Sunday, August 26, 2018

Bút Ký: LỄ VU LAN - Nguyễn thị Thêm

ngày Lễ Vu Lan
 Ngày lễ Vu Lan, trong ngôi chùa thân quen, để thêm sức chú nguyện và cầu siêu cho những hương linh cha mẹ Phật Tử. Hương linh thờ tại chùa cũng như tất cả các hương linh quá vãng. Thầy đã mời khá nhiều chư tăng. Những chư tăng ở các chùa quanh vùng và cả những vị sư thuộc phái Nam tông tu ở các chùa xa. Các vị sư này thuộc các chùa Thái Lan, chùa Lào, chùa Khờ Me... mà mỗi năm đi hành hương thầy thường đưa Phật Tử đến viếng. Các vị sư không biết nói tiếng Việt, họ tụng kinh bằng tiếng bản xứ hay tiếng Phạn và giảng pháp bằng tiếng Anh. Thầy đứng bên dịch lại cho Phật Tử nghe những lời Sư nói.

Thầy quan niệm cúng dường chư tăng là một hành động tạo phước báo cho mỗi Phật Tử. Cúng ít nhiều không thành vấn đề, chỉ cần tâm thành và hạnh nguyện. Thầy mời chư tăng là tạo điều kiện để Phật Tử gieo hạt giống phước báo cho mình. Thầy chuẩn bị những món quà nho nhỏ như kẹo, bánh ngọt và những thứ gọn nhẹ  để làm phẩm vật cúng dường. Thầy dạy các cháu học trò trong lớp học Việt Ngữ và các cháu trong gia đình Phật Tử đứng thành một hàng dài. Khi một vị tăng đến, chấp tay thành kính xá một xá và bỏ phẩm vật vào bình  bát. Thầy tập cho các cháu cái tâm bố thí và cúng dường. Vì vậy mỗi lần có lễ lớn, thầy đều để các cháu thực hành điều ấy. Các Phật Tử ai có gì cúng dường chư tăng thì cứ đứng vào hàng, bỏ phẩm vật vào bình bát mỗi người.

Khi chấp tay xá chư tăng cung kính là mình đã trở về tánh Phật trong con người mình. Lúc đó những sân si, hơn thua dừng lại để phát triển tâm từ bi. Không biết các Phật Tử có hiểu được ý thầy và thực hành được gì không. Nhưng mọi người ai nấy đều hoan hỉ.

Sau buổi lễ tôn nghiêm nơi hội trường, các chư tăng ôm bình bát đi dài từ hội trường hành lễ đi lên chánh điện và vào nơi thọ trai. Phật Tử đứng chấp tay hai hàng tụng "Nam Mô A Di Đà Phật" vang lên theo tiếng khánh. Những bước chân thật chậm thiền hành, những vị sư, vị tăng đi trong chánh niệm. Áo cà sa vàng tạo thành một dãy dài sáng rực trong ánh nắng buổi trưa thật đẹp.

Sau khi Chư Tăng đã đi qua hết, các Phật Tử về tập trung tại nơi thọ trai. Mọi người quỳ xuống trang nghiêm để cúng dường. Thầy trụ trì lên tiếng cảm tạ công đức quý  chư tăng, sư, ni về đây chứng minh cho ngày ngày lễ ở chùa. Một Phật Tử đại diện tác bạch và tất cả Phật Tử lạy ba lạy cúng dường.

Các vị Sư tu theo lối Nam Tông chỉ thọ trai một buổi trong ngày vào  giờ  ngọ, nên thầy đã tổ chức buổi lễ thật đúng giờ. Hai bên dãy bàn dài  quý Chư Tăng đang ngồi chấp tay mắt nhắm lại chú nguyện. Trước mặt quý ngài là những bình bát đã được Phật Tử cúng dường. Thức ăn được để sẳn, bọc lại cẩn thận . Thức ăn do ban trai soạn nấu và Phật Tử nấu ở nhà  đem đến.

