Nhớ cội mai già sân thầy cũ
Rực vàng
tươi thắm lắm luyến lưu
Sáu mươi
năm đã còn hay mất?
Ven rào
trò ngắm, gió vi vu!
Bao cánh bướm ngây thơ, nhiều màu sắc, vội bay theo chìều gió lạnh.
Bước chân nai cứ mãi tung tăng, và tiếng
cười trong vắt thủy tinh của các em vẫn làm ấm cúng tâm hồn cha mẹ trong những
ngày tết Việt-Nam.
Đó là những em bé Việt-Nam sinh và lớn lên ở quê hương thứ hai của
cha mẹ, cũng như giới trẻ đã vượt qua những tháng ngày lênh đênh trên biển, hay
hãi sợ giữa chốn rừng mênh mông tìm ánh nắng ấm tự do ngày nào… Mùa đông giá lạnh với tuyết trắng xóa, hay
ánh nắng ban mai rực rỡ lại là tết của mình, thật thân thương và nhân ái.
Bởi vì ngày nghỉ của lễ giáng sinh kéo dài cho đến tết tây cũng
là những ngày rộn ràng như ngày nào mình lo cúng ông Táo và chuẩn bị cho tết
Nguyên Đán. Nơi quê hương thứ hai của
ông bà cha mẹ lại là nơi các em sinh trưởng, nơi mà các em luôn bận rộn vui
thích tết Việt-Nam với bánh chưng, bánh tét, bao lì-xì đỏ… Và nhất là các em,
dù tết rơi vào những ngày đi học, đêm giao thừa các em đã tựu tập ở chùa, nhà
thờ cùng nhau treo pháo kết dài cả hàng hiên như những màn viền xinh đẹp. Các em nô nức tập dợt múa lân, ca hát những bản
nhạc xuân dễ thương xưa cũ hay những bài được kết thành từ những vần thơ do
chính các em sáng tác trong giờ Việt ngữ.
Rồi ướm thử những tà áo dài tha thước của ba miền dân Việt màu sắc thắm
tươi một cách trìu mến…
Tung bay
tung bay màu cờ thắm
Cất cao cất
cao tiếng hát chào
Tung tăng
tung tăng em ca múa
Thướt tha
thướt tha chiếc áo dài
Đón mừng
đón mừng tết Việt-Nam.
Thay vì rằm
tháng chạp mai được tuốt lá, mai ở
đây được các bác cắt nhánh cây lớn đang ươm nụ xuân, và các em đã bắt ghế, bắt
thang chăm sóc cho mai nở đầy cành. Rồi
các em dùng cả ngày ba mươi mừng vui bỏ lộc vào bao đỏ, những bạc cắc mới được
chọn lựa, những lá xâm tốt mà các em lẩm bẩm đọc tìm để mang niềm vui năm mới…
tập xỏ chỉ, kết vào bao treo đỏ cả cây mai vừa trồng.
Mai
vàng rực nở đón xuân sang,
Lộc
đỏ thắm tươi phước thọ mừng.
Sau giờ tụng
niệm, cầu nguyện tưởng niệm quốc tổ, chúng sinh… là hồi chuông trống bát nhã
đón giao-thừa. Tiếng pháo nổ vang rền
phá tan sự tĩnh mịch bên ngoài, rồi tiếng trống lân hòa cùng cồng, chập chẽng rộn
rã đón năm mới. Người lớn ùa ra hàng
hiên, mắt rướm lệ nhìn đoàn lân bé nhỏ nhảy cùng pháo. Pháo nỗ khắp nơi, khói mù mịt. Hai ông địa với cái bụng to tròn, dùng quạt
xua khói, rồi đá tung những chùm pháo vừa rớt xuống cùng đùa giỡn với những con
lân vàng xanh đỏ. Với nụ cười bất hữu,
ông địa đã mang niềm vui cho mọi người. Tay trống chỉ
mới sáu tuổi nhưng thật điêu luyện vì bé đã mê múa lân từ thuở lên ba, đã là mục
tiêu cho những ống kính của dân bản xứ.
