Sunday, March 26, 2017

Hồi Ký: RỒI MỘT CHUYẾN ĐI - Jimmy Trần

Việt Nam 1979
Vào lúc thập niên 70 sắp trôi qua và không bao giờ trở lại thì hai anh em tôi bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua nhiều ngõ chết để tìm sự sống.
Chiến trận ác liệt giữa Việt Nam và Cambuchia khởi sự cùng lúc với lịnh tổng động viên trên toàn quốc. Tất cả những thanh thiếu niên VN từ 18 tuổi trở lên đều phải nhập ngũ để yểm trợ cho mắt trận miền Tây. Một phần lớn bạn bè của chúng tôi phải lên đường tham gia cuộc chiến để rồi chẳng có mấy ai trở về. Họ đã nằm lại ở một khu rừng hoang vắng âm u hay thịt xương rủ mục cùng đất đồng khô một nơi nào đó trên xứ Chùa Tháp. Thêm một lần nửa cái chủ nghĩa Cộng Sản hoang tưởng vô thần thê lương lại mang lưỡi hái tử thần gạt ngang đầu bao người trai đất Việt. Mẹ tôi ủ rủ lo sầu suốt tháng ngày. Bà lo cho anh Tuân tôi. Anh sắp được 18 tuổi và sẽ phải bị bắt đi vào cỏi chết. Là phụ nữ Việt Nam qua bao trận chiến tranh thảm khốc trên khắp miền đất nước nổi sợ hải mất một đứa con trai yêu dấu ray rứt trong lòng.
Gia đình tôi quyết tâm tìm một lối thoát mang đến sự sống còn cho anh tôi bằng cách trốn khỏi Việt Nam qua việc quen biết với một cựu sĩ quan VNCH vừa vượt thoát ngục tù Cộng Sản. Anh Tuân sẽ lên thuyền con ra biển lớn vượt Thái Bình Dương đi tìm miền đất hứa. Cho anh, cho tôi, cho mấy đứa em thơ cùng cho cả một gia đình đang từ từ buông tay nhìn cảnh chết đói cận kề từng ngày một. Sau 1975 không có việc làm bao tiền của dành dụm đã bay biến đi tự bao giờ cả nhà tôi đang trôi vào ngõ cụt.
Theo kế hoạch anh Tuân đã rời nhà cùng với mấy người tồ chức cho chuyến vượt biên này đi xuống Cần Thơ một thành phố êm đềm bên bờ sông Hậu với nhiều nhánh sông con chảy ra biển lớn. Họ sẽ rời xứ từ nơi đó.
Để khỏi bị công an của chính quyền nghi ngờ họ đã mua được một chiếc thuyền con bé tẻo teo ngày ngày ngược xuôi qua lại trên sông chỗ này chỗ kia giả vờ như những người thương lái bán buôn nho nhỏ. Anh tôi và những người trong tổ chức đã hòa lẩn với dân chúng bản địa ngày qua ngày lái thuyền ngang qua những đồn công an biên phòng cố tạo một vẻ bình thường của dân miền sông nước nhưng thật ra là đang tìm cách quan sát hệ thống kiểm tra của lực lượng biên phòng cùng mua sắm tồn trữ nhiên liệu thức ăn chờ ngày ra khơi.
Thuở đó tôi vừa 15 tuổi vụng dại đếm đời qua những cơn đói khổ buồn lo. Khi biết được lý do vắng mặt của anh Tuấn tôi cũng muốn đi theo anh nhưng Mẹ tôi nhứt quyết cản ngăn. Bà biết nổi hiểm nguy lành ít dữ nhiều trong cuộc hành trình trốn chạy này còn tôi thì không. Ngày đó tôi chỉ biết là những người đi trước đã đến được bến bờ tự do đều có cuộc sống an bình no ấm. Họ gởi về cho gia đình còn ở lại những thùng hàng hóa chứa đầy thuốc men, vải lụa hay tiền bạc để bán dần đi mà sống qua ngày.  Tuy là không được bao nhiêu nhưng có vẫn còn hơn không. Tôi muốn đi theo anh Tuấn để mong có cơ hội giúp đỡ gia đình như những người đó.  Năn nỉ ỉ ôi mải Mẹ tôi cũng xuôi lòng, bà đồng ý cho tôi ra đi với nổi buồn nhân đôi. Mà biết làm chi hơn khi bà không còn gì để lo cho tôi cộng thêm vài năm nữa thì cũng sẽ đến phiên tôi phải đem mạng sống chiến đấu cho cái chủ nghĩa mơ hồ xa lạ.
