Friday, July 27, 2018

Bút Ký: GỬI ÔNG - Tâm Thụy




Con đã có được một diễm phúc rất lớn của một đời người, đó là được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà nội. Theo những gì mẹ con đã kể, đó là khi con còn rất nhỏ, con đã được ông bà nội dỗ dành chăm sóc, được ông nội ẵm bồng và vỗ về khi con khóc, được đút từng miếng ăn, được ru từng giấc ngủ. Khi lớn lên sau này, con cũng đã tự mình nhìn thấy được sự thương yêu đó của nội qua những lời dạy bảo ân cần. Đặc biệt nhất là những lần khi có dịp gia đình xum vầy vui vẻ. Ông nội thường luôn khuyến khích con cháu cố gắng học hành để sau này có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Suốt bao năm tháng qua, đối với con, ông nội đã luôn luôn là một tấm gương sáng cho con noi theo. Bởi vì ông nội đã là một người chồng, người cha hoàn hảo nhất trên đời đối với bà nội. Ông nội đã một lòng yêu thương bà và con cháu suốt mấy mươi năm trên đường đời đầy đau thương, gian khổ. Con cũng được biết một chút lược sử của ông qua những lời người lớn thuật lại. Đó là lúc ông còn bé, ông đã không may mất đi song thân của mình trong thời lửa đạn. Sau này, ông đã lớn lên trong cô nhi viện, và rồi học tập và gia nhập vào quân đội của miền nam Cộng Hoà. Những năm tháng ấy, chắc là ông đã cô đơn lắm. Nhưng nỗi cô đơn này cũng đã vơi đi phần nào, khi ông đã gặp được bà nội và lập nên gia đình ta từ đó. Sau những biến đổi của đất nước, cuộc sống gia đình nội đã trở nên khó khăn hơn. Đau lòng thay khi ông và bà nội đã phải đành chia tay, ngắm nhìn người con trai đầu lòng của mình ra đi về nơi sóng gió biển cả để tìm tự do, với niềm hy vọng cho con mình và gia đình sau này có được một ngày tốt đẹp hơn trên một đất nước mới. Ông và bà nội cũng đã tận tụy với gia đình, với những người em nhỏ còn ở lại Việt Nam, vượt qua những sự nghèo khó bằng những gánh hàng bún riêu bún bò trên chiếc xích lô nặng nhọc. Cứ như thế, ngày ngày ông nội phụ bà nội và chở bà ra chợ bán buôn mỗi sáng sớm, và đưa bà về lúc chiều tối, để kiếm tiền mà nuôi các con mình khôn lớn.
Chắc là ông bà nội đã vui mừng lắm, khi hay tin người con cả của mình đã bình an sống sót trên miền đất hứa. Chắc là ông và bà nội đã khóc rất nhiều, với những giọt nước mắt tràn đầy nỗi niềm hy vọng. Chính niềm hy vọng ấy đã là động lực cho ông tiếp tục vượt qua mọi gian khổ nhọc nhằn, để cho đời con và các anh chị em con có được như ngày hôm nay.
Theo những gì con thấy, ông nội có một tình yêu thương con cháu rất bao la. Tuy ít khi nói ra bằng lời, nhưng ông đã thể hiện tình yêu thương của mình rất rõ ràng qua những hành động, và những lời dạy bảo chân thật từ đáy lòng. Ông và bà nội luôn là một cầu nối giữa các gia đình con cháu, là niềm an ủi khi có chuyện bất đồng trong gia đình, và cũng là quê nhà tổ ấm của mọi người thân quyến về xum vầy mỗi khi có dịp lễ lộc.
Suốt những chuỗi ngày sống dưới mái nhà chung, chưa có khi nào ông bà nội rầy la đánh mắng con, mà lúc nào ông bà nội cũng giành cho con những lời dịu ngọt. Giờ đây, ông nội đã không còn trên cõi đời. Nhưng ông nội vẫn mãi sống trong thân tâm con, từ từng dòng máu đến từng tế bào da thịt. Những gì mà ông nội đã để lại trong tâm trí con giờ đây không phải chỉ là những giọt nước mắt u buồn, mà còn đó tất cả những kỷ niệm vui đẹp hiền hoà của tuổi thơ con. Con biết rằng dù mình có đi đến đâu, có đến chân trời góc bể nào cũng không thể tìm lại được những ngày tháng đó. Để đáp lại ân tình sâu đậm, con xin được bày tỏ tình thương yêu và lòng hiếu thảo của con cho ông nội qua cách sống của mình, phải là một người có đạo đức, là một người biết yêu thương gia đình và mọi người xung quanh, và là một công dân có ích cho xã hội.
Và con cũng mong rằng, các cô chú bác và anh chị em của con ở đây và ở quê nhà, chúng ta sẽ cùng trả hiếu cho ông bằng tấm lòng chân thành của mình. Anh chị em sẽ đùm bọc yêu thương nhau. Chúng ta hãy gác lại những sự khác biệt, mà hãy giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi hoạn nạn. Tất cả chủ yếu là để cho cuộc đời còn lại của bà nội được yên lòng ấm dạ trong những chuỗi ngày thiếu vắng ông, và cho ước nguyện của ông được vẹn toàn.
Ông nội ơi! Ông hãy thanh thản trở về với tổ tiên, đất trời. Con sẽ cố gắng sống tốt và sẽ thường xuyên về thăm bà!
Trước khi kết thúc, con xin đọc lên một bài thơ ngắn mà con đã tự viết thay lời ông nội trong lúc cảm xúc con dâng trào, sau khi hay tin buồn trong đêm trước ngày ông nội mất.

Kính Tặng Ông
Trong không gian tĩnh lặng,
Ta trầm mặc suy tư.
Sanh, lão, rồi bệnh, tử!
Tìm đâu thấy chân như?
Cuộc đời kia ngắn ngủi,
Ngày nào vẫn trẻ thơ,
Bây giờ lưng đã mỏi.
Thời gian ơi, hãy chờ!
Cho ta thêm giây phút,
Được ôm ấp yêu thương,
Thấy nghe lời thân thuộc,
Của con cháu bên giường.
Cho ta thêm lần cuối,
Một hơi thở nhẹ nhàng,
Một ánh mắt trìu mến,
Một cái chết bình an.
🍂🍂🍂
Thời gian ơi, xin dừng lại! Xin hãy chờ phút giây!
Thời gian ơi, xin dừng lại! Cho tôi lần cuối này.
Cho tôi một hơi thở, nhẹ nhàng tựa mây bay.
Cho tôi một lần nữa, nhìn cháu con xum vầy.
🍂🍂🍂

TÂM-THỤY
(Cựu đoàn-sinh GĐPT Minh-Đức, OKC)
8/15072017

Thursday, July 12, 2018

Hồi Ký: TUỔI THƠ TÔI - Tống Ngọc Nga


Nơi tôi sinh ra và lớn lên ở đồn điền SIPH đó là một vùng đất do người Pháp họ đặt tên cho một vùng cao su miền đông nam bộ khi xưa.

Tôi không nhớ quãng thời gian mình còn bé xíu chỉ nhớ loáng thoáng tôi đã sinh ra và lớn lên tự nơi này.
Một miền quê không có những cánh đồng lúa vàng mênh mông trĩu oằn bông khi vào vụ chín không được  nghe mùi rơm rạ,  không thấy ụ khói xám cao cao đốt đồng sau mỗi mùa gặt tôi không biết có cánh cò trắng từng đàn chao nghiêng cũng không thấy  con sông dài với những hàng dừa soi bóng ru mình bên chiếc cầu tre lắc lẻo bắt qua con sông êm đềm thơ mộng
  Nơi tôi sinh ra và lớn lên chỉ bạt ngàn là một cánh rừng cao su già lụ khụ đứng xếp hàng rụng lá mỗi độ thu về có lẽ đó là mùa đẹp nhất trong năm khi những cánh hoa cao su bé li ti tàn tạ vàng phai rụng đi thì cũng là lúc những trái của nó  hình tam giác lớn dần chúng chuyển sang màu vàng nâu là mùa hạt cao su cũng bắt đầu khô trong cái nắng gay gắt mùa thu oi bức. Trái cao su khi đó bắt đầu tách ra tiếng nổ " lốp bốp, lách tách" văng tung tóe, chúng làm ồn cả một khu rừng trụi lá xác xơ.Vỏ và hột cao su khi rơi xuống mặt đất chúng  văng tung tóe những viên bi cao su lăn tận xa xa

Vỏ cao su bọn chúng tôi thường dùng đôi tay cho khéo xoắn vào hai khe vỏ kẹp vào nhau thật chặt và trên tay mỗi đứa trẻ chúng tôi đã có những cái chong chóng bằng vỏ trái cao su rất ngộ nghĩnh dễ thương .
Khi kẹp cái chong chóng vào hai ngón tay dọc theo chiều thẳng đứng và một ,hai , ba...thi nhau cùng thổi xem hơi đứa nào dài nhất căn cứ theo vòng xoay của chiếc chong chóng cho đến khi cái chong chóng cao su dừng lại hẳn mới thôi
Và mùa mưa bắt đầu kéo đến tầm tháng ba tháng tư.
Khi những cơn mưa dầm dề kéo dài liên miên suốt cả tuần đủ làm mục rã những thảm lá khô trên nền đất cánh rừng ẩm ướt , đó cũng là lúc mùa nấm mối theo về. Người ta vào rừng đi tìm nấm mối, chia nhau từng tốp trong lô những đứa bé chạy theo mẹ và chị lúp xúp dọc theo những gò đất nhấp nhô, ổ nấm mối trắng đục chúng ngoi lên từ lòng đất đội những thảm lá mục để vươn lên, đó cũng là mùa vui rộn rịp nhất trong năm.
Mặc cho trời mưa dầm có khi liên tiếp hai ba ngày nấm mối là thức ăn dự trữ của các bà nội trợ khi mưa về. Nhà nào trên mâm cũng đều có những món nấm mối chế biến đơn sơ mà ngon ngọt vô cùng nào là : nấm kho tiêu, nấm nấu cháo, bánh xèo nấm, xào lá lốp...

Hình ảnh in sâu đậm nhất trong lòng tôi vẫn là cánh rừng cao su già thẳng đứng, hàng hàng lớp lớp khi còn bé với trí tưởng tượng phong phú tôi ví chúng giống như đoàn quân đứng oai nghiêm chờ nghe tiếng trống xuất quân để sẵn sàng chờ giờ ra trận...
  Và đó cũng có thể là hình ảnh đã theo tôi trong suốt quãng đời và chúng xuất hiện khá nhiều trong những bài thơ sau này của tôi
  Khi mùa xuân đến những tán lá non màu vàng chanh mơn mởn bắt đầu khoe sắc phất phơ trước gió.
  Tôi thích nhất giữa hai mùa mưa nắng pha trộn lẫn nhau , một của mùa thu vàng miên man và một của mùa xuân xanh biếc đâm chồi nảy lộc.
Cũng là khu rừng cao su ấy nhưng một bên là màu lá đỏ ối theo nhau tơi tả rơi ào ạt sau những cơn gió  còn phía bên đường thì những cánh lá non tơ run rẩy nép vào nhau trong gió nhìn đến là tội nghiệp ,cách nhau chỉ một khoảng đường hẹp thôi nhưng chúng khác nhau rõ rệt hai hình ảnh đối lập khó tả .
  Tôi nhớ cây me thật to bên hông nhà không biết nó có tự bao giờ và lớn lên khi nào nhưng nó già ghê lắm
( tôi có hỏi má tôi cũng không biết!)
Chỉ nhớ loáng thoáng cây me to ơi là to áng chừng ba bốn người lớn ôm giáp tay cũng chưa xuể tán lá me rộng không biết bao nhiêu mà kể, giống như tẩm thảm che trên đầu mùa mưa chúng tôi hay trốn vào gốc cây để chơi đồ hàng chơi nhà chòi cho đến khi tạnh hết cơn mưa dầm mà vẫn không hề lo bị ướt áo
  Cho đến một ngày tôi lên sáu tuổi tôi đi học. 
Ngôi trường tiểu học do ông chủ người Pháp xây dựng ngôi trường chỉ có ba lớp cho con em công nhân cạo mủ cao su học :  ngôi trường ECOLE !
Tôi đã học ở đây từ lớp năm( tức lớp một bây giờ) cho đến hết lớp ba cô giáo dạy học cho chúng tôi học chữ là các dì Sơ những lớp học này hoàn toàn miễn phí
  Nhà tôi theo đạo Phật nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng như in đoạn kinh thánh ngày xưa vì kinh thánh thay quốc ca  mà mấy dì Sơ đã dạy cho bọn trẻ chúng tôi phải thuộc lòng mỗi khi vào lớp và khi ra về , tôi cũng không hiểu vì sao mình lại thuộc và nhớ dai đến tận bây giờ đến vậy
Dĩ nhiên tôi biết làm dấu thánh giá A Men thật là thuần thục như một con chiên ngoan đạo
  Ngôi trường ECOLE tôi theo học có lối kiến trúc rất lạ , khi học trò ngồi trong lớp thì tầm mắt có thể ngắm tất cả vạn vật xung quanh trước sau tùy thích vì tường xây chỉ vừa ngang ngực nên lúc đó tôi tha hồ ngồi trong lớp mà mơ , mà mộng ... ( nhưng liệu hồn đừng để cho dì sơ Năm bắt gặp nhen không,  dì Năm khét tiếng dữ dằn hay phạt quỳ và đánh bằng cây thước kẻ rất là đau.
  Có một hôm nhà cô ba Nhỏ chồng cô đi lính bị tử trận tôi ngồi trong lớp học nhìn xuống đường chiếc quan tài đỏ được phủ lên trên lá quốc kỳ màu vàng nến hương lung linh người vợ bụng mang vượt mặt đầu chít khăn trắng chị khóc thật là thảm thiết hình ảnh ấy làm tôi không viết được bài hôm đó và hình phạt là tôi phải  xoè đôi bàn tay ra mà nhận ngon ơ ba bốn cây thước kẻ. Sơ vụt thật là đau vì cái tội lơ là không chú ý trong giờ học
  Hàng ngày ngồi trong lớp học tôi vẫn thường dõi mắt nhìn phía xa xa cánh đồng cỏ May trải ngút ngàn có nhiều hôm tôi trông thấy đàn chuồn chuồn ớt rượt đuổi nhau bay chấp chới theo hình dích dắc dưới cái nắng lấp loáng của tháng giêng tháng hai.
Sát cạnh ngôi trường là bót đồn lính với hàng rào kẽm gai giăng có hôm dì Sơ Sáu đang cầm quyển Quốc Ngữ đọc cho chúng tôi viết chính tả thì có anh lính VNCH đi qua chắc tại dì Sáu quá xinh nên anh lính không cưỡng lại được nét đẹp thiên thần ấy chỉ nghe anh huýt sáo vu vơ thật khẻ một bản nhạc tình cảm gì đó mà tôi thấy dì Sơ giấu mặt đỏ ửng sau tấm khăn choàng màu đen phủ trên má và chiếc thánh giá trên ngực dì Sơ bỗng sáng lòa dì mắc cở có vẻ hơi luống cuống chỉ biết rằng lúc đó tôi thấy dì Sơ rất đẹp , đẹp mê hồn