Cái lạnh cùng đám tuyết trắng trước chùa hầu như không còn nữa mà chỉ
còn những cặp mắt thán phục của giới trẻ, cùng những tâm hồn âm thầm thổn-thức
của người lớn… Khói mù mịt, ánh sáng của
pháo làm ngộp thở cũng không làm những cú đá nhảy của đội lân sờn lòng; tiếng
còi luân phiên thổi để đầu đuôi thay người… Tiếng trống, còi cùng vang lên, mọi
người vội dạt qua hai bên nhường bước cho các em tiến vào chánh điện. Sau khi lễ Phật đội lân tiếp tục nhào lộn, những
nắm tiền bay tới tấp, quýt cam làm lộc cho lân… Ba con lân tha hồ ăn, hai ông địa
tha hồ giành dựt… Các bé nhỏ giờ không ôm mẹ vì sợ pháo nữa, mà lẩm đẩm ra tìm
cách rờ địa và lân.
Lân ăn,
lân ngủ, lân nhào lộn
Địa quạt,
địa cười chúc tân niên
Phước, lộc,
thọ, kìa nhành mai đó
Lì-xì, hái
lộc, trước thiền môn.
… Những bát cháo chay nóng thơm ngon bên nhà bếp đà giúp hương vị
thâm tình dân tộc đậm đà hơn… Các cháu vội vàng theo anh chị lái xe đưa về để
sáng mai vào lớp học tiếp. Đồng hồ điểm
ba tiếng rồi đó. Những ánh đèn xe vẫn tiếp
tục vào bãi đậu xe, sau giờ tan sở ca đêm mọi người vẫn về
hái lộc đầu năm, thưởng thức chén cháo đầu xuân và ra về trong
thanh thản.
Hai tuần tết đoàn lân luôn bận rộn đó đây, lúc Bắc, khi Nam, rồi Đông
sang Tây. Không quản gió lạnh hay mưa
tuyết, các em cùng phụ huynh trên những chuyến xe đầy vội vã cho kịp giờ múa ở
những cơ sở thương mại Việt-Nam. Tình đồng
đội thật đậm đà của các em thật dễ thương làm sao!
Mọi người đổ xô ra khu thương mại từ sớm để theo bước các đoàn
lân của chùa, nhà thờ đi chúc TẾT. Tiếng
pháo nổ vang dội khắp nơi, khói mù mịt, chiêng trống vang vang…
Dòng xe cộ lịch-sự dừng lại cho đoàn lân đi qua những con đường
rộng lớn. Hoặc chầm chậm nối đuôi để được
nhìn lân ăn lộc trên những chiếc thang cao, thưởng thức tiếng pháo nổ tung tóe cháy cả đuôi lân…
Có trẻ có
tươi thắm nụ cười,
Em vui
ngày tết thân thương quá!
Xuân đến
xuân đi, lại đón chờ.
Trăng
tròn, trăng khuyết, hay không có
Tý Sửu,
Thìn Thân… bé đợi mong.
Ngày chủ-nhật sau tết, hoặc trúng ngày tết, luôn là ngày của đại
gia-đình Việt-Nam cùng đón xuân ở khắp nơi.
Chùa, nhà thờ là nơi mọi người tựu lại để cùng cầu nguyện, tưởng nhớ
thiêng liêng; rồi cùng nhau dùng cơm trưa và thưởng-thức văn-nghệ của các em
trong đoàn thể Phật tử hoặc thiếu nhi thánh thể trình-diễn. Bài quốc ca ngày nào nơi quê hương vẫn dẫn đầu
với những tiếng ca véo von của đàn chim non, vọng về những tiếng ca hào hùng của
cha mẹ, những giọt lệ lăn tròn trên má với nhịp tim đập nghẹn ngào thương thương
quá.
Rồi những bài chúc tết của oanh-vũ vang lên
Tiếng pháo
nổ vang dội vang,
Đây đoàn
Minh-Đức kính chúc khắp mọi nhà.
Em chúc
ông bà sống lâu thật lâu
Em chúc
cha mẹ mạnh khỏe luôn
Lời hát non nớt nhưng làm ấm lòng cha mẹ biết mấy vì ngôn ngữ tuyệt
vời của con cháu mình vẫn là tiếng mẹ đẻ than yêu. Rồi những tà áo dài của ba miền tha thướt rực
rỡ mùa xuân, những cánh quạt, cánh dù, nón lá, lụa… uyển-chuyển, nhịp-nhàng
trên sân khấu, nào thua những vũ công chuyên nghiệp, đã khiến những gương mặt
khán giả rạng rỡ hơn vì các em đã có thể theo gót chân thầy cô mà tiếp nối
văn-hóa Việt-Nam.