Một năm trời nhọc nhằn chuẩn bị cho chuyến hải hành rồi cũng tới ngày ra đi vào phương trời vô định. Tôi rời nhà đi Cần Thơ tìm anh Tuân lúc này đang ngược xuôi trên dòng sông Hậu với 10 đô la cuối cùng của Mẹ làm hành trang. Chuyến xe đò rời bến chất đầy những tâm tư hổn độn của tôi trong đầu. Nỗi buồn lo không biết đến khi nào mới có dịp gặp lại Me cùng gia đình tăng dần theo từng cây số bánh xe lăn. Tôi mới 16 tuổi ngáo ngơ.
Tổ chức vượt biên dấu tôi trong một căn nhà nhỏ đã có nhiều người sẽ ra đi cùng chuyến vào đêm nay. Tất cả chúng tôi đều ngồi bó gối im lặng nhìn nhau âm thầm đếm từng giờ qua trong niềm lo sợ tràn dâng.
Màn đêm buông xuống trong cái tĩnh mịch của ruộng đồng đoàn người chúng tôi len lỏi qua từng con hẻm nhỏ, bờ ruộng nhấp nhô trơn trợt theo bước chân người dẩn đường đi ra bến đỗ nơi có con thuyền và anh Tuân tôi đang chờ. Tất cả 26 người chúng tôi được đưa vào giửa khoang thuyền nơi có cái vòm che nhỏ ngồi sát vào nhau thành hai hàng đối diện. Hầu hết đều là nam nữ tuổi chừng 18 đến 25. Tôi thuộc thành phần nhỏ tuổi nhứt. Trẻ hơn tôi là một cậu em độ chừng 13 tuổi. Chúng tôi lặng câm chờ giờ khởi hành cho chuyến đi không hẹn ngày trở lại giửa màn đêm. Từng cơn sóng vỗ nhẹ vào màn thuyền từ từ nâng cao nỗi sợ hãi bị khám phá, tù đày lên tận cùng cao điểm. Tôi ôm đầu nhớ đến Mẹ tôi. Không biết bà có hối hận khi đã phải đánh một ván bài bằng mạng sống của 2 đứa con trai tuổi đời chưa đến hai mươi.
Thời gian chờ đợi kéo dài dường như vô tận chúng tôi đã bắt đầu say sóng dù con thuyền bé nhỏ dùng để chèo trên sông với chiều dài chỉ hơn 2 cái xe hơi và chiều ngang chưa tới 3 thươc tây vẫn chưa rời bến. Anh Tuân tôi thì không hề chi vì đã quá quen với hơn 1 năm sinh sống trên thuyền.
Nhìn ra phía bên ngoài tôi không thấy gì khác hơn là một màu tối đen ghê rợn. Ông thuyền trưởng đã khổ công chọn đúng ngày trừ tịch không trăng sao này để khởi hành.  Có tiếng máy nổ con thuyền từ từ rời bến xuôi theo dòng nước sóng vỗ dập dồn như tiếng đập trong tim.
