Cuối
cùng thì Cali trời cũng mưa, không hào phóng như mưa ngày xưa ở thị trấn nhỏ
Long Thành vỏn vẹn có hai con đường nhựa đi lên đi xuống, không xối xả làm mờ
mắt con nhỏ hàng xóm tắm mưa ngày nào sau hàng dăm bụt trong cái xóm nhỏ ấp
Linh Đông Thủ Đức, nhưng cơn mưa đủ lớn để mang ta đi xa vào miền ký ức.
Ngày
đó trong căn nhà nhỏ, ánh sáng vàng nhạt chập chờn từ ngọn đèn dầu đóng khói
như đồng lõa với tiếng mưa lộp độp trên mái tôn, tiếng ếch nhái ngoài bờ ao tạo
nên bản giao hưởng não nề, mang người ta vào một thế giới khác. Mưa đêm quyến
rũ vì nó mang âm thanh của kỹ niệm. Những hạt nước khi lóng lánh dưới ánh đèn
đường, lúc nhảy múa trong các vũng nước, giữa tiếng ồm ộp của đám ễnh ương
dưới ruộng và tiếng rít rít của lủ dế mèn tìm nhau. Những âm thanh lặp đi lặp
lại ngày này qua ngày khác, tạo thành một phần đời mà khi xa nó ta cảm thấy
hụt hẫng. Và vì nó buồn. Buồn như câu hát dạo đầu “chuyện từ muôn thủa, tiếng
mưa có vui bao giờ…” trong một bản tân cổ giao duyên rỉ rã từ cái loa của ông
bán xà bông bên hông chợ Long Thành ngày xưa, bài vọng cổ trở nên ảm đạm và
lạc lõng trong tiếng mưa của những ngày chợ ế thưa người. Ai nói buồn không
quyến rũ? Buồn đep lặng lẽ và chỉ đến khi ta thấy trống trải, gặm nhấm khi ta
cảm nhận. Tôi nghĩ thi sĩ đi vào cõi thơ vào những đêm mưa rỉ rả hay những
lúc trống vắng giống như vầy. Ai không tin thì ... đi mà hỏi họ hehehe.
Hồi
đó nhiều khi lẫn trong tiếng mưa sấm chớp, là những tiếng nổ long trời vỡ
mộng xé toạc màng đêm từ cái đồn lính bị pháo kích cách nhà không xa, rồi đột
nhiên tiếng pháo câm bặt để lại sự im lặng đến lạnh người. Những lúc đó thằng
nhóc phải kéo cái
|
mền rách trùm kín đầu để có cảm giác được che chở mà trông
cho trời mau sáng! Làm gì có chuyện “thong thả giọt đàn bầu” ru ngủ mà ai đó
bịa ra, trong những đêm hãi hùng đeo đuổi thời thơ ấu của thằng nhóc. Không
nghe tiếng pháo kích của mấy cha đã là quí lắm rồi. Nhưng thôi quên chuyện đó
đi, để tôi trở lại chuyện mưa, một chuyện mưa không buồn.
Hồi
đó nhà tôi có cái gác trệt nền gổ vừa để cách nhiệt cho tầng dưới vào mùa
nóng, vừa là giang sơn về đêm cho anh em tôi. Trên gác có cái cửa sổ trước
nhà nhìn ra con đường đất chạy dài từ đường cái, xuyên qua cái xóm nhỏ rồi
dừng lại trước nhà tôi. Cũng qua cái cửa sổ này, ánh sáng huyền áo của những
đêm trăng tròn vắt vẻo trên bụi tre mạnh tông trước nhà, mang chị Hằng đến
căn gác nhỏ. Là nơi chiều chiều, tôi hay nhìn ra đầu ngõ mỗi khi có chiếc xe
lam đậu lại, để xem mẹ đi chợ về chưa. Từ đầu ngõ bà khệ nệ xách chiếc giỏ
nặng, dáng nghiêng nghiêng, bóng mẹ đổ theo nắng chiều. Thường mỗi khi ra chợ
Thủ Đức, mẹ tôi hay mang về khi thì mấy bịt chè, khi thì mấy gói xôi trong lá
chuối, hay mấy ổ bánh mì thịt, dăm trái bắp luộc, hầu như lúc nào bà cũng có
quà cho anh em chúng tôi…
Nhìn
ra ngoài cửa sổ này, sau hàng dăm bụt làm ranh giới là nhà hàng xóm, dưới
hiên nhà họ để một cái lu hứng nước mưa. Con bé hàng xóm có lần đã tắm mưa ở
đó, vô tư, trần như nhộng. Lúc đó cô ấy đã khá lớn còn tôi thì không quá nhỏ
và đủ xảo quyệt để cảm nhận cái đẹp mà tạo hóa đã ban phát cho trần gian!
Thật hiếm hoi, bữa đó mưa không buồn nhưng ngắn quá! Đời là vậy, cái gì ngon
thì ít, hay thì ngắn, những tình cờ ngọt ngào cũng vậy, như cơn gió thoảng
nhưng dư âm của nó có khi vang vong cả đời người.
Hành
trang mang đi nửa vòng trái đất từ 20 năm qua không còn lại gì ngoài những
mảnh ký ức này, lâu lâu trong những thoáng mưa về, nó lại hiện ra như những
cánh lục bình bềnh bồng trên sông mùa nước nổi.
San
Jose, 10/11/2016
HIEN TRAN
|
Sunday, October 29, 2017
Hồi Ký: MÙA NƯỚC NỔI - Hien Tran
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment