Thursday, March 30, 2017
Sunday, March 26, 2017
Hồi Ký: RỒI MỘT CHUYẾN ĐI - Jimmy Trần
Việt Nam 1979
Vào
lúc thập niên 70 sắp trôi qua và không bao giờ trở lại thì hai anh em
tôi bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua nhiều ngõ chết để tìm sự sống.
Chiến
trận ác liệt giữa Việt Nam và Cambuchia khởi sự cùng lúc với lịnh tổng
động viên trên toàn quốc. Tất cả những thanh thiếu niên VN từ 18 tuổi
trở lên đều phải nhập ngũ để yểm trợ cho mắt trận miền Tây. Một phần lớn
bạn bè của chúng tôi phải lên đường tham gia cuộc chiến để rồi chẳng có
mấy ai trở về. Họ đã nằm lại ở một khu rừng hoang vắng âm u hay thịt
xương rủ mục cùng đất đồng khô một nơi nào đó trên xứ Chùa Tháp. Thêm
một lần nửa cái chủ nghĩa Cộng Sản hoang tưởng vô thần thê lương lại
mang lưỡi hái tử thần gạt ngang đầu bao người trai đất Việt. Mẹ tôi ủ rủ
lo sầu suốt tháng ngày. Bà lo cho anh Tuân tôi. Anh sắp được 18 tuổi và
sẽ phải bị bắt đi vào cỏi chết. Là phụ nữ Việt Nam qua bao trận chiến
tranh thảm khốc trên khắp miền đất nước nổi sợ hải mất một đứa con trai
yêu dấu ray rứt trong lòng.
Gia
đình tôi quyết tâm tìm một lối thoát mang đến sự sống còn cho anh tôi
bằng cách trốn khỏi Việt Nam qua việc quen biết với một cựu sĩ quan VNCH
vừa vượt thoát ngục tù Cộng Sản. Anh Tuân sẽ lên thuyền con ra biển lớn
vượt Thái Bình Dương đi tìm miền đất hứa. Cho anh, cho tôi, cho mấy đứa
em thơ cùng cho cả một gia đình đang từ từ buông tay nhìn cảnh chết đói
cận kề từng ngày một. Sau 1975 không có việc làm bao tiền của dành dụm
đã bay biến đi tự bao giờ cả nhà tôi đang trôi vào ngõ cụt.
Theo
kế hoạch anh Tuân đã rời nhà cùng với mấy người tồ chức cho chuyến vượt
biên này đi xuống Cần Thơ một thành phố êm đềm bên bờ sông Hậu với
nhiều nhánh sông con chảy ra biển lớn. Họ sẽ rời xứ từ nơi đó.
Để
khỏi bị công an của chính quyền nghi ngờ họ đã mua được một chiếc
thuyền con bé tẻo teo ngày ngày ngược xuôi qua lại trên sông chỗ này chỗ
kia giả vờ như những người thương lái bán buôn nho nhỏ. Anh tôi và
những người trong tổ chức đã hòa lẩn với dân chúng bản địa ngày qua ngày
lái thuyền ngang qua những đồn công an biên phòng cố tạo một vẻ bình
thường của dân miền sông nước nhưng thật ra là đang tìm cách quan sát
hệ thống kiểm tra của lực lượng biên phòng cùng mua sắm tồn trữ nhiên
liệu thức ăn chờ ngày ra khơi.
Thuở
đó tôi vừa 15 tuổi vụng dại đếm đời qua những cơn đói khổ buồn lo. Khi
biết được lý do vắng mặt của anh Tuấn tôi cũng muốn đi theo anh nhưng
Mẹ tôi nhứt quyết cản ngăn. Bà biết nổi hiểm nguy lành ít dữ nhiều trong
cuộc hành trình trốn chạy này còn tôi thì không. Ngày đó tôi chỉ biết
là những người đi trước đã đến được bến bờ tự do đều có cuộc sống an
bình no ấm. Họ gởi về cho gia đình còn ở lại những thùng hàng hóa chứa
đầy thuốc men, vải lụa hay tiền bạc để bán dần đi mà sống qua ngày. Tuy
là không được bao nhiêu nhưng có vẫn còn hơn không. Tôi muốn đi theo
anh Tuấn để mong có cơ hội giúp đỡ gia đình như những người đó. Năn nỉ ỉ
ôi mải Mẹ tôi cũng xuôi lòng, bà đồng ý cho tôi ra đi với nổi buồn nhân
đôi. Mà biết làm chi hơn khi bà không còn gì để lo cho tôi cộng thêm
vài năm nữa thì cũng sẽ đến phiên tôi phải đem mạng sống chiến đấu cho
cái chủ nghĩa mơ hồ xa lạ.
Một
năm trời nhọc nhằn chuẩn bị cho chuyến hải hành rồi cũng tới ngày ra đi
vào phương trời vô định. Tôi rời nhà đi Cần Thơ tìm anh Tuân lúc này
đang ngược xuôi trên dòng sông Hậu với 10 đô la cuối cùng của Mẹ làm
hành trang. Chuyến xe đò rời bến chất đầy những tâm tư hổn độn của tôi
trong đầu. Nỗi buồn lo không biết đến khi nào mới có dịp gặp lại Me cùng
gia đình tăng dần theo từng cây số bánh xe lăn. Tôi mới 16 tuổi ngáo
ngơ.
