Trống tan trường vang
lên. Thằng Hoài đã thoăn thoắt đi thật nhanh. Nhỏ An lúp xúp chạy sau gọi:
Ành: Minh họa |
- Hoài ơi, cho An mượn
tập toán đi, viết của An hết mực nên không chép được đề toán rồi, chiều
An trả tập lại nhé!
Nhà nhỏ An trên mặt lộ
còn nhà Hoài ở cuối xóm sát bờ ruộng. Nhỏ An đi theo con đường cát trắng. Dọc
theo con đường là con mương nhỏ nước trong veo, mấy con cá nhỏ tung tăng trồi
lên rồi lặn xuống chốc chốc lại chui vào mấy bụi môn dại bên bờ. Nhỏ An thích
thú nhìn mãi. Đến nhà Hoài rồi .Với nhỏ An nhà Hoài như vườn địa đàng vậy. Bờ
rào quanh nhà ba Hoài cắt đều thẳng tấp. Cây cau nào cũng phủ những lá trầu
xanh vàng. Cái sân gạch rộng và những cây kiểng uốn hình nai , phượng thật đẹp.
Đi băng qua sân gạch vào đến nhà trong, An thấy bà nội của Hoài đang lúi húi
hái trầu, rồi vội chào hỏi:
-
Bà năm ơi, bạn Hoài có ở nhà không ạ?
-
An hả … thằng Hoài câu cá ở đầu vườn đó con à.
Nhỏ
An ra trước nhà , gian nhà thờ rộng, chiếc bàn to giữa nhà là bàn học của Hoài.
An đặt tập xuống bàn. Cuối bàn là một dọc keo thủy tinh cá lia thia. Nhỏ An
tròn mắt … trời ơi sao nhiều cá và con nào cũng xòe đuôi thật rộng đủ màu đỏ,
tím, lam sặc sỡ. Nhỏ An thích nhất là con cá đuôi màu xanh óng ánh như
ngọc. Giữa các keo cá Hoài còn cẩn thận chèn mấy miếng lá chuối vào giữa để các
chú cá hiếu chiến không lao vào thành keo. Ngắm cá đã no mắt, nhỏ An đi về phía
cuối vườn. Rẻo đất nhỏ sát bờ ruộng mẹ Hoài trồng một liếp rau thơm xanh um cả
mấy cây ớt đỏ xum xuê trái. Nhỏ An thích nhất là cây dừa nghiêng mình ra ngòai
ruộng giống như chiếc xích đu giữa cánh đồng lộng gió. Hoài đang ngồi ở mép
vườn giỏ đựng cá bên cạnh. An buột miệng gọi:
Hoài
quay lại ra dấu cho An đừng làm ồn cá sẽ chạy mất. Như mọi khi, nhỏ An leo lên
gốc dừa ngồi đón gió chiều mát rượi và ngắm nhìn những đám mây trắng bồng bềnh
trôi trôi bên trên hoặc thưởng thức mấy bông hoa lục bình tim tím bên bờ mương
ven ruộng. Đàng kia thằng Hoài chốc chốc lại giật cần câu lên mấy con cá rô cứ
thế lại chui vào giỏ. Nhỏ An không hiểu tại sao đám ruộng đầy bèo như thế tại
sao có nhiều cá đến vậy. Thỉnh thoảng mặt bèo động đậy và Hoài kéo cá lên. An
ngồi xem Hoài câu cá, thỉnh thoảng ngước lên dõi mắt ngơ ngẩn nhì theo mấy con
diều xa xa về phía bờ cát dài chạy dọc theo con kênh dưới đồng ruộng.
Lúc sau, thằng Hoài đứng dậy:
-
An ơi, lên thôi, đầy giỏ cá rồi.
Nhỏ
An thích thú giành xách dùm giỏ cá, mấy con cá nhảy tưng tưng trong giỏ chung
với mấy lá môn mà Hoài chèn vào. Nhỏ An nhớ lúc nãy thấy ở nhà An có nhiều cá
lia thia nên hỏi:
-
Sao Hoài có nhiều cá lia thia thế!
-
Cậu của Hoài xúc phụ đó. Cá lia thia cũng hơi khó tìm nếu mình không biết
cách … chỉ có cá bảy trầu là nhiều thôi.