Chúng tôi đã đến gần trạm kiểm soát biên phòng, mọi người đều cố giữ im lặng, ngoài tiếng máy nổ nhè nhẹ con thuyền không nột tiếng động chậm chạp trôi. Tất cả chúng tôi cùng khấn nguyện trong lòng cho được bình yên đi qua khỏi cái đồn này. Vướt khỏi nơi đây chúng tôi sẽ ra được cửa biển Thái Bình Dương. Thời gian kéo dài như hàng thế kỷ cho một khúc sông vài mươi thước.
Bùm ! Bùm ! .. Có tiếng súng nổ. Chúng tôi thất thần quay đầu nhìn về phía sau. Một chiếc tàu tuần của công an biên phòng vừa bắn vừa đuổi theo con thuyền bé nhỏ của chúng tôi. Thôi thế là hết ! Tôi rũ người trong niềm thất vọng não nề. Cảnh tù đầy xen lẫn với hình bóng của mẹ tôi lởn vởn trong đầu.
Quyết không để bị bắt ông thuyền trưởng rồ ga tăng hết tốc lựccon thuyền như đang lướt bay trên đầu ngọn sóng. Phía sau chiếc tàu tuần quái ác vẫn tiếp tục đuổi theo. Tiếng súng càng lúc càng nghe rõ hơn xen lẫn với tiếng la hét qua loa phóng thanh.
Bỗng dưng không biết từ đâu một cơn mưa bão ầm ì kéo đến, nước mưa nặng hạt che khuất tầm nhìn, sóng dữ nhấp nhô dường như ném phăng con thuyền cùng chúng tôi bay về phía trước. Chúng tôi lăn lóc trên thuyền ói mửa liên hồi. Không còn một chút gì sinh lực cùng hy vọng tôi ngất đi lúc nào không hay.
Tiếng người cười nói vang rân đánh thức tôi dậy. Có người hớn hở cho tôi biết cơn giông đêm qua đã giúp chúng tôi thoát khỏi sự truy nã của con tàu tuần duyên và hiện tại con thuyền đang trên hải phận quốc tế. Chúng tôi đã ra khỏi nước Việt Nam an toàn. Anh Tuấn nhìn tôi mỉm cười rạng rỡ. Dường như tôi thấy Mẹ tôi đang chắp tay nguyện cầu.
Vì không có được những dụng cụ cần thiết trong việc hải hành như la bàn, bản đồ ... chúng tôi chỉ biết dựa theo mặt trời vào ban ngày và trăng sao vào đêm tối cố hướng con thuyền đi lần về hướng Tây nơi mà chúng tôi biết rõ là sẽ đến các nước như Malaysia, Thailand hay Singapore nếu có trệt chút đỉnh về hướng Nam.
Hai ngày đã qua con thuyền của chúng tôi đang bập bềnh giữa biển khơi nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn nước với trời. Trong cái tĩnh mịch của một đêm không trăng chúng tôi nhìn thấy có nhiều ánh đèn le lói từ phía xa xa trông như là một con tàu lớn dựa theo khoảng cách của những ánh đèn. Chỉ chừng vài phút sau khi ai đó trên thuyền bắn lên một phát hỏa châu để ra hiệu thì cái vùng ánh sáng đó đến gần hơn. Chúng tôi mừng rỡ vô cùng vì nghĩ rằng sẽ được cưú vớt bởi một con tàu buôn lớn hay là một chiến hạm của một quốc gia nào đó. Tôi cố lần đi về phía trước để nhìn rõ hơn.
Không phải là một chiếc tàu lớn mà là bảy chiếc tàu nhỏ. Tàu của hải tặc Thailand.