Tổ
chức vượt biên dấu tôi trong một căn nhà nhỏ đã có nhiều người sẽ ra đi
cùng chuyến vào đêm nay. Tất cả chúng tôi đều ngồi bó gối im lặng nhìn
nhau âm thầm đếm từng giờ qua trong niềm lo sợ tràn dâng.
Màn
đêm buông xuống trong cái tĩnh mịch của ruộng đồng đoàn người chúng tôi
len lỏi qua từng con hẻm nhỏ, bờ ruộng nhấp nhô trơn trợt theo bước
chân người dẩn đường đi ra bến đỗ nơi có con thuyền và anh Tuân tôi đang
chờ. Tất cả 26 người chúng tôi được đưa vào giửa khoang thuyền nơi có
cái vòm che nhỏ ngồi sát vào nhau thành hai hàng đối diện. Hầu hết đều
là nam nữ tuổi chừng 18 đến 25. Tôi thuộc thành phần nhỏ tuổi nhứt. Trẻ
hơn tôi là một cậu em độ chừng 13 tuổi. Chúng tôi lặng câm chờ giờ khởi
hành cho chuyến đi không hẹn ngày trở lại giửa màn đêm. Từng cơn sóng vỗ
nhẹ vào màn thuyền từ từ nâng cao nỗi sợ hãi bị khám phá, tù đày lên
tận cùng cao điểm. Tôi ôm đầu nhớ đến Mẹ tôi. Không biết bà có hối hận
khi đã phải đánh một ván bài bằng mạng sống của 2 đứa con trai tuổi đời
chưa đến hai mươi.
Thời gian chờ đợi kéo dài dường như vô tận chúng tôi đã bắt đầu say sóng dù con thuyền bé nhỏ dùng
để chèo trên sông với chiều dài chỉ hơn 2 cái xe hơi và chiều ngang
chưa tới 3 thươc tây vẫn chưa rời bến. Anh Tuân tôi thì không hề chi vì
đã quá quen với hơn 1 năm sinh sống trên thuyền.
Nhìn
ra phía bên ngoài tôi không thấy gì khác hơn là một màu tối đen ghê
rợn. Ông thuyền trưởng đã khổ công chọn đúng ngày trừ tịch không trăng
sao này để khởi hành. Có tiếng máy nổ con thuyền từ từ rời bến xuôi
theo dòng nước sóng vỗ dập dồn như tiếng đập trong tim.
Chúng
tôi đã đến gần trạm kiểm soát biên phòng, mọi người đều cố giữ im lặng,
ngoài tiếng máy nổ nhè nhẹ con thuyền không nột tiếng động chậm chạp
trôi. Tất cả chúng tôi cùng khấn nguyện trong lòng cho được bình yên đi
qua khỏi cái đồn này. Vướt khỏi nơi đây chúng tôi sẽ ra được cửa biển
Thái Bình Dương. Thời gian kéo dài như hàng thế kỷ cho một khúc sông vài
mươi thước.
Bùm ! Bùm ! .. Có tiếng súng nổ.
Chúng tôi thất thần quay đầu nhìn về phía sau. Một chiếc tàu tuần của
công an biên phòng vừa bắn vừa đuổi theo con thuyền bé nhỏ của chúng
tôi. Thôi thế là hết ! Tôi rũ người trong niềm thất vọng não nề. Cảnh tù
đầy xen lẫn với hình bóng của mẹ tôi lởn vởn trong đầu.
Quyết
không để bị bắt ông thuyền trưởng rồ ga tăng hết tốc lựccon thuyền như
đang lướt bay trên đầu ngọn sóng. Phía sau chiếc tàu tuần quái ác vẫn
tiếp tục đuổi theo. Tiếng súng càng lúc càng nghe rõ hơn xen lẫn với
tiếng la hét qua loa phóng thanh.
Bỗng dưng
không biết từ đâu một cơn mưa bão ầm ì kéo đến, nước mưa nặng hạt che
khuất tầm nhìn, sóng dữ nhấp nhô dường như ném phăng con thuyền cùng
chúng tôi bay về phía trước. Chúng tôi lăn lóc trên thuyền ói mửa liên
hồi. Không còn một chút gì sinh lực cùng hy vọng tôi ngất đi lúc nào
không hay.
Tiếng người cười nói vang rân đánh
thức tôi dậy. Có người hớn hở cho tôi biết cơn giông đêm qua đã giúp
chúng tôi thoát khỏi sự truy nã của con tàu tuần duyên và hiện tại con
thuyền đang trên hải phận quốc tế. Chúng tôi đã ra khỏi nước Việt Nam an
toàn. Anh Tuấn nhìn tôi mỉm cười rạng rỡ. Dường như tôi thấy Mẹ tôi
đang chắp tay nguyện cầu.
Vì
không có được những dụng cụ cần thiết trong việc hải hành như la bàn,
bản đồ ... chúng tôi chỉ biết dựa theo mặt trời vào ban ngày và trăng
sao vào đêm tối cố hướng con thuyền đi lần về hướng Tây nơi mà chúng tôi
biết rõ là sẽ đến các nước như Malaysia, Thailand hay Singapore nếu có
trệt chút đỉnh về hướng Nam.