-
An thích con cá đuôi xanh quá vảy và đuôi nó óng ánh thật là đẹp … ước gì An có
một con.
Thằng Hoài không nói gì .Lúc An ra vể
thằng Hoài bảo:
- An chờ một
chút.
Lát sau Hoài cầm ra lọ cá màu xanh, rồi
nói:
-
Cho An đó, nhớ vớt lăng quăng cho nó ăn nhé!
Nhỏ An mừng quá, cầm lọ cá chạy thật nhanh quên
cả cảm ơn anh bạn nhỏ của mình.
Về đến nhà, nhỏ An để
keo cá lia thia trên bàn ngay chỗ mà mình hay ngồi vào học bài mỗi ngày. Chiếc
keo chỉ là lọ keo chao cũ mà Hoài đã dùng giữ cá lia thia, nhưng An lại cảm
thấy thích nó ghê. Nó đã được Hoài chọn lựa lau chùi sạch sẽ và trông thật
vuông vắng lịch sự, vả lại có thêm màu sắc của chú cá lia thia bơi lượn qua lại
trong đó làm càng thêm đẹp mắt. An rất thích và mê mãi ngắm nhìn, bỗng dưng chị
Bình của An xuất hiện, ngạc nhiên hỏi:
- Cá lia thia ở đâu mà
đẹp vậy?
- Của Hoài ở dưới đầu
vườn mới cho em đó.
- Em bây giờ cũng biết
chơi cá lia thia nữa há.
- Chớ sao, cá đẹp quá
hà. Chị không thích sao?
Chị Bình cuối xuống nhìn chú cá lia thia như có
vẻ quan sát, suy nghĩ gì đó rồi nói:
- Cá đẹp thiệt, nhưng
chỉ có một mình trong keo trông cô đơn và lẻ loi quá!
Nói
xong chị Bình bỏ đi qua gốc cây me nói chuyện gì đó với mấy người hàng xóm ...
và chỉ còn lại một mình An ngồi ngắm cá, ngắm món quà của Hoài mới cho mình. Vì
học chung và chơi thân với Hoài nên An cũng hơi biết nhiều về thú chơi cá lia
thia nhất là những khi xem Hoài cho cá đá với nhau. An cũng được nghe Hoài giải
thích thêm rằng chỉ có cá trống mới có màu đẹp sặc sở và có thể đá với nhau, còn
cá mái khi vớt lên được rồi cũng phải thả xuống ruộng vì không có màu đẹp và
biết đá như cá trống. An còn được biết thêm nữa hể có hai con cá trống chung
một keo thì tụi nó sẽ phùng mang đá chọi sống chết với nhau. An ngồi ngây ngô
nghĩ về lời chị Bình mới nói và mỉm cười tự nhủ rằng:
- Chị Bình không rành
về cá lia thia như em đâu. Nó lẻ loi thì có sao đâu, nhưng nếu có thêm một con
nữa bỏ chung vô đó, tụi nó đá lộn sống chết với nhau thì còn gì đẹp nữa mà em
ngắm.
Nhỏ
An nhìn ra ngoài cửa ... nắng chiều đã xuống thấp trên ngọn cây me trước nhà và
đường xá cũng bớt ồn ào vì lượng xe qua lại cũng thưa thớt dần. An đi xem
lại và châm dầu hôi cho mấy cây đèn dầu để tối đến khỏi phải bị lụp chụp mò mẫm
khi đang học bài nếu giữa chừng mà đèn lại hết dầu. Đêm nay trên bàn học của An
sẽ có chú cá cùng học bài với mình và chắc chắn đề toán mượn của Hoài chép lại
hồi chiều sẽ thoải mái nhẹ nhàng có đáp số cũng như lòng An đang rất vui về chú
cá lia thia, về món quà mà Hoài mới cho mình.
-
Ôi, cá lia thia ơi, mi trông rất sặc sỡ và đẹp đẽ. Cám ơn mi đang học bài cùng
ta nhé.
