* Trích đăng từ Ðặc san THLT 2008
THÁNG NĂM và NHỮNG
ĐƯỜNG HOA PHƯỢNG TÍM
Tháng năm, Cali vẫn còn lành lạnh vào những buổi
sáng khi tôi thức giấc chuẩn bị đưa các con đi học. Dọc đường từ nhà đến trường,
hai hàng cây “jacaranda”(mà tôi vẫn gọi là hoa phượng tím) đã bắt đầu nở rộ
những chùm hoa tím xanh ngan ngát, màu tím xanh nhẹ nhàng, thanh thoát làm dịu
cả đoạn đường dài. Và như thế, tôi biết rằng mùa hè đang đến. Ở Việt Nam, mùa
hè bắt đầu với những cành phượng đỏ nở rực cả góc trời, với tiếng ve kêu ra rả
buồn xót xa, thì ở đây chỉ có hoa “jacaranda” và nắng ấm. Không biết từ bao giờ
tôi đã yêu thích màu hoa “jacaranda”, thích ngang qua những con đường có trồng
hoa rợp bóng, nhìn những cánh tím nhỏ li ti trải đầy trên đất, thêu từng mảng
trên không, tôi cảm thấy dường như mình đang đi trong một giấc mơ.
Giấc
mơ đưa tôi đến với những ngày xưa cũ, những kỷ niệm không thể nào quên, có con
đường dẫn đến trường, nơi tôi bắt đầu nghiệp “gõ đầu trẻ”, con đường cũng có
hai hàng cây trải dài hàng mấy cây số, thành cả rừng cây, mà khi nhớ lại vẫn
thấy chập chùng trong ký ức, những thâm tình với bạn bè, đồng nghiệp, với học
trò mà đôi lúc hồi tưởng vẫn nghe bồi hồi, ấm áp trong tim. Thế nên, hơn tháng
nay, qua những nhắc nhở của bạn bè và học trò cũ cho ngày Hội Ngộ của ngôi
trường Trung Học Long Thành sắp tới, lòng hoài cảm càng trỗi dậy mảnh liệt, như
thúc dục tôi phải làm một điều gì đó để đền lại những nợ nần không vay mà có, trong
suốt thời gian sống dưới mái trường này. Vì vậy, khi được đề nghị phụ trách
việc thực hiện một quyển Đặc San cho lần hôi ngộ đầu tiên lịch sử sau hơn ba
mươi năm xa cách của trường Trung Học Long Thành, tôi cho đó không phải là một
tình cờ ngẫu nhiên mà là một cơ duyên để được tỏ bày, đền đáp nợ ân vậy.
Trước
tháng 10 năm 1974, tôi vẫn chưa biết Long Thành nằm ở đâu? xa xôi hẻo lánh tới
cỡ nào? nên khi cầm sự vụ lệnh trên tay, thấy địa chỉ là trường trung học Long
Thành, tôi đã “ngậm ngùi” cho thân phận mình vì nghĩ rằng chắc phải là một nơi
“đèo heo hút gió” nào đó. Nhưng đến lúc được bác Tư Sanh, bạn thân của ba tôi
chở đến trường để xem…dân cho biết sự tình trước khi thực sự bước xuống... cuộc
đời, tôi mới ngạc nhiên, thích thú và cảm thấy mình thật may mắn. Mặc dù đã đi
Vũng Tàu nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi để ý đến cái tên Long Thành, một thị
trấn nhỏ nằm giữa đường đi Biên Hòa - Vũng Tàu và đặc biệt hơn hết là dọc đường,
lúc gần đến nhiệm sở mới, có nhiều rừng cao su, đẹp quá! Từ Biên Hòa đi Long
Thành, qua khỏi dốc 47, cầu Nước Trong, Tam An, An Lợi, vừa đến Phước Nguyên là
đã thấy dọc hai bên đường những hàng cây cao su trùng trùng, thẳng tắp chạy dài
như vô tận.