Kề bên ngôi trường là tháp nhà thờ sừng sững ngạo nghễ với thời gian và bom đạn , tiếng chuông đều đặn vang lên ngân xa mỗi chiều thứ bảy .
  Vào đầu mỗi tháng trong năm trừ ba tháng hè , chúng tôi ngồi học trong lớp vậy đó chứ thực ra đứa nào đứa nấy cũng mong ngóng hướng ánh mắt lên trên trời tầm khoảng chín mười giờ sáng là sẽ được nhìn thấy chiếc chuyên cơ nhỏ bay vần vũ trên bầu trời tiếng động cơ ầm ầm to dần và từ từ hạ cánh xuống thật thấp sát mặt đất những vạt cỏ May nằm ngả rạp dưới sức gió khủng khiếp của cánh quạt và khi gần tiếp đất cứ y như rằng vài ba bao tiền được quăng xuống chúng lăn long lóc nhiều vòng mới chịu dừng lại rồi nằm im hẳn. Đó là tiền lương của người công nhân cạo mủ (giờ đã già tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được tiếp xúc với cái gọi là thế giới văn minh của thập kỷ 60.70 về trước. Chị phụ nữ sanh khó hoặc tai nạn lao động đều có chuyên cơ chở  về Sài Gòn được vô Nhà Thương chữa trị miễn phí . )
Khi đó ,bao giờ cũng có một chiếc xe jeep của ông chủ người Pháp chờ sẵn để anh lính khiêng những bao tiền và quẳng chúng lên xe chở đi về nhà lầu Tây.
  Ôi, nhớ ...
những đêm về tôi thích được nằm rúc đầu vào nách má tôi để nghe cảm giác được cưng chìu được nghe mùi trầu ,vôi cay cay hăng hăng nồng nồng má hay nhai quen thuộc và được đôi tay má vuốt mân mê từng sợi tóc để tìm tước trứng chí cho tôi
Thích nhất là được nghe má tôi kể chuyện ngày xưa chuyện Thạch Sanh , Tấm Cám , Phạm Công Cúc Hoa , và dù nhát gan nhưng tôi vẫn thích và bắt má kể chuyện ma , bao giờ cũng là câu chuyện cuối cùng...
Những con ma đêm đêm trở về mặc bộ đồ màu trắng , xõa tóc dài phủ tận gót chân ngồi khóc ỉ ôi trên nhánh cây cổ thụ hay trước ngôi mộ để hát ru con ngủ ầu ơ...ầu ơ..
Dưới ngọn đèn dầu " hột vịt" leo lét tôi sợ ghê lắm nằm trùm mền kín mít từ đầu chí chân nhưng vẫn thích  không bỏ sót một lời nào,  nghe đến nỗi thuộc lòng những đoạn ly kỳ hay lâm ly thương cảm tùy theo lớp lang của câu chuyện.
Nhiều khi má tôi quên kể chắc đang suy nghĩ chuyện khác thế là tôi buộc miệng kể tiếp thêm được một đoạn và dĩ nhiên là trong lòng tôi sướng ghê lắm
Nhà vách tre đan thưa, đêm đêm có thể nghe được tiếng rơi của trái vú sữa chín khô hoặc trái mận non rụng sau hè , tiếng đạn pháo xa xa tiếng của những quả  M79 cứ nghe bắn kêu " tóc"  thì y như rằng sau đó vài giây là tiếng " ình" chát chúa , tôi thuộc đến từng chi tiết âm thanh của súng đạn trong cái đầu nhỏ nhoi của đứa bé mới tầm 6, 7 tuổi. Đêm đêm tôi thích nhìn xuyên qua khe vách để được thấy  trên bầu trời đen kịt vài ánh chớp sáng của những đóm hỏa châu sáng rực khi mờ khi tỏ.
  Nhớ mãi những ngày cận giáp tết thế nào ở xóm tôi cũng lại chạy giặc tại sao người ta cứ chờ đến tết lại đánh nhau nhỉ?
Và bao giờ khi trở về nhà bánh mứt cũng vương vãi khắp nơi.
Ngủ hầm với tuổi thơ tôi là thường xuyên,  những khi yên ắng mấy đứa nhỏ bọn tôi còn được nằm ngủ trên bộ ván mun màu đen thật là mát cái lưng còn ngược lại nếu hai bên có đánh nhau thì cứ tầm khoảng bốn năm giờ chiều là mọi người đùm túm cùng nhau đi ngủ đậu, có xa gì cho cam nhưng lại vô cùng an toàn đi bộ khoảng mươi phút qua vĩ tuyến mười bảy đó là cái cầu nhà mủ bây giờ vẫn còn in trong tim tôi
  Tuổi thơ mùa chinh chiến ấy đã theo tôi đến khi lớn khôn và cho đến tận mãi sau này chúng cứ đeo đẳng theo tôi như một cái bớt trên da khó phai.
Chúng vào những dòng thơ buồn rười rượi , khắc khoải da diết là vậy mà sao tôi vẫn yêu tuổi thơ thời thơ ấu của tôi quá chừng chừng. /.

* tongngocnga
  ( Viết theo yêu cầu của một vài người bạn thân quen của Nga trên facebook )
    Cao su xã Siph , Quận Long Thành quận - Biên Hòa tỉnh.