Nhỏ
An vừa học bài và thỉnh thoảng ngước lên nhìn cá, thầm cảm ơn nó … rồi
trở lại cắm cúi học bài tiếp. Trong lúc đang đọc sách làm bài tập, chợt
An ngưng học bài và ngước nhìn cá thật lâu vì mới vừa nhận ra điều gì mà An
không hiểu rõ lắm … rồi nghĩ đến Hoài, đứa bạn học chòm xóm đã thật tốt bụng và
hiểu An hơn ai hết. Chỉ nói sơ qua thì Hoài đã biết An rất thích con cá
lia thia sặc sỡ này và đã nhường lại, tặng cho mình. An lại mỉm cười và cảm
thấy thật vui rồi nghĩ đến sáng mai khi đi học sẽ gặp Hoài để cảm ơn.
Cũng
từ đó nhỏ An và Hoài càng đi chơi thân với nhau hơn, càng quấn quít vui đùa với
nhau thật hồn nhiên trong cảnh thanh bình mộc mạc cùng ruộng đồng thơm
mát của quê hương.
****
Dưới đầu vườn những
thửa ruộng đã qua mùa gặt hái như đang trãi mình ngơi nghỉ, thảnh thơi để
yên những gốc rạ cuối cùng nghiêng ngã cùng một ít lượng nước đọng
lại trong ruộng để trở thành những chốn sanh sôi nẩy nở lý tưởng
cho các sinh vật ở đồng quê. Những loại rau đồng cũng tự mọc lên trong khoảng
thời gian này. Ông cậu của An cũng thỉnh thoảng ra ruộng hái rau giá
thao, rau đắng, bông súng … đem lên cho nhà An và rồi má An đã biến nó trở
thành những món ăn ngon của gia đình như giá thao luột chắm nước tương,
canh rau đắng, bông súng xào … Lũ trẻ trong làng vào mùa này cũng hay rủ nhau
ra đồng bắt cua, tát cá, bắt ếch, bẩy chim … Như bao trẻ con trong làng, nhỏ An
rất thích những thú vui này. Nhưng điều mà An thích hơn cả là những lúc cùng đi
với Hoài ra ruộng vớt cá lia thia. Những lần đầu đi cùng Hoài, cũng cùng có một
cái rỗ như Hoài, nhưng An không vớt được cá lia thia mà chỉ là cá sặc, cá bảy
trầu gì gì không đâu. An vừa vớt thêm một rỗ nữa và lại châu mài cau có:
- Lại một con cá bảy
trầu!
Hoài thấy vậy mới chỉ lại những lời của
cậu mình đã chỉ dẫn lúc trước:
-
Cũng như cá sặc và cá bảy trầu, cá lia thia thường hay ở những nơi có rong và
nước hơi đọng lại. Những con cá lia thia đá hay thường làm một ít bọt trên mặt
nước và chúng thì sinh sống ngay dưới đó. Mình chỉ cần đi tìm những bọt này và
đưa rỗ xuống đáy vớt lên thì sẽ vớt được cá lia thia. Còn á sặc cũng có
khi làm bọt nhưng bọt nó rời rạt hơn, có biết chưa?
Nhỏ An làm theo lời
Hoài và quả thật lại vớt được nhiều cá lia thia hơn, nhiều đến nỗi An phải bắt
chước Hoài chỉ lựa những con to, đẹp bỏ vào lọ nước và thả lại những con không
muốn. Những lần đi ra ruộng vớt cá lia thia về, Hoài tỉ mỉ chỉ cho An cách chọn
cá đá hay và cẩn thận rửa sạch những lọ keo, cho nước giếng vào keo rồi cho cá
vào đó. An còn học thêm được ở Hoài một “bí quyết” để huấn luyện cá đá hay hơn
bằng cách đi vớt một ít lăng quăng để nuôi cá, cho tất cả vào trong keo, đậy
nắp lại rồi đem chôn dưới đất. Ít ngày sau lấy lên thì con cá lia thia sẽ càng
trông sặc sỡ và rất hung hăng. Nhưng có lẽ vì ảnh hưởng của má mình nên bản
tính của An rất hiền hậu và không hợp lắm với những gì quá bạo lực, hung hăng.