Đã quá trễ để trốn chay khi những chiếc tàu to lớn của hải tặc đã vây quanh con thuyền bé bỏng của của chúng tôi. Rồi thì với súng ông, dao búa bọn hải tặc hùng hổ nhảy qua tấn công những người trên thuyền đang bất lực đứng nhìn. Một tên hải tặc đấm tôi một cú vô mặt và vung dao cắt một đường ngay chân mày. Những tên khác tỏa quanh đánh đập đâm chém bắt đầu cho cảnh cướp bóc hãi hùng. Bọn chúng cướp hết tất cả tiền bạc, vòng vàng nữ trang, đồng hồ ... Một vài tên còn nạy banh các miếng ván đóng khoang hay đáy thuyền để lục lọi tìm tòi xem có thứ gì quý giá cất giấu trong đó hay không. Thuyền nhỏ ít người lại toàn là dân nghèo chẳng có bao nhiêu để mà cướp nên bọn hải tặc quay qua hãm hiếp tất cả phụ nữ trên thuyền. Bầu trời đêm của biển vang đầy tiếng rên rỉ khóc than hãi hùng.
Sau khi thỏa mãn thú tính bọn chúng ném quăng tất cả những gì còn lại trên thuyền của chúng tôi xuống biển. Từ thực phẩm, nước uống cho đến xăng dầu, chai lọ ... Tất cả, tất cả mọi thứ dần chìm ... Kể cả chút hơi tàn còn sót lại của chúng tôi. Muốn giết người diệt khẩu bọn chúng bắt đầu dùng mủi tàu thép đâm vào chiếc thuyền con chỉ còn khung gỗ chơ vơ. Không hiểu sao mà sau nửa giờ con thuyền rách nát của chúng tôi vẫn chưa chìm nên bọn chúng đổi ý bỏ đi kéo lê theo một số phụ nữ trẻ đẹp.
Giờ thì chúng tôi đã bi bọn hải tặc bỏ lại giửa biển khơi trên một chiếc thuyền bể nát không còn một thứ gì, Thực phẩm, nước uống, dầu xăng ...kể cả vợ con, chị em hay người yêu ...
Bằng những cái lon nhỏ và tất cả tàn hơi chúng tôi cố tát nước giữ cho chiếc thuyền không phải chìm sâu  hơn. Ai đó đã căng lên một cánh buồm tự chế. Con thuyền trôi lững lờ không định hướng chừng độ vài ngày thì với đói khát đã đưa chúng tôi đến mức tận cùng. Một phép mầu nào đó chúng tôi tìm được một lon nước nhỏ còn sót lại bèn chia nhau mỗi người một giọt trong ngày cầm hơi. Thằng bé 13 tuổi ngồi kế bên tôi nhặt được một ít gạo sống lấm le dầu mỡ trên thuyền bỏ vội vào miệng để rồi nôn tháo ra hết. Mọi người đều mệt mỏi rã rời gục ngã trong tận cùng thất vọng. Không một ai thốt lên một tiếng nào. Trong cái bềnh bồng của con thuyền nhấp nhô theo sóng giữa màn đêm tôi chìm dần vào giấc ngủ với hình ảnh khổ sầu của mẹ tôi. Có thể bà sẽ ray rứt tự trách mình cả một đời cho cái quyết định làm mất đi hai đứa con trai.
Lại thêm một trận mưa bảo từ đâu kéo đến. Tôi bò ra mạn thuyền ngửa mặt nuốt từng hạt mưa rơi vào trong cái thân thể tàn tạ của mình cùng lúc anh Tuấn kéo vội tôi vào phía bên trong vì lo cho tôi sẽ rơi xuống biển.
Vào một buổi trưa chúng tôi nhận ra được một chấm nhỏ ở cuối bầu trời. Cái chấm lớn dần lên theo thời gian và hình như chúng tôi nghe tiếng chuyện trò bằng tiếng Việt. Tàu của Công An biên phòng ? Một người nào đó sợ hãi lên tiếng. Làm gì có chuyện đó ! Chúng ta đã quá xa hải phận Việt Nam. Ông thuyền trưởng gạt ngang.
Khi thuyền trôi đến gần tôi thở phào nhận ra cái chấm nhỏ đó là một chiếc thuyền vượt biên như chúng tôi. Có rất đông người trên thuyền nằm ngồi xếp lớp như những con cá mòi trong cái hộp Sardines. Họ đang ra sức giữ cho hai thuyền không chạm vào nhau vì sợ bị chìm nếu chúng tôi tràn qua cướp bóc họ. Những người trên chiếc thuyền đó cho chúng tôi biết là sắp đến Malaysia và bỏ đi về phía trước sau khi thảy qua cho chúng tôi một thùng dầu nhỏ.