Hôm
đó, ngồi phía sau trên chiếc Honda của Bác Tư, tôi đã say sưa ngắm nhìn cảnh
trí hai bên đường như lần đầu được chiêm ngưỡng một bức tranh tạo hóa thật công
phu. Những tàn lá xanh trên cao như giao đầu khắn khít, đổ tràn bóng mát xuống
mặt đường, khiến tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng, êm ái như đang lạc vào một hang
động được kết bằng lá cây và bóng mát. Tôi thầm nghĩ, mai mốt nhất định mình sẽ
tìm dịp đi dưới những hàng cây này, vào sâu trong rừng kia, chắc là thú vị lắm!
Chắc
cũng cùng cảm xúc như tôi hôm ấy, anh Viện, dạy Toán, trong những ngày cả
trường cùng vào trong khu “nhà Tây”(còn gọi là đồn điền sở Shíp)- là một khu
nhà lớn sang trọng nằm sâu phía trong rừng cao su,- nghe nói trước kia là nhà ở
của gia đình một người Pháp, chủ nhân sở cao su này - để học tập chính trị sau
30 tháng Tư, đã sáng tác hai câu thơ thật lãng mạn khi cả bọn cùng đi bộ lang
thang về nhà sau buổi học:
“Rừng cây rồi lại rừng
cây.
Sao ta chỉ thấy áo bay
một người!”
Không biết có phải là để tặng cho
chị Huyền dạy Sử Địa như một số bạn bè đã nói với nhau chăng?
Trước
khi đến trường phải ngang qua khu Chợ Chiều, Văn Hải, rồi đến khu Phước Lộc.
Trường nằm ngay trên trục lộ chính giao thông giữa Sài Gòn – Vũng Tàu. Cổng
trường là hai cái trụ cao lớn với tấm bảng ghi bốn chữ Trung Học Long Thành chỉ
cách mặt đường quốc lộ 15, lúc nào cũng nườm nượp xe cộ, khoảng 3 mét, đối diện
với khu chợ Long Thành. Nếu không nhờ cái cổng lớn nằm nhô ra gần mặt đường này,
thì người ta sẽ khó mà tìm ra, vì trường nằm ẩn sâu vào phía trong.
Khi
Bác Tư quẹo xe rẽ vào cổng, tôi thoáng thất vọng vì cái khung cảnh khá đặc biệt
trước mắt. Bên trái cổng là một cái giếng, lao xao tiếng nói cười của các bà,
các chị đang chờ lấy nước với thùng, gánh ngổn ngang. Bên phải là một quán chè
nhỏ, rất đơn sơ nhưng đầy khách. Thấy xe lạ vào trường họ tò mò ngoái đầu nhìn
chăm chú. Khoảng đường từ cổng vào trường tuy ngắn mà đất đá gập ghềnh. Chiếc
xe dằn lên xóc xuống, khiến tôi phải bám chặt yên, cứ sợ lơ đễnh một tí sẽ bị
rơi ngay xuống đất. Hôm đó là ngày nghỉ, sân trường vắng lặng, im ắng. Ba dãy
lớp nằm giao lại như hình chữ U, nối với văn phòng Hiệu Trưởng và văn phòng
Giáo Sư tạo thành một khối hình vuông. Tường
gạch, mái ngói, trông cũng sạch sẽ, khang trang. Tôi thở phào nhẹ nhõm, may quá
cứ tưởng phải về một chỗ “nhà quê” nào đó, tường rơm, vách lá thì chỉ…có chết!
Văn phòng đóng cửa, nên Bác Tư dẫn tôi đến nhà của thầy Ân, tổng giám thị, nằm ngay
phía sau trường học để hỏi thăm và giới thiệu “lính mới”. Lúc tôi vào, Thầy Ân đang
xếp thời khóa biểu cho các lớp, sau khi nói chuyện và nhận dạy môn Quốc văn,
tôi được thầy Ân báo rằng sẽ có một đợt giáo sư mới về trường cùng lúc với tôi.
Tôi nghe lòng vui mừng vì biết rằng dù gì mình cũng sẽ có “đồng minh” trong cái
buổi ban đầu…lưu luyến ấy, chứ không đến nỗi sẽ lạc lõng, cô đơn một mình
giữa…chợ đời. Tôi lên xe trở về Biên Hòa với một tâm hồn phơi phới, đầy thiện
cảm và hứng thú, ít nhất cũng bởi cái hình ảnh bên ngoài khá khang trang của
ngôi trường và sự cởi mở của thầy tổng giám thị dù chưa biết đồng nghiệp và xếp
mình rồi sẽ thế nào đây?
Tôi
trở lại trường một tuần sau đó để trình diện với ông Hiệu trưởng Vũ Đỗ Chung và
nhận thời khóa biểu, mọi việc diễn tiến thật dễ dàng và thuận lợi. Ông Hiệu
trưởng hòa nhã, thoải mái, các nhân viên làm việc trong văn phòng vui vẻ, thân
mật. Về trường cùng với tôi đợt này có chị Kiêm Anh, Chinh và Thu Ba. Vì vừa đi
dạy, vừa đi học tiếp đại học, nên tôi được xếp cho dạy 2 ngày thứ sáu và thứ
bảy, mỗi ngày 8 tiếng. Sáng sớm từ Biên Hòa đón xe xuống trường, ghé văn phòng
một chút, có khi đi thẳng luôn tới lớp. Buổi trưa thì đến nhà chị Hai ăn cơm,
nghỉ ngơi một chút để chờ giờ lên lớp buổi chiều, (nhà chị Hai nằm phía bên kia
đường ngay ngã ba đối diện với đường đi vào bến xe và khu chợ, nơi các thầy cô
giáo thường đến ăn cơm trưa và nghỉ ngơi.). Buổi chiều, tan học xong là đi
thẳng ra con lộ trước cổng trường, đón xe về lại Biên Hòa. Thế nên, thời gian
này, tôi chưa quen biết nhiều với các anh chị đồng nghiệp ở trường, phần không
có giờ, phần vì nhút nhát, lại biết mình là nhân vật nhỏ tuổi nhất trường, nên
cũng hơi ngần ngại. Có một lần, trong giờ chơi, đang đứng lớ ngớ trước cửa văn
phòng, chị Thảo dạy Hóa, lớn hơn tôi vài tuổi, được kể là hoa khôi trong các cô
giáo trẻ, về trường trước tôi vài tháng, đi ngang qua, dừng lại ngó tôi rồi
nói: “Nè, đi dạy đừng có mặc áo dài trắng, nhìn giống học trò lắm. Gặp mấy đứa
con trai học trò lớp lớn, tụi nó làm bộ không biết mình là cô giáo, tụi nó chọc
ghẹo cho là quê một cục đó à nha!”. Tôi cười cười nhìn chị chống chế: “Tại em
thích mặc áo dài trắng.”. Chị Thảo lại trừng mắt nhìn: “Ừ, thì nói cho biết vậy
thôi. Tui bị rồi đó.”. Nghe lời chị, tôi về nhà sắm thêm vài chiếc áo dài màu
khác để trông có vẻ người lớn và để cho học trò dễ phân biệt hơn, như lời chị
Thảo đã cảnh cáo.
Sau
30 tháng Tư, chúng tôi không còn được đi đi, về về mỗi ngày như trước nữa,
chương trình giáo dục mới, bắt buộc chúng tôi phải ở lại trường nhiều hơn, vừa
giảng dạy, vừa học tập lại vừa lao động, chế độ ăn ở tập thể được khuyến khích
mọi nơi, nên chúng tôi phải tìm chỗ trọ cho cả tuần làm việc. Điều này không
ngờ lại tạo điều kiện cho các giáo viên gần gủi, thân thiết với nhau hơn, sống
tập thể cho chúng tôi tình cảm thân thiết không chỉ ở chỗ bạn bè mà còn xem
nhau như anh chị em ruột thịt vậy. May mắn cho chúng tôi, ở trường có chị Ngô
Thanh Hương, dạy Sử Địa, là dân địa phương, chị có một ngôi nhà khá to, nằm gần
chợ, ngay phía sau trường tiểu học Long Thành, dù đã bị hư hại khá nhiều sau
những ngày cuối của cuộc chiến, nhưng cũng còn đủ tiện nghi để cho chúng tôi gồm
11 người trú ngụ, miễn phí. Ngoài các bậc “tiền bối” như “Đại ca” Trị, “Nhị ca”
Vinh, các chị Hương, Kiều Phượng, Hoa, Dậu, Xuyến, thì Chinh, Thảo, Thu Ba và
tôi được xem như là nhóm cô giáo trẻ của trường mà các ông Tú, Tiến, Thuận,
Phong không nhớ ông nào đã đặt tên cho là “quatre J” (Chinh “J…” (xin lỗi, tôi
không nhớ được tên đặt cho Chinh , Thảo “Jolie”, Thu Ba “Joyeux”, Ngọc Dung
“Jeune”) và gọi ngôi nhà chúng tôi ở là “Ngô Gia Trang”. Vì là nhỏ tuổi nhất
trường nên tôi rất được nuông chiều. Các anh chị bạn đồng nghiệp coi tôi như là
một đứa em nhỏ nên đối xử rất thân tình, thường hay quan tâm, nhắc nhở. Nhớ
khoảng cuối năm 76, phòng giáo dục đến trường có ý thuyên chuyển tôi về trường
Phước Thái, đang cần giáo viên dạy môn Văn, với lý do trong tổ Văn, tôi là
người độc thân, trẻ tuổi nhất, không có gì vướng bận. Phải đi. Tôi vừa tức vừa
sợ vì nghe nói Phước Thái là khu… trại cùi, mà lại ở vùng kinh tế mới,, nên đã
bật khóc ngon lành trước mặt hai cán bộ phòng giáo dục và các bạn đồng nghiệp
cùng Tổ, sau khi “tuyên bố” là sẽ xin nghĩ dạy vì gia đình đã có một đứa em gái
đi dạy ở tận Bình Tuy, và một em trai đang đi học ở mãi tận Bảo Lộc. Trưa hôm
đó, tôi về nhà vẫn còn đang “ấm ức”, vì chắc rằng mình sẽ phải từ gìã trường
Trung Học Long Thành này rồi, lại gặp Cao quốc Tiến dạy Anh Văn, một nhân vật
hay “xuất khẩu thành thơ” của nhóm thầy giáo trẻ trong trường, người mà mỗi khi
đến thăm bốn đứa chúng tôi, chưa tới cửa đã nghe phán trước một câu “sấm
truyền” bất hủ: “Một ngày mà tớ không trông thấy các cô là ngày ấy tớ thẹn
thùng với gương!”, mặc dù bao năm cùng dạy chung dưới một mái trường, chưa bao
giờ thấy anh “có tình ý” với cô nào cả. Ông Tiến chạy xồng xộc vào nhà…mắng
ngay một hơi: “Cái cô này làm gì phải khóc, có gì thì cứ thủng thẳng mà nói, mà
tính. Lớn rồi chứ bộ còn con nít 17, 18 tuổi sao mà động tí là khóc, nhất là
không thèm khóc trước mặt…cán bộ, nhớ chưa?” Không biết anh nói thật hay nói
đùa, mà gương mặt anh cứ “đằng đằng sát khí”, cứ đi tới đi lui, vòng vòng trong
căn phòng chật hẹp vừa là phòng ăn vừa là chỗ ngủ của anh Trị, anh Vinh. Tôi
cảm động mà lại tức cười nên nói: “Tính làm sao được mà tính, nói hết hoàn cảnh
ra rồi đó, họ không chịu thì tức quá phải khóc chớ sao!”. Vậy mà anh chàng vẫn
đi tới đi lui cằn nhằn tôi suốt buổi hôm đó. Không ngờ, hôm sau vào trường, Thầy
giám thị Kham báo cho tôi biết là phòng giáo dục đã quyết định không chuyển tôi
về Phước Thái nữa. Tôi mừng đến suýt…khóc thêm lần nữa và nghĩ thầm trong bụng:
biết đâu là tại nhờ mình khóc, họ thấy “cảm động” quá nên mới đổi ý. Bạn bè đến
thăm hỏi, chia vui với tôi, thật là sung sướng!
Trong khoảng thời gian này, mặc dù có nhiều
biến đổi, khó khăn hơn trong cuộc sống, nhưng sau những giờ dạy ở trường về đến
nhà trọ buổi tối, chúng tôi vẫn vui vẻ, thoãi mái bày ra các trò chơi giải trí
thật thú vị, mà thường là do anh Vinh khởi xướng.
Tôi
vẫn nhớ và thích nhất những buổi “Nhạc thính phòng” được “tổ chức” khi nhà có khách
như anh Bình, chị Châm, ông Thuận, Tiến…sang chơi. Lúc thì làm ở phòng ăn, dưới
chân cầu thang, lúc thì ở trên phòng ngủ của các chị. Chúng tôi ngồi quây quần
thành vòng tròn, đèn chỉ để một bóng…mờ mờ, ảo ảo. Một người tình nguyện hoặc
được chỉ định sẽ bắt đầu chương trình bằng những lời dẫn hay một bài hát với
giọng thì thầm, nho nhỏ và người bên cạnh cứ thế mà tiếp tục phiên mình. Ai
không biết hát thì kể chuyện, chia sẻ kỷ niệm. Cây đàn guitar do anh Vinh và
anh Bình thay nhau sử dụng đã lần lượt đưa những tiếng hát bay bổng, nhẹ nhàng…
quanh căn phòng nhỏ. Một bầu không khí dịu dàng, ấm áp như đang trải ra, lan
tỏa và rồi đọng lại trong lòng mỗi người. Thật tuyệt! Có một lần, để cho không
khí…lãng mạn hơn, anh Vinh đã dùng cái khăn lông nhỏ, bọc bóng đèn tròn quá
sáng trong phòng dưới chân cầu thang. Cả bọn mải mê ngồi hát, đến lúc nghe mùi khen khét, nhìn
lên thì thấy cái khăn đã ngã sang màu nâu đậm, một ông vội chạy bay đến tháo
ngay cái khăn xuống và chương trình “nhạc thính phòng” đành phải tạm chấm dứt.
Để thay đổi không khí, anh Bình quay sang kể chuyện ma, câu chuyện “The Chair”
(Ma Ghế) là câu chuyện ma mà chúng tôi rất thích, cứ đòi anh kể lại mặc dù vừa
nghe vừa nín thở. Hôm nào vui vẻ, hào hứng thì anh Vinh lại “truyền nghề” khiêu
vũ cho “bọn trẻ” bốn đứa chúng tôi. Cả bọn đều thích điệu “bebop” vì vừa vui
chân lại vừa khỏe sức. Trong bọn chỉ có Chinh là “học trò” giỏi nhất, vì cô
nàng quay “valse” rất nhuyễn.
Những
năm sau 1979, nhóm “Ngô gia trang” dần dần tan rã, một số các anh chị đổi về
Sài Gòn hoặc dọn ra nơi khác. Riêng nhóm “quatre J” chúng tôi vẫn gắn bó với
nhau sau khi dời nhà lên ở khu Chợ Chiều, cho đến khi Chinh đổi về dạy ở Tam
An, Tôi về Biên Hòa, Thảo và Thu Ba về Saigon.