Trước tiên là các chư tăng, đại đức niệm kinh, sau đó là các vị sư thuộc phái Nam Tông. Tiếng niệm kinh vang lên rõ ràng và mạch lạc. Nhất là âm điệu của thời kinh tiếng Phạn của các vị sư nghe thật êm và lạ. Cầm chén cơm trên tay, các ngài chú nguyện trước khi thọ thực. Mỗi nghi thức đều được thực hiện đồng loạt, nhuần nhuyển một cách thiêng liêng. Cho thấy ăn một hạt cơm cúng dường của bá tánh không phải chuyện dễ dàng.

Ánh nắng ban trưa chiếu vào những chậu hoa lan treo xung quanh dãy nhà dùng làm nơi thọ trai của chùa. Hoa mùa này không nở nhưng với bàn tay khéo léo xếp đặt của Sư Cô. Những chậu hoa lan, Hoa sứ bonsai đã tạo nên một khung cảnh thật đẹp tăng thêm thi vị cho khung cảnh nhà chùa.

Nhìn xéo qua một chút, phía bên kia là một hồ sen nhân tạo. Lúc trước nơi đây đặt một bức tượng Quan Thế Âm. Bức tượng nhỏ thầy thỉnh về an vị ở đó. Phật Tử và  thầy trụ trì bỏ rất nhiều công khó khuân về từng cục đá, từng cây sắt để dành. Khi đã đủ điều kiện và vật tư, ròng rã cả tháng trời mới thực hiện xong hồ nuôi cá và bệ thờ đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Các anh trong nhóm đến làm  thiện nguyện hàng tuần chăm chút từng viên gạch, từng chậu hoa. Họ không ngại công khó. Họ cũng không vào tụng kinh niệm Phật như các Phật Tử khác. Họ đến thật sớm rồi lao vào làm việc. Đến trưa, sau khi các cháu học sinh tan lớp và ăn xong thì thời cúng ngọ cũng mãn. Thầy mời mọi người dùng bửa. Các anh rửa tay vào ăn chung rồi làm tới tối mịt mới về nhà. Khi hoàn thành xong công trình họ cung kính chấp tay xá Quan Âm với tất cả lòng thành. Họ hồi hướng công đức cho tất cả Phật Tử đến chùa.

Hòn non bộ nho nhỏ xinh xinh, tượng Đức Quan Âm hiền từ cầm nhành dương liễu đứng một cách trang nghiêm.  Đàn cá vàng tung tăng bơi lội thật an bình. Khung cảnh tỉnh lặng và thật từ bi.

Phật Tử tới chùa, sau khi vào chánh điện lễ Phật đều ghé qua đây đốt hương lễ bái. Đây là tượng Phật lộ thiên nên bao nhiêu người lui tới, dù có trải một tấm thảm nhỏ nhưng vẫn rất dơ, nhiều bụi bậm và dấu chân. Có người đến lễ cỡi giày, nhưng cũng có người không tháo giày ra. Nên thường Phật Tử chỉ đốt hương cầu nguyện rồi xá ba cái lui ra. Có người thành kính hơn quỳ xuống đảnh lễ. Nhưng khi cúi đầu lạy phải nín hơi một chút để khỏi hít cái mùi từ dưới thảm bay lên.

Dàn hoa vàng trồng ngày nào được hưởng sự từ bi của Phật nên lớn thật nhanh. Lá xum xuê, hoa phủ xuống vàng rực thật đẹp. Những chú cá vàng lớn thật nhanh, đủ màu sắc và nhởn nhơ bơi lội. Tuần nào cũng có các cháu nhỏ đến xá Phât rồi chơi với đàn cá thật dễ thương.

Vào một ngày chủ nhật vía Phật, ban trai soạn còn lo nấu nướng trong bếp, Phật tử chưa tới giờ làm lễ còn từng tốp trò chuyện, thầy đã cho phép vớt cá lên. Tối qua thầy đã tụng kinh và chú nguyện cho đàn cá trong hồ và quyết định hôm nay gửi đi nuôi nơi khác.
Phật tử xôn xao và tiếc rẻ nhìn từng con cá rất lớn đủ màu được cẩn thận vớt lên bỏ vào những cái thùng thật to để chuyển đi. Hỏi thì thầy chỉ nói:
- Mình không đủ điều kiện nuôi tiếp thì để người khác nuôi tốt hơn.
Nhưng thật ra thầy không muốn thấy thỉnh thoảng có những con chim tinh quái đến rình để săn mồi. Lại đôi khi có cá bị chết hay bệnh phải vớt lên. Thầy đi đâu cũng lo cho hồ cá đã được cho ăn chưa. Thầy nghĩ đến sự tù túng, giam hãm chúng sinh. Thầy quyết định dùng hồ này để trồng sen.