Hai ngày đã qua con
thuyền của chúng tôi đang bập bềnh giữa biển khơi nhìn đâu cũng chỉ
thấy toàn nước với trời. Trong cái tĩnh mịch của một đêm không trăng
chúng tôi nhìn thấy có nhiều ánh đèn le lói từ phía xa xa trông như là
một con tàu lớn dựa theo khoảng cách của những ánh đèn. Chỉ chừng vài
phút sau khi ai đó trên thuyền bắn lên một phát hỏa châu để ra hiệu thì
cái vùng ánh sáng đó đến gần hơn. Chúng tôi mừng rỡ vô cùng vì nghĩ rằng
sẽ được cưú vớt bởi một con tàu buôn lớn hay là một chiến hạm của một
quốc gia nào đó. Tôi cố lần đi về phía trước để nhìn rõ hơn.
Không phải là một chiếc tàu lớn mà là bảy chiếc tàu nhỏ. Tàu của hải tặc Thailand.
Đã
quá trễ để trốn chay khi những chiếc tàu to lớn của hải tặc đã vây
quanh con thuyền bé bỏng của của chúng tôi. Rồi thì với súng ông, dao
búa bọn hải tặc hùng hổ nhảy qua tấn công những người trên thuyền đang
bất lực đứng nhìn. Một tên hải tặc đấm tôi một cú vô mặt và vung dao cắt
một đường ngay chân mày. Những tên khác tỏa quanh đánh đập đâm chém bắt
đầu cho cảnh cướp bóc hãi hùng. Bọn chúng cướp hết tất cả tiền bạc,
vòng vàng nữ trang, đồng hồ ... Một vài tên còn nạy banh các miếng ván
đóng khoang hay đáy thuyền để lục lọi tìm tòi xem có thứ gì quý giá cất giấu trong đó hay không. Thuyền nhỏ ít người lại toàn là dân nghèo chẳng
có bao nhiêu để mà cướp nên bọn hải tặc quay qua hãm hiếp tất cả phụ nữ
trên thuyền. Bầu trời đêm của biển vang đầy tiếng rên rỉ khóc than hãi
hùng.
Sau
khi thỏa mãn thú tính bọn chúng ném quăng tất cả những gì còn lại trên
thuyền của chúng tôi xuống biển. Từ thực phẩm, nước uống cho đến xăng
dầu, chai lọ ... Tất cả, tất cả mọi thứ dần chìm ... Kể cả chút hơi tàn
còn sót lại của chúng tôi. Muốn giết người diệt khẩu bọn chúng bắt đầu
dùng mủi tàu thép đâm vào chiếc thuyền con chỉ còn khung gỗ chơ vơ.
Không hiểu sao mà sau nửa giờ con thuyền rách nát của chúng tôi vẫn chưa
chìm nên bọn chúng đổi ý bỏ đi kéo lê theo một số phụ nữ trẻ đẹp.
Giờ
thì chúng tôi đã bi bọn hải tặc bỏ lại giửa biển khơi trên một chiếc
thuyền bể nát không còn một thứ gì, Thực phẩm, nước uống, dầu xăng ...kể
cả vợ con, chị em hay người yêu ...
Bằng
những cái lon nhỏ và tất cả tàn hơi chúng tôi cố tát nước giữ cho chiếc
thuyền không phải chìm sâu hơn. Ai đó đã căng lên một cánh buồm tự
chế. Con thuyền trôi lững lờ không định hướng chừng độ vài ngày thì với
đói khát đã đưa chúng tôi đến mức tận cùng. Một phép mầu nào đó chúng
tôi tìm được một lon nước nhỏ còn sót lại bèn chia nhau mỗi người một
giọt trong ngày cầm hơi. Thằng bé 13 tuổi ngồi kế bên tôi nhặt được một
ít gạo sống lấm le dầu mỡ trên thuyền bỏ vội vào miệng để rồi nôn tháo
ra hết. Mọi người đều mệt mỏi rã rời gục ngã trong tận cùng thất vọng.
Không một ai thốt lên một tiếng nào. Trong cái bềnh bồng của con thuyền
nhấp nhô theo sóng giữa màn đêm tôi chìm dần vào giấc ngủ với hình ảnh
khổ sầu của mẹ tôi. Có thể bà sẽ ray rứt tự trách mình cả một đời cho
cái quyết định làm mất đi hai đứa con trai.
Lại thêm một trận mưa bảo từ đâu kéo đến. Tôi bò ra mạn thuyền ngửa mặt
nuốt từng hạt mưa rơi vào trong cái thân thể tàn tạ của mình cùng lúc
anh Tuấn kéo vội tôi vào phía bên trong vì lo cho tôi sẽ rơi xuống biển.
Vào
một buổi trưa chúng tôi nhận ra được một chấm nhỏ ở cuối bầu trời. Cái
chấm lớn dần lên theo thời gian và hình như chúng tôi nghe tiếng chuyện
trò bằng tiếng Việt. Tàu của Công An biên phòng ? Một người nào đó sợ
hãi lên tiếng. Làm gì có chuyện đó ! Chúng ta đã quá xa hải phận Việt
Nam. Ông thuyền trưởng gạt ngang.