An chỉ thích vẻ đẹp của cá lia thia và ngắm màu sắc óng ánh của nó. An cũng rất
nhạy cảm và hay xúc động. Có khi cá bị gì đó không còn bơi được nữa cũng làm An
khóc … khóc thiệt tình với những dòng nước mắt chảy ra hẳn hoi. Dù chỉ là con
cá lia thia thôi mà An cũng đã như vậy, không biết sau này nếu có chuyện gì to
tát hơn thì An sẽ còn khóc nhiều như thế nào nữa. Hoài cũng đã nhiều lần gọi An
là “mít ướt” và người gì đâu sao nhiều nước mắt quá!
Dù tính tình là vậy, nhưng Hoài vẫn thích chơi
chung với An, cùng chia sẻ, nô đùa với nhau qua các thú vui ở đồng quê. Trong
các trò chơi, hình như Hoài có vẻ biết nhiều hơn và thường đóng vai
như người hiểu biết trước và hướng dẫn lại cho An. Còn An thì cảm thấy
thích hợp đi chơi với Hoài hơn, học hỏi được ở Hoài, và thường hay chạy
theo Hoài để được chơi chung mỗi khi thấy có trò chơi gì mới.
Như một lần nọ,
lúc đi học về nhỏ An thấy thằng Hòai đi từ tiệm tạp hóa ra ôm khệ nệ cái túi
to. An buột miệng hỏi:
- Hòai mua gì mà nhiều
vậy!
- Hòai mua dây kẽm và
dây cước để làm diều đó mà.
- Thả diều hả? Cho An
đi với được không?
-
Có đi chơi được không, biết mẹ An có cho đi không… với lại con gái ai mà đi thả
diều!
Nhỏ
An phụng phịu:
- Có sao đâu, con
gái cũng thả diều được chứ bộ. Hòai sẽ dạy An hén. Chắc chắn là An sẽ xin phép
đi được.
Thằng Hòai gật đầu:
- Ừa, tui sẽ làm cho An
con diều thật đẹp. Chiều thứ Bảy, An xuống đi tụi mình sẽ ra bờ cát thả diều
với các bạn vui lắm.
Nhỏ
An xuống nhà Hòai … chàng ta đang ngồi trước sân với hai con diều: một
con làm bằng giấy báo nhật trình, còn con kia thì mặt và đuôi đủ màu có cả hai
con mắt diều nữa. Nhỏ An reo lên:
- Ôi con diều này đẹp
quá.
Thằng Hoài cười thật tươi:
- Vì An là con gái nên
Hoài làm cho con diều mái đó.
Ba má Hoài đứng gần đó nghe thấy hai đứa nhỏ trò
chuyện, làm diều đều phì cười. Thằng Hoài đưa diều cho An xong là hối liền:
-
Gió lên rồi chúng mình đi thôi.
Hai đứa chạy trên bờ ruộng. Cỏ xanh dưới chân
mát lạnh. Dưới mấy đám ruộng những bông súng trắng đang mùa khoe nhụy vàng và
xoe tròn trông thật xinh đẹp. Nhỏ An nhìn bông súng chợt la lên:
- Bông súng đẹp
quá Hoài ơi.
Thằng Hoài vừa chạy vừa nói:
- Lát về Hoài sẽ hái
cho An hén!
Đến bờ cát đã có mấy tên con trai ở đó
nhận ra An và hét lên:
-Trời ơi, tiểu thư An
mà cũng đi thả diều nữa sao?
Nhỏ An cười:
-
Cho An chơi với mà!
Trẻ con ở thôn quê có vẻ dễ hòa đồng hơn nên mấy
đứa con trai vui vẻ đón nhận An rồi cả nhóm cùng nhau vui đùa trên bờ cát.