Bây giờ sen đã được trồng lên lá xanh phủ gần kín mặt hồ. Tượng Quan Thế Âm thầy chuyển đi nơi khác vì đã có một tượng thật lớn uy nghi ở trước hội trường. Thầy đặt vào đó tôn tượng Phật Thích Ca. Tấm thảm được dẹp đi. Mọi người có thể đến đốt hương chấp tay chiêm bái  xá ba xá tỏ lòng thành kính là đủ.

Khi các thầy ngồi thọ trai, các Phật Tử đến chùa cũng được dùng bửa ở dưới hội trường. Thức ăn thật nhiều do quý sư cô và ban nhà bếp nấu. Hôm nay có phở, có bánh ít trần, có chả giò chay, có xôi, chè, nước mía và nhiều món khác.

Món Phở là món chủ đạo. Tất cả đã được chuẩn bị để sẳn trong tô được bọc lại cẩn thận. Tới giờ ăn, mọi người ngồi vào bàn, có để sẳn rau, tương ớt, tương ăn phở và muỗng, đủa, giấy lau. Phở được người phụ trách chan nước vào. Các cháu, các anh trong nhóm tiếp đải bưng đến tận bàn. Nếu muốn ăn thêm cứ lên tiếng gọi. Phần thức ăn khác thích thứ nào cứ tới bàn đó có người phục vụ. Ăn xong không cần tới lui cầm tô đi dẹp. Các cháu Phật Tử rất dễ thương sẽ đến mang đi dọn rửa.

Chùa không giàu, nghèo là đàng khác. Nhưng thầy, Sư Cô và các Phật Tử ở chùa lấy cái tâm cúng dường là chính. Cúng dường có nghĩa là làm cho mọi người được vui được hạnh phúc bằng khả năng mình. Như Thầy hay Sư Cô khi có người quá vãng cần đến để làm lễ là sắp xếp đến ngay. Ở chùa mỗi tuần cúng vong, cúng thất thì bếp chùa nấu gì cúng đó. Không đòi hỏi ra giá hay hơn thiệt. Có người xong việc tang ma, đem cái hộp cốt lên chùa rồi thì biến dạng. Hiếu sự, nghĩa sự cũng giao cho nhà chùa.

Các Phật Tử ở chùa không nhiều nhưng gắn bó từ lúc chùa còn hoang sơ. Nên họ coi như đây như là một gia đình. Ngày lễ lớn, họ góp tiền nấu nướng cúng dường phục vụ bá tánh. Người nào phụ trách nấu ở chùa thì nấu, người nào nấu ở nhà thì đem đến thì đem. Họ biết Sư Cô dù làm đồ chay để bán nhưng thu nhập không là bao. Góp một chút công đức cũng là một việc mà người con Phật phải làm.

Sư Cô cũng chuẩn bị một số thức ăn chay để Phật Tử bán dùm như bánh bột lọc, bánh tét, mắm chay, chao, dưa món... Tiền nhận được sẽ dùng  trang trải những khoảng chi tiêu trong chùa.
Có những Phật Tử khi đi làm đã nhận đặt thức ăn chay cho các bạn chung sở và đem giao dùm. Thức ăn tinh khiết, thanh đạm và lấy công làm lời của Sư Cô nhiều người rất thích. Cho nên sư cô thỉnh thoảng cũng có công ăn việc làm.