Xen kẽ văn nghệ là những cầu quay vé số đầu năm, cùng những cây
kiểng được trồng uốn cong phu đưa lên đấu giá.
Không khí thật vui nhộn.
… Bên nhà bếp phụ huynh tất bật gói bánh tét, bánh chưng, bánh ú,
bánh bột lọc… trong những ngày cuối tuần hoặc sau giờ làm, luân phiên canh nồi
bánh trên bếp ga trong những tuần trước tết.
Người biết chỉ người không biết, cứ thế số người biết xếp lá, cột giây,
rồi gói bánh tăng dần theo năm tháng.
Lúc đầu ai cũng nhìn ngắm tò mò rồi dần đến thích thú góp tay góp sức,
nên ai cũng giỏi bếp núc nấu những món ăn tuyệt vời: phở, hủ tiếu, bún riêu,
bánh bèo, bì, chả… Mà các em lại mê canh chua măng hoặc bạc hà nhất. Rau húng, quế, tía tô, kinh giới, rau răm, lá
lốp, hẹ, rau đắng, rau muống, ngò ôm, ngò rí, bí, mướp, bạc hà, củ kỷ, giá… hầu
như có quanh năm. Ấy là nhờ những mãnh vườn
con sau nhà hoặc những chậu rau “kiểng” trong nhà.
Tuy nhiên, giá thau, rau chạy, kèo nèo… trong những mương nhà, ven bờ suối
Long-Thành vẫn chưa tìm thấy…
Tất cả đều tự-do trồng,
rồi cùng chia sẻ, hoặc bỏ mối cho các chợ Á-Đông.
Các chợ cũng nườm nượp người
mua kẻ bán. Hoa mai, hoa cúc, hoa đào,
hoa lan, quất, bưởi, dưa, cam quýt, đu đủ, dừa, mứt, thèo lèo, bánh, trà… trong
tiệm ngợp mát chờ đón về nhà hưởng tết nguyên-đán. Nhà nhà có thịt kho, dưa giá, kiệu, ổ qua nhồi
thịt, … hoặc được nấu trong gia đình, hay mua trong chợ nấu sẵn.
Bao cái tết
Việt-Nam đã ươm đậm tâm hồn trẻ thơ nơi đây.
Cha mẹ kết tròn nụ ướm cho con cháu nên tình dân tộc. Tiếng nói đong đầy trong song ngữ khắp nơi
trên trái đất nầy, dù sớm dù muộn đã đánh đổi cho sự tự do từ cha ông. Đừng trách, đừng hờn, đừng cay đắng. Hãy nhìn mà thương mà tự hào cho sự thành
công hay thất bại của các em. Và hãy thương,
hãy nới rộng tâm hồn cho cái thực tế. Ảo
tưởng chỉ làm cho tâm hồn chính mình rạng nứt.
Tay nắm tay chia sẻ những niềm hạnh phúc hoặc đớn
đau để cùng nhau hòa hợp xa lìa vọng tưởng.
Nhâm-Thìn
lại đến Nhâm-Thìn đến,
Ảo
tưởng phải đi, ảo tưởng từ.
Quê hương viễn xứ nhưng còn đó
Vị
ngọt thân thương vẫn kết tròn
Con
cháu sinh thành sau vẫn biết
Màu
cờ, văn-hóa mãi tròn vo.
ĐNMT
4/18012012
---oOo---
Dẫu ở nơi
nào cũng quê hương
Êm đềm nước
chảy vấn niềm thương
Nơi em
sinh dưỡng trao tâm chánh
Dân chủ tự
do bát chánh trường
4/18012012
Cung nghinh rồng đến cười hoan-hỷ,
Chúc khắp nơi nơi trí tuệ trì,
Tân tiến từ-bi luôn chân chánh,
Xuân chồi mai nở giá đông đi.
(Xuân chồi thay lá giá đông đi)
7/14012012
No comments:
Post a Comment