Nắng đã dịu xuống và
gió chiều cũng đã bắt đầu thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Trên bờ cát giữa cánh đồng
ruộng đã bắt đầu thấy những cụm diều nhiều kiểu khác nhau đang bắt đầu bay lượn
trên vòm trời xanh. Người lớn hơn thì có những kiểu diều to hơn, bay cao hơn và
có con lại phát ra cả tiếng hót khi căng gió. Còn nhóm nhỏ của nhỏ An và thằng
Hoài thì diều tuy nhỏ hơn nhưng khi ăn gió thì cũng bay khá cao và hợp hơn với
sự kiểm soát của tụi nó. Một vài đứa nhỏ trong nhóm tụi nó đã bắt đầu cầm diều
lên chạy theo bờ cát và từ từ nhả diều lên cho tới khi diều ăn gió, cất cao cho
đến hết dây. Nhỏ An thấy vậy nên cứ nhảy đong đỏng vì muốn được thả diều ngay
nên nói với thằng Hoài:
Đây cũng là dịp để thằng Hoài trổ tài chỉ cho
nhỏ An biết cách làm sao để thả diều và làm cho diều được ăn gió phất phới cất
lên cao. Nó nói với nhỏ An:
-
Coi nè. Tay trái cầm cuộn dây và thả cho dây ra khoảng
vài thước, xong tay phải cầm lấy sợi dây ngay đầu diều, đưa diều lên khỏi đầu
rồi từ từ chạy ngược lại hướng gió thổi. Khi tay phải cảm thấy gió bắt hơi mạnh
mặt dưới của đầu diều thì buông tay phải thả diều ra. Tiếp tục chạy và cả hai
tay nắm lấy cuộn dây và từ từ nhả dây ra trong lúc diều từ từ bắt lấy gió và
cất lên cao.
Nói xong, thằng Hoài lấy diều nó ra làm thử cho
nhỏ An xem một đoạn khi diều lên cao được một khúc thì nó từ từ cuộn dây vô và
lấy diều lại. Nó cầm tay trái của nhỏ An để chỉ cách nắm cuộn dây và tay phải
chỉ cách nắm dây nơi đầu diều. Nó bắt nhỏ An chạy qua chạy lại mấy lần rồi mới
nói:
- Ừa, được rồi đó. An
tự thả diều được rồi.
Tới lượt nhỏ An tự làm thử con diều của mình và
là vì lần đầu nên nó phải làm đi làm lại năm bảy lượt mới thả được. Khi con
diều của nó căng gió lên cao và hai đuôi diều đủ màu sặc sở phe phẩy trong gió
chiều giữa đồng quê dịu mát làm nhỏ vui mừng như chưa bao giờ nó được có cảm
giác hạnh phúc vui sướng như thế này.
Bầu trời chiều quê bay lượn những cánh diều. Bọn
trẻ đứa nào cũng say sưa dỏi theo cánh diều của mình. Gió chiều cứ thế đưa
những cánh diều bay cao bay cao. Nắng đã xuống, nhỏ An giật mình gọi Hoài:
- Hoài ơi về thôi, mẹ
An không cho về trễ đâu.
Thằng Hoài nghe thấy vội cẩn thận giúp bạn cuộn
dây lại rồi cùng ra về. Ngang qua đám ruộng có nhiều hoa súng chàng ta leo
xuống hái vội cho An mấy bông. Nhỏ An vui mừng cảm ơn rối rít. Thằng Hoài ngạc
nhiên vì chỉ có mấy bông hoa súng thôi sao mà An vui đến vậy…. rồi nó mỉm cười
và nhìn lên hướng đầu vườn. Những ánh nắng yếu ớt buổi chiều cũng vội vã từ hồi
nào rủ nhau lặn đi thật nhanh chóng. Ếch nhái ểng ương bắt đầu hòa tấu. Nhỏ An
lại giục Hoài:
- Hoài ơi chạy nhanh
thôi, An sợ tiếng ểnh ương lắm nó buồn làm sao.
Thằng Hoài ôm hai con diều nhỏ và An cầm mấy
bông súng chạy thật nhanh. Về đến ngỏ nhà Hoài, nó nói:
- Đến nhà Hoài rồi…
Thôi để Hoài đưa An về vì trời sắp tối rồi.
Nhỏ An nhìn bạn mình lòng rất cảm động. Hai đứa
chạy đua chả mấy chốc đến nhà An. Đêm đó nhỏ An ngủ thật ngon … nhỏ mơ
thấy mình và Hoài biết bay như cánh diều giữa bầu trời xanh thật là thích.Trên
đầu nhỏ là một vòng hoa súng thật đẹp…. và nhỏ cứ bay bổng bồng bềnh bồng bềnh
theo những đám mây...
(Còn tiếp ….)
No comments:
Post a Comment