Khi
thuyền trôi đến gần tôi thở phào nhận ra cái chấm nhỏ đó là một chiếc
thuyền vượt biên như chúng tôi. Có rất đông người trên thuyền nằm ngồi
xếp lớp như những con cá mòi trong cái hộp Sardines. Họ đang ra sức giữ
cho hai thuyền không chạm vào nhau vì sợ bị chìm nếu chúng tôi tràn qua
cướp bóc họ. Những người trên chiếc thuyền đó cho chúng tôi biết là sắp
đến Malaysia và bỏ đi về phía trước sau khi thảy qua cho chúng tôi một
thùng dầu nhỏ.
Một thanh niên trong bọn chúng
tôi còn chút sinh lực đã nhảy ào xuống biển tìm cách vớt thùng dầu lên.
Trong sự hãi hùng tột độ chúng tôi đã kéo được anh ta lên lại thuyền chỉ
trước độ một vài giây trước khi hai chân nằm trong cái miệng há toang
của con cá mập .
Với
một ít dầu xăng đó chúng tôi đã cho máy chạy lại được và tiếp tục cuộc
hành trình gian lao vô bến bờ. Khoảng chừng một giờ sau chúng tôi thấy
lờ mờ một khối lớn ở phía đàng xa. Cho thuyền đến gần chúng tôi mừng rỡ
reo hò. Đó là một cái giàn khoan dầu trên biển.
Dường
như đã quen thuộc với những chiếc thuyền vượt biên của người Việt
những người trên giàn khoan thảy xuống cho chúng tôi một số ít thực phẩm
cùng nước uống. Họ cũng tiếp tế cho chúng tôi một ít xăng kèm theo lời
khuyến khích. Đất liền đã gần trước măt. Một công nhân nào đó trên giàn
khoan còn cho tôi một trái táo nhưng tôi không thể nào ăn hơn một miếng
nhỏ. Bao tử của tôi dường như bé nhỏ lại sau bao ngày đói khát. Tôi lại
thiếp dần vào cõi mộng bên tai nghe tiếng anh Tuấn vỗ về. Cố lên ! Đừng
bỏ cuộc. Chúng ta đã gần đến bờ.
Tiếng
chim kêu làm tôi tỉnh giấc mở bừng mắt ra vào sáng hôm sau trước một
quang cảnh đẹp nhứt trong đời. Một bãi cát trắng phau trải dài với những
hàng dừa phất phơ trong gió. Qua màn sương còn sót lại của buổi sáng
tôi còn thấy những điểm chuyển động trên bờ mà khi thuyền tiến đến gần
hơn tôi nhận ra đó là những người vượt biên tị nạn đã đến trước đang dàn
hàng ngang chào đón chúng tôi. Những người Việt Nam tạm trú trên đảo
Paula Bidong thường dùng cái tập tục này hai lần. Một lần chào đó chia
vui người mới đến cùng để thăm hỏi tin tức người thân, chuyện quê hương
bỏ lại phía xa vời. Rồi thêm một lần chia tay với những người may mắn
được rời đảo đi định cư ở một phương trời nào đó. Có thể là U.S.A.,
France hay Germany ...
Trên đời không dễ mà trả
lời câu hỏi Hạnh Phúc nhứt lúc nào. Riêng tôi đó là cái giây phút này.
Hai anh em tôi đã sống còn. Tay trong tay tôi cùng anh Tuấn sánh bước
lên bờ, Mặt đất dưới chân tôi có vẻ như chuyển động theo từng bước chân
tiến về khu tập tiếp đón và tôi lại ngất đi vì kiệt sức.
Khi hồi tỉnh lại trong bịnh viện Sick Bay trên đảo tôi thấy anh Tuân tôi ngồi bên cạnh giường nhìn tôi an uỉ:
- Không sao đâu em.
Tôi khẽ im lặng gật đầu. Tuy là đã rời xa đất nước, cha mẹ , anh em nhưng anh em chúng tôi đang có nhau và chúng tôi sẽ sống.
Mâý mươi năm sau khi tôi viết những dòng chữ này thì anh Tuấn lại đi trước tôi thêm một lần nữa. Anh đã đi về cõi an bình.
Rồi thì anh em mình cũng sẽ gặp lại nhau thôi. Anh Tuân ơi.
JIMMY TRAN
Bút Ký: VĨNH BIỆT TUÂN - Nguyễn thị Thêm
Những ý từ phát sinh từ lúc biết Tuân đang đối phó với
căn bệnh thập tử nhất sinh này. Đôi mắt của Tuân và nụ cười không trọn vẹn mấy
lần gặp mặt, khiến tôi chú ý em nhiều hơn.
Tuân là chồng của Kim Loan Nguyễn Trần một cựu học
sinh năng nổ của ngôi trường Trung Học Long Thành. Em là con gái bác Đại Tín một
người mà dân Long Thành không ai không biết. Duyên đưa đẩy, Dung (chị ruột của
Loan) lại là em dâu họ của chồng tôi. Cho nên giữa chúng tôi cũng có chút thân
tình.