Vào những ngày lễ lớn hay Tết, tội nghiệp Sư Cô cả ngày hì hục trong bếp, lau lá, gói bánh, làm đồ chay. Đâu phải chỉ vài ba chục người dùng, mà lượng Phật Tử đến viếng chùa lễ Phật rất đông vào ngày Tết. Những đoàn xe tới hành hương đôi khi lên đến tám chiếc một ngày. Mà Thầy thì luôn lo cho bao tử của mọi người. Đến chùa lễ Phật, dùng chay xong thầy còn lo gói gửi theo để Phật Tử dằn bụng đường xa.

Ngoài những thức ăn chay,  cũng có một quày bán hoa lan do Sư Cô cắm để Phật Tử đem về cúng Phật tại nhà. Sư Cô có khiếu thẩm mỹ và cắm hoa rất đẹp. Người cũng có tay trồng và  chăm sóc hoa. Trong chánh điện những bình hoa to hoa nhỏ được Sư Cô chăm chút cắm thật nghệ thuật. Sư cô tận dụng những cây trồng trong sân chùa để làm nền. Những bình hoa đó chi phí không nhiều nhưng rất đẹp, tăng vẽ trang trọng, uy nghi trên bàn thờ Phật.

Dưới bàn tay nhỏ nhắn của Sư Cô, dường như mỗi chậu hoa đều có linh hồn và biết hoan hỉ trước mọi sự việc. Xung quanh chùa những cảnh trí thật nghệ thuật đều do Sư Cô chăm chút tỉ mỉ tô điểm. Một cục đá vô tri. Sư Cô viết lên đó vài câu kệ với thư pháp thật đẹp. Chỉ thêm vào vài nhánh cây, một chút trang trí, hòn đá đã biết nói và truyền tải đi một sức sống, một lời khuyên hay một bài pháp.

Ngày thường tới chùa sẽ gặp ông thầy trụ trì đào đào cuốc cuốc. Cái nón bành che gần khuất khuôn mặt đen sạm, nhỏ nhắn. Tấm thân ốm yếu khi điều khiển chiếc xe ủi đất, thầy ngồi lọt thỏm trông thật tức cười. Sư cô thì hì hục với đống đá, bưng từng cục rồi xếp như thế nào cho đẹp cho có linh hồn. Mười Tám vị La Hán đã được an vị rải rác trong khuôn viên chùa. Mỗi vị chiếm một không gian riêng. Một phạm vi nhỏ nhắn, trang nghiêm đầy chất thiền và nghệ thuật. Bàn tay các sư cô chai vì làm việc, gương mặt nám nắng bởi cả ngày ngoài vườn. Nhưng nụ cười lúc nào cũng hoan hỉ, vui vẻ và yêu đời. Sư cô nói Đi tu là hạnh phúc, là thực hiện được tâm nguyện thì tại sao lại không vui. Thân này rồi sẽ hoại, nhưng chánh pháp thì đời đời.

Ngày lễ Vu Lan, Phật Tử đến chùa dâng hoa cúng Phật, tụng kinh cầu siêu cho cha mẹ vãng sinh, cầu bình an cho cha mẹ hiện tiền. Nhưng cái chính là nghe pháp và sống thật tốt với cha mẹ ở nhà. Dù cha mẹ già có sinh tật cũng biết tính ý mà uyển chuyển chiều chuộng, không làm cho cha mẹ tủi thân và buồn khổ. Cha mẹ đau yếu, bệnh tật phải năng thăm viếng và chăm sóc. Hiếu để phải thực hiện khi người còn sống. Đừng để cha mẹ qua đời mới khóc lóc  tiếc thương.

Làm cha mẹ cũng đừng vì nghĩ mình có công sinh dưỡng mà tai ngược khó khăn làm khổ con cái. Cha mẹ và con có duyên với nhau từ kiếp trước. Con cái với mình đôi khi là nợ phải trả, đôi khi là ân được đền bù. Được và mất cũng là nghiệp và phước báo do mình tạo ra.