Một thanh niên trong bọn chúng tôi còn chút sinh lực đã nhảy ào xuống biển tìm cách vớt thùng dầu lên. Trong sự hãi hùng tột độ chúng tôi đã kéo được anh ta lên lại thuyền chỉ trước độ một vài giây trước khi  hai chân nằm trong cái miệng há toang của con cá mập .
Với một ít dầu xăng đó chúng tôi đã cho máy chạy lại được và tiếp tục cuộc hành trình gian lao vô bến bờ. Khoảng chừng một giờ sau chúng tôi thấy lờ mờ một khối lớn ở phía đàng xa. Cho thuyền đến gần chúng tôi mừng rỡ reo hò. Đó là một cái giàn khoan dầu trên biển.
Dường như đã quen thuộc với những chiếc thuyền vượt biên của người Việt  những người trên giàn khoan thảy xuống cho chúng tôi một số ít thực phẩm cùng nước uống. Họ cũng tiếp tế cho chúng tôi một ít xăng kèm theo lời khuyến khích. Đất liền đã gần trước măt. Một công nhân nào đó trên giàn khoan còn cho tôi một trái táo nhưng tôi không thể nào ăn hơn một miếng nhỏ. Bao tử của tôi dường như bé nhỏ lại sau bao ngày đói khát. Tôi lại thiếp dần vào cõi mộng bên tai nghe tiếng anh Tuấn vỗ về. Cố lên ! Đừng bỏ cuộc. Chúng ta đã gần đến bờ.
Tiếng chim kêu làm tôi tỉnh giấc mở bừng mắt ra vào sáng hôm sau trước một quang cảnh đẹp nhứt trong đời. Một bãi cát trắng phau trải dài với những hàng dừa phất phơ trong gió. Qua màn sương còn sót lại của buổi sáng tôi còn thấy những điểm chuyển động trên bờ mà khi thuyền tiến đến gần hơn tôi nhận ra đó là những người vượt biên tị nạn đã đến trước đang dàn hàng ngang chào đón chúng tôi. Những người Việt Nam tạm trú trên đảo Paula Bidong thường dùng cái tập tục này hai lần. Một lần chào đó chia vui người mới đến cùng để thăm hỏi tin tức người thân, chuyện quê hương bỏ lại phía xa vời. Rồi thêm một lần chia tay với những người may mắn được rời đảo đi định cư ở một phương trời nào đó. Có thể là U.S.A., France hay Germany ...
Trên đời không dễ mà trả lời câu hỏi Hạnh Phúc nhứt lúc nào. Riêng tôi đó là cái giây phút này. Hai anh em tôi đã sống còn. Tay trong tay tôi cùng anh Tuấn sánh bước lên bờ, Mặt đất dưới chân tôi có vẻ như chuyển động theo từng bước chân tiến về khu tập tiếp đón và tôi lại ngất đi vì kiệt sức.
Khi hồi tỉnh lại trong bịnh viện Sick Bay trên đảo tôi thấy anh Tuân tôi ngồi bên cạnh giường nhìn tôi an uỉ:
- Không sao đâu em.
Tôi khẽ im lặng gật đầu. Tuy là đã rời xa đất nước, cha mẹ , anh em nhưng anh em chúng tôi đang có nhau và chúng tôi sẽ sống.
Mâý mươi năm sau khi tôi viết những dòng chữ này thì anh Tuấn lại đi trước tôi thêm một lần nữa. Anh đã đi về cõi an bình.
Rồi thì anh em mình cũng sẽ gặp lại nhau thôi. Anh Tuân ơi.
JIMMY TRAN

No comments:

Post a Comment