Loan Trần từng sinh hoạt trong gia đình Phật Tử
Khánh Long nên em rất hoạt bát và năng động. Em đi đến đâu nơi nó có thêm sức sống.
Tính em luôn xông xáo tham gia và tích cực trong mọi hoạt động của trường THLT
và những hội đoàn.
Trường chúng tôi có hai Loan: Loan Trần và Loan Huỳnh.
Cả hai Loan đều là nồng cốt của Ban Chấp Hành hội Cựu học sinh Trung Học Long
Thành. Loan Huỳnh lo thủ quỷ. giữ tiền không mất một đồng. Loan Trần trong ban
Tổ Chức và Văn Nghệ. Em nhiệt tình và hát rất hay .
Tôi yêu cả hai em và thật lòng rất thương mến hai em
rễ : Đặng Minh của Loan Huỳnh và Trần Tuân của Loan Trần.
Nếu Minh của Loan Huỳnh to con chụp hình đẹp và chạy marathon có tiếng, thì Tuân của Loan
Trần gầy gầy, ít nói và có râu. Cả hai rễ Long Thành đều rất yêu vợ và nhiệt
tình với tất cả hoạt động của trường.
Điểm gây cho tôi chú ý đến Tuân là bộ râu của em và
dôi mắt buồn buồn. Tôi ít khi thấy Tuân cười đùa với bạn bè. Có thể vì tôi ít
khi gặp mặt em nên không biết nhiều về em lắm. Nhưng trong tôi Tuân thật dễ
thương và có gì đó trầm tư sâu lắng.
Bạn bè rất mến Tuân và Loan vì hai em sống hết lòng
với họ. Nơi nào các em tới cũng rộn rã tiếng cười. Đi về Việt Nam thăm bạn bè,
đi chơi chỗ này chỗ kia và nhất là tham gia các hoạt động từ thiện. Loan post
lên Face book mỗi ngày cho từng những chuyến đi. Em lưu giữ rất nhiều hình xưa
của gia đình và một thời đi học. Em đã giúp tôi tìm lại hình ảnh thân thương của
Long Thành ngày đó.
Lần đầu tôi biết Tuân bị bệnh là giữa năm 2016. Cả nhóm
Long Thành như hụt hẫng. Thương Tuân và thương Loan nhiều lắm. Tôi đã thấy Loan
post lên rất nhiều hình của hai đứa đi chơi. Chỗ nào em cũng chụp hình hai vợ
chồng rất tình tứ và hạnh phúc. Lúc đó, tôi biết Loan dành hết thời gian và
tình yêu cho Tuân. Em muốn Tuân hưởng những ngày vui để chống chọi với nhựng tế
bào dị dạng đang tìm cách hủy hoại cơ thể. Tôi theo dõi từng chuyến đi của em.
Tôi mong cho Tuân lành bệnh cũng như
ngày nào đó tôi cầu nguyện cho Lộc vượt qua khúc quanh tàn khốc của đời mình .
Đọc một bài viết của em trai Tuân (Jimmy Tran) tôi lại
mến Tuân nhiều hơn. Em đã cùng em trai vượt biển tìm tự do trong hoàn cảnh bi
đát của đất nước. Để dọn đường và che mặt chính quyền em đã theo tàu đi đánh cá
suốt cả năm. Khi cơ hội đến, Tuân cùng em trai lên tàu vượt biên. Jimmy lúc đó
mới 15 tuổi và trong túi chỉ võn vẹn có 10$ má cho đem đi. Con đường đi tìm tự
do phải đổ bằng máu ,nước mắt và đánh đổi với chính mạng sống của mình.
Tàu bị hải tặc tấn công, chúng cướp toàn bộ những gì
chúng lục soát. Chúng hiếp dâm và đem đàn bà con gái ra đi. Chúng đâm thủng tàu
để tàu chìm phi tang. Chúng là một lũ súc sinh tàn bạo. Chúng rút đi trong tang
thương và tàn khốc. Jimmy ngấy xỉu vì bị chúng đánh vào mặt. Nhờ trời thương,
con tàu mong manh vẫn chưa chìm chỉ bập bềnh trên biển phó thác cho trời vì
xăng dầu đã bị chúng lấy sạch.Qua bao trở ngại và chết chóc, con tàu cũng được
đến đảo Pulau Bidong. Tỉnh dậy trong cơn say sóng và đói khát, anh em Tuân bước
lên bờ bằng những bước chân chệnh choạng say đất liền. Đến đảo là thoát chết,
cái chết như treo trên đầu những người đã chọn con đường vượt biển tìm tự do.
Jimmy phải nằm bệnh viện Sick Bay nhiều ngày vì bị
thương và kiệt sức. Đây không phải là nơi dễ dàng để sống, nhưng ít nhất cũng
là nơi khởi đầu cho bước chân tìm đến miền đất hứa. Tuân đã cố gắng và đùm bọc
em trai cho đến ngày hai anh em bước lên cầu tàu Jetty để lên phà tới đất liền.