Những
tình cảm của tôi với trường Long Thành không chỉ được đơm hoa, bừng nở ở giữa
những bạn bè, đồng nghiệp mà còn là những kỷ niệm đậm đà, thân thiết với các em
học trò mà tôi đã quen biết và của những lớp mà tôi đã dạy qua.
Năm
học 75-76 bắt đầu với những lớp học “bồi dưỡng chính trị” và sinh hoạt văn nghệ
quần chúng được phổ biến rộng rãi trong nhà trường, cho cả Thầy cô lẫn học
sinh. Chắc lúc đó thấy tôi còn trẻ mà lại thích ca hát nên mọi người cho tôi
vào ban văn nghệ của trường. Tôi nhớ trong giờ sinh hoạt lớp, bài hát đầu tiên
mà tôi dạy cho các em là bài “Dậy mà đi” (Dậy mà đi, dậy mà đi, ai chiến thắng
không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần…), môt bài hát trước 75 rất
phổ biến trong giới sinh viên và các em rất thích, cứ hát đi hát lại mãi. Sau
đó, không biết ai đã đề nghị, tôi lại được phong chức “vũ sư” dạy múa cho các
em. Bài vũ đầu tiên, động tác như những cánh chim, mà lời nhạc chính là bài “Tự
nguyện” (Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là một đóa
hướng dương….) cho ngày lễ “Quốc Tế Hiến Chương Các Nhà Giáo”. Tôi đã chọn được
chín em lớp 11 và 12 lúc ấy như: Kim Loan, Bích Ảnh, Lâm Hoa, Diệp Láng, Ren, Ánh
Thủy, Ngọc Đáng, Bạch Tuyết, Niệm Hương. Và không ngờ bài vũ này các em đã biễu
diễn rất thành công được cả trường khen thưởng, khiến tôi lại phải tiếp tục
hướng dẫn cho nhóm các em thêm một màn múa “Hoa Đăng” nữa. Sau này, chúng tôi đã
được mời đi trình diễn nhiều lần trong các buổi sinh hoạt trong và ngoài huyện
Long Thành. Kim Loan hiện đang sát cánh với các Thầy Cô, bạn bè để lo tổ chức
buổi hội ngộ Long Thành sắp tới đây, chính là Kim Loan trong đội múa mà tôi đã
nhắc ở trên. Bây giờ nhớ lại không biết các em có còn giữ được chút nào cái cảm
giác bồi hồi, cảm động khi nghe những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả,
sau màn vũ của mình chăng?
Trong sự nghiệp dạy “ca múa”, tôi
còn dạy thêm hai bài vũ “Năm Ngón Tay Ngoan” và “Con Kênh Xanh Xanh” cho học
sinh của hai lớp tôi làm chủ nhiệm nữa. Sau này, nhớ lại, tôi cũng ngạc nhiên
vì không ngờ mình cũng biết dạy vũ, dù chưa được đi học hoặc tham gia múa vũ
trước đó bao giờ.
