núm ruột bì đày đi xa. Thương
nhớ và vô cùng đau xót.
Miếng vườn
của ba ,má tôi là những kỹ niệm đẹp tuyệt vời trong tâm trí chúng tôi. Con suối
nhỏ cuối vườn là nơi anh em tôi đùa giởn, tung tăng tắm lội. Là nơi, mẹ tôi và
anh tôi thả cần câu cá những hôm trời mưa dầm. Những mẽ cá trê kho gừng, tô
canh chua cá tràu, cá lóc nấu lá vang,nấu khế. Diã cá chạch hay lươn xào xã ớt
đều bắt nguồn từ con suối dễ thương này. Bên cạnh những hàng tầm vông và trúc giữ bờ, trên khu
vực trống dùng trồng rau ,cải, chúng tôi cũng từng chọn là nơi cắm trại, nấu ăn
ngoài trời trong những dịp hè. Sau 30 tháng 4 ,một số du kích,bộ đội đã dùng lựu
đạn quăng nát bờ suối của nhà tôi. Họ chỉ cần bắt cá không kể gì sự sói mòn của
nước. Họ dùng thuốc quăng xuống suối đầu độc cá. Những con cá bị thuốc năm phơi
bụng nổi lềnh bềnh thật thảm thương. Họ quăng lựu đạn vào những góc chúng tôi gài
chà để cá vào đẻ khi mùa mưa. Lựu đạn đã khoét những hố sâu bên bờ và làm sạt lỡ đất. Những hàng tre bị bật gốc
ngã nghiêng và lọt xuống lòng suối. Dòng nước thanh bình của con suối đã bị phá
vở. Lựu đạn vô tình đã khoét những ngõ đi cho con nước xoay chiều. Nước suối tức
giận đánh vào bờ, khoét dần, khoét dần những đất, bật tung những gốc tre, tầm vông
bờ chắn. Sự tàn bạo và vô trách nhiệm của những con người có trong tay vũ khí đã
phá vỡ những gây dựng tươi đẹp của con người và sự sinh thái của thiên nhiên.
Con suối hiền lành đẹp đẻ đã bị con người phá hủy. Nó trở nên hung bạo mỗi khi muà mưa đến.Nó đã vô tình tàn phá những
gì xung quanh và dần dần tự hủy diệt. Năm
ngoái tôi về thăm nhà, con suối đã biến mất. Chỉ còn lại là một khoảng đất đầy
cỏ dại với một dòng nước nhỏ len lõi qua những ụ cỏ vàng vọt. Những hình ảnh kỹ niệm thân thương đã
bị sói mòn, giết chết thảm thương.
Con suối ngày nay 2012 |
Tôi về
quê, đi một vòng nhà từ trước ra sau, từ vườn trên xuống vườn dưới rồi yên lặng
đứng tựa gốc dâu mà khóc một mình. Ba Má tôi, các anh tôi đều đã mất, mãnh vườn
như đang buồn bã cùng tôi cúi xuống chịu tang. Kỹ niệm thời thơ ấu hiện về ngập
tràn, oà vỡ trong tôi. Tôi như con chim lạc bầy ngơ ngác trên chính quê hương mình,
lạc loài trên chính mãnh đất mình đã từng vun quén. Ôi quê hương là chùm khế ngọt,
mà cây khế ngọt nhà tôi bây giờ sao ăn vô lại có vị chua. Nắm một cục đất tôi
quăng xuống suối, muốn nghe lại tiếng “tõm” ngày xưa. Nhưng không, chỉ một tiếng
“Bịch” khô khan như một cái đấm vô tình đập vào lồng ngực. Tôi nghe nhói nơi đó.
Ôi! Mãnh vườn và thời thơ dại của tôi đã bị sói mòn như con suối nhỏ.
Bình Sơn.
No comments:
Post a Comment