Từ đây sẽ lên xe buýt đến Kuala Lumpur tạm trú. Sau đó lên máy bay để đến
Bataan Philippine một nơi chờ hoàn tất thủ tục đi định cư. Cuối cùng anh em
Tuân đã được đi Mỹ, miền đất hứa California.
Những ngày sống trên đảo, Tuân đã gặp Loan Trần. Hai
em đã tìm hiểu và kết bạn. Tình yêu thăng hoa theo những ngày gian lao và sinh
hoạt chung trên đảo. Đời sống và tương lai những người tị nạn, không ai có thể
biết được sẽ ra sao và đi về đâu. Kẻ trước người sau theo từng đợt thanh lọc và
sắp xếp chuyến bay của Phòng Cao Ủy Tị Nạn. Có nhiều cuộc tình khởi đầu rất đẹp
trong trại rồi tan vở theo từng đợt rời trại. Thế giới rộng lớn, số phận con
người như lục bình trôi không biết sẽ tấp vào một nơi nào. Tùy theo lòng thương
xót của người có lòng ở Úc, Pháp, Canada, Mỹ...bảo trợ . Từng đợt gọi lên đường
với nụ cười mừng vui vì đã được đi định cư, hòa theo nước mắt phân ly không biết
bao giờ gặp lại.
Tuân và em trai từng đợt đều đi trước Loan và như ơn
trên sắp đặt, hai em được kết hợp một cách mỹ mãn và hạnh phúc cho đến bây giờ.
Tuân là một người chồng tốt, một người bạn chân
thành. Họp mặt THLT lần nào có Tuân là em xốc vác lo mọi việc. Em không nói nhiều
chỉ dùng tấm lòng và hành động trao ra. Nhiều lúc tôi có cảm giác như Loan hoạt
bát, năng nổ lấn át cả hình ảnh nhỏ nhắn hiều lành của Tuân luôn đi theo Loan để
hổ trợ.
Những ngày Tuân nhập viện Loan luôn kề cận và khuyến
khích tinh thần. Em tin tưởng Tuân sẽ đem tình yêu và nghị lực để chiến thắng.
Từng đợt điều trị, Tuân xuất hiện trong những lần gặp mặt với đầu trọc , gương
mặt mệt mõi, đau đớn và đôi mắt thật buồn, làm tôi thương em nhiều lắm.
Hỏi thăm ai cũng nói Tuân chắc không vượt qua được
vì ung thư đã lan nhiều nơi trên cơ thể. Thời gian chỉ là chờ đợi một phép lạ
hay phước duyên. Bạn bè ở VN gửi qua từng đợt thuốc dân gian để Tuân uống
"Phước chủ may thầy" Tôi biết Tuân và Loan phải đấu tranh nhiều lắm.
Đấu tranh với cơn bệnh, đấu tranh với chính mình để không ngã gục và suy sụp
tinh thần
.- Gắng lênTuân,- Gắng lên Loan - Đừng bi quan
Tuân.-Đừng nản chí Loan- Những lời cổ vũ như tiếng phèn la thúc trận, để người
chiến sĩ mạnh dạn trước sự tấn công âm thầm và vô hình của kẻ địch.
Thứ hai Đặng Minh, Loan Huỳnh , Ngọc Dung , Ngọc
Hương , Thanh Hương có đến thăm Tuân. Tôi gọi hỏi thăm các em cho biết Tuân vẫn
tỉnh nhưng chắc không qua khỏi . Ai cũng ngậm ngùi thương Tuân và Loan quá .
Sáng nay vào FB, thấy Nam post lên :
" Chiều nay, dọc đường thiên lý về San Jose.
Buồn vô tận,
Buồn trong nước mắt"
Tôi đã nghi có chuyện gì rồi. Và chuyện ấy buồn ấy
đã đến với mọi thành viên cựu học sinh THLT. "Tuân đã rời bỏ chúng
ta"
Hãy yên nghĩ đi Tuân. Em giỏi lắm. Em kiên cường lắm.
Em đã gánh vác đau đớn nhiều quá rồi. Hãy thanh thản ra đi. Em hãy tin tưởng Loan
sẽ vượt qua tất cả để kiên cường đứng lên. Là người con của Phật, thành viên của
gia đình Phật Tử Khánh Long, Loan hiểu
rõ về luật tử sinh và sinh mạng con người. Loan sẽ tìm nơi an trú cho tâm hồn
mình một cách thỏa đáng.
Các con em đều
đã lớn, chúng có thể tự mình đứng vững trong cuộc sống nơi này.
Chị gửi vào đây một bức hình hai em để em biết tình
yêu em bỏ ra cho Loan thật xứng đáng. Và trong tim Loan luôn có hình bóng em.
NGUYỄN THỊ THÊM
Saturday, March 25, 2017
TIN BUỒN
Thanh
that chia buon cung Kim Loan va tang quyen. Cau xin linh hon Tuan an
nghi Kim Loan co day du nghi luc de vuot qua noi mat mat nay.
Co Huyen va gia dinh.
_____________________________________
Nhìn Tuân lần cuối....Bây giờ không còn đau đớn nữa.
Cầu mong Tuân bình yên an nghỉ dù ra đi nhưng Tuân vẫn còn mãi mãi trong long mọi người.