Nhưng
kỷ niệm thân thiết, khó quên nhất trong quãng đời đi dạy chính là những tình
cảm của các em học sinh đã dành cho tôi. Nhớ những buổi lao động thủy lợi, cùng
các em ngâm mình dưới sình lầy để làm đập ngăn nước dẫn vào ruộng, hoặc ra rẫy
cuốc đất trồng đậu phộng để gây quỹ cho trường, có em vừa thấy Cô nhúng tay chân
xuống đầm sình hoặc giơ cuốc lên còn ngượng ngập đã vội chạy đến “Cô ơi, cô
ngồi nghĩ đi, để đó cho em, em quen rồi, làm lẹ lắm.” Cảm động không phải vì có
học trò làm thay cho mà vì cái tình trong lời nói thật thà, đơn sơ mà đậm đà
tình nghĩa đó. Hoặc những buổi “trực trường” trong mấy tháng hè, được các em rủ
“Cô ơi, chút nữa hết giờ, Cô lại nhà em, vườn em chơi nha.”. Lớp 8A1, do tôi chủ
nhiệm năm học 77-78 các em học rất đều, rất giỏi, trong đó có Kim Sinh. Em rất
mến tôi và hay mời tôi đến nhà chơi. Một lần, em kéo tôi ra sau vườn nhà em,
thì thầm tâm sự, tôi biết em mất mẹ sớm nên hay buồn tủi, “em xem cô giống như
mẹ em vậy.” Tôi cảm động nói với em: “Từ gìờ trở đi em có gì buồn hoặc cần giúp
đỡ cứ cho cô biết nha.” Trong suốt năm học, Kim Sinh rất thân thiết với tôi và
mỗi khi gặp tôi dù ở đâu em luôn nở nụ cười thật tươi và chạy tới chào hỏi. Đến
năm sau, do đạt được “danh hiệu” là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tôi phải đảm
nhận thêm một số nhiệm vụ mới bận rộn hơn, nên không còn được chủ nhiệm mà chỉ
dạy lớp thôi. Tôi phụ trách môn Văn ở lớp 9A3 và lại được thêm một học trò
“ruột” nữa là Thu Hương. Tôi hay đến nhà em chơi và ngủ lại đêm ở đó. Hai cô
trò nấu cơm, ăn uống, tối nằm ngủ chung trên bộ ván gõ, cửa nhà không đóng, nên
có thể thấy cả ánh trăng từ ngoài sân rọi vào, nằm nghe Hương thì thầm tâm sự
về một người bạn rất thân…cho đến khi dần rơi vào giấc ngủ. Ở trường Long Thành
các lớp học thường là chung cả nam lẫn nữ. Lớp 9A3 này các học sinh chắc là...
sợ cô Ngọc Dung lắm, nên giờ học nào các em cũng ngồi yên ngoan ngoãn, chăm chú
lắng nghe, cả đến những anh con trai vẫn hay phá phách, và học tới đâu làu
thông tới đó.
Có một kỷ niệm đặc biệt của lớp
này đã khiến tôi mỗi khi nhớ lại, vẫn cảm thấy bồi hồi và xúc động. Hôm đó,
trong lúc dạy môn ngữ pháp (văn phạm), tôi hướng dẫn các em về thể thơ lục bát,
cách gieo vần cho đúng luật, và cho các em thử tập làm thơ ngay tại lớp. Lớp
học thích thú, sôi nổi với những “sáng tác ứng khẩu” thật đúng vần điệu và không
kém phần ý tứ. Tôi sung sướng với ý tưởng: lớp này không khéo lại nảy sinh một
vài “nhà thơ lớn” đây. Cuối giờ, tôi cho các em bài tập ở nhà, một bài thơ ngắn
với thể lục bát, để kiểm tra vào tuần tới.
Độ
ba, bốn hôm sau, khi mới bước vào văn phòng để sửa soạn xuống lớp, thầy Kham
đưa cho tôi một lá thư vừa cười vừa bảo: “Cô Ngọc Dung, có thư của ai gửi cho
cô về địa chỉ trường đây này”. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ cho ai địa chỉ
trường cả. Nhìn trên góc trái của bì thư thì cũng chẳng thấy ghi tên người gửi.
Tôi cầm thư bước xuống khu nhà tập thể chỗ tôi đang ở với vài chị bạn cùng trường, mở bì thư ra là
một trang vở học trò xếp làm đôi, được cắt xén rất cẩn thận, và trình bày đẹp
mắt với những cánh hoa nằm ở hai góc phía trên đầu thư. Ở giữa được đóng khung
gọn gàng là một bài thơ lục bát viết tay bằng những nét nắn nót như sau:
Ành: Cô VÕ THỊ NGỌC DUNG (1975) |
Mến tặng Cô Ngọc Dung
CÔ EM
Từ nhà Cô bước đến
trường
Tay ôm cặp sách trên đường bước đi
Cô ơi, Cô có nghĩ gì?