Làm cha mẹ hãy làm hết khả năng và trách nhiệm của mình với tất cả các con không thiên vị. Cùng được sinh ra, cùng lối giáo dục nhưng có đứa thật ngoan cũng có đứa hư hỏng. Đứa giỏi thành công, ta không nên quá coi trọng. Đứa thất bại không nên hất hủi, chê bai. Cũng không phải đổ cho nghiệp mạng rồi buông tay để mặc nó làm gì thì làm. Phải dùng hết khả năng, tình thương và sự giáo dục để giúp chúng sửa sai, mạnh dạn đứng lên xây dựng tương lai.

Khi con đã trưởng thành cha mẹ cũng phải tôn trọng sự riêng tư và quyết định của chúng. Đừng đem lên bàn cân để hơn thua với con dâu hay con rễ. Hãy thông cảm với con cái vì nó còn một gia đình phải lo lắng bảo bọc. Cũng đừng xem con như lúc còn bé mà dang tay quá rộng chở che hay cung phụng để chúng ỷ lại.

Hãy chấp nhận rằng khi mình bệnh hoạn, già yếu phải cần có người chăm sóc, nhưng người đó không nhất thiết phải là con mình. Bởi vì nuôi con ăn học, hy sinh cho con không phải là bắt nó bỏ tất cả công việc và gia đình để ở nhà chăm sóc cho mình.

Sinh tử luân hồi. Có sinh sẽ có diệt. Cha mẹ khuất núi rồi cũng sẽ tới phiên ta. Hãy sống vui và cảm thông trong mọi công việc, mọi con người. Được như vậy, sẽ thấy giảm bệnh tật, hoan hỉ trong cuộc sống.

Rồi cũng sẽ có một ngày, vào lễ Vu Lan, con cháu sẽ quỳ xuống như ta bây giờ mà cầu nguyện cho ta. Lúc ấy trong tâm tưởng chúng, tất cả những gì tốt hay xấu mà ta đã làm sẽ hiện ra trong ký ức chúng.

Đâu có ai muốn con cháu tưởng nhớ là những hình ảnh không đẹp mà chúng ta đã làm lúc tại thế.

Cho nên ngay từ bây giờ hãy sống thật dễ thương.

Nguyễn Thị Thêm.
Vu Lan 2018

Thơ: HÒ QUÊ - Minh Tây


Thơ: LỐI NHỎ - THT


Thơ: ĐÓA HOA CỦA MẸ - Nguyễn thị Thêm


Saturday, August 25, 2018

Thơ: VỀ VỚI PHẬT ĐÀ - Minh Tây


Hồi Ký: KỶ NIỆM - Tống Ngọc Nga

 
Hồi nhỏ được coi  máy bay ✈  lộn

              ✈✈✈✈✈

Chỉ có lớp trẻ hồi đó mới biết chuyện này 🤣
Hồi nãy ngồi tán gẫu chị mình nhắc lại : hồi nhỏ mày có nhớ tầm trưa trưa cả xóm người lớn lẫn tụi mình ra nhìn lên trời coi máy bay đầm già nó biểu diễn lộn vòng vòng trên trời không? 
  Ừ hé , chị mình nhắc mình mới nhớ , phi công họ biểu diễn hoài chứ đâu phải một lần ahihi...  Tụi con nít chúng tôi cứ nhảy cẫng lên vỗ tay rần rần vì khoái chí
  Cảnh ngoạn mục lúc nó  ✈✈✈✈ lộn lên lộn xuống liên tục nhiều vòng trên không trung xem thật đã mắt
  Bảo đảm giờ mà có cảnh này chắc ôi thôi chật kín đường khi thiên hạ ùa ra xem , "lai chim " chắc luôn? 😜🤣
  Chị mình đã 65t mà hồi nãy còn thắc mắc một câu mình cũng thấy có lý 😜 chỉ nói : ủa, ngộ ghê hen nó lộn vòng vòng sao không bị chảy xăng ta? 
  Có trời mới biết chị 10 ù ơi..?
Vậy đó,
mới đó mà đã 43 năm

          🍁🍁🍁🍁🍁🍁🍁

Thơ: TẶNG NHỮNG NGƯỜI CON XA MẸ - Tâm Thụy


Thơ: VU LAN NHỚ MÁ BA - Mỹ-Phượng


Thơ: DÌU BƯỚC CON - ĐNMT