Chia sẻ sự mất mát to lớn này với Kim Loan Trần - hai cháu và đại gia đình.K.Loan cố gắng
giữ gìn sức khỏe để vượt qua mọi khó khăn và thương xót .
Cầu mong hương linh Tuân sớm được siêu thoát.
Chi & Hương
______________________________________
Thành thật chia buồn với Kim Loan và gia đình. Nguyện cầu linh hồn Tuân được an lành nơi cõi vĩnh hằng.
Cô Chinh
______________________________________
Gia đình Bửu và Phượng Liên thành thật chia buồn cùng Kim Loan và gia đình.
Nguyện cầu hương hồn Tuấn sớm về cõi Phật
Cô Phượng Liên
______________________________________
Xin thành thật chia buồn đến KIM LOAN cùng gia đình.Châu Thúc Hinh, Châu Thúc Trân
______________________________________
Tuân, người bạn yêu quý của hầu hết bạn bè, người anh bản lĩnh và đầy trách nhiệm, người chồng người cha hết mực yêu thương gia đình.. Đã thực sự ra đi, một mất mát quá lớn. Từ lúc sáng đến giờ, sau khi nghe hung tin, mình không làm gì được cả Cứ hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp, những tình cảm ám áp mà chúng mình đã có với nhau... Mình không thể nào ngừng rơi nước mắt.
Tuân
ơi, bạn hãy an nghĩ nhé. Bạn sẽ mãi mãi ở trong tim tụi này. Nếu thật
sự có kiếp sau, mình xin được làm bạn với Tuân Loan như đã từng..!
Kim Lang
______________________________________
Xin thành thật chia buồn cùng Kim Loan Trần và gia đình, cầu xin hương
linh Tuân sớm an nghĩ chốn Vĩnh Hằng. Mong Kim Loan Trần giữ gìn sức
khỏe và nhiều nghị lực để vượt qua sự mất mát và đau buồn nầy.Cô Thảo Võ
______________________________________
Mới thăm Tuân tối thứ hai hôm nay đã mất rồi, buồn quá!
Xin chia buồn cùng bạn hiền KL, hai cháu và gia đình.
MinhLoan
Gia đình Huỳnh Long
Gia đình Huỳnh K Chí______________________________________
Một thành viên nềng cốt của BTC HN THLT đã ra di. Xin chia buồn cùng Kim Loan Trần và gia đình. Cầu mong Tuân bình yên nơi cõi vĩnh hằng.
Phạm Quỳnh Chi
______________________________________
Cầu nguyện Tuân bình an nơi cỏi Vĩnh hằng.
Chia buồn cùng Kim Loan, hai cháu & gia đình với nổi buồn mất mát to lớn này.
Thương lắm.Trung Hương
______________________________________
Gia đình họ Đặng (Thành, Long, Dân, Thanh, Bình, An, Nhàn) ở Long Thành chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng gia đình chị Kim Loan và xin cầu nguyện cho lính hồn của anh Tuấn được sớm ăn nhàn ở chốn cực lạc.
An Đang
______________________________________
Mến chào quý anh chị em,
Vô
cùng thương tiếc báo tin cùng Gia đình THLT, Tuân, chồng của Kim Loan
Trần đã từ bỏ chúng ta lúc 2 giờ sáng nay, sau khi gia đình đã vào thăm
nói chuyện với Tuân lần cuối và quyết định cho
Tuân ra đi để không còn đau đớn nữa.
Minh Loan, Dung, Ngọc Hương và chị Đinh Hương đã có dịp đến thăm Tuân lần cuối trong ngày thứ hai vừa qua không ngờ chỉ trong vài ngày hôm sau Tuân đã không còn nữa, tội nghiệp và thương Loan quá!
Xin
chân thành chia buồn với Loan và toàn thể gia đình Bác Đại Tín. Nguyện
cầu linh hồn Tuần sớm về an nghĩ chốn Vĩnh Hằng và Loan thêm nghị lực và
sức mạnh để vượt qua sự khó khăn và đau buồn này.
Cô Ngọc Dung
______________________________________
Thơ: TIỄN ĐƯA TUÂN - Nguyễn thị Thêm
Sáng nay xem trên FB mới biết Tuân đã ra đi.
Thương em ấy lắm. Một người hiền hòa ít nói và đầy nghị lực.
Thành thật chia buồn với Loan và đại gia đình bác Đại Tín.
Hãy mạnh dạn lên đi Loan trong sự mất mát đau lòng này.
Nhóm gia đình THLT luôn ở bên em để chia sẻ buồn vui.
Nguyện hương linh Tuân được an lành nơi cõi vĩnh hằng.
Thay mặt gia đình
Chị Thêm
Friday, March 24, 2017
Friday, March 17, 2017
Sunday, March 12, 2017
Tốc Ký: CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG - BĐNS
A Di Đà Phật,
Bẳng đi môt thời gian khá lâu rồi bần tăng mới đụng tới cái bàn phím đánh máy. Bần tăng đánh máy như gà mổ lọc cọc mà vẫn còn nhanh nhẹn chán, chỉ có chuyện bỏ dấu sao mà lọng cọng quá, hehehe ...