Con đường dài lắm Cô đi
một mình.
Cô em bốn mắt đẹp xinh
Đôi tay mềm dẽo thật tình
là thương
Hiền từ giọng nói khiêm
nhường
Giảng bài kỹ lưỡng, yêu
thương học trò.
Cô là bến vắng đưa đò
Khách về khách ấm tình Cô
sớm chiều.
Học trò của Cô
Lớp
9A3
Tôi nghe mặt mình nóng bừng lên vì
bất ngờ và cảm xúc. Một món quà thật đơn sơ mà giá trị tinh thần thật vô cùng
quí báu. Tôi im lặng không nói gì hết, vì muốn chờ xem tác giả là ai?
Quả
nhiên hai hôm sau, một em trai của lớp 9A3 chắc không còn kiên nhẩn, đến tìm
tôi và hỏi: “Cô ơi, mấy hôm nay Cô có nhận được gì không?” Tôi nhớ, em tên là
Luyến, một học sinh rất khá của lớp. Tôi giả vờ hỏi: “Nhận gì? Cô có nhận gì đâu?”.“Có
mà, thật không Cô?” Tôi thấy gương mặt của em áo não đến tội nghiệp, nên vội
nói: “Có, Cô nhận được rồi. Bài thơ em tự làm đó hả? hay lắm, mà âm vận lại
cũng rất hoàn chỉnh”. Luyến cười, mặt đỏ hồng lên: “Không phải mình em làm đâu
cô ơi, mấy đứa con trai 2 bàn cuối cùng hợp nhau làm để tặng cho Cô đó. Cô cho
bao nhiêu điểm vậy Cô?”. Tôi nói: “Đây là công của cả nhóm, Cô phải cho 10 điểm
(điểm cao nhất lúc bấy giờ) cho mỗi em, không cần phải chia nhau, được không?”.
Rồi tôi vỗ vai Luyến và nói: “Cô cám ơn các em, bài thơ này rất ý nghĩa và vô
cùng quí báu đối với Cô. Cô sẽ giữ nó mãi mãi trong tận đáy lòng. Cám ơn các em
nhiều lắm!”.
Quả
thật, tôi đã cất giữ bằng cách thuộc lòng bài thơ này cho đến bây giờ, như một
món quà kỷ niệm vô cùng trân quý trong mớ hành trang cũ kỹ của những ngày ly
hương, xa xứ.
Cám
ơn các anh chị, những người bạn đồng nghiệp, những người thân thiết nhất của một
thời dĩ vãng, đã cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, góp chung kỷ niệm, để cho tôi có
thêm niềm lạc quan, yêu đời, yêu người.
Cám
ơn các em, những học trò với lòng tin yêu, cậy mến, đã không ngần ngại khi đến
với tôi để bày tỏ, gửi gấm những tình cảm chân thành, đằm thắm để tôi có được
niềm hảnh diện là người đi gieo những hạt giống tốt cho cuộc đời.
Tháng
Năm sắp tàn, những chùm hoa “jacaranda” tim tím vẫn nở rộ trên đường phố tôi
đang ở, nhưng tôi biết trong tuần lễ của đầu tháng Sáu sắp đến, tại thành phố
SanJose, hoa “jacaranda” sẽ nở tưng bừng, rực rỡ, và thắm tươi hơn bao giờ hết,
để đón chào những tâm hồn, trái tim vẫn
còn đầy nhiệt huyết, tin yêu của những đứa con xa đang trở về họp mặt,
như dưới mái ấm trường trung học Long Thành năm xưa. Xin chúc cho chúng ta, cho
mọi người, hai ngày tương ngộ, tìm về kỷ niệm được tràn đầy niềm vui và hạnh
phúc.
Tháng 5, 2008
Võ Thị Ngọc Dung
No comments:
Post a Comment