Saturday, June 15, 2013

Thơ: LÀ ANH, NGƯỜI ANH RỄ - Huỳnh Phạm Nguyễn

Anh em tôi mang hai dòng máu
Mọi người đều nói chúng tôi Tàu lai
Tới đời tôi - đời thứ hai
Coi như là ...mất gốc !

Chúng tôi ăn mắm nêm
húp nước mắm
Nói tiếng Việt ròng
Còn tiếng Tàu thì...ngọng !

Chị Ba tôi - như những cô gái khác
Sống ở vùng quê
Một làng con xơ xác
Chị lấy chồng rất sớm
Khi tuổi chớm xuân hồng.
Chồng chị là người Việt
Rặt Việt Nam....rất Việt Nam.
Anh là con rể
Ba tôi bắt rể
Anh trở thành con trai lớn trong nhà.

Ba tôi gửi anh lên Chợ Lớn
Học tiếng Tàu, học nghề thuốc Bắc
Anh giúp Ba trông coi cửa tiệm
Anh bốc thuốc, bán thuốc, chế biến thuốc
Anh làm thuốc tể, anh tán cao đơn
Cái gì thuộc về thuốc, anh đều làm tuốt tuộc.
Bây giờ anh giống Tàu, rất Tàu
Tàu còn hơn đám em vợ rất...Tàu lau...
Anh siêng năng chăm chỉ
Anh tốt bụng, hiền lương
Trong nhà tôi gọi Anh Ba
Bà con chòm xóm thân thương
Gọi anh là Chú Sáu
(Chú Sáu kỹ thuật)

Năm tôi ra đời - đứa con thứ Mười Một
Chị săn sóc Má
Vài tháng sau chị đập bầu
Má loay quay lo cho chị và cô cháu ngoại đầu lòng
Hai năm sau em gái tôi lọt lòng
Cô gái út thứ Mười Hai
Anh chị cũng có thêm đứa con trai
Với Tàu, con trai là của quý
Hai Dì cháu sanh cùng năm - năm Quý ty...

Chúng tôi bốn đứa cùng lớn lên bên nhau
Cùng đùa vui, phá phách
Đánh lộn, giành ăn
Bị đòn đau - cùng khóc.

Anh rể tôi trở thành Ông Giáo
Dạy chúng tôi những chữ cái đầu tiên
Tập đồ, đánh vần, tập viết
Dạy cửu chương, làm toán cộng, toán trừ...
Anh làm việc trong phòng tán thuốc - chái nhà trên
Chúng tôi ngồi học ở bàn ăn nhà dưới
Dù rất ham chơi
Rất thèm lục giõ đồ chị vừa đi chợ về
Nhưng không đứa nào nhúc nhích
Bởi cây roi mây anh để cạnh bàn cứ nhìn bốn đứa tôi chầm chập...

Tôi rất ngang bướng
thường đánh lộn ngoài đường
Hay bày trò chơi chiến tranh
và đánh trận cùng bọn trai hàng xóm.
Tôi tuổi Mẹo cầm tinh Cọp xám
Làm ná thun bắn mấy thằng gọi tôi là Chệt, đuỗi tôi cút về Tàu.
Bị người mắng vốn nhiều nhất
Bị ăn đòn nhiều nhất
Những trận đòn từ Ba và ông anh rể
Anh rể nhưng đánh em vợ rất...thiệt tình.
Tôi cứng đầu nhiều lúc làm chị bực mình
Chị mắng tôi là thằng lỳ lợm.

Năm tôi mười chín tuổi
Đang học ở Biên Hòa
Được mấy tháng bỏ ngang vào Quân Đội
Tôi đón tết ở quân trường
Nhớ anh em, bè bạn, người thương
Ôm nổi nhớ ngồi lau khẩu súng
Người đưa Ba lò dò đến thăm tôi
Là anh - người anh rể.

Năm tôi hai mươi ba
Mổ ghép xương trong Tổng Y Viện Cộng Hòa
Cùng cô gái lớn tìm thăm
Là anh - người anh rể.

Những năm tháng nhục nhằn trong các trại giam
Rừng sâu, núi thẳm
Chị Bảy tôi lại vừa vượt biên
Người thay chị xách đồ thăm nuôi tôi
Là anh - người anh rể.

Rời trại tù trở về
Tôi theo anh lên rẫy trồng khoai
xuống đồng trồng lúa
Chia nhau nhúm rau đắng, hủ tương chao
Anh lội ra biền bứt mấy cộng kèo nèo
ngắt vài bông giá thao
Nồi cơm nước sông bốc khói ngạt ngào
Hai anh em ngồi ăn giữa đồng
Trong gió thoãng, mùi phù sa ngai ngái...

Mổi lần nấu nồi cháo rắn
vài con chuột đồng xào lăn
Anh gọi tôi đến nhà uống với nhau vài xị đế
Nhìn anh cười, sao thương anh quá thể
Tận tụy bên nhà vợ bao năm trời không một tiếng than van
Là rể, nhưng không là anh rể
Là anh trai, anh làm cả người Cha
Tôi muốn nói với anh tiếng cám ơn
Tôi muốn nói với anh lời xin lổi
Cám ơn tất cả những gì anh đã cho
Xin lổi tất cả những gì anh đã nhận
Nhưng vì quá ngượng ngùng, tôi uống vội chất men cạy

Bị bệnh nặng anh phãi mổ hai lần
Đến cuối đời hai lần đào huyệt mô.
Người ta bảo đó là số phận
Tôi chưởi cha số phận
Số phận gì, sao nghiệt ngã với anh tôi?

Hôm nay nhớ anh nhiều
Tôi đến bên bàn thờ đốt mấy nén nhang
Bàn thờ không có khung ảnh anh
Chỉ có hình Nội và Ba Má
Nhưng tôi biết anh vẫn ở đâu đây rất gần
Bên cạnh Ba như tự thuở nào..
Tôi thầm thì với anh hai tiếng cám ơn
Tôi chân thành nói với anh những lời xin lổi
Nước mắt tôi rơi trong tiếng cám ơn và xin lổi..muộn màng.....

                         HuỳnhPhạmNguyễn
                              tháng 6, 2013

1 comment:

  1. Bài thơ hay quá.
    Cám ơn em đã trao tặng cho bạn bè những chân tình rất thật. Có những người anh rễ, người chị dâu đã thay thế cha mẹ lo cho gia đình.
    Thương và kính phục họ lắm.
    Chị Thêm.

    ReplyDelete