Từ ngày hai bà vãi già đi về quê ăn Tết rồi không trở lại, cảnh chùa vắng vẻ quạnh hiu, rồi bà vãi trẻ cũng bỏ đi nốt. Hôm đó sau bửa tụng kinh trưa, bà vãi trẻ ngập ngừng thưa chuyện với bần tăng: "Bạch thầy, con nhờ lòng từ bi bác ái của thầy mà nương náu cửa Thiền cũng đã được 8 năm. Bây giờ kinh tế nhờ ông Donald Trump nên
cũng phất lên được, con đã xin được việc làm và có thuê được một apartment nho nhỏ cho nên con xin thầy mở lòng từ bi hỷ xả cho con được hoàn tục với đời ...". Tuy cũng hơi bi xốc nhưng bần tăng cũng thông thả từ tốn chắp tay lên ngực mà rằng: "Thiện tai! Lúc con đến chùa xin thí phát quy y, nhìn bộ vó của con thầy cũng đoán biết chốn Phật đường không phải là chổ tá túc lâu dài cho con, trước sau gì ngày này cũng xảy ra, cửa từ bi lúc nào cũng rộng mở, khi con đến thì thầy ân cần, con ra đi thầy
cũng chúc con được nhiều may mắn trong cỏi hồng trần ..." Bà vãi trẻ có chút ngậm ngùi, lấy khăn giấy chậm lên mắt rồi gọi Uber đi mất ...
Từ khi bà vãi trẻ ra đi cảnh chùa lại càng thêm vắng
vẻ. Hình như là thiện nam tín nữ tới thảo am là để nghe kinh kệ của bà vãi trẻ, bà đi rồi bần tăng không thấy ai
đến vảng cảnh chùa nữa. Cái thùng cúng dường không ai đụng tới đóng một lớp bụi dầy. Thỉnh thoảng có một vài Lan và Điệp nào đó đến cửa chùa giật chuông lia lịa. Bần tăng mừng húm vội vàng khoác chiếc áo
tràng rồi mở cửa cho khách thập phương thăm chùa. Dè đâu
không phải khách vảng chùa mà là mấy cậu thanh niên đến dụ khị bần tăng mua bảo hiểm nhân thọ. Bần tăng mới cười hè hè mà bảo họ rằng: "Bần đạo già rồi, sống nay chết mai, mua bảo hiểm làm gì, mà đức Bồ Tát chắc cũng không muốn nhận tiền bảo hiểm bồi thường đâu, hehehe ..." Tiện tay bần tăng cầm thùng cúng dường giơ ra trước mặt họ: "Sẳn các thí chủ đến Phật môn, có gì cúng dường cho thảo am không? hehehe ... "Họ lắc đầu... nice try... rồi bỏ đi luôn, hehehe ....
|
Thấy thảo am ngày càng vắng vẻ quạnh hiu, khách vãng lai quá thưa thớt, bần tăng sợ thiên hạ quở là chùa Bà Đanh nên bần tăng quyết
định tạm đóng cửa thảo am, ngoài cửa tam quan bần tăng dán bảng "Sư ông
tu tịnh" rồi khóa cửa bế quan nằm
thiền... hehehe ...
Nhờ bế quan ngọa thiền mấy năm nay mà bần tăng mới có cơ hội nghiền ngẩm quyển sách "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse do Sư Bà Trí Hải dịch. Đây là lần thứ 3 bần tăng đọc quyển sách này. Lần đầu tiên bần tăng đoc nó là vào khoảng 1970. Lúc đó ông anh rễ vừa mới lập gia đình với bà chị của bần tăng. Anh chị không ở chung nhà với bần tăng nhưng không hiểu sao cái kho tàng tủ sách của ông anh rễ lại nằm thù lù trong góc nhà bần
tăng. Lúc đó bần tăng mới 12 tuổi, ngoài kinh kệ ra bần tăng chỉ biết đọc sách Tuổi Hoa thôi. Hôm đó bần
tăng tò mò muốn khám phá cái kho tàng của ông anh rễ. Lẩn lộn trong đám sách triết học khô cằn là bộ sách Tam Quốc Chí khổng lồ, Moby Dick, Thủy Hử, bần tăng lôi ra được cuốn sách mỏng nhất là quyển Câu Chuyện Dòng Sông. Cuốn sách này thật là nhàm chán, vậy mà
bần tăng cũng cố gắng đọc cho hết. Từ đó bần tăng nhìn ông anh rễ như một vĩ nhân, bởi vì chỉ có đầu óc của một vĩ nhân mới có thể "nhá" được những cuốn sách khô khốc như vậy, hehehe ..
Thôi
tới giờ bần tăng phải đi dóng trống dộng chuông nấu nước cúng Phật rồi đi ngọa thiền. Bần tăng xin tạm ngưng ở đây, nói dài quá mỏi tay
mỏi miệng. Khi khác bần tăng sẽ kể tiếp Câu Chuyện Dòng Sông,
hehehe.....
Tổng chào, guốc bay, adios amigos, ô kê sa lem, hehehe.....
Nam
Mô A Di Đà Phật,
BỒ ĐÀ NGHIỆT SƯ
|
Subscribe to:
Posts (Atom)